watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thương Giang Diễm Sử-Chương 33. - tác giả TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm) TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

Chương 33.

Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

33.Thái vấn vương áng văn tình ái,
Chuyện Thành Hồ và nàng Tuyết tâm



L ại nói về Trần Nguyên Thái cùng Đoàn lão bá, Đỗ thuyền trưởng và thủy thủ Giang Đô, phá tan mưu đồ cướp bè gỗ của đảng Hàn Tầm Xích.


Thuyền Giang Đô lại vượt bè gỗ. Đến khúc sông lớn, bát ngát, hai bờ xa tắp, mênh mang nước chảy. Lại thêm thuận bườm, thuyền tiến khá nhanh trong quãng sông tương đối an toàn.


Bữa cơm chiều thật là đặc biệt. Tuy không cao lương mỹ vị nhưng là cái ngon đặc biệt của thanh đạm. Cá sông được rán ròn…đậu phụ rán chấm tương, và canh rau cải điểm gừng tươi. Đoàn thủy thủ ăn mừng « khải hoàn » đáng ngã hai bình Ngọc Hà Hoa Tửu. Lẽ dĩ nhiên, Nguyên Thái không quá mềm môi, vì chàng không quên nhiệm vụ phóng viên, tác giả của Viễn Trình Nhật Ký…


Nguyên Thái vào đề:


- Dám thưa lão bá, ngu sinh tò mò, thấy trong tủ sách anh Thành Hồ cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn tiên sinh (Nguyễn Dữ) viết cách đây gần hai thế kỷ, lão bá đã đọc chưa ? Cảm nghĩ của lão bá ra sao ?-


Đoàn lão bá:


- Quyển đó, ta qua Kẻ Chợ mua được ở Phường Hàng Giấy cho Thành Hồ. Tôi đã đọc hết nhưng cháu hẳn nhận thấy đó là những truyền kỳ, tuy nhiên duyên dáng nên thơ ! Tuổi tác của lão có cho nói đến chuyện yêu đương không ? Truyền Kỳ mạn Lục, nói đến những mối tình ngược lối, rồi những cảm giác, cảm tình riêng tư được nói ra trong những bài thơ tuyệt tác…Ngu lão đã làm hư hỏng con trai Thành Hồ chăng ? -


Đoàn lão bá nói đến đây, ngửa cổ nhìn trời nghĩ ngợi, tiếp:


- Thế nào là hỏng, thế nào là không hỏng, chưa biết. Thành Hồ quá giàu tình cảm…-


Lão bà ngừng nói, vẻ mặt đăm chiêu, nhưng Nguyên Thái nhận thấy mỗi khi nhắc đến tên con, lão bá không biểu lộ một thoáng bóng buồn rầu thất vọng. Nguyên Thái kết luận là không có một tấm thảm kích nào trong chuyện Thành Hồ, Tuyết Tâm, mà có đề phòng giấu giếm một chuyện phải giấu.


Cái e thẹn ngượng ngùng của Nguyên Thái không cho phép chàng đột ngột nhắc đến cuốn Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, và tập văn gợi cảm, gợi tình của Thành Hồ và Tuyết Tâm trong tủ sách Đoàn Gia.


Đoàn lão bá thật tinh khôn tế nhị đi thẳng vào vấn đề:


- Văn viết ra phải có người đọc. Con đã đọc tập văn của Thành Hồ và Tuyết Tâm, con không phạm lỗi gì ! Chính ngu lão cũng đọc rồi. Ngu lão xin thú thực, có nhiều xúc cảm, có nhiều tâm trạng, ngu lão đã trải qua hồi niên thiếu, Thành Hồ, con ngu lão nói thay ngu lão mà thôi… !-


Nguyên Thái hài lòng, đúng như tiên đoán, Đoàn lão bá thuộc hạng người tâm tình cởi mở, phóng khoáng tự nhiên ; đêm ấy ông kể chuyện Thành Hồ Tuyết Tâm, nhưng chàng nhận thấy có nhiều chi tiết, lão bá cố tình giấu giếm.


Nhớ lại ở Vườn Đào, La Hùng « La Đà đạo sĩ » kể chuyện bí mật La gia, Nguyên Thái vừa nghe vừa viết thẳng vào Viễn Trình Nhật Ký, nhưng trên thuyền đêm tối nên Nguyên Thái mấy ngày sau, tại Đoàn gia, mới viết lại câu chuyện như sau, xây dựng lại cả những chi tiết lão bá không nói ra:


Trà Bàn là một xã nhỏ ở miền cao nguyên miền Bắc. Cũng như nhiều bản, nhiều xã khác, Trà Bàn xây dựng ở một nơi danh lam thắng cảnh. Dân số khoảng hơn bốn trăm, gia cư hơn hai trăm nóc, xây dựng thành từng, giữa những vườn hoa, vườn cây ăn quả, mỗi nhà một kiểu như tranh đua mỹ thuật. Một ưu điểm không thể bỏ quên: mấy dãy gia cư, từng hàng cao thấp, soi bóng xuống mảnh hồ Băng Tâm rộng rãi bao la như tấm gương phản chiếu trời mây. Mảnh hồ đổi màu theo thời gian, và thời tiết. Giữa hồ Băng Tâm có hòn đảo nhỏ nâng đỡ một kiến trúc vừa mảnh mai vừa vững chắc. Đó là một nhà thủy tạ tám mái. Mái ngói hồng nâu, đặt trên những cột gỗ lim lớn bằng hai người ôm. Sân gạch nung mang tự Bát Tràng đến đây. Công trình xây dựng có thể đã mấy đời, chắc hẳn, trong thời gian thái bình phồn thịnh. Cuộc chia rẽ Bắc Nam, Nguyễn Trịnh, hồi đó chưa ảnh hưởng gì đến nơi này.Giáp khu gia cư Trà Bàn, là một đồi thông đất đỏ. Những cây thông cao vút chạm trời xanh, reo vui theo gió, khi thì khúc hùng ca dũng mạnh, khi thì như sóng bể nhè nhẹ rạt rào. Dân cư quen với tiếng thông, nên không ai nghe thấy nữa. Nhưng du khách tá túc ban đêm thương hay vén song nhìn qua rừng thông, tiếng reo gợi buồn man mác, nhắc nhở kẻ tha hương mau mau về bến cũ.


Dân cư bản tính thuận hòa. Nước da trắng trèo, ai nấy tươi cười vui vẻ. Tưởng rằng nơi đây không có vấn đề nào khó xử. Cứ theo kiến trúc gia cư, ta đoán đưọc mực độ trù phú vùng này mà nguồn lợi kinh tế là sơn lâm thổ sản. Mật ong hạng tốt trong xã được chế ra một thứ kẹo mật ong trộn thuốc để chữa ho rất hữu hiệu. Các lái buôn qua đây để buôn bán các thứ kẹo đó về các tỉnh miền xuôi. Dân xã chuyên nông nghiệp lại ghép được mấy thứ lan rừng. Những chậu lan mang về xuôi, được nhiều người thưởng thức quanh năm. Ở Kẻ Chợ, những người ham mê cây cảnh rất thích những gốc phong lan Trà Bàn, dễ nuôi, và hoa nở bền lâu trong nhiều ngày.


Cuốc sống tại Trà Bàn như dòng sông êm dịu. Dân Trà Bàn có đón tiếp khách thập phương qua lại, nhưng quán trọ độc nhất của xã, không hề giữ ai quá ba bốn ngày, nghĩa là thời gian điều đình thương mại dài nhất.


