Chương 40.
Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)
40. Ghi viễn trình thảm kịch Hiên Giang,
Nạn nhân thành danh ca bịt mặt.
B ộ ba hàn huyên thâu đêm, và đây là chuyện nàng Hồng Diệp do Bùi Hiền Duyên kể lại:
« Phủ Hiên giang trên bờ một sông nọ, chi nhánh của Hồng Hà, sâu nội địa về phía tây, không phải đường đi của Bắc xâm hay Nam tiến, là một đô thị phồn thịnh, trên bến dưới thuyền. Gia cư nếp nếp, tiệm quán từng hàng. Cảm tưởng là thái bình đã được mấy đời. Văn học cao độ trong khuôn khổ cổ xưa; một đền thờ Khổng tử là tiêu biểu của nên học vấn này. Đô thị này chia làm năm phường mang tên mấy thứ hoa: Bạch Liên, Bội Quỳnh, Bội Lan, Hồng Trà, Hoàng Lan…Những ngày phiên chợ, ngựa xe chật phố, đầy đường.
Trị vì, một quan phủ họ Nguyễn, được tiếng thanh liêm đạo đức. Bà phủ là người gương mẫu, nếu quan phủ ta từ biệt bà đi trước, chắc chắn bà sẽ ở lại với sắc vua Tiết Hạnh Khả Phong. Rồi đến hàng thư lại cũng đạo đức đề cao, chỉnh tề quần áo, văn chương lời nói. Năm phường trưởng và nhân viên giúp việc cũng tranh đua đóng vai hiền nhân quân tử. Đó là phượng diện hành chính với cảm tưởng chung là Trịnh Lê hòa hợp.
Còn về quân sự, đấng trị vì là tổng binh họ Trịnh, một chàng oai phong lẫm liệt, hồng diện, hắc tu. Có người hài hước « coi tướng ông tướng » cho là « hồng diện đa dâm ý »! Những câu đối hoành phi trong dinh đều gàn cho ông tướng nào là văn võ song toàn, nào là Tôn Tử tái sinh, nào là Gia Cát hậu duệ. Tính sổ chiến công thì ông tướng chưa dự trận nào đáng kể. Đó mới là cái tài Gia Cát Lượng của ông: Không ở chiến trường mà lên tướng. Cứ theo gia phả thì ông dòng dõi ba đời vệ úy. Đời Trịnh Tráng, ông tổ họ Lê xin đổi họ Trịnh, sau một quân công giúp chúa, cho nên ngày nay ông mang họ Trịnh. Ông lên tướng qua tướng bà.Đặng. Nghe nói họ hàng gì với Đặng phi. Tổng tham mưu của tướng ông là tướng bà. Tiếp vận quân lương, quân nhu phải qua mắt tướng bà. Bản đồ án binh cũng được bà khôn ngoan giúp đỡ: nhiều đồn nhỏ đóng dọc sông.. Thuyền bè qua lại, hoặc đến bến phủ đều đóng một thứ thuế an ninh gây quỹ « xã hội » cho binh sĩ mà chính bà đỡ đầu kiểm soát.
Biết rằng binh sĩ Tướng công đại đa số làm nhiệm vụ quân dịch, không phải quân binh chuyên nghiệp, nên không có gia đình hay vợ con đi theo. Giữ vững tinh thần quân đội thì phải có nơi « xã hơi », tướng bà khuyến khích mụ dầu « trụ trì » ở phường Bạch Liên khuếch trương nhà thanh lâu của mụ. Chẳng bao lâu thanh lâu của mụ nổi tiếng khắp vùng. Khách thập phương đến đóng góp mỗi ngày thêm đông. Rồi tướng bà cũng không khước từ những món tiền mụ dầu mang đến tạ ơn. Nhưng đạo đức không cho phép, tướng bà khinh bỉ ra lệnh cho thị tỳ:
- Mang vào, cất một chỗ…tao không muốn biết thứ tiền này…để tướng công về định đoạt.-
Thế mới biết tướng bà tổng tham mưu, đa mưu túc trí. Một nguồn lợi khác thêm vào quỹ « xã hội » binh sĩ. Con nhà giàu đi quân dịch được bố mẹ hay vợ con tiếp tế qua tay bà, mà muốn vào binh chủng của tướng ông sau này an toàn trở về, thì cũng đừng quên đóng góp cho phải phép.
Mỗi tháng có mở hội Tao Đàn, bình văn, thi họa, thi kỳ, tấu nhạc. Chủ tọa thường xuyên là Nguyễn tri phủ, ban giám khảo gồm có các chức vụ quan trọng, kể cả.... Tổng binh « văn võ song toàn » họ Trịnh.
Cầm kỳ thi họa Tao Đàn, mở rộng cho tất cả nam nữ trong phủ, bất chấp tuổi tác, giàu nghèo, trình độ học vấn. Có nhiều khi được nghe những bài thơ con cóc, những bài ca con cá…nhưng nếu quan phủ hay tổng binh khen hay thì mọi người cũng tấm tắc ngợi khen.
Cái xã hội an lạc thuần phong mỹ tục ấy ngày nay cứ theo giòng hạnh phúc êm đêm, nếu một ngày kia không xuất hiên nàng Lê Hồng Diệp mà tài ba đã nổi bật hẳn trên đám vô danh. Và cũng vì cái tài hoa ấy, mà tai vạ đã đến với nàng một cách bất ngờ.
