Chương 41.
Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)
41.Hoàng Bạch Ngọc, Nguyên Thái bái biệt.
Đường phiêu lưu đưa đến Vị An.
K hi Hiền Duyên dứt lời thì bình minh ló dạng. Phố xá Kẻ Chợ đã gần náo nhiệt. Nguyên Thái ngừng bút nhìn Hiền Duyên và Bạch Ngọc.
Chàng nghĩ thầm: Bạch Ngọc đã biết chuyện rồi sao còn phải thâu đêm nghe nữa? Mỉm cười, chàng giục Bạch Ngọc sửa soạn lên đường cùng về Từ Sơn.
Bạch Ngọc và Nguyên Thái tới bờ sông thì trời đã sáng tỏ. Nguyên Thái định rủ Bạch Ngọc qua thăm Ngô Vi Linh, nhưng đột nhiên đổi hướng, theo bờ đê xuống phía Nam, cùng Bạch Ngọc vào thăm đền Hai Bà Trưng. Rồi từ đấy dùng thuyền sang thẳng bờ sông bên kia, không qua Cơ Xá nữa.
Sư thay đổi, trong Viễn Trình Nhật Ký, Nguyên Thái ghi mấy dòng:
« Chưa muốn để Hoàng Bạch Ngọc gặp Ngô Vi Linh. Chưa hiểu rõ Bạch Ngọc lắm. Nàng có nhiều liên lạc với cung Lê vì đã cứu một hoàng tử nhà Lê ra khỏi hoàng cung. Bạch Ngọc thuộc phái Cần Vương Chăng? Bạch Ngọc cũng như mọi bọn Tống Nho cổ hủ muốn khôi phục lại Mạt Lê chăng? Chưa biết. Dầu sao tôi cũng kính trọng lý tưởng của nàng. Tại sao nàng đã dẫn tôi đến thăm Trạch Trung Hầu họ Phạm ở gần Từ Sơn? Trạch Trung Hầu họ Phạm thì chắc chắn thuộc phe phù Lê. Tôi lễ phép nghe lời thuyết phục của ông ta. Tôi không phản đối, không tranh luận. Ông ta biết thân sinh tôi trong phủ Trịnh, muốn tìm liên minh chăng? Tôi còn bận tâm chuyện khác, chỉ để ý một chú bé, con ông ta, trông thực thông minh đĩnh ngộ, theo tôi có tương lai, tôi đoán qua nét chữ tập vở học trò. »
(Xin nhắc độc giả, cậu bé này chính là Phạm Thái. (Tiêu Sơn tráng sĩ) về sau cùng thuộc phe phù Lê, và sẽ cùng nàng Trương Quỳnh Như đi vào một truyện tình nổi tiếng).
Ngô Vi Linh thuộc Song Lưu. Tôi chưa có quyền để hai người gặp mặt. Vả lại, theo như dân chúng nội thành đồn đại, đôi hiệp khách Phi Thúy có để lại dấu vết ở Đồng Nhân. Phi Thúy Song Hiệp lên án một cường hào, không phải ở Đồng Nhân, nhưng ở một làng gần đấy. Bản cáo trạng có vẽ đôi Phi Thúy đóng vào thân cây đa, gần đền thờ Hai Bà là nơi người ta qua lại nhiều nhất. Tôi và Bạch Ngọc đến nơi, nhưng cáo trạng đã bị nhà chức trách tịch thu."
Vì xuống Nam, nên khi sang tới bờ đê đối diện mất thì giờ ngược bắc tới trạm liên lạc của Bạch Ngọc. Nàng dùng cỗ xe ngựa lưu ly mà gia nhân đã sửa chữa. Ngựa kéo vẫn tử lưu nhưng con khác hùng dũng hơn. Thì ra nàng Bạch Ngọc có một yếu điểm thích ngựa lông tía.
Bạch Ngọc ngồi cầm cương bên trái Nguyên Thái, Trời trở nóng, Bạch Ngọc vén tay áo lên cao, để hở đôi cánh tay ngọc trắng ngần vẫn còn vết buộc trói chưa lành hẳn. Liếc nhìn người đẹp, Nguyên Thái tỏ lòng rung động. Hương thơm tự nhiên trời cho đặc biệt của người ngọc làm chàng ngây ngất. Chàng cảm thấy thương mến vô hạn chỉ muốn đặt một nụ hôn trên mấy vết thương chưa lành. Nụ hôn của chàng sẽ làm cho mấy vết thương chóng hết! Ý nghĩ kỳ khôi không khoa học tí nào! Nguyên Thái nghĩ thầm. Bạch Ngọc cũng sung sướng…thực là đôi trai tài gái sắc trên cỗ xe thần mã!