Thế mà một sáng hè nào, gia đình một người Kẻ Chợ đến gặp xã trưởng xin ngụ cư vĩnh viễn. Trước sự ngạc nhiên của xã trưởng, vì đó là lần đầu có một người « kinh » đến xin ngụ cư nơi « sơn lâm cùng cốc » này, người ấy trính bày:


- Tôi, họ Đoàn, tên Thành Tạo, dòng dõi ba đời khoa hoạn. Song đường còn toàn vẹn. Thân sinh, tên Thành Đức, hiện thời là tri phủ Đông Giang, miền duyên hải. Tôi không ở cùng song thân tại Đông Giang, từ thuở nhỏ vẫn ở Thăng Long, phường Bích Câu. Theo nghiệp nhà, tôi cũng đã đậu tú tài, đáng lẽ đi làm việc ở Phủ Thừa, Trịnh Phủ, nhưng tôi quen tự do phóng khoáng, không ưa hoạn lộ, nên cùng tiện nội và con trai tìm nơi danh lam thắng cảnh an cư lạc nghiệp. Tiện nội họ Đào, tên Ngân Trúc, con gái một thương gia chuyên bán sách, giấy bút ở phường Thái Cực. Qua Trà Bàn, chúng tôi ngừng chân, vì nơi đây chúng tôi mê thích…Chúng tôi lại thấy dân bản ta thuần hòa nhân hậu, cho nên chúng tôi xin ngừng bước nơi đây…con trai duy nhất của chúng tôi, năm nay chín tuổi, biết đọc, biết viết từ bốn năm năm nay rồi -


Xã trưởng họ Trang, cùng lứa tuổi với người xin cư ngụ, cũng nhiều cảm tình với khách lạ, nhưng không dám tự tiện cho phép, nên ngày hôm sau, họp hội đồng tộc biểu, trình bày trường hợp.


Hồi động tộc biểu cũng đầy cảm tình trước vẻ hiên ngang uy vệ của người đệ đon, trước một thiếu phụ dung nhan mỹ lệ, và đứa con con trai thông minh đĩnh ngộ, tên Thành Hồ, vui lòng chấp nhận. Tuy nhiên họ nói trong khu gia cư hiện tại không còn đất trống, họ cấp cho Đoàn Thành Tạo một khu đất khá rộng, nhưng ở bên kia hồ Băng Tâm, nơi chưa có gia cư nào xây dựng. Ẩn ý của họ, trước là đề phòng dân ngụ cư, sau tiện dịp khuếch trương kinh tế khu đối diện.


Trái lại Đoàn Thành Tạo vui vẻ nhận lời, không ngờ quyết định của hội đồng lại trúng thâm tâm, một mình một giang sơn, tự do hạnh phúc ? Chỉ có một phiền phức là từ khu ấy muốn đến khu chính Ngọc Quỳ gia cư Trà Bàn thì phải đi theo bờ hồ Băng Tâm, có thể gần hai dặm, cho nên gia đình họ Đoàn dùng thuyền sang ngang, rút ngắn hành trình gần hai phần ba thời gian.


Ban đầu, một căn lều giản dị, che chở đôi uyên ương Thành Tạo – Ngân Trúc và đứa con... Năm sau, dựng xong nếp nhà khang trang, kiểu kiến trúc mà Nguyên Thái ưa thích. Lại xây một bến đậu thuyền bằng gạch rất mỹ thuật, dưới chân khu gia cư chính. Dân xã dùng bến này sang thăm Đoàn gia hoặc đến chơi nhà thủy tạ. Phần đông vui vẻ vừa lòng, nhưng cũng một số ít kỳ thị tức ghen.


Thành Tạo cố ý vừa lòng mọi người, nên phía ghen tức cũng hết.Thoạt tiên, Thành Tạo muốn mở trường dạy học phía nhà mình, nay gọi là Đông Lâm, nhưng e ngại mất lòng thầy đồ của xã, nên cũng như mọi người con trai, Thành Hồ đi học trường xã.


Trang bản trưởng, dòng dõi sáu bảy đời dân Trà Bàn, thiện võ hơn văn, cũng có một con gái tên Tuyết Tâm. Tuyết Tâm kém Thành Hồ một tuổi. Theo tục lệ xã này, con gái cũng được đi học như con trai. Bé Tuyết Tâm rất thiện cảm với Thành Hồ, cùng chúng bạn sang chơi Đoàn gia. Ngân Trúc quý mến lũ trẻ. Nàng thường hay nấu nhiều món ăn ngon Kẻ Chợ tiếp lũ « tiểu tân khách ». Bạn của Thành Hồ, ai cũng gọi nàng là Mẹ, dĩ nhiên cả bé Tuyết Tâm. Khi ấy, tám, chín tuổi, nhưng Tuyết Tâm xinh tươi, nhanh nhẹn, hơn cả bọn. Tuyết Tâm đặc biệt thân mến Thành Hồ. Tất cả đều còn trẻ, nên không ai đẻ ý. Tuyết Tâm và Thành Hồ quấn quít bên nhau cũng không gây phản ứng một ai, kể cả khi hai trẻ đã thêm ba bốn tuổi. Nhất là từ khi mẹ Tuyết Tâm sinh thêm hai em, trai, Tử Quý, gái Tuyết Hạnh, gia đình xã trưởng lại càng không để ý đến Tuyết Tâm.


Cùng chúng bạn, những tháng hè, Thành Hồ và Tuyết Tâm bơi lội ở hồ Băng Tâm, nhưng hai trẻ bơi thật xa, thật xa tới cuối hồ, nơi không có người qua lại. Quyến luyến nhau đến nỗi hai trẻ luôn luôn tìm nơi thanh vắng, chuyện trò hết ngày, hết tháng. Bè bạn lại tòng phạm che chở, để mặc Thành Hồ và Tuyết Tâm tự do quấn quít. Người lớn tin là Tuyết Tâm và Thành Hồ lúc nào cũng ở giữa chúng bạn nô đùa.


Cho đến khi Tuyết Tâm mười bốn, mười lăm, dậy thì, nẩy nở, bội phần xinh đẹp. Thành Tạo và Ngân Trúc lúc đó mới biết con trai duy nhất tuy còn nhỏ mà đã đi vào thương yêu.


Cần nói qua chuyện đôi lức Thành tạo và Ngân Trúc, bố mẹ Thành Hồ, mới hiểu được thái độ của hai người đối với Thành Hồ. Thành Tạo gặp Ngân Trúc ở phường Thái Cực. Nàng giúp bố mẹ, trong nom cửa hàng sách, giấy, bút, quen bán cho học trò nội thành và ngoại ô. Thành Tạo say mê Ngân Trúc, cô hàng giấy duyên dáng mặn mà. Con người tài sắc, thông lầu kinh sử, tế nhị, vui tươi làm cho Thành Tạo quên cả bút nghiên. Ngân Trúc cũng bị chinh phục bởi chàng trai tài hoa, phong nhã.