Nhắc lại: trong phòng riêng cùng Bạch Ngọc, Nguyên Thái nghe Hiền Duyên kể chuyện nàng Hồng Diệp, danh ca bịt mặt. Chàng cho là Bạch Ngọc, con người hành động, chuyên về dược, tuy biết chuyện, nhưng chắc hẳn không thể kể một cách đặc biệt như Hiền Duyên…
Thực vậy, nàng kể chuyện bằng đôi môi, bằng cả đôi mắt, và dáng điệu, cử chỉ thính giả bị hấp dẫn bởi thanh âm câu nói, khi hài hước, lúc đau thương. Vừa nghe vừa viết ngay, nhưng Nguyên Thái rất tiếc, không thể viết lại như người kể. Chàng quyết định sẽ gửi cho Ngô nương Vi Linh mong nàng viết lại.
Hồng Diệp là con gái duy nhất của ông bà Lê Xuân Tịnh, chủ nhân một tiệm bán sách, giấy bút ở phường Ngọc Quỳnh. Vợ chồng họ Lê ham mê đọc sách, nên mở tiệm sách. Ông bà lại thích giao du. Mở tiệm sách là gặp những hào hoa phong nhã, tránh những tục tử phàm phu…Tới đoạn này, Hiền Duyên thở dài: « than ôi, trong mỗi hào hoa phong nhã đều có giấu một phàm phu tục tử chỉ chờ thời thức giấc! "
Hồng Diệp nếu là con trai chắc đã thám hoa, bảng nhỡn? Nhưng tiếc thay, nàng chỉ là một nữ nhi, từ ngàn xưa trói giữ trong tam cương ngũ thường. Ba bốn tuổi đã biết đọc biết viết. Đến tuổi trăng tròn nàng đã đọc hết những cuốn sách ở tiệm nhà. Rồi chính nàng nghiên cứu sách cổ xưa, rồi nàng chỉ cách cho thân phụ buôn sách hiếm…Vì thế nhiều người ở Kẻ Chợ cũng nghe danh tiệm sách Xuân Tịnh. Ba ngày thuyền từ Kẻ Chợ tới đây, mua một quyển sách quý, về nhà ba ngày nữa, là chuyện rất thường trong giới văn chương.
Càng thêm tuổi, càng xinh đẹp. Tưởng rằng tất cả giai nhân trong các cuốn truyện nổi danh đều kết tinh vào Hồng Diệp.
Hồng Diệp mười sáu và năm Nguyễn tri phủ cao hứng mở các cuộc trình diễn văn nghệ bất phân nam nữ, chủ chốt là thi văn học tứ tài, cầm kỳ thi họa. Mọi người hào hứng tranh đua. Hồng Diệp không hề tham gia, dửng dưng.
It lâu sau, bạn bè thúc đẩy, nàng ghi tên.
Ngôi sao sáng tỏ giữa đám đèn cầy lù mù chỉ chờ gió dập. Các mệnh phụ phu nhân bắt đầu liên minh chỉ trích ban giám khảo. Họ tìm cách bênh vực các tiểu thư và công tử con nhà « quí phái ». Con bé hàng giấy bút tại sao cả gan so sánh với lá ngọc cành vàng? Nhưng con bé hàng giấy bút lại là hoa khôi của Hiên Giang.
Hoa khôi Hiên Giang Hồng Diệp vào chung kết cuộc thi cờ. Địch thủ là ai? Không quan trọng, chỉ biết vì có sức mạnh vô hình thúc đẩy, tướng ông họ Trịnh tuyên bố nàng thua vì thời gian suy nghĩ quá lâu!
Hồng Diệp chấp nhận không khiếu nại, gửi tướng ông họ Trịnh một ánh nhìn trách móc. Nàng biết là chưa hề quá thời gian tính nước.
Ánh nhìn đó làm Trịnh tướng công xao xuyến lương tâm và cả con tim. Mà ánh nhìn đó cũng là bắt đầu cái thảm họa sắp đến.
Tướng ông một chiều kia, giục ngựa đến tiệm Xuân Tịnh. Lấy cớ chọn mấy cuốn sách quý, và ngỏ ý muốn mua quyển Tôn tử binh pháp, bản chính! Lê quân lễ phép nhận lời, không dám giải thích là bản chính từ xa xưa, làm sao mà có? Sau cùng tướng công trịnh trọng.
- Bản súy đến đây còn mục đích nữa. Bản súy muốn gặp lệnh nữ nói chuyện về ván cờ chung kết! -
Nói như truyền lệnh. Ai có thể trái lời một tướng súy mà quyền hạn có thể cao hơn cả đường quan tri phủ? Lê chủ nhân cho gọi Hồng Diệp từ lầu xuống sảnh đường.
- Tiện nữ Hồng Diệp, xin kính chào tướng công! – nàng chắp tay hơi cúi mình.
Trịnh tướng công không đứng dậy, khẽ gật đầu, vẫn giữ vị thế ngồi của một võ tướng: hai chân mở rộng, hai bàn tay dể trên hai đầu gối, và kiếm báu đeo sau lưng. Tuy đã mười tám và đọc nhiều sách, truyện, Hồng Diệp vẫn còn ngây thơ con trẻ. Nàng không để ý đến thái độ kiêu ngạo của tướng ông.