Tuy nhiên không có xẩy ra chuyện gì khác thường. Trí óc chàng trai lại trở về bận bịu, chưa quên những chuyện vừa qua. Cỗ xe lưu ly thật êm dịu ở những nơi đường tốt. Chỉ nghe tiếng vó nước kiệu đều đều. Mới đầu Bạch Ngọc và Nguyên Thái còn trò chuyện vui vẻ, nhưng lúc xe còn khoảng hơn dặm tới Từ Sơn thì ai nấy đều theo suy nghĩ riêng tư. Linh tính báo cho Bạch Ngọc cuộc phiêu lưu cùng Nguyên Thái sắp đến giờ chấm dứt, còn Nguyên Thái trở về những dự định tương lai. Trong giai đoạn này, những vết dấu tranh giành Trịnh Lê không có gí quan trọng đối với chàng. Sau này sẽ liệu định. Sau này nghĩ là sau thời kỳ học hỏi nghiên cứu ở trường Trấn Bắc. Nhưng thỉnh thoảng liếc nhìn mỹ nhân bên cạnh, không khỏi tần ngần sắp đến giờ chia tay.
Đến đường rẽ sang Từ Sơn, Nguyên Thái nói:
- Xin Hoàng cô nương ngừng xe. -
Bạch Ngọc ghìm cương:
- Em biết trước, biết trước anh sẽ bảo ngừng xe, nhưng sao anh khách sáo, em không nói « Trần công tử »… anh đừng giận.-
Nguyên Thái:
- Không, tôi đâu dám giận cô nương, chỉ vì đến giờ chia tay. Tôi rất tiếc có việc phải lên đường. Chuyện đời đã cho chúng ta chung đường mấy ngày, không bao giờ tôi quên. Những chuyện vừa xảy ra cùng Hoàng cô nương chiến đấu, tôi đã xin phép ghi trong Viễn Trình Nhật Ký. Hẹn sau này sẽ trở lại đây thăm cô nương.-
Bạch Ngọc:
- Ngọc, em, xin anh cứ gọi Bạch Ngọc như trước…chúng ta có nhiều kỷ niệm không thể xóa bỏ. Em biết trước rằng không thể đứng trước cản đường lý tưởng của anh, chỉ xin anh nàn đợi tí ngày ở lại Từ Sơn cùng thúc thúc em nghiên cứu y học. Thúc Thúc muốn truyền lại cho anh tất cả những kinh nghiệm y học. Em tưởng đó cũng là một phương sách giúp ích cho đời, anh nghĩ sao? Hai ba năm là bao trong đời con người, anh nghĩ sao? -
Nguyên Thái:
- Bạch Ngọc nói rất đúng. Y học là một ngành quan trọng để cứu nhân độ thế. Tôi rất hân hạnh được Lương lão y chọn làm đồ đệ. Nhưng theo chương trình tôi phải về Trấn Bắc, hội nhập ban nghiên cứu mầy năm.. Sau đó tưởng rằng cũng không muộn để học hỏi y được. Vả lại chính Hoàng cô nương cũng là một y dược sư rồi…Khi trở về xin nhập môn…Hoàng cô nương lương y. -
Dứt lời, Nguyên Thái xuống xe, với bọc hành lý đeo lên vai, vòng tay cúi chào bái biệt.
Thái quay đi, rảo bước.Ngọc tần ngần giữ cương, nhìn chàng trai hướng về phương Bắc. Chừng vài trăm thước, Nguyên Thái cũng thấy nao nao tấc lòng. Chàng ngừng chân quay lại. Xa xa, xe Bạch Ngọc vẫn đứng yên. Ánh chiều vàng vọt qua hàng cây, chiếu sáng mỹ nhân và cỗ lưu ly, như vẽ bằng nét vàng chói trên nền xanh đậm. Chàng vòng tay cúi chào lần nữa, rồi lại tiến bước, lần này nhất quyết không quay lại nữa. Chỉ lo tiếng vó ngựa đuổi theo, nhưng hồi lâu không thấy gì, chàng thấy buồn man mác tâm hồn.