Thành Tạo về phủ Đông Giang nói với cha mẹ xin cưới Ngân Trúc.
Tri phủ Đông Giang lập tức từ chối, cho rằng không hộ đối môn đăng, còn bà Phủ cho rằng cô Ngân Trúc ở Kẻ Chợ, bán hàng cho học trò tứ xứ, hẳn không phải là người chân chính… Thành Tạo cố sức nằn nì. Sau cùng tri phủ đặt điều kiện, kỳ thi sắp tới, nếu Thành Tạo bảng vàng thì gia đình cho phép. Thành Tạo lều chõng vào trường, kết quả không phải bảng nhỡn, thám hoa, chỉ là tú tài. Tuy nhiên, tri phủ Đông Giang, giao du rộng rãi, vận động cho Thành Tạo bổ nhiệm Tham tụng ở Phủ Thừa, nhưng tuyệt đối không nói gì đến việc cưới xin Ngân Trúc.
Thành Tạo tức giận, bỏ Phủ thừa, mang Ngân Trúc trốn đi. Bố Mẹ Ngân Trúc đến kiện Phủ Thừa. Quan Thừa doãn ra lệnh truy tầm hai « tội phạm ». Đôi trẻ trốn đi, tri phủ Đông Giang và phu nhân hối hận, nhưng thuê người tìm kiếm khắp nơi chẳng thấy. Thành Tạo và Ngân Trúc ăn ở với nhau không cưới xin, đó là tội nặng đương thời. Đứa con trai của ái tình tên Thành Hồ, ra đời ở một làng nhỏ bờ biển Thái Bình. Tiền của giấu giếm mang đi gần cạn, đôi trẻ mang con trở về Kẻ Chợ. Chàng dạy học, nàng lại về nghề cũ. Chuyện cũ, mọi người đã quên. Không ai để ý đến hai người nữa. Tri Phủ Đông Giang tìm được tông tích, sai gia nhân đưa tối hậu thư bắt phải bỏ Ngân Trúc, người đàn bà đã « quyến rũ » con ông đi vào tội lỗi, dọa nạt đưa bội vụ đến Phủ Thừa lần nữa.


Hai vợ chồng vội vàng thu xếp tế nhuyễn tư trang, mang con ngược Bắc… Sau hai năm chu du thiên hạ, Đoàn Thành Tạo cùng Đào Ngân Trúc cùng con trai Thành Hồ đến xin định cư ở xã Trà Bàn.


Sở dĩ phải nhắc chuyện trên đây, vì muốn giải thích tại sao Thành Tạo và Ngân Trúc hết sức bênh hai trẻ Thành Hồ và Tuyết Tâm, và nếu cần khuyến khích hai trẻ vượt cả vòng đạo lý.


Thực vậy, trong ba năm trời, ông bà đã giúp cho hai trẻ thỉnh thoảng gặp nhau kín đáo ở chính nhà ông bà. Ông nói với bà, như vậy để cho đôi trẻ giữ lễ giáo cho tới khi trưởng thành. Dân Trà Bàn không ai hay biết.


Sau cùng, khi Thành Hồ mười tám tuổi tròn, ông Đoàn Thành Tạo, trịnh trọng yết kiến xã trưởng:


- Ngu hạ có việc cần phải trình bày với Trang huynh… Đắn đo mãi, tới nay đành đánh bạo ngỏ lời. Trang huynh thứ lỗi…tôi mới dám thổ lộ tâm tình -


Trang xã trưởng vốn dòng dõi võ quan, trả lời:


- Tôn huynh cứ nói, xin cứ nói. Có gì thắc mắc, cần tôi và dân xã giúp đỡ -


Thành Tạo lễ phép ngắt lời:


- Trước hết, cám ơn Trang huynh đã thâu nhận gia đình tôi định cư Trà Bàn. Chúng tôi đi gần hết Đàng Ngoài, nơi nào cũng tâm trạng loạn ly chi phối… Khi chúng tôi đến quý xã, chúng tôi biết ngay là nơi đây đát lành chim đậu…Nay xin Trang huynh cho phép chúng tôi đi sâu hơn nữa… Số là, tôi có đứa con trai, Thành Hồ, mà Trang huynh đã biết… nó đã nhiều lần đến yết kiến Trang phu nhân ở Trang gia… (tới đây Thành Tạo ngập ngừng, hồi lâu nói tiếp)… mà lệnh nữ Tuyết Tâm... -


Thành Tạo chưa nói hết câu, Trang xã trưởng sầm nét mặt. Thái độ bất ngờ đối với Thành Tạo. Tiến thoái lưỡng nan, Thành Tạo, sau khi hết ngạc nhiên, lấy lại bình tĩnh, đợi chờ, không nói thêm lời nào.
Trang xã trưởng:


- Nếu tôi không nhầm, Đoàn huynh muốn xin tiện nữ Tuyết Tâm cho lệnh nam, nhưng rất tiếc, rất tiếc, tiện nội và tôi đã trót hứa hôn cho người Trà Bàn -


Thành Tạo liền đổi hướng câu chuyện, Sau vài mục xã giao, Thành Tạo xin kiếu. Dọc đường suy nghĩ, chưa biết nói thế nào với Ngân Trúc và Thành Hồ. Suy luận. Thì ra, dân Trà Bàn vẫn kỳ thị kẻ ngụ cư, phong tục của bất cứ xã nào trong nước Việt. Nhưng mà kiểm kê tất cả thanh nam Trà Bàn, Thành Tạo không thấy gia đình nào xứng đáng, theo kiểu « môn đăng hộ đối » thông thường. Có thể là cái suy luận chủ quan của Thành Tạo.


Ngân Trúc:


- Số mệnh nhà chúng ta ! Tình duyên trở ngại khó khăn !-


Thành Hồ ra sân, ngồi xuống gốc đào, bó gối suy nghĩ.


Hôm sau, như thường lệ, Tuyết Tâm trốn sang Đông Lâm gặp Thành Hồ. Chàng trai kể lại sự tình hôm qua. Tuyết Tâm cũng hết sức ngạc nhiên:


- Em thực không biết là bố mẹ đã hứa hôn em với ai. Nhưng hứa với ai, em cũng không cần, em đành mang tội bất hiếu…cùng ra em cầu cứu sư mẫu Long Sơn -


(Sư mẫu Long Sơn là thầy dạy võ Tuyết Tâm. Long Sơn Tự trên núi Thanh Đình, cách Trà Bàn chừng mười dặm. Chính sư mẫu Long Sơn đã thâu nhận cả đệ tử Thành Hồ. Sư mẫu Long Sơn rất thương mến đôi trẻ.)


Tuyết Tâm suy nghĩ mãi cũng không đoán chắc được đã bị hứa hôn với ai. Chỉ biết sáng nay, hai thị tỳ của nàng nhất định không cho nàng ra khỏi cửa. Nàng vào buồng, cài then cửa, nhưng mở cửa sổ, phi thân qua cành cây gần, rồi đi đến Đông Lâm. Mưu kế tránh cho hai thị tỳ khỏi bị hình phạt.


Sau khi biết được việc hứa hôn có thực: Trang phu nhân, trước khi vu qui, có người bạn gái rất thân, kết nghĩa tỉ muội. Rồi hai người thề với nhau, sau này lấy chồng, nếu sinh con đầu lòng, một nên trai một bên gái, thì phải cho đôi trẻ thành vợ chồng. Hai bạn sống mối tình thắm thiết. Tưởng chỉ là việc thông thường con trẻ, nào ngờ một năm sau đôi bạn lấy chồng, người lấy Trang Tử Hùng, Trang xã trưởng ngày nay, người lấy Lê Hàn Thụ, tức tri châu Lê Hàn Thụ.


