watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thương Giang Diễm Sử-Chương 43. - tác giả TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm) TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

Chương 43.

Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

43.Trên đường đi, Thái mở cẩm nang,
Nơi đất lạ mắc mưu Bạch Phụng.



L ại nói về Trần Nguyên Thái từ biệt song thân, Bích Hương và mẹ con Lương Trinh, lên đường một sớm mai, tâm niệm kỳ này lên thẳng Trấn Bắc, không đi đông rẽ tây như trước.


Trên đường đi, một mình suy tư, tâm trạng biến đổi nhiều lần, khi buồn vui, khi chán chường thất vọng, lúc sung sướng nghĩ đến tương lai. Thực vậy, trong khoảng mấy ngày mà biến đổi bất ngờ: chàng đã lấy vợ mà không có vợ…không làm chồng, không làm bố mà lại có con ! Sau cùng nhún vai, nghĩ rằng số mệnh chàng là số mệnh của hiệp khách muôn đời…chuyện vợ con đâu có quan trọng...chuyện vừa xảy ra chỉ là hình thức, chỉ là một hành động hiệp liệt mà thôi. Có cũng như không. Không thèm nghĩ đến nữa.


Nhưng nhiều lúc hình dung Lương Trinh trong trí óc. Ôi, đôi mắt sáng to, thực to, nhưng ánh nhìn sợ sệt, cả cái khuôn mặt từ bi hiền hậu…nhưng không bình thản…ánh mắt, nét ngài của một con vật bị thương người ta sắp đem lên bàn mổ hy sinh ! Sao mà thương thế ? Mong rằng nàng sống trong gia đình mình sẽ tìm thấy hạnh phúc hồi sinh…cho nên, cho nên lúc chia tay, mình đã gây cho nàng biết bao hy vọng, mình đã nắm đôi tay nàng run run trong tay mình, mình hứa hẹn mau trở về, mình đã đặt nụ hôn trên trán bé Vị An, bây giờ cũng như con mình…


Nguyên Thái tiếp tục suy tư…hay là mình yêu Lương Trinh mà không biết ? Tại sao mình đã chấp nhận dễ dàng giải pháp trói buộc mình vào hôn nhân ? Nước da trắng ngà của nàng…vì ăn chay từ thuở nhỏ, trắng xanh, cho nàng một dáng dấp mong manh đáng thương quá ? Hiện thời chắc chắn là nàng yêu thương vì chịu ơn mà thôi…Suy nghĩ lôi thôi hồi lâu, tặc lưỡi, nhún vai nhìn đường xa tiến bước.


Chợt nghĩ ra điều gì vội ngồi bên một gốc đa. Do dự vài phút, rồi tháo cái cẩm nang gấm nhỏ đeo bên thắt lưng. Khi chia tay, La Cúc Xuyên trao cho chàng túi gấm, nói rằng:


- Anh phải thề với trời đất, là khi nào anh thành hôn với ai, anh mới có quyền mở cẩm nang này -


Nguyên Thái nghĩ thầm, trò chơi con trẻ ! Thế mà mình đã giữ bao nhiêu lâu không tò mò mở coi. Giờ đã đến lúc vì…vì…mình đã lấy vợ…(Sau một lúc, lại ngập ngừng)…như thế chưa phải là lấy vợ ?


Cuối cùng, tặc lưỡi. Thôi, bây giờ coi như mình đã có vợ rồi. Ta hãy chấm dứt trò chơi con trẻ với Cúc Xuyên.


