Chương 23.
Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)
ĐƯỜNG ĐI NGUYÊN THÁI
23.Huyện Cam Giang Tú Thái lên đường,
Trấn Tuy Hòa dự vào canh bạc.
Những sự kiện lịch sử trong truyện này đều ở Thế Kỷ Ánh sáng (1), thế kỷ của những tư tưởng tiến bộ đổi chiều trong mọi lãnh vực: kinh tế, khoa học, triết học, chính trị …nhưng Ánh Sáng chỉ ở trời Âu Mỹ, còn ở xứ ta cũng như Trung Quốc vẫn là thế kỷ của u minh. Các nhà cầm quyền ở nước ta giương chiếc dù Khổng Mạnh cổ lỗ rộng lớn đến nỗi dân gian chẳng nhìn thấy ánh nắng mặt trời … Tham quyền cố vị là họ Trịnh …Mộng ước đoạt lại ngôi báu mà sơn son thiếp vàng đã sứt lở từ lâu là nhà Lê… Cõng rắn cắn gà nhà là Nguyễn và Lê. Hy vọng cuối cùng ở Tây Sơn. Tiếc thay cái chiến thắng, cái thanh danh quân sự không đem theo tư tưởng mới, lại trở về cái khuôn khổ Tống Nho Vua Quang Trung cũng lại theo ngàn xưa, từ chối không cho dùng Quốc ngữ mới mà chỉ dùng chữ Nôm, khó gấp đôi chữ Hán …cũng góp vào tội lớn đưa con dân váo vòng lạc hậu trí óc.
Quốc Đức về Kinh Bắc vào thời bắt đầu suy nhược của chúa Trịnh Sâm. Tranh chấp ngôi chúa gây thành loạn kiêu binh mấy năm sau, rồi, Quang Trung diệt Trịnh …rồi Nguyễn diệt Tây Sơn, xét ra chỉ là Việt Nam diệt Việt Nam, từ ngàn xưa tới nay chẳng gì thay đổi !
Bản danh sách hai mang của Phan Thanh Liểu thật đầy đủ. Quang Anh yết kiến chúa Trịnh Sâm, cùng Cao Hùng đề nghị:
- Chúa công hãy nghe chúng tôi, danh tiếng sẽ để lại ngàn thu. Sử xanh nước Việt chúng ta sẽ ghi tên chúa công ngàn đời. Chúa công hãy tuyên bố ngay, bỏ luật truyền tông, sửa soạn tổ chức Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai toàn quốc, tìm người tài đức trao quyền. Thế tử Tông và Thế tử Cán là căn nguyên rối loạn tiêu diệt sau này …-
Chúa đọc bản danh sách, suy nghĩ rất lâu không nói gì. Cái sợ truyền kiếp do bọn Hắc y Đạo gây ra cũng lây sang chúa hay sao ? Sau cùng chúa phán:
- Hiền huynh và hiền đệ để ta suy nghĩ.-
Quang Anh cáo từ vô cùng thất vọng. Cũng từ ngày đó không còn dịp vào Trịnh phủ. Còn Cao Hùng ở với chúa đến phút cuối cùng. Cao Hùng có can thiệp để chấm dứt những hành động tàn bạo của Đặng Mậu Lân, em Đặng Phi, nhưng không hiệu quả...
Quốc Đức cùng bé Thanh Mai về Kinh Bắc đã lâu là không thấy tăng dạng Phan Thanh Liễu ở Kẻ Chợ. Nàng đã sai lời hứa trở về trình diện trước tòa Song Lưu ? không chắc là cố ý !
Ngày quyết định nàng phải trình diện, Nông Tú Liên thay mặt. Tú Liên trình bầy mọi chi tiết, và chính Quốc Đức cũng góp ý kiến, cho nên tòa Song Lưu đã tuyên bố Phan Thanh Liễu trắng án. Nông Tú Liên đã tìm cách tin cho Thanh Liễu, nhưng nàng cũng chưa về nhận bé Thanh Mai. Danh sách bọn « hai mang » Tú Liên mang về là một tài liệu quí giá, nhưng nhiều tháng sau ở Trịnh Phủ không thấy dấu vết một vụ thanh lọc nào. Thế mới biết thời nào cũng vậy phe « hai mang » bao giờ cũng hùng mạnh ở nước ta.