- Chào cô nương - tướng ông nói – tôi đến nói tại sao tôi phải tuyên bố cô nương thua trận. -
Hồng Diệp:
- Tiện nữ đã để quá thời hạn? -
- Không phải thế. Vì vậy hôm nay bản súy đến xin lỗi cô nương. Xin cô nương bầy lại ván cờ bỏ dở ấy…-
Hồng Diệp tuân lệnh ngây thơ, hào hứng vào cuộc. Chỉ có năm bước, tướng ông vào thế bí, không thể chuyển được quân nào khác ngoài hai tốt biên. Mà hai tốt biên sang sông thì mất bởi hai tốt của địch.
Tướng ông, nhân dịp Hồng Diệp đưa tay chuyển pháo đầu, vừa đúng lúc Lê chủ nhân phải ra ngoài cửa hàng, đưa hai tay ra cầm tay Hồng Diệp. Hồng Diệp hốt hoảng mắt đỏ rừ, rút tay không nổi. Tướng ông nói:
- Lê cô nương là một nàng tiên giáng thế đánh cờ. Bản tướng xin hàng phục !-
Chủ nhân trở vào. Tướng ông vội rời tay Hồng Diệp, tuyên bố:
- Lê tiên sinh, quả nhiên lệnh nữ là thần kỳ. Tiểu tướng tôi xin hàng phục. Có dịp sẽ xin lại đây bái lĩnh những thế cờ độc đáo -
Tướng ông chấp nhận ba tiếng « Tiểu tướng tôi ». Uống hết chén trà gia nhân vừa bưng ra rồi cáo từ.
Hồng Diệp thẹn thùng không nói cho thân phụ biết cử chỉ bất ngờ của Tướng ông.
Mươi hôm sau, Tướng ông đơn kiếm độc mã tới tiệm Xuân Tịnh, không đem theo võ quan tùy tùng và tiểu đội hộ tống ngoài đường như lần trước. Tướng ông biến thành nhã nhặn, lịch sự. Tướng ông xin thụ giáo Hồng Diệp. Hồng Diệp đề phòng, chuyển quân nhanh nhẹn, rút tay về. Nhưng vì lương tâm « sư phụ » vẫn thắng.
Cứ thế vài lần nữa, thấm thoắt đã một trăng.
Hàng phố bắt đầu đồn đại những chuyện không đâu. Những người hầu cận của tướng công, gián điệp của tướng bà, bắt đầu báo cáo tướng bà nhiều chuyện tưởng tượng.
Họ Lê nhận thấy nguy cơ, khuyên con:
- Con ơi, nhà ta đang mang tiếng cầu sang tìm quý. Trịnh tướng công định tâm chuyện gì, chưa chắc hẳn. Thôi, lần này, nếu tướng công đến, con chịu thua đi…như vậy tướng công không còn cớ gì trở lại đây -
Hồng Diệp nghe bố mẹ, nàng để nhiều nước hớ, tướng ông vinh quang thắng trận. Nàng nói:
- Tiện nữ xin hàng phục, tướng công từ nay, xin đừng mất thì giờ lại đây nữa! -
Tướng ông vội vàng vạch rõ chiến đích:
- Xin phép cô nương, tôi nói thẳng, trước khi trình với song thân cô nương. Tôi muốn cô nương về dạy tôi trăm năm dưới trướng…-
Hồng Diệp hốt hoảng:
- Thưa tướng công, tiện nữ còn nhỏ dại, không dám gánh vác trọng trách ấy. Vả lại tiện nữ đã hứa hôn. -…
Tướng công dồn dập:
- Hứa hôn chưa phải thành hôn! Hứa hôn với ai, cho tôi biết tôi thu xếp! -
Hồng Diệp vào thế bí, không dám vô lễ nặng lời, sau cùng nàng nói:
- Xin tướng công về đi xin tướng công về đi! Xin cho tiện nữ có thời gian suy nghĩ! Hai tháng để suy nghĩ! Tiện nữ xin phép tướng công. -
Nghe Hồng Diệp nói thế, Tướng ông định đến cầm tay. Nàng lễ phép chắp tay cúi chào. Tướng ông đành cáo từ, quên cả chào biệt Lê tiên sinh.
Biết đó là kế hoãn binh, Hồng Diệp có thời gian hai tháng để tính kế vẹn toàn. Hoặc tránh xa, hoặc đương đầu từ chối. Nhất định không theo quân lệnh của tướng ông. Sợ mang tiếng với họ hàng, phố phường, câu chuyện được giữ kín.
Không biết tướng ông về điều đình với tướng bà thế nào, một hôm tướng bà, đoàn vệ binh tháp tùng, võng điều cánh sáo, đến đậu trước tiệm sách Xuân Tịnh. Tướng bà không vào tiệm, sai nữ tỳ vào gọi Hồng Diệp.
Hồng Diệp nghe thấy Trịnh phu nhân đến tiệm, cho là tướng ông nói với tướng bà, nên hôm nay tướng bà mới trịch thượng gọi mình ra đường. Nàng nén giận định tâm giải thích rõ ràng cho hết hiểu nhầm. Đến cạnh võng điều cánh sáo, nàng lễ phép:
- Dạ thưa phu nhân dạy điều gì? -
Tướng bà vén mành, nhìn Hồng Diệp từ đầu đến chân, không trả lời, bỏ mành xuống ra lệnh trở về tổng dinh.