Mở túi da, một hương thơm tỏa ra nhắc nhở hương thơm quen thuộc của La Cúc Xuyên vẫn dùng trên tóc. Nguyên Thái ngạc nhiên, cẩm nang kín đáo đến nỗi bao ngày tháng đã qua mà hương thơm như ngày từ biệt. Trong túi một tờ giấy gấp nhỏ, thực nhỏ, ghi mấy dòng chữ sau đây:


Trần quân yêu dấu,


"Ngày hôm nay, anh từ biệt Thạch Đào. Em không còn phương kế nào để giữ anh ở lại nơi đây…Đêm cuối cùng anh đã trốn tránh chạy xuống công quán…cũng phãi, nếu anh ở lại La gia thì em đã…hiến dâng anh tất cả, tất cả. Em là thiếu nữ sơn lâm, không biết nói năng ý nhị kín đáo như các thiếu nữ thị thành. »


« Anh bỏ đi, em đau lòng khôn nói. Em chạy lên vườn đào cầu cứu đại thúc. Rồi một sự thực đã đến với em, sự thực này làm cho em một đêm mà già nửa đời người ! Đại thúc đã nói rõ thân thế em. Đại thúc kể hết, kể hết cả những hành động tàn ác đối với gia đình, đối với mẹ em, của bố em, bố đẻ của em đã bị Trời Phật trừng phạt từ lúc em chưa đầy tuổi tôi. »


« Sau cùng, đêm ấy, đại thúc và tất cả gia đình, giao cho em túi châu báu, cái túi châu báu đã làm cho bố em gây nên tội ác. Tất cả gia đình cho phép em đi theo anh, còn túi châu báu sẽ góp vào quỹ trường Trấn Bắc. Cả gia đình lại cho phép em đi theo anh với tất cả cái tự do, tự lập của con gái sơn lâm. »


« Em vô cùng sung sướng lạy tạ đại thúc và gia đình, sửa soạn đi theo anh…đầu anh không đồng ý. Nhưng chợi nghĩ lại, em vô cùng lo ngại, em chỉ sợ không xứng đáng làm bạn đường đời của anh. Cái xấu xa tàn ác của bố em có truyền lại cho em không ? Em bắt đầu nghi ngờ cả em ? Nghĩ lại đêm bố trí trận Thạch Đào, sáng sau, mấy lần, em định giao vị trí cho phó tướng, rồi lẻn sang nơi anh án binh, rồi lúc em nẩy ra ý nghĩ yếm thế, muốn cả hai chúng ta trận vong ngày ấy ! »


« Ngỏ ý với đại thúc, người nói rằng anh sẽ là cứu cánh tinh thần của em sau này, nhưng Đại thúc nói rằng anh và em không có duyên số vợ chồng chính thức. Đại thúc biết em yêu thương anh và Đại thúc rất quý mến anh. »


« Đại thúc hy vọng sau này, dù anh thành gia thất rồi, anh và em Cúc Xuyên của anh sẽ là đôi chim liền cánh trên đường hiệp liệt, con đường số kiếp của chúng ta. »


« Em nói rõ là em không đòi hỏi gì hơn những phút yêu thương mà chúng ta sẽ ngẫu nhiên gặp trên đường đời. Em Cúc Xuyên của anh sẽ giữ gìn tuyết sạch giá trong để xứng đáng làm người vợ không chính thức của anh… »


« Anh đi rồi, hôm sau, em cũng sẽ lên đường đi tìm mẹ. Lộ trình của em sẽ qua các ngôi chùa rải rác vùng sơn lâm, và em sẽ qua thăm các nơi cấm tu của các dòng đạo Gia Tô, trước khi về Trấn Bắc. Túi châu báu thì chính Đại thúc mang về Trấn Bắc nay mai. »


« Còn đây là chương trình phiêu du của em:


Theo sau một danh sách các nơi có sơn tự và nơi có cấm tu viện dòng Gia Tô và ngày tháng dự định đến nơi.