Ngồi bên một gốc cây đa, Nguyên Thái mở nghiên bút và Viễn Trình Nhật Ký, mở tới phần chân dung các mỹ nhân đã gặp, chàng không khỏi suy nghĩ, tự trách, tại sao không dứt khoát, lại còn hứa:
« Khi trở về…sẽ xin nhập môn cô lương y Bạch Ngọc!»
Đã từ biệt khá nhiều người đẹp trên đường đời, người nào chàng cũng tiếc, nhưng cũng cứ đi. Ngắm lại những chân dung đã vẽ, mỗi nàng một vẻ: Mai Trang Hồng, Từ Diệu Hồng, Diệu Lan, Trương Vân Anh và Thi Thi, mấy giai nhân Thạch Đào, nhất là La Cúc Xuyên…Với La Cúc Xuyên chỉ một bước nữa là sa ngã. Ngô Vi Linh, con người văn chương lỗi lạc, và làm sao không ngừng trước đôi mắt thôi miên của Trang Tuyết Hạnh? Nguyên Thái vẽ chân dung Hoàng Bạch Ngọc, Bạch Ngọc hiện diện trong Viễn Trình Nhật Ký với một cách vẽ đặc biệt. Nếu Trang Tuyết Hạnh chỉ có đôi mắt bồ câu đen láy thì Bạch Ngọc là đôi mắt và cặp môi mộng đậm, chàng hẵn nghĩ đến khi cấp cứu mỹ nhân?
Xong chân dung Hoàng Bạch Ngọc, Nguyên Thái lên đường với cảm tưởng lạ lùng. Nhẹ lâng lâng, như vừa trút bỏ gánh nặng đầy.
Rời Từ Sơn, trời đã về chiều, Nguyên Thái ngủ đỡ tại chùa Tiêu Sơn, phong cảnh đẹp, không có gì lạ. sáng sớm từ biệt sư cụ, sau chén trà ở phòng trai phía đông; ánh bình minh xuyên qua cửa sổ chấn song gỗ, giục giã lên đường.
Không khí trong lành căng buồng phổi. Nguyên Thái nhận thấy cái tự do ngàn vàng của một khách bộ hành không bị thời gian ràng buộc.
Chàng thích thú bỏ đường chính, băng qua làng mạc, những lũy tre, những mái nhà tranh của làng nghèo, những mái ngói đủ màu của làng trù phú. Thung thổ từng nơi, từng chốn đều có ghi chép, đặc biệt những nơi trồng nhãn, trồng vải, và những vùng đào, mận, mơ đủ thứ.
Ghi chú cái cảnh tượng thanh bình giả tạo, chiến tranh đe doạ khắp nơi bằng những dấu hiệu kín đáo. Hầm bẫy sẵn sàng Quân Mãn Thanh đe doạ ở biên cương, nhưng luôn luôn có điệp viên của họ qua lại xóm làng. Những nhà chức trách địa phương không có cớ gì can thiệp, hay không muốn can thiệp thì cũng thế.
Một điều đáng lo ngại nhất. Quân đội Mãn Thanh dũng mãnh, vua Càn Long có bầy tôi tài giỏi, tổ chức quân sự. Hỏa lực họ rất mạnh, súng ống tối tân đối với đương thời, còn địa phương quân của ta vẫn toàn giáo mác, thỉnh thoảng một vài hỏa mai hoen rỉ.
Tình trạng đó giục giã Nguyên Thái về trường với một câu hỏi đặt ra trong trí óc: làm sao để dân mình bước sang kỹ thuật? Kỹ thuật đã bị ruồng bỏ từ mấy trăm năm trong chương trình học vấn. Chỉ có Hồ Quý Ly đã nghĩ đến kỹ thuật, trong chương trình thi cử bắt đầu có toán. Nhưng bọn Tống Nho đã cho Hồ Quý Ly là kẻ tiếm vị, cho nên hết nhà Hồ, thi cử lại trở vể văn chương cũ rích.