Gần một năm sau, Thanh Mai và Quốc Bình đầy tuổi tôi, mà vẫn không thấy bóng dáng Phan Thanh Liễu. Quế Anh và Quốc Đức mang cả hai bé ra Chiêu Vân Các. Thanh Mai được Quế Anh chăm sóc như Quốc Bình, nhưng vì muốn đề phòng, gọi Thanh Mai là bé Chiêu Liên, em gái Quốc Bình. Ở Kẻ Chợ ít lâu thì được tin Tào Kiệt bị thủ tiêu, nhưng đã quen gọi bé Chiêu Liên, không thay đổi nữa. Song thân của Trương Vĩnh Qui có đến thăm cháu gái nhiều lần, nhưng không hề tỏ ý đòi, nên Quế Anh Dương Châu rất vui mừng. Nàng thực trìu mến Thanh Mai Chiêu Liên ngang với Quốc Bình.
Quế Anh Dương Châu lại chỉ huy Song Lưu Thương Xã, an ninh quân sự ở Chiêu Vân Các do Nông Tú Liên đảm nhiệm. Vì vậy Bố Y Quái Khách Quốc Đức lại lên đường làm nhiệm vụ hiệp liệt, trả nợ đời !.
Chúng ta hãy rời bỏ Kinh Bắc và Chiêu Vân Các để theo bước chân một trong những nhân vật chính truyện này, chàng Trần Nguyên Thái, ra mắt hồi đầu, cùng nàng Lương Thúy Quyên.
Trần Nguyên Thái, tức Tú Thái Quốc Đức ngẫu gặp ở huyện Cẩm Giang, khi Tú Thái mới mười sáu tuổi. Chắc hẳn quý vị độc giả còn nhớ khi ấy Quốc Đức cải trang làm tráng sĩ áo chàm, can thiệp vào vụ Mai tri huyện lộng quyền định sát hại một thương gia thuộc hội Song Lưu. Trong trận đấu với bè lũ tri huyện, Tú Thái sơ hở bị thương được Quốc Đức cứu khỏi, rồi trước khi chia tay, Quốc Đức có ghi hai câu trong quyển Viễn Trình Nhật Ký của Tú Thái:
Đường xuyên Việt nên qua Trấn Bắc
Nơi khí thiêng hun đúc anh tài
Viễn Trình Nhật Ký của Thái kể lại những gì tai nghe mắt thấy trên đường phiêu lưu. Quốc Đức cảm phục lời văn sáng sủa đồng thời thấy rõ những ý nghĩ trượng phu của chàng trai trẻ nên Quốc Đức khuyên chàng nên qua học Trấn Bắc. Và vì đã trót đóng vai ân nhân vô danh, cho nên hơn mười năm sau mới tiết lộ sự thực: Đặng gia đã đài thọ chi phí tất cả thời kỳ Tú Thái theo học Trấn Bắc Trường.
Cuốn Viễn Trình Nhật Ký của Trần Nguyên Thái được lưu lại tại thư viện nhà trường, chúng tôi xin kể một vài việc mà Nguyên Thái đã đóng vai chính.
Huyện Cẩm Giang đã trở lại cuộc sinh hoạt an lành, sau khi tráng sĩ áo chàm từ biệt mọi ngưòi đi sơn cước. Mai tri huyện chợt khám phá ra một hạnh phúc mới trong nhân từ thanh liêm. Trước đây tâm trí bận bề tính trước dự sau, bầy lũ đề phòng thù oán. Từ ngày được tráng sĩ áo chàm cải huấn, sau khi trả lại cho dân lành tất cả những của cải chiếm đoạt, tự nhiên cảm thấy thảnh thơi an nhàn. Mai điệt, tráng sĩ áo đen, mở trường dạy võ cho thiếu nhi. Mai công tử, hết bệnh nói lắp, được gửi đến làng Thượng Cát, nhập trường của Lương Sĩ Quý, khi Lương tiên sinh chưa được bầu lên làm Đại sư trường Trấn Bắc Trường. Bà huyện Mai gần hai năm luôn luôn đo chiều tóc mọc, thấy chồng con ham vui cũng không ham muốn gì thêm. Còn họ hàng của Mai tri huyện vẫn ỏ Cẩm Giang, nhưng ai nấy thật tâm tự túc trong các ngành thương mại. Thành ra huyện Cẩm Giang trở nên một trung tâm kinh tế quan trọng trong vùng. Thương gia họ Dương, hội viên Song Lưu Thương Xã được bầu vào hộI đồng thị chính, vì vậy Song Lưu Thương Xã cũng có thế lực ở đây.