Đoạn thêm, Cúc Xuyên viết:


« Đêm qua lên thăm Đại thúc ở vườn đào, em đi qua các chiến trường, tưởng như nghe thấy hồn sĩ tử khóc than ở Thổ Lục, Thổ Hồng. Thạch Đào của chúng ta coi như giang sơn tổ quốc nhỏ bé, thắng được ngoại xâm, nhưng vết tích chiến tranh còn lâu mới hàn gắn. Chị Nguyệt Hà và anh Quý ở lại Thạch Đào để xây dựng lại đập hồ Thanh Thiên… »


« Năm năm nữa, đúng ngày nay em sẽ trở về, hẹn gặp anh ở vườn đào, nếu không được gặp anh ở Trấn Bắc… »


Thơ Cúc Xuyên làm cho Nguyên Thái buồn rầu. Thì ra Cúc Xuyên cũng như mình gia trước tuổi vì chiến tranh ; thương yêu Cúc Xuyên vô cùng, quyết định gặp nàng sớm càng tốt. Nghĩ đến lời hứa hẹn của Cúc Xuyên chăng ? Lời hứa hẹn của nàng, tự do, tự nhiên làm cho Nguyên Thái bỗng nhiên trút bỏ tội lỗi lương tâm, nếu có chuyện xảy ra.
Tính lộ trình, Cúc Xuyên sẽ có mặt ở bản Điền Sơn năm ngày nữa. Nguyên Thái sẽ tới nơi trước ba ngày.


Nguyên Thái đến Điền Sơn vào khoảng giờ Thìn, sau hai ngày hành trình cấp tốc, đêm ngủ ở rừng núi dọc đường. Nóng lòng gặp Cúc Xuyên, bồn chồn tấc dạ, ngồi đứng không yên, quên cả phong cảnh Điền Sơn, gần tương tự Trà Bàn. Phong cảnh tuyệt vời tuy nhỏ hơn Trà Bàn.


Điền Sơn chỉ có một quán trọ nhỏ, tên là Song Liễu lữ quán, xây dựng bên cạnh khu chợ. Chợ chỉ họp hai lần một tháng. Khi Nguyên Thái tới nơi không phải phiên chợ nên hàng quán vắng teo. Quán trọ tên Song Liễu vì ở mặt sau có một mảnh hồ nhỏ nước trong xanh, bên bờ có đôi cây liễu cạnh nhau, lá cành quấn quít như đôi tình nhân, đùa cợt mặt hồ. Chủ quán nói rằng khi ông ta đến đây thì đã thấy hai cây ấy mọc sát bên nhau như vậy, không biết tự nhiên hay ai đã tinh nghịch trồng lên. Có nhiều họa sĩ qua đây, cho nên trong sảnh đường, trên tường treo tám bức vẽ, tám tác giả, mỗi người tả đôi liễu một cách,. Quán rất nhỏ, chỉ có năm buồng trên lầu, tất cả đều có cửa sổ, mở ra đường và hồ Song Liễu. Nguyên Thái rất mừng và tin rằng nếu Cúc Xuyên qua đây đúng hẹn, thí chắc chắn chàng sẽ gặp ngay ở quán trọ này. Điền Sơn ghi trên lộ trình của Cúc Xuyên vì ở bên kia dãy núi có chùa sư nữ tên là Điền Sơn Tự. Muốn lên Điền Sơn Tự phải mất cả nửa ngày, đường núi cheo leo. Tiện dịp, ngày hôm sau, Nguyên Thái lên chùa từ sáng sớm, định tâm giúp Cúc Xuyên tìm tông tích của Ngô Kim Chi, mẹ Cúc Xuyên.


Nguyên Thái trở về quán thì trời đã tối mịt, thất vọng, sư bà Điền Sơn cho biết trong chùa không có ai khác, ngoài sư bà và một ni cô người làng Điền Sơn. Nhớ lại, sư bà thêm rằng cách đây bảy tám năm, có một bọn bốn ni cô qua chùa tá túc, rồi tiếp tục hành trình về phía Tây. Hình như đi thỉnh kinh nơi nào, sư bà không nhớ rõ. Tài liệu quá mong manh. Cũng hài lòng: như vậy, khỏi phải mất công lên Điền Sơn Tự.
Còn hai ba ngày nữa mới gặp bạn gái, Nguyên Thái dành thì giờ quan sát thung thổ, súc vật, thổ sản và dân gian trong vùng. Những chi tiết quan trọng, khác biệt từng vùng đều có ghi chép trong Viễn Trình Nhật Ký, ngoài những sự kiện mà chàng đã thủ một vai hay chứng kiến.