Đôi khi trong quãng đường vắng vẻ, những ý nghĩ yếm thế tràn ngập tâm hồn, Nguyên Thái phàn nàn với mình:
-Thế ra đã gần nửa đời rồi mà chưa làm nên việc gì hữu ích cho thiên hạ! -
(Nguyên Thái mới sang 18 tuổi được vài ngày! Anh chàng già trước tuổi…Nửa đời người! lẽ dĩ nhiên là không đúng, nhưng ngày nay chúng ta nghĩ lại hồi ấy, thế kỷ 18, tuổi thọ trung bình trời cho vào quãng 40 tuổi, khác hẳn với ngày nay, sự tân tiến của y học, vệ sinh đã giúp cho con người các nước tân tiến được tuổi thọ trung bình gấp đôi (70, 80 tuổi). Ngày nay tới tuổi của Nguyên Thái, chúng ta đang vui sống với những dự định tương lai nơi ngưỡng cửa đại học. Nhưng ở thời Nguyên Thái, loạn ly liên tiếp, chia rẽ Bắc Nam, từ hơn hai trăm năm rồi. Chúng ta cần nhớ lại như vậy mới hiểu rõ tâm trạng của chàng trai. « Làm gì hữu ích cho thiên hạ! » Ngày nay chúng ta đã quên mất « thiên hạ ». Phần đông sẽ nói:«Làm gì hữu ích cho « công danh » của chính mình ». )
Trở lại tâm trạng Nguyên Thái. Chàng trai vô tình để những ý nghĩ yếm thế tràn ngập tâm hồn. Chán nản, muốn ngừng chân nơi nào ít lâu để suy nghĩ (cũng như ngày nay để tính sổ cuộc đời).
Vốn bản chất tâm hồn nghệ sĩ, Nguyên Thái khó tính, quyết định phải chọn nơi nào phong cảnh tuyệt vời trú chân ít lâu.
Sau hơn mười ngày ngang dọc sơn hà mà chàng nhận ra vô cùng nhỏ bé, chàng dừng chân ở làng Vị An ở giới ranh trung nguyên và thượng du, cách Trấn Bắc khoảng năm mươi dặm (mỗi dặm: 135 trường = 4Km).
Cảm tình sâu đậm dành cho nơi này nhem nhúm trong lòng chàng, nghĩ rằng nơi đây có gì liên quan đến số mệnh mình, con tim rộn ràng, Nguyên Thái cho là chính mình tìm ra một môi sinh lý tưởng, vui vẻ bước vào quán trọ đầu làng. Giá biểu phải chăng. Chủ quán lịch sự niềm nở, tỏ vẻ quen việc đón tiếp khách viễn phương, hỏi thăm tình hình các xứ lạ mà khách đã đi qua để đến đây. Nguyên Thái cũng hài lòng nói qua về thung thổ các nơi trên đường đi, trong một chầu trà tiếp tân.
Tính nhẩm số tiền còn lại, chỉ đủ cho khoảng mươi ngày tiền phòng và tiền ăn buổi tối. Nếu dự định lâu dài thì phải suy nghĩ ngay tới phương kế mưu sinh. Nguyên Thái tặc lưỡi nghĩ thầm: thôi thì hãy tạm vài ngày quan sát, rồi sẽ liệu.
Chủ quán họ Trần, tên Đắc Tài, trạc tứ tuần, tầm vóc cao lớn, nhưng trông vẻ người có học, qua những cách xưng hô và những câu hỏi hàm chứa kiến thức.
Đến thủ tục ghi tên, chủ quán gọi:
- Phong Liên, có khách ghi tên thuê phòng!