Tú Thái lên đường một buổi sáng đầu thu. Dân chúng Cẩm Giang tiễn đưa nồng hậu. Quà bánh đầy phòng. Tú Thái cảm ơn mọi người, không nhận. Chàng sẽ đi bộ hàng ngàn dặm, hoặc dùng thuyền bè đường thủy, nhưng quyết định giản dị hành trang. Quan trọng nhất là thanh kiếm chuôi bạc, gia bảo họ Trần, túi thơ đựng quyển Viễn Trình Nhật Ký, nghiên bút, kèm theo một túi nhỏ lương khô. Túi tiền phòng thân chẳng có bao nhiêu, tổng cộng chưa chắc được hai lạng bạc. Thực là trái hẳn với Bố Y Quái Khách, trên ngựa thường đem theo vật dụng tiền bạc tương đương với cả một gia tài khá to của một gia đình trung lưu. Nhưng Bố Y cũng như Tú Thái không coi trọng tiền bạc, mỗi người có một chiến thuật đặc biệt đột nhập mọi môi trường.
Tú Thái quyết định ở lại vùng nào là làm việc cho vùng ấy để sinh sống học hỏi. Có nơi ở lại dạy học ít lâu, có nơi giúp việc ở nông trường, có nơi viết câu đối hoặc vẽ chữ hoa đại tự …
Sáng đầu thu ấy, Tú Thái, áo dài văn nhân Kẻ Chợ, đầu quấn khăn tam giang, tương phản với màu hoàng sa áo dài, đôi hải sảo đen. thanh bảo kiếm quấn trong tấm khăn nhẹ màu nâu, đầu buộc túi lương khô…đeo bên thắt lưng túi thơ, bấu rượu bạc nhỏ…khí thế văn võ tương đương, Tú Thái oai phong đúng bực.
Từ đầu Mão, mõ huyện đã rao vang phố phường:
- Tráng sĩ Trần Nguyên Thái lên đường hôm nay vào giờ Thìn, ở bến Cẩm Giang xin báo cho hàng phố hay !!! -
Tú Thái xấu hổ, cho người nói với mõ thôi rao, nhưng không công hiệu. Thế rồi, khoảng cuối Mão, hàng phố đông nghịt bờ sông. Người người đều có cảm tình với Tú Thái, xô nhau ra tiễn, như người nước Yên tiễn đưa Kinh Kha đi ám sát Tần Vương ! Tú Thái hết sức ngượng ngùng, nhưng lễ độ, chàng cố hết sức đến trước từng người nói vài câu từ biệt.
Lạ lùng và cảm động: Mai tri huyện cùng gia đình cũng có mặt, lẫn trong đám dân chúng. Tú Thái đến trước mặt Mai tri huyện vòng tay:
- Ngu sinh xin tạm biệt Mai lão gia, thế nào cũng có ngày hội ngộ ! Xin phép Mai lão gia và Mai bà cho phép chào Mai tiểu thư !. Nói xong, chàng quay sang phía Mai Trang Hồng:
- Rất tiếc không được ở lại cùng Mai tiểu thư bình luận thơ Tống, để được học hỏi thêm. Nếu trời thương, xin một ngày kia hội ngộ …nhưng trên đường xa vạn dặm, vật báu giữ gìn -, nói tới đây, đặt tay vào bình rượu bạc chạm đôi phượng hoàng.
Mai tiểu thư vòng tay đáp lễ, định nói gì nhưng không ra tiếng, nhưng khoé mắt cảm tình mà Tú Thái đã nhận từ lầu.
Mai tiểu thư là con một vị đại thần bên phủ Trịnh, anh họ của Mai tri huyện, ở Kẻ Chợ về thăm chú thím được hơn tuần nay. Mai tiểu thư tên Trang Hồng, thông lầu kinh sử, sở trường thơ Tống. Trong một bữa tiệc do Mai tri huyện đãi ở công quán Cẩm Giang, Tú Thái được dịp bình luận thơ văn với Mai tiển thư. Mai tiểu thư cũng chỉ ở tuổi trăng tròn ,vẻ đài các kinh thành càng làm tăng nhan sắc. Tú Thái hết sức kính trọng. Tú Thái tặng nàng một bài thơ Tống viết thảo cực kỳ bay bướm. Nàng tặng lại bình rượu bạc chạm mà chàng đem theo hôm nay.
Tú Thái xuống thuyền, vòng tay cúi chào đáp lễ mọi người, tần ngần nhín phía Trang Hồng, nhưng nàng đã ra về từ lúc nào không biết.
Chủ thuyền tháo dây, gọi thủy thủ giương buồm ngược dòng lên Bắc.