Vợ Trang Tử Hùng sinh Tuyết Tâm, con gái, còn vợ Lê Hàn Thụ sinh con trai (Nguyên Thái không ghi tên người con trai này). Lê Hàn Thụ nhờ có họ hàng ở Kinh đô, ra vào phủ Trịnh, được bổ tri châu vùng này. Có mấy năm đầu theo lý tưởng vi dân, là một quan phụ mẫu đáng nêu gương. Chẳng hiểu vì sao, tính nết bỗng biến đổi, tuy không chính mình ra tay bạo tàn, ác nghiệt, nhưng dung túng thủ hạ, liên kết với mấy đảng sơn lâm, hà hiếp dân lành. Hàn Thụ yếu đuối tinh thần chăng ? Không biết ! Chỉ thấy những giấy tờ công bố, lời lẽ đều thay đổi, tỏ ra một viên quan mưu kế khôn lưòng. Tất cả các xã thuộc quyền, ngoài sưu thuế hàng năm luật định, đều phải đóng góp cho các đảng sơn lâm, ngõ hầu giữ vững an bình cho xã mình.


(Ba tờ trình và mật thơ của Tri châu Lê Hàn Thụ gửi cho Trịnh, Lê, và Tổng đốc Lưỡng Quảng, là chứng cớ mưu mô giảo quyệt của hắn. Nhưng sau này, Nguyên Thái điều tra thêm thì được biết Lê Hàn Thụ chỉ là một vị quan bù nhìn. Quyền hành chính thức trong tay một thơ lại giảo quyệt, đã « tự bổ nhiệm » vào Châu đường bằng một giấy tờ Lê triều, có thể là giả mạo. Thơ lại này cũng đã bỏ mạng với tri châu Lê Hàn Thụ dưới tay đôi hiệp khách nào mà người ta cho là Phi Thúy Song Hiệp.)


Chúng ta trở lại hơn chục năm trước. Vì mối dây liên lạc tinh thần giữa Trang phu nhân và Lê phu nhân, xã Trà Bàn không hề bị các đảng sơn lâm phiền phức.


Sở dĩ không ai nhắc tới hứa hôn ở Trang gia từ ngày Tuyết Tâm khôn lớn, là vì chính Trang xã trưởng cũng thất vọng: con trai Lê Hàn Thụ không chịu học hành, chơi bời lêu lổng, từ ngày 16, 17 tuổi lại đam mê cờ bạc. Trang phu nhân đến gặp bạn, xin giải lời thề. Lê phu nhân ôm Trang phu nhân khóc lóc:


-Con em hư hỏng, nhưng em mong ngày gần đây nó sẽ nghĩ lại. Chị thương em, cứ cho Tuyết Tâm về đây, biết đâu con dâu em nó sẽ cải hóa con em…Hãy thương em. Em nói với Lê quân, mai đây ngày lành tháng tốt, chúng em xin rước dâu !-


Trang phu nhân phân vân khó nghĩ vì câu trả lời của Lê phu nhân cũng có lý. Vả lại, khi ấy Tuyết Tâm còn nhỏ nên chẳng ai lo ngại. Trang phu nhân cùng xã trưởng tìm kế « hoãn binh », tưởng chưa đến lúc nói cho Tuyết Tâm hay.


Từ ngày Đoàn lão bá đến Trang Gia hỏi con gái Tuyết Tâm, là bắt đầu những chuyện không hay cho Đoàn gia.


Trang xã trưởng họp tộc biểu, và hội đồng hương chính, xin chấm dứt cuộc ngụ cư của Đoàn gia. Trang xã trưởng trở thành tàn ác, dù Trang phu nhân can ngăn hết lời:


- Biết làm thế nào khác ? – Xã trưởng trả lời – tôi cũng thương thằng Thành Hồ, tôi mới biết con Tuyết Tâm thương yêu nó…nhưng bội lời thề, tội với trời, với bạn…tôi cũng quý mến vợ chồng họ Đoàn, nhưng tôi bắt buộc phải cư xử như vậy…nhưng tôi phân vân chưa biết như thế có đúng không ? Đành tùy trời mà thôi..-


Dứt lời xã trưởng kể cho vợ nghe chuyện vợ chồng Đoàn Thành Tạo vì sao đã phiêu bạt giang hồ tới đây, kết quả cuộc điều tra của tri châu Lê Hàn Thụ. Rồi xã trưởng nói thêm:


- Nghĩ lại, như vậy, là cư xử hớp lý đối với tình trạng gia đình họ Đoàn, vì Phủ Thừa Trịnh chúa vẫn chưa thu hồi lệnh truy nã ! Như vậy là làm tốt cho họ Đoàn, nếu họ đi nơi khác thì họ sẽ được an ninh hơn -


Đó là ý định của xã trưởng, nhưng khi ra hội đồng tộc biểu và hương chính, họ ngạc nhiên về quyết định của xã trưởng. Cuối cùng, biểu quyết, đại đa số không muốn họ Đoàn rời Trà Bàn.


Trang Tử Hùng tuân theo quyết định của hội đồng, từ đó tránh mặt Đoàn Thành Tạo. Ngân Trúc và Trang phu nhân cũng không gặp nhau nữa. Trang Tử Hùng bố trí canh phòng Tuyết Tâm, không cho phép ra khỏi cửa.


Không thể giữ kín, dân làng đều biết chuyện. Tình trạng tự nhiên phải có vì tính tình thuần hòa của Trà Bàn: phần đông bênh vực họ Đoàn, đều cho rằng, Thành Hồ và Tuyết Tâm là đôi vợ chồng lý tưởng. Họ chỉ e dè phân vân, vì họ đều trọng lời hứa, lời thề, cho nên mọi người tò mò chờ đợi kết thúc.


Trong khi ấy các bạn của Tâm và của Hồ thay nhau làm con én đưa thơ.


Bề ngoài, Trang xã trưởng tỏ ra cương quyết, nhưng trong thâm tâm cũng thương con gái. Xã Trà Bàn xưa nay yên tĩnh bỗng xáo động bởi chuyện Thành Hồ Tuyết Tâm. Họ chia thành hai phái. Đại đa số tán thành lương duyên đôi trẻ, còn thiểu số bảo thủ, tỏ vẻ kỳ thị dân cư ngụ. Trong số này có kẻ quá khích muốn chiếm đoạt ngay khu gia cư Đông Lâm, và trục xuất ngay gia đình họ Đoàn.


Mấy lần Tri châu Lê Hàn Thụ định bắt họ Đoàn, nhưng nhờ có Trang xã trưởng cố tình can thiệp. Tri châu Lê Hàn Thụ hoãn việc xuống trát, với điều kiện là xúc tiến việc cưới xin, Trang gia đồng ý, nhưng lại vấp phải một cản trở không ngờ:


Tuyết Tâm không chịu. Nàng đóng cửa phòng, bỏ ăn bỏ uống, mặt võ mình gầy. Thị tỳ lo ngại cho sức khỏe của Tuyết Tâm, ra trình bày tình thế với Trang xã trưởng. Trang phu nhân dỗ dành vô hiệu quả. Tuyết Tâm lại cương quyết nới với bố mẹ, nếu bị cưỡng bức, nàng sẽ tự vẫn cho tròn đạo làm con, và trọn lời thề với Thành Hồ.