Điểm đặc biệt ở Điền Sơn là dân chúng rất ít đi lại trong đường phố, hay trên các lối mòn của rừng ruộng. Thoảng hoặc gặp ai trên đường đi thì người ấy hấp tấp vội vàng và tỏ ra tránh xa kẻ lạ. Nguyên Thái chưa bắt chuyện được với ai ngoài đường phố. Trái lại trong nhà, trong tiệm thì họ cũng cởi mở chuyện trò. Điểm đặc biết ấy không phải vì công việc đồng áng, và cũng chẳng vì chưa đến ngày phiên chợ.
Buổi tối, sau bữa cơm sạch sẽ, tươm tất, ngon lành, trong một chầu trà ở sảnh đường, Nguyên Thái đem mối thắc mắc hỏi chủ quán Song Liễu, người này có vẻ e ngại, khe khẽ trả lời:


- Không có gì lạ đâu, đấy là tập quán của dân chúng vùng này, xin công tử đừng để ý -


Nguyên Thái không tin lắm, không toại nguyện vì lời giải thích ấy, lại thoáng gặp ánh nhìn e ngại của chủ quán khi ông liếc sang bàn thực khách cuối phòng. Mùa này như đã nói, quán Song Liễu vắng khách, năm phòng ngủ mà chỉ có một mình Nguyên Thái là khách lạ viễn phương, còn những thực khách đều là người Điền Sơn, quen dùng cơm tối nơi đây.


Bốn thực khách cuối phòng theo như phong cách, cử chỉ, và những võ khí đeo bên thắt lưng, có thể là nhân viên cảnh sát an ninh trong vùng, chắc hẳn võ nghệ cao cường, còn hai bàn ăn khác thì toàn dân hàng phố, vài chủ tiệm…và một lang y đã biết, vì ông ta giải thích rõ ràng cho Nguyên Thái vì mấy thứ cây cỏ y được đặc biệt chỉ có ở vùng này.


Bốn thực khách đáng chú ý nói trên, sau bữa cơm, gọi mỗi người một bình rượu, vừa uống rượu, vừa chơi bài của Trung Hoa, gọi là « thín cẩu ».


Bỗng một người trong bọn đến bàn Nguyên Thái:


- Tôi đến giờ đi tuần, xin nhường chân cho Trần công tử…công tử cứ chơi hộ, tôi để sẵn tiền rồi…Chúng tôi chơi nhỏ, giải trí thôi, không ăn thua đâu…chừng đầu giờ Hợi, tôi trở lại. -


Người này trạc tứ tuần, ăn nói từ tốn. Quả nhiên như phỏng đoán, người này là nhân viên cảnh bị đoàn. Nguyên Thái không uống rượu mà cũng không thích cờ bạc, hay nói cho đúng không có cái kiên nhẫn để đánh bạc, dù là giả trí. Đôi khi chơi cờ tướng, chàng giải quyết mau lẹ, dù thua, dù được, không thành vấn đề. tại sao người này biết tên mình ? Không có gì lạ, chắc hẳn vì người này coi sổ ghi người thuê phòng.


Chàng đứng lên, vòng tay:


-Ngu điệt xin kính chào thúc thúc, ngu điệt không biết uống rượu, mà cũng không biết chơi bài, xin cám ơn thúc thúc, thúc thúc cho phép dịp khác ! -


Trước lời từ chối lễ phép, người này không giận, quay lại bàn, nói với bọn kia chơi tay ba, rồi đi thẳng ra cửa.


Nguyên Thái cáo từ chủ quán, lên phòng. Khi tới cầu thang, chợt nhìn thấy bà chủ quán Song Liễu trong bếp, chàng rẽ vào, định tâm hỏi và về một món ăn tráng miệng mà chàng vừa thưởng thức, món ăn vừa giản dị, rẻ tiền, theo giá như ghi trên thực đơn. Đó là món khoai lang nghệ, vàng đỏ, ngọt như đường, tẩm bột rán, ngoài thì dòn tan, mà trong thì mịn tan trên đầu lưỡi. Theo thói quen, khi tới mỗi vùng, có món ăn ngon, Nguyên Thái cũng ghi trong Viễn Trình Nhật Ký.