Thì ra tướng ông nể sợ tướng bà, giấu giếm. Tướng ông định tạo một « chiến khu » bí mật, Tướng ông tin là con bé Hồng Diệp không dám từ chối đề nghị gây hạnh phúc trăm năm của ông.
Tướng ông còn đang bầy binh bố trận thì tướng bà được điệp viên cho biết nguy cơ sắp đến bên bà, mà điệp viên tâng công lẽ dĩ nhiên bầy đặt nhiều điều. Tướng bà cùng vệ binh và gia nhân đến hiệu sách Xuân Tịnh, ra oai, dọa nạt nhưng lo sợ, trở về ngay hành dinh, tìm mưu cao đối phó.
Trước hết, cảnh cáo tướng ông. Trong tư dinh đêm ấy, bà nói:
- Tướng ông đừng giấu tôi nữa. Tôi biết hết rồi. Ông dan díu với con Hồng Diệp hai ba năm nay rồi…Để tôi cho nó một bài học! -
Tướng ông giật mình nghe hai tiếng « bài học », vì ông chưa quên, cách đây hai ba tháng, một thị nữ xinh tươi bị bà nghi có gì. với ông, bà sai gia nhân trói vào cột, lột hết quần áo, chính tay bà cầm roi đánh liên hồi cho đến khi « con bé » ngất đi mới ngừng tay. Ra lệnh cởi trói, giao cho mụ dầu Bạch Liên, không mảy may hối hận.
Ông vội cãi:
- Bà nghi oan tôi và con bé Hồng Diệp. Nó không có tội tình gì -
Ông chưa hết câu, bà quát tháo:
- À, ra ông lại bênh con đĩ. Cướp chồng người mà không là tội à? -
Ông không dám nói gì thêm, lo lắng không biết làm thế nào để bà nguôi giận. Sau cùng ông đến gần bà nói sẽ:
- Thôi bà nguôi giận, hứa với bà, tôi thề từ nay không đến tiệm sách nữa! -
Ông không nói đến thăm Hồng Diệp nữa vì nhắc đến tên nàng, bà càng lôi đình nổi giận.
Nghe nói vậy bà khóc thúc thít:
- Thì ra ông chả coi tôi ra gì. Ông chả coi họ Đặng nhà tôi ra gì. Ngày mai tôi về kinh, tôi trình với chúa và chị tôi. -
Bà muốn nhắc ông cái quyền thế riêng của bà vì hình như, theo bà nói,chị họ bà là Đặng thị Huệ, ái phi chúa Trịnh Sâm.
Thút thít một hồi, bà quay mặt vào tường. Ông nằm xuống bên, tay vắt trán suy nghĩ: làm sao che chở Hồng Diệp? Hồi lâu chợp mắt và sáng sau quên hẳn chuyện « không quan trọng » ấy. bà ra vẻ nguôi giận rồi, ông lên ngựa cùng tùy tùng đi thanh tra dồn trại, còn bà lên võng điều cánh sáo, cùng tùy tùng đến phủ đường tri kỷ với bà phủ, bạn thân.
Bà phủ Nguyễn, sau khi nghe bạn kể lễ sự tình, tức giận, góp ý:
- Tôi, tôi cũng không để yên cho bọn lẳng lơ dĩ thoã, vượt cả đạo thường luân lý cướp chồng người! Chị phải làm sao cho ra nhẽ. Chị phải cho nó một bài học đáng đời! -
Bà Tổng binh cáo từ, lửa cháy được đổ dầu thêm. Bà đi đến các mệnh phụ khác, nào là bà Hàm tri huyện họ Hà, bà Bố chính, nhiều bà nữa, kể cả quả phụ một quan tham tụng tiết hạnh khả phong. Ai nấy đều hoan hô cổ vũ: « Thế là phải cho con dĩ bài học để răn đời! » -
Một tháng không xảy ra chuyện gì. Bỗng nhiên, một ngày kia, điệp viên về báo cho bà biết, tướng ông « hành quân » qua phường Ngọc Quỳnh, nhưng điệp viên không nói rõ một chi tiết: ông tướng có qua Ngọc Quỳnh, khi đến trước tiệm sách Xuân Tịnh, án binh vài giây, ngập ngừng rồi hô quân đi thẳng, ông tướng không vào tiệm sách.
Máu ghen của bà như nước ép vỡ bờ. Bà cho gọi hai liên minh. Mụ dầu Bạch Liên và đội trưởng cận vệ họ Ðồng. Thiết kế ra trận xong xuôi, bà đặt một gói lụa đỏ trên bàn, gói khá nặng, số vàng mà mụ dầu mang đến cám ơn bà tướng gom lại từ hai năm nay:
- Xong việc số vàng này là của thím, còn đội trưởng sẽ có phần thưởng riêng, tôi sẽ nói nói tướng công, chú vẫn muốn chân Đồn trưởng phường Bội Lan phải không? -
Mọi người cáo từ, bà xoa tay hài lòng: số vàng của Thanh lâu Bạch Liên bà không thèm mó tới, nay đem ra làm việc « công ích », bảo vệ luân thường đạo lý.
Một hôm, tướng ông làm bổn phận đi thanh tra những đồn trú phủ bên, một việc hãn hữu xảy ra ở phường Ngọc Quỳnh. Đó là một vụ cướp chợ bắt cóc người, thứ cướp bóc gần hai chục năm nay không ai thấy.