Trang xã trưởng cố sức giấu kín tình trạng, thâm ý trì hoãn để tìm lối thoát, thì trong nhà có kẻ mách cho tri châu Thụ.


Nghi rằng tri châu Thụ vấn kế viên thơ lại nguy hiểm ấy. Một sáng kia, mặt trời chưa ló dạng đầu non, một tiểu đội lính chạy về vây Đoàn gia, bắt luôn Thành Hồ vào danh sách quân dịch, để đưa ngay đi miền Cam Túc, giáp giới Trung Hoa. Quân đội đột nhập bất ngờ, Thành Hồ không dám kháng cự, sợ liên lụy đến tính mạng của song thân.


Vì khu Đông Lâm xa Trà Bàn, thuyền ngang đêu bị bọn lính phá hủy, nên tin đến tai xã trưởng thì quá muộn. Trước tình thế mới ấy, xã trưởng bỗng thành liên minh với con gái.


Xã trưởng vào phòng con gái báo tin Tuyết Tâm tái mặt, định đứng lên, nai nịt, xách gươm lên ngựa, cùng bố đuổi theo cứu người yêu, nhưng vì nhịn ăn uống nhiều ngày, không còn sức lực, đành nằm xuống, nước mắt tràn trề. Xã trưởng cùng gia nhân phóng ngựa như bay, không thấy tăm hơi Thành Hồ, bèn lên thẳng châu phủ:


- Biết rằng Thành Hồ là con một, không phải quân dịch nhưng rất tiếc, Thành Hồ là con của đôi tội phạm mà bố mẹ không cưới xin chính thức, thành ra không được hưởng qui chế ấy. Tôi phải tuân lệnh cấp trên. Làm như thế là tốt đấy. Hai vợ chồng Thành Tạo cứ việc sống yên ổn ở Trà Bàn - Tri châu trả lời và nhắc luôn lời hứa xúc tiến hôn nhân.
Tri châu lại hứa, khi nào việc hôn nhân thành tựu, hắn sẽ can thiệp giải ngũ cho Thành Hồ. Xã trưởng đành ầm ừ lui gót.


Lại nói về Thành Hồ rất đau lòng khi được tin người yêu tuyệt thực, chàng viết một bức thư dài khuyên can người yêu. Bức thư này cũng là một áng văn tuyệt tác, Thành Hồ đã viết với cả tâm hồn yêu đương, có nhiều đoạn nhắc nhở đến những cuộc đi chơi riêng biệt thầm kín, với những từ ngữ mỹ miều mà riêng đôi tình nhân mới hiểu hết ý nghĩa. Nguyên Thái có chép bức thư này trong Viễn Trình Nhật Ký. Thư này chính tay xã trưởng đưa cho chàng, một điều thực lạ lùng đối với đương thời.


«..em không thể hủy hoại tất cả những gì em đã cho anh…tất cả anh là của em, anh không có quyền gì nữa. Và tất cả em, từ chân mày đến cuối tóc, đến tận những nơi xa xa mà anh đã nâng niu thương dấu…là của anh, em không có quyền hủy bỏ. Em hãy trở lại ăn uống bình thường, em hãy gìn vàng giữ ngọc. Rồi đây chúng ta lại gặp nhau. Em trả lại anh tất cả…những non xinh, suối kín của cái giang sơn diễm tình mà em đã cho anh… »


Đó là một đoạn nhỏ trích ra ở bức thư đầy đủ ghi trong Viễn Trình Nhật Ký mà câu sau cùng, chứng tỏ quyết định của Thành Hồ sửa soạn theo con đường của song đường để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi:


«..Đừng thất vọng, đường bao giờ thất vọng, cũng như anh đã tìm thấy giải pháp hiên ngang, đối với xã hội bảo thủ: cùng lắm, chúng ta sẽ như song thân anh…Anh sung sướng thấy hai người như đôi chim liền cành, hạnh phúc trăm năm… »


Sáng ấy ; bất ngờ, lính châu đột nhập Đoàn gia ở Đông Lâm. Thành Hồ không dám kháng cự, sợ lụy cho song thân. Chàng bình tĩnh trả lời đội trưởng:


- Quý đội trưởng, không cần bạo động. Tôi sẵn sàng đi theo.-


Dứt lời trao kiếm cho đội trưởng. Mấy lính châu định trói tay, chàng phản đối:


- Lời trượng phu đã hứa, xin đội trưởng ôn hòa. Vả lại tôi cũng không hề sợ hãi quân dịch…Đi lúc này, song thân tôi còn trẻ, ba năm trở về phụng sự song thân, chưa muộn gì -


Đội trưởng gật đầu, ra lệnh cho lính châu lễ phép đối với tân binh. Nhờ xử sự lanh trí, Thành Hồ không bị trói. Bọn lính này không phải là đối thủ của chàng. Nếu bọn kia mang tâm theo lệnh tri châu, ám sát chàng, chàng thừa sức chống đỡ.


Đoàn quân binh dẫn chàng đi lối khác, đường đi tỉnh này xa hơn. Trang xã trưởng không ngờ, tưởng rằng theo thông lệ, các tân binh đều tập hợp ở châu trước khi lên tỉnh. Vì vậy không đuổi kịp đoàn người ra đi trước ít nhất một ngày đường.


Thành Hồ hiên ngang khí phách. Đội trưởng rất nể. Lại thêm dọc đường hàn huyên, đội trưởng không giấu được niềm xúc cảm, trả lại bảo kiếm cho Thành Hồ, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình.


Có lúc đội trưởng ngỏ ý muốn Thành Hồ đi trốn. Đội trưởng sẽ giả vờ chiến đấu với Thành Hồ và bị thua để Thành Hồ chạy trốn..


- Muôn vàn cám ơn hiền huynh, kế ấy không vẹn toàn vì tôi nghĩ đến song thân ở nhà. Tôi không muốn gây ra một duyên cớ nào để quan châu can thiệp thêm vào gia đình tôi -


Đội trưởng gật đầu và hứa từ nay nguyện giúp đỡ Thành Hồ.


Nơi quán trọ dọc đường, Thành Hồ biên hai bức thư, một cho song thân, xin hai người yên tâm, Thành Hồ có nhiều bạn tốt, sẽ cố làm tròn bổn phận quân dịch, để sau này có cớ xin bỏ án tội vô lý của song thân. Còn lá thư thứ hai gửi cho Tuyết Tâm, nhờ nàng thay chàng trông nom, bênh vực song thân. Lại nói rõ cho nàng hay, lệnh bắt chàng đi quân dịch, không phải tự thân sinh nàng mà chính từ tri châu Thụ.


Chẳng may đường xá xa xôi, hai bức thư này đội trưởng giữ lời hứa đưa về tới Trà Bàn, thì một việc phức tạp đã xảy ra từ trước.


Đoàn Thành Tạo nghĩ đến trong khi bọn quân dịch dẫn Thành Hồ đi hơi ngạc nhiên, không thấy Thành Hồ chống cự nên rất hoang mang. Rồi bất ngờ nổi giận đùng đùng. Ra bến thuyền, thấy đều bị phá hủy, trở về Đoàn gia, thắng yên cương, đeo kiếm, giục ngựa phi như bay thẳng đến Trang gia.


Đến nơi, ngảy xuống, chẳng buộc ngựa, đập cửa Trang gia. Cửa mở, Thành Tạo gạt ngã lăn sang bên tên gia nhân vừa mở cửa vừa dụi mắt, tiến thẳng vào sảnh đường. Vừa lúc, Trang Tử Hùng nghe động, xách kiếm chạy xuống.