Sau khi cho Nguyên Thái cách thức chọn khoai, và phương pháp hỏa đầu, bà bỗng kéo chàng ra trước lò bếp, làm như chỉ bảo về nấu ăn, bà khẽ bảo:


- Cháu phải coi chừng bọn ấy, bề ngoài thì hiền hòa tử tế nhưng bề trong thì hung hãn có một không hai đấy. Họ là thủ hạ của thổ hào Đinh, tên Đạo Dũng, chắc chưa ai nói cho cháu biết đâu, vì ở Điền Sơn ai cũng sợ. Trước kia còn ông thân sinh, tên Đạo Túc, thì mọi người kính nể, vì ông ta hiền hậu, nho phong. Từ ngày ông mất đi, Đạo Dũng kế nghiệp, mua thêm nhiều ruộng đất, rồi bỗng trở nên giàu có, chiêu tập thủ hạ hàng mấy trăm người. Hàng phố ai ai cũng phải đóng tiền hàng tháng, gọi là thuế an ninh. Trước đây quán Song Liễu của chúng tôi cũng phải đóng tiền khá nặng, nhưng từ ngày con trai tôi nhập bọn, không phải đóng nữa. Nhưng thực ra tôi không muốn nó nhập bọn này, làm nhiều việc thất đức, ông nhà tôi cấm đoán, mắng mỏ, nó bỏ ngoài tai. Nhiều chuyện lắm, không nói hết được…Ngày mai, phiên chợ Điền Sơn, phiên chính rất lớn, nếu có điều gì trái tai, ngang mắt, cháu đừng can thiệp mà vạ đến thân, già này xin khuyên cháu thế thôi. Nhìn cháu lại nhớ đến thằng con, ba bốn tháng nay nó không về nhà. -


Câu chuyện của bà chủ Song Liễu làm chàng suy nghĩ, nhưng cũng chẳng quan tâm lắm. Trên giường trằn trọc, không phải vì câu chuyện của bà chủ quán, mà chỉ vì hình ảnh của Cúc Xuyên ẩn hiện trong trí óc. Thì ra chàng nhớ cô bạn gái, quá mức…lại thêm lời hứa hẹn của người đẹp sơn lâm. Không ngủ được, ra án thư, châm đèn, mở nhật ký định viết, mà chẳng thêm được một dòng. Suy tư, phút chốc đã đến canh ba, chợt nghe thấy vó ngựa dập dồn ngoài phố. Chàng vội tắt đèn, hé cửa sổ, nhìn ra đường…


Bốn cảnh vệ ban tối đứng bên vệ đường, rồi đoàn người ngựa, phóng qua đường phố. Ngựa hàng hai, kỵ mã đầu đoàn mang cờ hiệu Lê triều. Khoảng giữa có một cỗ xe, bốn ngựa kéo, bít bưng, có vẻ nặng nề chạy chậm, cho nên cả đoàn phải theo tốc lực của cỗ xe. Khi đoàn này qua hết, Nguyên Thái tính ra khoảng ba trăm kỵ mã, nai nịt gọn gàng, võ khí tối tân, súng gươm đầy đủ. Đó là đoàn quân khá hùng mạnh. Nghĩ thầm, nếu đoàn quân này của Lê triều hay của Trịnh chúa thì cũng đáng mừng. Có điều lạ, không thấy hàng phố mở cửa coi. Hình như họ đã quen với những cuộc hành quân này. Phải nói rằng đoàn kỵ mã mấy trăm người chuyển dịch như sấm động rung mặt đất, người ngủ say đến đâu cũng phải thức giấc, thế mà hàng phố im lìm. Nguyên Thái đang suy tư thì có tiếng gió, chàng vội khẽ né sang phía tường, một mũi tên cắm vào cánh cửa sổ. Mũi tên cảnh báo người tò mò ? Tuy nhiên, Nguyên Thái im lặng, không đóng hẳn cửa sổ. Không thấy phản ứng của đoàn quân binh. Phút giây sau, đoàn binh đã biến dạng. Nguyên Thái mệt mỏi lên giường chợp mắt.