Phiên chợ phường Ngọc Quỳnh đang tấp nập. Một đoàn người, ngựa, gươm, giáo sáng ngời, hỏa mai nạp sẵn, người thì bịt mặt vẽ đen đõ, hét hò cướp chợ. Mấy tiếng súng làm kẻ mua người bán chạy tán loạn. Quân cướp đốt chợ. Mọi người tháo thân tản mác. Nhân chứng cho biết bọn cướp bắt hai thiếu nữ mang đi, mà họ biết là hai cô bạn thân, Hồng Diệp họ Lê và Mỹ Lan họ Tạ. Việc xảy ra cuối giờ Tị, mà lúc ấy không thấy bóng dáng một tuần viên nào. Đến cuối Thân người ta thấy Tạ Mỹ Lan thất thểu trên đường về Phủ, quần áo tả tơi. Nàng nói quân cướp bắt nàng và Hồng Diệp đi khoảng mấy dặm, họ hất nàng xuống đất, mang Hồng Diệp đi đâu mất không biết.
Ông bà Xuân Tịnh trình phủ quan. Ngài liền cho bọn hình cảnh đuổi theo, tím kiếm khắp nơi không thấy tăm dạng. Nguyễn tri phủ bắt đầu nghi ngờ Trịnh Tổng binh. Còn tướng công họ Trịnh về tới quân dinh nghe tin, sang tư dinh không thấy tướng bà, hiểu ngay tình thế khẩn trương. Vừa lúc đó, Nguyễn tri phủ tới. Nguyễn tri phủ:
- Hiền huynh tập trận hay sao? Ai không biết hiền huynh say mê con Hồng Diệp, việc gì phải làm náo loạn an ninh hàng phủ. Xử sự ôn hòa có phải tốt đẹp không? -
Trịnh Tổng binh lễ phép:
- Ngu đệ tuy binh gia lỗ mãng, nhưng cũng biết thế nào là bổn phận, đâu có dám làm việc tổn hại đến danh dự của chúng ta. Ngu đệ thú thực có ngỏ ý với nó rồi, nhưng nó không chịu, ngu đệ đã bỏ qua từ mấy tháng nay rồi. Ngày hôm qua, ngu đệ thanh tra ở phủ bên, không có mặt ở nơi đây…-
Trịnh tổng binh giấu hẳn việc Tướng bà nghi ngờ ghen tuông. Nếu nói thật rồi cùng Nguyễn tri phủ hành động tìm kiếm may ra có thể cứu được nạn nhân. Nhưng Trịnh tổng binh kính nể tướng bà hơn luật pháp quốc gia. Tổng binh tiễn bạn ra cổng, trở lại văn phòng, chờ Tướng Bà về sẽ hỏi dò sự thế. Cái chờ đợi tòng phạm! im lặng đợi chờ, không nghĩ đến việc thẩm vấn gia nhân hầu cận bên bà tướng.
Trong khi Tướng ông lễ phép chờ tướng bà về thỉnh vấn thì Thanh Lâu Bạch Liên, cửa đóng then cài, đèn lồng treo cửa không thắp. Không tiếp khách. Vài quân lính (thuộc đoàn cận vệ của Ðồng Đội trưởng) canh phòng bên ngoài. Bà không quên đe doạ:
Đứa nào nói ra bà sẽ cho cắt lưỡi.-
Mụ dầu ra đón, dẫn bà vào một phòng lớn. Những người trong phòng đứng dậy chào. Bà ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Chung quanh bà: ban bồi thẩm, gồm năm mụ « sồn sồn » mà quá trình phục vụ ít ra hai chục năm, đại diện nữ giới, ba trai tứ chiếng, đầu trâu mặt ngựa, đại diện nam giới, đại diện binh lực quốc gia là Ðồng đội trưởng. Trước mặt bà Tướng là gói vàng sáng chói được mở ra, xếp đều đặn ngay ngắn.
Mụ dầu cho dẫn giải tội phạm ra: Lê tiểu thư, cánh lá hồng (Hồng Diệp), con người tài hoa văn chương lỗi lạc, cầm kỳ « giáng tiên », bị trói tay sau lưng, hai mụ dầu phó tàn bạo kéo ra như một đại tội phạm.
Mụ dầu thủ lãnh quát to:
- Quỳ xuống! quỳ xuống! Không được vô lễ trước mặt bà lớn! -
Hồng Diệp còn đang hoang mang thì hai mụ phó ấn nàng xuống đất.
Họ rút giẻ trong mồm. Hồng Diệp cố chinh phục cái đau đớn tê dại của đôi hàm, nói không ra hơi:
- Thưa bà lớn, cháu tội tình gì? -
Chưa nói hết câu, một cái tát tai làm nàng hoa mắt.
Tướng bà chánh án, vừa chánh án, vừa nguyên đơn, quát lớn:
- Chúng mày là những đồ trốn chúa lộn chồng, trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người -
Bà còn nói nhiều nữa, nói rất nhiều, càng nói, tức giận càng gia tăng…cái oai hùng của bà nơi đây lên tột bực. Mọi người xanh mặt, mà con bé tội nhân trước mặt bà sao nó đẹp thế? Đẹp ngạo nghễ, đẹp khiêu khích, làm cho bà nghĩ mưu kế vẹn toàn, trừ bỏ hậu hoạn, để tướng ông hết say mê nó!