Thành Tạo quát mắng:


- Ta cứ tưởng Tử Hùng hiên ngang quân tử, nào ngờ…nào ngờ…Dứt lời huơ kiếm xông vào tấn công xã trưởng.-


Xã trưởng chống đỡ, cố hỏi:


- Quả thật ngu đệ không hiểu chuyện gì, tôn huynh hãy nói rõ việc gì, tiểu đệ hết sức bênh vực Đoàn gia…Tiểu đệ đang thu xếp lo liệu giải ngũ cho Thành Hồ.-


Thành Tạo càng nổi nóng, lưỡi kiếm càng thêm nguy hiểm…


Trang Tử Hùng không tấn công, chỉ chống đỡ, sau thấy sảnh đường chật hẹp, vội vừa chống đỡ vừa lui ra sân.


Cuộc đấu vô cùng sôi động ngoài sân, chưa ai bị thương, duy có mấy chậu cảnh quý bị nặng, có chậu vỡ tan, có cây bị đứt ngang.


Trang phu nhân, Tuyết Tâm và toàn thể gia nhân đều thức dậy và có mặt ở hành lang, chung quanh sân.


Hai gia nhân võ sĩ định vào trợ giúp nhưng Trang Tử Hùng ra lệnh không được bạo động. Tử Hùng hiên ngang chống trả, thầm phục đường kiếm của Thành Tạo. Thành Tạo thì mù quáng giận dữ, tấn công vũ bão như cố giải quyết mối thù không đội trời chung.


Trang phu nhân và Tuyết Tâm khóc to, xin hai ngưòi ngừng kiếm, nhưng cả hai đếu không nghe thấy gì chung quanh nữa.


Mọi người đang lo ngại thì một tiếng gió rịt: thanh kiếm của Tử Hùng bay đi cắm vào gốc mai bên cạnh khóm trúc, còn Tử Hùng thì ngã xuống đất bên cạnh chậu cảnh vừa vị vỡ tan. Thành Tạo cầm kiếm đến bên Tử Hùng. Tử Hùng, hiên ngang, anh hùng, thua trận chờ chết không né tránh.


Tuyết Tâm hét to một tiếng, ngất đi.


Trang phu nhân chạy đến bên hai người, vừa lúc Thành Tạo vứt kiếm, ngửa cổ nhìn trời như trách oán trời xanh, nước mắt chan hòa…


Khi biết rõ việc Thành Hồ không do Trang xã trưởng, Tạo vô cùng xấu hổ, quỳ xuống xin lỗi hai người. Tuyết Tâm vừa tỉnh lại thấy chuyện không đi đến thảm kịch, vội chạy lại nâng Thành Tạo đứng dậy.


Thành Tạo quay lại xin lỗi mọi người, rồi buồn rầu, lên ngựa ra về. Mọi người hết sức vui mừng đã tránh được thảm kịch.


Tuyết Tâm thương nhớ người yêu, nhưng nghe theo lời khuyên của chàng, luôn luôn đến thăm nom ông bà Thành Tạo. Đó là một an ủi rất lớn cho nàng. Chính bố mẹ cho phép nàng làm việc ấy. Bố mẹ nàng ngả hẳn về quyết định giải lời hứa hôn với Lê gia, nhưng chưa biết làm thế nào.


Tình trạng ấy làm Trang phu nhân vô cùng đau khổ. Sức khoẻ hao mòn, thành ra ốm nặng. Vô cùng lo sợ cho mệnh hệ phu nhân, Trang Tử Hùng đem nàng lên nhờ sư mẫu Long Sơn chữa bệnh.


Trang phu nhân ở Long Sơn nhiềư năm nữa. Có thể nói rằng nàng thành gàn dở, lúc nào cũng nghĩ đến lời thề hứa hôn. Nàng ra Phật đường tụng niệm, xin rằng khi nào Lê gia làm việc xấu đối với Trang gia, nàng sẽ tự ý trở về, và xin giải lời thề với Lê phu nhân. Một thứ bệnh tâm thần khó chữa, khi nào bệnh nhân khăng khăng một ý nghĩ, không ai can thiệp được.


Điều này giải thích tại sao khi tri châu Lê Hàn Thụ ra lệnh đốt Trang gia, xã trưởng như vừa trút được gánh nặng. Lê gia cho đốt Trang gia là một hành động xấu xa, nhưng nhờ đó Trang phu nhân khỏi bệnh rồi giải lời thề. Lại thêm tin tri châu Lê Hàn Thụ bị ám sát thành chính thức, Trang xã trưởng cho như trời đã giúp giải quyết vấn đề.


Viết xong những trang tình sữ Trà Bàn, mấy ngày sau, Nguyên Thái theo Trang Tử Hùng cùng hai con Tử Quý và Tuyết Hạnh lên Long Sơn đón Trang phu nhân. Tử Hùng cố nài nỉ mời Nguyên Thái đi cùng, biết rằng lời Nguyên Thái nói ra, Trang phu nhân sẽ tin hơn.


Quả nhiên, Nguyên Thái vô tình, biến thành y sĩ chữa bệnh tâm thần. Trang phu nhân theo mọi người về Trà Bàn. Vợ chồng Thành Tạo đón tất cả gia đình Tử Hùng sang Đông Lâm tạm trú, cho tới khi Trang xã trưởng xây dựng lại gia cư.


Câu chuyện tình duyên Thành Hồ - Tuyết Tâm được Nguyên Thái ghi vào Viễn Trình Nhật Ký, có khía cạnh đặc biệt, là áng văn chương tuyệt tác mới mẻ với đương thời…


Nhắc lại Nguyên Thái phê bình tập văn « tác giả là thi sĩ viết văn xuôi » cho nên tới hồi sau, chúng tôi sẽ trích hai bài thơ, một của Đoàn Thành Hồ, và một của Trang Tuyết Tâm, để chứng minh cá tính đặc biệt của hai người, một cặp uyên ương đã yêu thương nhau thắm thiết.., sống hài hòa tình dục và tình yêu.
Vả lại cần giải đáp một thắc mắc của các bạ

n đọc quý mến: Đoàn Thành Hồ quân dịch ba năm sao không trở về, và Trang Tuyết Tâm cũng biệt tích từ lâu ? Tại sao ?


Nhắc lại, trong Viễn Trình Nhật Ký, Nguyên Thái ghi nhận chuyện tình duyên của Đoàn Thành Hồ và Trang Tuyết Tâm, chép toàn bản áng văn gợI tình của hai người.