Vén mành trúc, ra quầy, một thiếu nữ cùng trạc tuổi Nguyên Thái, khẽ nghiêng mình, liếc nhìn chàng trai:
- Kính chào công tử…xin công tử ghi danh…-
Nguyên Thái ghi tên. Phong Liên giật mình hỏi:
- Thế ra công tử cũng họ Trần, ngành nào vậy? - Rồi khi đọc sinh trú quán, nàng tiếp:
- Chúng tôi cũng họ Trần, nhưng từ Duyên Hải di cư lên đây đã mấy đời…còn công tử họ Trần ở Kinh đô…Chúng tôi cũng có họ hàng ở Kẻ Chợ! -
Nguyên Thái nghĩ thầm thì ra cô nương này cũng dễ chuyện, chưa kịp trả lời thì Phong Liên thêm:
-Có họ hàng, thân thích ở Vị An ? Công tử định ở lâu, hay chỉ đi qua? -
Nguyên Thái vui vẻ trở lại:
- Thưa Trần cô nương, Trần Nguyên Thái tôi không có họ hàng thân thích, quen thuộc ở Vị An, nhưng đi đâu cũng tìm thấy bạn bè thân thuộc, nếu ở lại ít ngày -
Phong Liên:
- Thế có nghĩa là công tử ở lại Vị An ít ngày. Xin dành cho công tử phòng Duyên An, trên lầu. Qua hành lang, Nguyên Thái đọc tên các buồng, không đánh số mà chỉ có đề tên: Hồng An, Duyên An, Thái An, Thành An, Bình An…còn nhiều nữa, tên phòng nào cũng có chữ An kết hậu. -
Phong Liên hiểu ý cười nói:
- Không có phòng nào đề số, mà chỉ đề tên, tác giả là Phong Mai, chị của tiện nữ …này...Chị đã đi lấy chồng rồi, vẫn ở Vị An nhưng tại Xóm Thượng, trông lên hai Chùa Vạn Đức và Chiêm Tinh, ít khi về đầy nữa, chỉ còn một tiện nữ «này» giúp cha già trông nom quán trọ mà thôi! -
Nguyên Thái e ngại tưởng rằng mình lọt vào nơi ăn chơi nguy hiểm, và hơi bực mình về cô Phong Liên nhiều lời, nhưng khi vào phòng Duyên An chàng thực ưa thích. Sạch sẽ, tươm tất, bài trí thanh nhã, cửa sổ nhìn ra một mảnh hồ in mây trắng và xa xa dẫy núi xanh lam vẽ nét thẫm nhạt trên nền trời xanh đậm. Từ cửa sổ nhìn thấy đầy đủ phong cảnh núi rừng sông nước. Dịu dàng, duyên dáng, những hàng liễu tơ non rủ bờ hồ Thanh Bích. Phía trái, lưng chừng núi đá và rừng thông hiện ra mái đỏ của hai ngôi chùa cao thấp. Một dải sông uốn khúc chân núi, nước liền chân núi, rồi đến bờ kè đá, bến giang thuyền, khoảng trăm chiếc, đối diện với dãy nhà cao thấp, đủ kiểu, khang trang sạch sẽ. Trên vỉa hà, tấp nập ngựa xe, bộ hành tản mác đó đây. Cảnh tượng của thanh bình trù phú.
Nguyên Thái mải mê phong cảnh không nghe thấy Phong Liên tiếp tục nói chuyện…không nhớ Phong Liên nói những gì mà nhiều thế. Sau cùng, Phong Liên cáo từ xuống sảnh đường. Nguyên Thái dở hành lý, treo vào tủ bộ áo quần văn nhân Kẻ Chợ. Vừa làm việc ấy, vừa nghĩ đến cô nàng Phong Liên mà tiếng trong cao, vắt vẻo vẫn như còn vang bên tai. Thì ra anh chàng không dám nhìn thẳng cô nàng. Không phải là sắc nước hương trời, nhưng vóc dáng gợi tình hơn là cảm tình. Chàng hơi đỏ mặt khi hình dung lại xiêm y của nàng. Áo trên lụa hoàng sa, thực mỏng, hở cổ…hở đôi cánh tay tròn dài, nơi cổ tay một vòng bạc chạm trổ tinh vi đính thêm hai ba cái nhạc thực nhỏ. Mỗi khi giơ tay nhạc thành tiếng động nhỏ thanh tao, làm cho người đối thoại bắt buộc phải chú ý…chú ý đến đôi đào non rung động dưới làn lụa mỏng manh!
Bỗng nhiên Nguyên Thái tự trách thầm: mình có ý xấu nên mới nghĩ thế mà thôi. Vả lại cái gì cũng tròn trĩnh ở Phong Liên. Đôi mắt, đôi môi, nét mặt cũng vậy…không phải mẫu mực lý tưởng của mình. Thêm nữa, cô nàng nói hơi nhiều.