Bà ra lệnh:
- Lột trần truồng nó ra! -
Ba đầu trâu mắt ngựa, thủ hạ của mụ dầu chờ lệnh này từ lâu rồi. Ba đứa chạy đến, đội trưởng định cản đường. Bà chánh an đưa mắt, đội trưởng lui ra. Trong nháy mắt tiếng lụa vải bị xé rách liên tiếp. Hồng Diệp làm sao chống đối, cũng trong nháy mắt ấy, Hồng Diệp không còn mảnh lụa che thân. Nàng giãy giụa, hai tay vẫn bị trói sau lưng, hai mụ dầu, mỗi mụ nắm một chân nàng kéo ra. Nàng ở vị thế ô nhục trước mặt đám đông chọn lọc ấy.
Mục dầu thủ lĩnh giật mình đến ghé tai bà Tướng chánh án:
- Bẫm bà lớn, con bé này oan uổng, nó vẫn còn con gái, chưa có chuyện gì với Tướng ông đâu! -
Tướng bà chánh án cũng giật mình, nhưng cái hối hận chỉ trong thoáng giây, cái lo ngại phòng xa của ghen tuông lại lấn bước. Rồi bà kết luận: thảo nào tướng công của bà say mê nó. vậy ta phải làm nó ô nhục, dơ duốc..cho Tướng công của bà hết đoái hoài.
Đứng dậy, bà ghé tai Mụ dầu ra lệnh một hồi, vừa nói, vừa chỉ đống vàng. Rồi gọi đội trưởng nói thầm:
- Trưởng đồn Bội Lan cứ tin ở ta, còn nay ta thêm phần thưởng cho chú, một thứ rất quý mà chú không ngờ! -
Cửa đóng lại, tiếng khóc than của Hồng Diệp không làm bẩn tai bà nữa, nhưng chưa đầy một phút, một tiếng thét của Hồng Diệp xé tan bầu không khí yên lành của phường Bạch Liên…Tiếp theo mấy tiếng khóc thét…rồi trong phòng chỉ còn tiếng xì xào của bầy lũ.
Bà mở cửa phòng: nhìn cảnh tượng biết là bản án đã thi hành. Ðội trưởng đã hoàn tất nhiệm vụ tiên phong dẫn lối cho ba tên đầu trâu mặt ngựa, trong cuộc dập liễu vùi hoa!
Hồng Diệp được cởi trói, nằm cong queo trên sàn nhà, thành con vật vừa bị hy sinh, bất tỉnh mê man. Nhưng dáng nét xinh đẹp, tướng bà vẫn nhận ra. Bà nghĩ bây giờ đến lúc bà phá tan cái võ khí cuối cùng của nàng. Bà tướng leo lên bậc thang cuối cùng của tội ác. Điên cuồng, bà chạy xuống bếp, chính tay bưng chảo dầu đang sôi (bọn đầu bếp đang nấu cơm tối, bà hất vào mặt Hồng Diệp. Bị bỏng cháy, trong cơn mê man, Hồng Diệp có một cử chỉ tự động bảo vệ con mắt bằng đôi bàn tay…mọi người không kịp can thiệp…)
Xử án và hành hình không đầy một giờ. Hồng Diệp bị bỏng nửa mặt và đôi bàn tay. Bà Tướng chánh án ra võng điều cánh sáo bắt gia nhân khiêng như bay về quân dinh, không mảy may hối hận. Mấy mụ dầu cùng ba hung nô khiêng Hồng Diệp ra khỏi tỉnh vứt xuống vệ đường. Bọn chúng yên trí nàng đã chết.
Nội vụ chắc đã được vùi sâu trong bí mật và lãng quên, nếu không có một nhân chứng bất ngờ. Đó là thị tỳ trước đây bị bà tướng đánh đập tàn nhẫn rồi nhốt vào nhà Thanh lâu. Thị tỳ là một thiếu nữ nhà nghèo, tướng bà mua được từ Kẻ Chợ đem về đây khi bà xuất giá theo chồng. Thiếu nữ không còn họ, chỉ còn tên, gọi là chị Nhài. Chị Nhài là thứ hoa Nhài hương nở ban đêm, cho nên tướng ông thỉnh thoảng « vô tình » gặp ở những nơi kín đáo. Bà biết chuyện, bà quy tội lỗi hết vào chị nhài. Chị bị trừng phạt tàn nhẫn, mà tướng ông im lìm không can thiệp. Chị ở thanh lâu có nhiều quan khách mộ điệu. Hôm ấy chị biết hết câu chuyện rồi chính chị chứng kiến qua vách nẻ cái tỗi ác của tướng bà. Phải nhắc lại, trước khi bà Tướng đến lên bản án và hành hình, chị định cứu Hồng Diệp mà chưa tìm được cách nào. Đằng sau vách chị khóc thương Hồng Diệp mà không làm gì được. ra mặt can thiệp thì tính mạng của chị cũng chẳng còn.