Chi ghi lại sau đây hai bài thơ ngũ ngôn tự do để các độc giả quý mến đoán xem những chuyện gì đã xảy ra giữa đôi trai tài gái sắc ấy:


Trang Tuyết Tâm gửi Đoàn Thành Hồ (ngũ ngôn tự do)


…Anh dang tay đón đợi
Em chạy đến bên anh
Đôi vòng tay khép đóng
Em sợ chuyện Thôi Oanh! (1)
Lời nặng em chẳng đành…
Đôi bàn tay run rẩy,
Anh cố gỡ xiêm y.
Em không sao chống đối,
Anh mất hết lương tri.
Em hết đường tiến thoái…
Anh phá đổ thành trì
Dâng anh cả giang san
Đôi bồng non nén thở
Anh giữ hộ con tim
Khỏi bay qua lồng ngực,
Sóng trào dâng rạo rực…
Gió cuốn mất sa y…
Em thét kêu, tiếng đội !
Đất núi bỗng chia đôi,
Rừng cây theo nghiêng ngả.
Lệ trào đôi mắt trong,
Suối yêu tràn lửa bỏng…
Thẹn thùng em cố tránh:
Sao sớm chuyện chung đôi?
………………
Đoàn Thành Hồ gửi Trang Tuyết Tâm
…Anh không nghe em trách!
Đã lỡ sớm chung đôi
Trăm năm xin chuộc tội
Yêu thương cùng chung lối
Đôi chim nguyện liền cánh
Đâu phải chuyện Thôi Oanh (1)
Phút giây bên người ngọc,
Anh mất hết lương tri!
Nay, về chuyện lễ nghi,
Em phải về Ngọc Quỳ (2)
Anh ở lại Băng Tâm,
Cầm tay không nỡ bỏ
Em cách trở Thương Sâm....(3)
Ngập ngừng anh cố níu,
không muốn em ra đi.
Sao rời xa người ngọc?
Anh xin mảnh sa y
Đượm hương tình riêng kín
Đoá hoa nở xuân thì
Em đi anh còn giữ
Mặn nồng môi còn đọng
Bên tai điệu trúc ti
Trúc mai nguyện đền nghì (4)
Dù chân trời góc biển
Không quên chuyện gia nghi ! (5)


Chỉ chép hai bài thơ gợi tình kín đáo nhất trong tập văn và giải tỏa nỗi thắc mắc của độc giả về sự biệt tăm của Thành Hồ và Tuyết Tâm trong nhiều năm.


Sau khi đem vợ gửi Long Sơn sư mẫu chữa bệnh, Tử Hùng về Trà Bàn vận động xin giải ngũ cho Thành Hồ mà không được vì Lên Hàn Thụ nhất định cản trở. Thời gian thắm thoát, ba năm qua vẫn không thấy Thành Hồ về, Trang Tử Hùng thương con gái Tuyết Tâm, lại cũng thương mến chàng trai Thành Hồ, một ngày kia quyết định cùng Đoàn Thành Tạo, đem mấy gia nhân tâm phúc, hộ tống con gái đến quân đồn Cam Túc, chủ tâm cho hai trẻ thành vợ nên chồng. Đường sá xa xôi, hơn tháng trời mới tới nơi. Đôi bạn đường thành đôi bạn thân. Hai người nhất định xây dựng hạnh phúc cho hai con.


Đến Cam Túc, phòng xa, kín đáo gọi Thành Hồ. Chàng trai đến quán trọ nhận ra ngay Tuyết Tâm, dù trong bộ võ phục màu nâu, nàng cải dạng nam nhi. Bất chấp lễ nghi, quên cả chào hỏi mọi người, chàng chạy đến ôm chầm người ngọc, lứa đôi giọt lệ tràn trề. Không ai trách cứ. Hồi lâu, chàng như tỉnh mộng, vội dẫn Tuyết Tâm đến quỳ trước Thành Tạo và Tử Hùng, ngẩng xin tha tội.


Thành Tạo và Tử Hùng, cùng gia nhân tùy tùng, ai cũng có giọt lệ thương yêu cho đôi trẻ. Thành Tạo và Tử Hùng lúc đó mới nhận rõ sự đổi thay khí sắc của Thành Hồ: Gần bốn năm trấn thủ lưu đồn, Thành Hồ đã đổi thay nhiều. Sau phút yếu mềm, trở lại hiên ngang cương quyết. Nắng mưa dầu dãi biến nước da thành nâu hồng, nét mặt oai nghiêm, khí sắc một võ quan thao lược.


Thành Tạo và Từ Hùng đưa mắt nhìn nhau, muốn nhường quyền nói trước…Sau cùng, Tử Hùng cầm tay con gái và Thành Hồ, nói to:


- Chúng tôi, Đoàn quân, và tôi, tuyên bố từ phút này con gái tôi Tuyết Tâm và con trai Đoàn quân, Thành Hồ thành vợ chồng…việc lễ gia tiên đôi bên đều hoãn, tới khi nào an bình, mọi người trở lại Trà Bàn…-


Đoàn quân gật đầu đồng ý. Mấy gia nhân tâm phúc chúc đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, trước khi vào một bữa cơm sơ sài, thanh đạm của quán trọ sơn lâm.


Chúng ta để yên cho đôi trẻ sung sương đôi « tân hôn » trong vòng đạo lý, và chúng ta trở về thực tế, thực tế phũ phàng: Thành Hồ kể lại tình hình quân đồn biên cương Cam Túc. Lê Đức Tài, đốc binh trưởng đồn, thuộc phe Lê Triều. Lê Triều bất cứ bằng cách nào đánh đổ Chúa Trịnh, nên mật liên lạc với Mãn Thanh, dùng quân lực Mãn Thanh khôi phục lại ngai vàng. Một đêm, trong cuộc tuần tiểu, Thành Hồ bắt được ba người vượt biên cương, trong mình mang giấy tờ của Tổng đốc Lưỡng Quãng. Giải về đồn. Một bất ngờ đối với Thành Hồ: Chính đồn trưởng xuống sân cởi trói cho ba người, đưa vào văn phòng mời ngồi, lại gọi thơ lại cấp giấy thông hành, và lương thực cho ba người ấy. Thành Hồ đình phản đối, thì phó đội trưởng đưa mắt can. Thành Hồ hiểu ý lui ra. Phó đội trưởng giải thích đó là chuyện cơ mật Lê triều. Trước đây có một sĩ quan phản đối, mấy ngày sau bỏ mạng trong một cuộc hành quân, trúng một mũi tên độc sau lưng. Thế là Thành Hồ coi như mình lọt vào một hang rắn độc, ngày đêm đề phòng…cho đến ngày giải ngủ thì nhận được giấy gia hạn ba năm, quân lệnh từ Thừa Doãn Trịnh phủ, đích thân đóng dấu ký tên.


Câu chuyện làm cho Thành Tạo và Tử Hùng vô cùng bất mãn. Cả hai đều không đồng ý về việc cõng rắn cắn gà nhà. Cho nên ngày hôm ấy, họ tổ chức cho Thành Hồ đào ngũ.


Cả đoàn, ngày đêm xuôi đồng bằng. Nơi trốn trành tương đối an toàn nhất là Kẻ Chợ, phồn hoa đô hội. Khi Thành Tạo và Tử Hùng tranh nhau trách nhiệm giới thiệu đôi trẻ, thì khám phá thêm một điều vui vẻ: cả hai đều có chân trong hội Song Lưu, nhưng chi hội một ở đồng bằng, một ở mạn ngược. Sau cùng đôi bên thỏa thuận giao hai con cho thân sinh của Trần Nhị Ngọc, phường Tả Nhất. Thành Hồ và Tuyết Tâm, tâm hồn lãng mạn, thay đổi tính danh, đặt trụ sở ở Tả Nhất, chỉ huy một lán gỗ quý..luôn luôn xuôi ngược Hồng Hà trên giang thuyền thương mại của Song Lưu ; những nơi phong cảnh hữu tình đều có đề thơ…nhưng những tác phẩm không được phổ biến, mà sĩ phu thường hay chép lại chuyền tay nhau, vì tính cách bạo dạn của lời văn. Tác phẩm dưới bút hiệu Hồ Điệp, không ai biết của Hồ Tâm.