Vừa nghĩ đến đây thì có tiếng gõ cửa. Phong Liên trở lại phòng, để lên án thư giấy mực. Phong Liên hỏi:
- Trần công tử đến Vị An lần đầu tiên, hay đã biết xã này rồi? -
Nguyên Thái chỉ ra cửa sổ:
nhiều lầ- Trần cô nương, phong cảnh tuyệt vời, lần đầu đến đây, nhưng tôi tưởng như đã đến đây n, hay ở đây từ lâu rồi…tôi như có tiền duyên với nơi này! -
Phong Liên mừng rỡ, gửi một ánh mắt nghiêng nghiêng tới Nguyên Thái:
- Thế thì thực hân hành đón tiếp Trần công tử…Công tử cần gì cứ nói, đừng ngại. Thân phụ và « tiện nữ » đều trọng nghĩa khinh tài. Chắc công tử đã biết khi đọc giá biểu phòng trọ nơi đây. -
Sợ cô nàng lại nói chuyện quá lâu, Nguyên Thái xin phép xuống sảnh đường, Phong Liên đi theo, thì vừa đúng một bọn sáu bảy người khách từ bến thuyền lên quán trọ, quán trọ mang tên làm an tâm mọi người: Toàn An lữ quán. Phong Liên bận việc.
Nguyên Thái nghĩ :«Toàn an » ! toàn an !, để coi xem, mình phải đề phòng, hay là Toàn An vì phòng nào cũng tên…An mà thôi…Duyên An, Thái An…mình là khách tên Tâm An vậy thôi cứ an tâm đi.
Những khách vừa đến, hai đôi vợ chồng, và ba nam nhân, áo quần bảnh bao, lịch sự, lễ độ. tại sao mình cứ nghi nhầm là quán ăn chơi? Mình có kinh nghiệm gì về ăn chơi, thanh lâu, hồng lâu, nào mình có đặt chân tới bao giờ? Ngay trong câu chuyện viết về nàng Lê Hồng Diệp lâm nạn ở một thanh lâu, mình cũng chỉ viết lại thôi, chưa có kinh nghiệm bản thân…nếu ở đây, ta có kinh nghiệm bản thân…thì chỉ là số mệnh, vả lại, mình là trai, việc gì cũng chẳng quan trọng. Quan trọng là cái trong sạch tâm hồn! Nghĩ tới đầy, tay chạm phải cái cẩm nang nhỏ của La Cúc Xuyên vẫn đeo đẳng bên người. Nguyên Thái hơi khí chịu định tháo ra, những nghĩ thêm lại thôi, tặc lưỡi tự nhủ thầm:
- Thôi thì cứ đeo đi, được ngày nào hay ngày đó… Nó cũng giúp ta giữ cho được cái trong trắng để dâng cho ai, chưa biết!-
Để tránh tiếp tục nghĩ ngợi lôi thôi, chàng kết luận: « Nếu là số kiếp thì…thì …dâng cho cô nàng Phong Liên cũng không sao? Không thành vấn đề! » rồi xuống đường thăm phố xá.
Quả nhiên không khí trong lành giúp cho Nguyên Thái trở về với trong lành. Vị An thực là một nơi thuần phong mỹ tục, thanh bình trù phú. Bộ hành gặp nhau, tươi cười vui vẻ. Như là không ai có vấn đề nan giải, không ai biết khích bác hiềm thù. Tất cả sống trong thanh bình hạnh phúc. Chiến tranh không đe dọa nơi đây, hay chiến tranh đã quên nơi đây? Cửa hàng tinh tươm, sang trọng, đủ mặt hàng nội hóa và ngoại quốc « chen vai thích cánh » trong tủ trưng bày. Hai tiệm ăn sạch sẽ sang trọng, lại có phòng ăn rộng rãi xây trên mặt sông. Lẽ dĩ nhiên Nguyên Thái sẽ không đến hai tiệm này, tài chính chàng không cho phép, nhưng xét ra giá cả cũng thông thường, không cao như ở kinh đô. Trong toàn thị xã, như có ai đã ra lệnh điều hòa vật giá.
Nguyên Thái vội ghi vào sổ tay cái ý nghĩa vừa vào trí óc ưa suy luận của chàng:
« việc điều hòa vật giá và cách giữ vững giá trị tiền tệ để đưa đến trù phú lâu bền . » Điểm này sẽ mang ra thảo luận ở trường Trấn bắc sau này.