Khi bọn hung phạm khiêng Hồng Diệp đi, chị lèn theo sau. Nấp chờ bên bụi, chị chờ cho bọn ấy đi khỏi, chị chạy đến bên Hồng Diệp. Con người giản dị hảo tâm như chị Nhài chỉ biết khóc thương. Chị cúi xuống xoa nhẹ trán nạn nhân, không dám động đến các vết thương. Chị cũng yên chí Hồng Diệp đã chết, nàng thề trước linh hồn người quá cố, hôm sau sẽ thí thân và tố cáo với quan Phủ. Đang lẩm bẩm thì Hồng Diệp hơi cử động. Chị Nhài mừng rỡ. Nơi này gần Phường Hồng Trà, nàng có người khách hàng ngư phủ, thuyền đậu bến gần đây. Chị vội đến thuyền kể đầu đuôi. Ngư phủ họ Trần trạc ngoại tứ tuần, độc thân, hiên ngang sông nước đã mấy chục năm. chị Nhài dám đương đầu cứu giúp người gặp nạn, thì chẳng nhẽ đường đường đấng nam nhi suốt đời bôn ba sông nước lại hèn nhát trước cường quyền. Trần ngư phủ vội vàng nấp vào bụi cây: Ba kỵ mã xuống ngựa, đốt đuốc tìm kiếm. Chị Nhài nhận ra ngay Tướng ông, định chạy ra mách chỗ thì Trần ngư phủ giữ lại, giơ tay ra hiệu không động tĩnh.
Ngư phủ họ Trần đã cứu được bạn gái. Bởi vì, nếu nàng ra mặt, thì tính mệnh chẳng vẹn toàn, nàng là nhân chứng quan trọng cần phải thủ tiêu. Thái độ của tướng ông chứng dẫn: Khi nhìn thấy Hồng Diêp, Tướng ông trông thây thương tích của nạn nhân, Tướng ông ghé tai hai vệ sĩ rồi lên ngựa. Chủ tướng vừa đi khỏi, hai vệ sĩ khiêng Hồng Diệp về phía bờ sông.
Trần ngư phủ biết ngay bọn kia vừa nghe lệnh chủ tướng sắp vứt Hồng Diệp xuống sông, chàng liên rút kiếm nhẩy ra chặn đường. Hai tên ấy vội bỏ Hồng Diệp xuống đất rút kiếm kháng cự. Chị Nhài không biết võ nghệ, thấy một tên đang lúng túng rút võ khí, chị chạy đến ôm chặt lấy tên ấy cào cấu vào mặt. Tên ấy cố sức đẩy xa con người liều lĩnh. Trần ngư phủ thấy vậy lo lắng cho tính mạng bạn gái, vừa đánh tên kia vừa lùi về phía chị Nhài. Độc thủ: lưỡi kiếm của chàng như ánh chớp hạ tên ấy ngã quỵ gục mặt xuống đất, trong khi chị Nhài chạy đến bên Hồng Diệp. Tên thứ hai định tẩu thoát, Trần ngư phủ phi thân đón đường, hạ nốt.
Chị Nhài theo Trần ngư phủ bế Hồng Diệp xuống thuyền, nhổ neo, cho thuyền trôi xuống hạ lưu, hơn mười dặm.
Hai người tận tụy, chăm sóc, cứu chữa dần dần thâu hồi sức khoẻ, nhưng tinh thần xuống thấp tới gần mực độ điên cuồng. Không hé môi, lúc nào khoé mắt cũng như gửi ra thật xa, tới nơi vô định. Vết thương nơi mặt và hai tay đã lành, nhưng vì bị mỡ bỏng quá nặng, những vết sẹo làm cho người mới gặp phải quay mặt đi. Còn đôi bạn thương mến Hồng Diệp không hề để ý. Họ chỉ muốn nàng mau bình phục để đi đến tụng đình. Kiên nhẫn chờ hơn năm trời đằng đẳng. Một sáng kia, Hồng Diệp cúi mặt xuống nước, thét kêu một tiếng rồi ngã lăn bất tỉnh. Cái xúc động tâm lý làm cho Hồng Diệp đau ốm thêm mấy tháng nữa.
Khi nàng hồi phục, Trần ngư phủ nói:
-Ở phủ mọi người tưởng em đã chết. Ông bà thương khóc em, không muốn ở Hiên Giang nữa, dọn cả hiệu sách về Kẻ Chợ rồi. Tôi sẽ tìm cách báo cho ông bà biết, nhưng chưa phải lúc. Tôi quyết không để bọn ấy an toàn sung sướng, sau tội ác đối với Nhài và Hồng Diệp!
Không có phản ứng của Hồng Diệp, Trần quân biết nàng chưa khỏi bệnh tâm thần, chàng đưa Hồng Diệp đến ngụ ở chùa Liên Tự, bến Hoàng Dương.
Ít lâu sau, Hồng Diệp bình phục tâm thần, sư bà Liên Tự nói:
- Số con còn nặng nợ đường trần. Phật đường chưa phải chốn nương thân. Con là một đóa bạch liên sáng tỏ nơi bùn lầy đen tối…Mai đây sẽ gặp bạn trăm năm. Đó là người biết tìm cái đẹp qua cái xấu, biết đón nhận cái trong sạch qua cái bụi bám vỏ ngoài. Đó là người biết thương yêu, biết quý, biết yêu qua người mình yêu quý, không phải chỉ qua chính mình mà thôi -
Hồng Diệp nghe lời khuyên của sư bà, bớt thất vọng cùng hai bạn về Kẻ Chợ thăm song thân.
Trần ngư phủ thấy từ ngày về nhà song thân ở Kẻ Chợ, Hồng Diệp mấy tháng ròng cấm cung. Chàng lo sợ. Hiểu là Hồng Diệp chưa khuất phục được cái e sợ trước công chúng. Nếu như sư bà Hoàng Dương tiên đoán, Hồng Diệp còn nặng nợ đường trần, như đóa Bạch Liên ở nơi bùn lầy sẽ tìm thấy hạnh phúc mai sau.