Rồi sinh ba con, hai gái một trai. Hai bà mẹ bí mật đến thăm con cháu. Sau này Quang Trung cả phá quân Thanh ở Thăng Long, gia đình Đoàn Trang không đề phòng như trước nữa.


Từ biệt Trà Bàn, Nguyên Thái lên đường một buổi sáng gió bắt đầu thổi nhẹ tới núi rừng. Chỉ có hai gia đinh Đoàn, Trang tiễn đưa, dân làng không hay biết. Vả lại trong thời gian trú ngụ nơi này. Nguyên Thái thường ở khu Đông Lâm, ít khi rẽ sang xóm Ngọc Quỳ, nơi nhiều gia cư nhất.


Người bộ hành của chúng ta vẫn không thay đổi phương cách di chuyển. Đôi chân đưa chàng, theo dốc, lên tới ngọn đồi phía Đông. Ngừng chân, ngoảnh lại nhìn Trà Bàn với hơn trăm nóc nhà chen chúc, đây đó, khói xanh từ từ bay lên rồi tan theo chiều gió. Tâm dạ bỗng nao nao. Chàng thở dài và tự hỏi:


- Tại sao ta không dừng chân nơi đây? Tại sao nhỉ? Số kiếp chăng? Tại sao bỏ Cẩm Giang? Tại sao bỏ Thạch Đào? Biết bao giờ thái bình an lạc? Phận nam nhi ở đâu? Làm gì? Làm cho ai? Đường đi Trấn Bắc sự thực vẫn ngập ngừng, chưa hẳn quyết định về hướng nào?


Nguyên Thái nhắc lại châm ngôn của nhà trường: «Trung Trinh Phục Vụ », rồi Nguyên Thái suy tư: Trung với ai? với người hay với chính thể. Trinh ư? suốt đời « Trinh Tiết » với lương tâm? Phục vụ ai? Phục vụ vua hèn, chúa ác, hay phục vụ chính thế nào? Kể cả chính thể tàn bạo Phục vụ con dân là đúng…còn phục vụ chính thể tàn bạo là tòng phạm tội ác muôn đời!


Tú Thái chống kiếm suy tư, nhìn xuống Trà Bàn. Chép miệng thở dài. Sau cùng nghĩ đến tuổi mình, Nguyên Thái mỉm cười…Chuyện quan trọng hãy đợi chờ, bởi vì, giờ đây, gót phiêu lưu dạy chàng yêu thương đất nước một cách khác thường. Sau này, chàng sẽ giúp những ai đáng mặt gánh vác việc công, để quản lý cái giang sơn gấm vóc này, khi nào lòng người hết chuyện rẽ chia, chàng sẽ gây phồn thịnh bằng nông, bằng công, bằng thương, rút bớt sĩ, nơi ấp nở nhiều ươn hèn bất lực.


Vừng đông hé đầu non…Nắng hồng nhuộm mái tóc chàng trai. Con tim rộn đập, Nguyên Thái ngồi xuống một gốc cây, giở Viễn Trình Nhật Ký, tới trang chàng vẽ chân dung các giai nhân đã gặp trên đường đời: Mai Trang Hồng, thiếu nữ kinh kỳ, cháu Mai tri huyện, Từ Diệu Hồng và Diệu Lang hai nữ hiệp Tuy Hòa, ba giai nhân Thạch Đào, cô giáo Thanh Duyên, nữ kỹ sư thủy lợi Phạm Nguyệt Hà, và lẽ dĩ nhiên cô em hay giận hờn Cúc Xuyên.


Nguyên Thái hứng những giọt sương mai đọng trên lá nõn vào nghiên mực nhỏ, mài mực lấy bút vẽ chân dung Trang Tuyết Hạnh.


Quên sao được những cuộc đàm thoại bằng ánh mắt với cặp mắt sâu đen láy của Trang nhị nương? Biết giọng nàng trong như tiếng họa mi, lại hơi rung rung như cô chị Tuyết Tâm (theo lời như Ngân Trúc kể lại), nhưng chàng chưa hề trực tiếp hàn huyên với người đẹp. Dáng dấp mảnh mai, e thẹn, khép nép, rụt rè, nàng chưa bao giờ nói thẳng câu nào với chàng. Nghĩ thầm, cái lặng lẽ thầm kín đó, phải chăng giấu giếm một suối lửa chỉ chờ ngày bùng cháy? Nguyên Thái bị chuyện Trang nhất nương chi phối, mỉm cười phân tích lý tâm cô em, Nhị Nương Trang Tuyết Hạnh. Thực tế, nàng chưa nói thẳng với Nguyên Thái câu nào! Kể cả hôm cùng nhau theo xã trưởng đi Long Sơn Tự. Trên đường đi, có nơi phải qua một vách đá cheo leo…Trang xã trưởng qua rồi với con trai Tử Quý? Vô tình hay cố ý? Đâu có biết? Nguyên Thái liền trở lại giữa vách đá, đưa tay cho nàng nắm lấy. Ngập ngừng vài giây, nàng không nắm tay Nguyên Thái nhưng đưa tay cho chàng. Chàng vội nắm bàn tay ngọc, kéo nàng qua. Không câu cám ơn, nhưng ánh mắt sâu sâu, những cảm tình đặc biệt người đẹp dành cho chàng, tưởng như nàng đã nói: « Em không cám ơn anh đâu, vì cám ơn là hết…em còn muốn nợ mãi người anh!»


Rồi sáng nay, lúc chia tay, Nhị nương Tuyết Hạnh nấp sau mành nhìn ra sảnh đường gửi Nguyên Thái ánh nhìn đầy trách móc!


Chân dung Tuyết Hạnh vẻn vẹn có cặp mắt sâu đen láy, với hai câu thơ:


Hãy cho anh muôn vàn ánh mắt
để bao xa, vẫn ở bên em!


Nghĩ thầm mình bị lây lãng mạn Thành Hồ - Tuyết Tâm chăng? Chàng gấp sách, xếp bút nghiên – « Phần vẽ chân dung các giai nhân, hãy còn nhiều trang trắng!!! Bao giờ ta vẽ người cuối cùng? » Chàng tự hỏi và tiếp tục lên đường
Thương Giang Diễm Sử
thay lời tựa
Chương 1.
Chương 2.
Chương 3.
Chương 4.
Chương 5.
Chương 6.
Chương 7.
Chương 8.
Chương 9.
Chương 10.
Chương 11.
Chương 12.
Chương 13.
Chương 14.
Chương 15.
Chương 16.
Chương 17.
Chương 18.
Chương 19.
Chương 20.
Chương 21.
Chương 22.
Chương 23.
Chương 24.
Chương 25.
Chương 26.
Chương 27.
Chương 28.
Chương 29.
Chương 30.
Chương 31.
Chương 32.
Chương 33.
Chương 34.
Chương 35.
Chương 36.
Chương 37.
Chương 38.
Chương 39.
Chương 40.
Chương 41.
Chương 42.
Chương 43.
Chương 44.
Chương 45.
Chương 46.
Chương 47.
Chương 48.
Chương 49.
Chương 50.
Chương 51.
Chương 52.
Chương 53.
Chương 54.
Chương 55.
Chương 56.
Chương 57.
Chương 58.
Chương 59.
Chương 60.