Sau ba ngày thăm viếng phố phường, làng xóm. Không nơi nào Nguyên Thái bỏ qua. Chàng say mê phong cảnh chùa Chiêm Tinh? một ngôi chùa lớn xây dựng trên một khoảng phẳng bằng của núi đá. Chùa trông xuống Vị An, từ trên cao, sau vài khóm tùng cổ thụ. Những tường đá thấp tự nhiên giữ đất màu thực tốt nên cây cỏ tươi đẹp, cành lá xum xuê. Sân chùa như một phiến đá khổng lồ, mặt phẳng lì, thực lạ lùng hiếm có. Gác chuông cao cũng xây cất bằng đá tảng, không như ở đồng bằng, bằng gạch gỗ ngói. Tiếng chuông trầm trầm, vang dịu dịu rất xa và ngân lâu, có thể do một cách đúc chuông đặc biệt, không phải một tiếng mà gồm mấy tiếng cao thấp hòa âm. Sư cụ Hòa Tín nói chuông chùa Chiêm Tinh do một hòa thượng Nhật Bản đúc cách đây hơn trăm năm. Từ chùa Chiêm Tinh xuống chùa Vạn Đức phải xuống dốc uốn khúc, nhiều bực đá, qua rừng, qua một cầu dá bắc qua một suối rộng lớn, nước xói chẩy, rồi đến đồi chè nhỏ nắng chói, đồi chè sản xuất một thứ chè đặc biệc rất hiếm. Đồi chè này thuộc chùa Vạn Đức kiến trúc mới hơn, mái ngói đỏ như sơn. Nếu ở Chiêm Tinh toàn chú tiểu, sư ông, sư bác thì lẽ dĩ nhiên ở chùa Vạn Đức toàn ni cô, sư nữ. (Tình trạng này gần giống như hai ngôi chùa ở Trung Vân, nơi Quốc Đức học tập gần một năm – Xin coi mấy chương trước).
Không khí trang nghiêm của hai ngôi chùa làm cho Nguyên Thái chợt nghĩ đến chuyện tu hành. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Ý nghĩ chợt đến cũng vì sau cuộc hàn huyên cùng sư cụ Hòa Tín, Nguyên Thái thấy vị tu hành ấy, tài cao, học rộng, quán triệt mọi vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Có lúc chàng nghi sự cụ là một chính trị gia đội lốt tu hành.
Say mấy ngày ở trọ quán Toàn An, Nguyên Thái gặp xã trưởng. Xã trưởng họ Hoàng tên Vĩnh Đạo, trạc ngũ tuần, đạo mạo, nghiêm nghị, ít nói, nhưng lễ độ, nhã nhặn. Nguyên Thái ngỏ ý muốn ở lại ít lâu, Hoàng xã trưởng đề nghị Nguyên Thái nhận một chức giáo viên ở trường làng. Lẽ dĩ nhiên Nguyên Thái nhận lời và sư cụ Hòa Tín cho chàng tá túc ở chùa, trong một phòng trai khang trang, cửa sổ cũng nhìn ra phong cảnh tuyệt vời.
Không khí Vị An rất hợp với Nguyên Thái: người người ai nấy nghiêm trang lễ độ, chàng kết luận rằng làng Vị An này tôn trọng thuần phong mỹ tục, có thể đi đến quá độ. Trên đường di vạn dậm, Nguyên Thái đã qua nhiều nơi, con gái cũng được đi học như con trai, khi còn nhỏ, thường được học chung với con trai. Nhưng ở đây, hai trường riêng biệt rất xa nhau. Trường con gái do một ni cô Vạn Đức phụ trách. Trường con trai đã có một giáo viên chính thức, Nguyên Thái chỉ trợ tá. Chương trình cổ điển Hán Nôm. Dự định sẽ cố tìm cách dạy thêm quốc ngữ mới, nhưng còn chờ thời cơ thuận tiện.
Phong tục nam nữ bất thân rất được tôn trọng. Nguyên Thái không thấy phụ nữ đi ngoài hè phố. Thảng hoặc vài bà cụ tóc bạc phơ, vội vàng chợ búa, hay đến nhà bào chế lấy thuốc.
Nguyên Thái nghĩ là không khí nam nữ bất thân này đã gây cho Phong Liên một thái độ bộc lộ tình cảm khiêu khích, chinh phục mà chàng là một « nạn nhân ». Nguyên Thái mỉm cười như thường lệ, chàng nhận lỗi về chàng, phần lỗi lớn về chàng nếu có chuyện gì xảy ra. Nguyên Thái cho là nam nhi phải có nhiều nghị lực hơn để chống đỡ. Nguyên Thái bao giờ cũng bênh vực các bạn gái trước tòa án dư luận. Đó là bản tính của chàng.