Ngư phủ họ Trần, tên Thành Trai, nguyên quán miền duyên hải gần cửa Bạch Đằng, từ nhỏ giang hồ tứ xứ, phong lưu mã thượng nên quen rộng biết nhiều. Dưới vỏ thuyền chài vô danh, chàng sống với trời mây sông nước. Đã nhiều lần vượt phá Tam Giang đi miền trong bằng một thuyền nhỏ mong manh. Các bến ven duyên từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong đều biết lối, thuộc đường. Trong trí óc còn ghi cả những bẫy ngầm thiên nhiên, đá nhọn, dòng sâu, nước hiểm, khắp dọc ven duyên những cuộc mạo hiểm phiêu lưu ấy, lúc nào cũng một mình đối bóng mảnh buồm, tay liền cán lái, trời yên biển lặng cũng như bão chớp phong ba. Chính chàng cũng ngạc nhiên, con thuyền mong manh vẫn cùng chàng không về chầu Thủy Tề đáy biển.
Thấy tình trạng nguy cơ của Hồng Diệp, nếu không can thiệp ngay e nàng tự dẫn mình đến giải pháp cuối cùng là kết liễu cuộc đời, chàng thảo luận riêng với ông bà Xuân Tịnh. Ông bà chấp nhận bất cứ giải pháp nào cứu sống đứa con gái.
Có lần, chính ông Xuân Tịnh hỏi chàng, thân mật:
- Anh đã cứu mạng con gái của tôi, sao anh không dừng bước lãng du…để nó được đền ơn anh suốt đời? -
Câu hỏi vừa thân mật vừa giản dị ấy làm cho Thanh Trai khó nghĩ, có lúc cũng xuôi tai, nhưng nghĩ lại chàng trả lời:
- Tôn huynh quá thương tiểu đệ: tiểu đệ không xứng đáng với lệnh nữ. Thứ nhất tuổi tiểu đệ gần ngang với tuổi tôn huynh…thứ hai, như vậy suốt đời lệnh nữ không sống với bình thản yên vui…lệnh nữ học rộng, đọc nhiều, sẽ không bao giờ an phận với tình thương. Thiếu tình yêu là cả đời tiếc hận! Như vậy không phải là giải pháp tốt đẹp cho lệnh nữ! -
Thành Trai lại không ngần ngại nói cho Xuân Tịnh nghe mối dây liên lạc của chàng với chị Nhài; chàng nhấn mạnh, chính Nhài, một tâm hồn giản dị, không có những cảm tình phong phú, nhưng cái đường hoàng minh chính tự nhiên của nàng, từ khước, khi chàng ngỏ ý muốn giữ lại trên thuyền, cùng chàng phiêu lưu sông nước.
Sau cùng, Thành Trai thuyết phục được ông bà Xuân Tịnh. Chàng dẫn Hồng Diệp giao cho cô bạn Thúy Vũ, và Hồng Diệp trở thành đệ nhất danh ca như mọi người đã thấy.
Từ ngày xảy ra chuyện, Phủ Hiên Giang xôn xao bàn tán. Chị Nhài không chỉ có một người bạn là Trần ngư phủ, chị có mấy bạn trai nữa. Mấy người này viết thành nhiều bản kể lại tội ác của tướng bà họ Đặng. Dân chúng bắt đầu tức giận nhưng vẫn còn e sợ cường quyền. Có người lại đặt bài hát dân gian kể chuyện Hồng Diệp…Nguyễn tri phủ mang tờ truyền đơn sang Tổng dinh họ Trịnh.
Tướng bà chối cãi, còn tướng ông không nói gì, Nguyễn tri phủ cho cất xếp hồ sơ, vì nạn nhân không đến phủ đường. thật là nhất cử lưỡng tiện, vừa xếp được việc hình sự, vừa làm cho một tướng lãnh hàm ơn mình.
Chuyện này chắc hẳn đã chím đắm trong lãng quên, nếu không có tin vang dội khắp vùng hai năm sau:
Trịnh phu nhân tướng bà họ Đặng bị giết trong cuộc hành trình từ Hiên Giang về Kẻ Chợ. Toán cướp đánh tan đoàn quân hộ vệ, cướp kiệu, giết Trịnh phu nhân bằng một mũi tên trúng tim. Đúng là một cuộc hành hình. Bản cáo trạng mang chữ ký Dạ Hoa nữ hiệp. Người ta nghi là chị Nhài, nhưng không ai dám chắc, dù Nhài là hoa đêm. Cũng không thể nghi ngờ ngư phủ họ Trần. Thành Trai đường hoàng minh chính, nếy dúng tay vào việc này, hẳn không nấp dưới bí danh phụ nữ.
Dân chúng hài lòng, không cần biết ai là thủ phạm, họ kéo đến phá tan thanh lâu Bạch Liên. Mấy mụ dầu dẫn con em thoát thân, không biết đi nơi nào xây dựng cơ đồ. Còn Trịnh tướng công thì án binh bất động nhiều ngày ở tổng dinh. Có người ác nghiệt lại cho chính tướng ông đã tổ chức mưu sát tướng bà! Nhưng phần đông không tin là tướng ông lại quỷ quyệt tàn nhẫn đến độ ấy! "