Sáng sau tỉnh dậy, thì đã gần hết Thìn. Xuống sảnh đường, không còn một ai trong phòng ăn. Mọi người đã đên nơi họp chợ. Hôm nay là phiên chính, hai tháng mới có một kỳ, cho nên không ai bỏ lỡ. Chợ họp ở khu đồi thông đầu xã, nơi có ngã sáu, những con đường đi bốn phương, vị thế quan trọng của Điền Sơn về phương diện quân sự. Đồi thông cao lắm, nhưng rộng rãi bao la. Quán chợ xây dựng dưới những gốc thông cổ thụ. Ồn ào huyên náo, ngoạn mục, đủ các sắc dân, thổ, mường, tầu, kinh, lại thỉnh thoảng có hai ba người thái tây đến thăm.


Khi Nguyên Thái tới chợ thì đã hết Tị. Chàng phỏng ước có thể tới ngàn người họp chợ. Thực là trái ngược với tình thế tẻ lạnh của Điền Sơn những ngày thường. Hàng đủ mặt, thổ sản sơn lâm, rồi những đồ chế tạo ở Kẻ Chợ, và nhập khẩu từ Lưỡng Quảng, Trung Quốc. Vải vóc, tơ lụa, thôi thì không thiếu thứ gì. So sánh, Nguyên Thái cho là không kém gì ở Kẻ Chợ về mặt hàng hóa. Chàng vô cùng ngạc nhiên, đông đúc như vậy, mà không biết họ từ đâu đến nhanh chóng, như đột hiện ở Chợ Điền Sơn, mà trái lại quán trọ Điền Sơn chỉ có một mình chàng thuê phòng. Thì ra, cách Điền Sơn khoảng một dặm, có một hệ thống cho con buôn và khách mua từ phương xa tới tá túc. Hệ thống tiếp đón này do thổ hào họ Đinh tổ chức, lẽ dĩ nhiên có mục đích tài chính. Cái lái buôn đều phải qua nơi đây trước khi vào chợ Điền Sơn. Có mấy cơ quan đón tiếp, trú chân chung quanh Điền Sơn. Hàng hoá đã đánh thuế từ đêm qua…Hôm nay mọi người tự do họp chợ. Thổ hào ấy đặt ra một luật lệ: Điền Sơn chỉ được phép đón tiếp những khách du hành lẻ loi. Cũng có lý, vì Điền Sơn chật hẹp, không có phương tiện tiếp đãi một số người đông đảo như vậy.


Nguyên Thái thăm chợ, không có thì giờ suy luận về cách thức tổ chức kinh tế của thổ hào họ Đinh, cho tới khi giật mình nhận thấy chung quanh chợ đều có án binh, mà thổ hào họ Đinh dựng lều dã chiến trên một mỏm cao đồi thông, từ nơi này có thể chế ngự cả khu chợ. Cửa lầu đã chiến có hai lá cờ, một đề: « Điền Sơn quân đoàn, Đinh soái chủ », còn một lá kia màu đỏ đề hai chữ đen: Thiên mệnh.


Giật mình vì hai chữ « thiên mệnh », Nguyên Thái đoán thổ hào họ Đinh chỉ là một lãnh chúa có tham vọng bá vương. Thời buổi nhiễu nhương sinh ra nhân vật này thì không có gì lạ. Tuy nhiên, chàng không kết án ngay vì chưa gặp « Đinh soái chủ » lần nào.


Ngạc nhiên nữa, quân luật hình như được tuyệt đối tôn trọng. Quân binh, đồng phục tươm tất, chỉnh tề, có kẻ đi vào chợ mua đồ nhưng cũng điều đình ôn hòa, không thấy có sự bắt nạt lạm quyền. Thổ hào họ Đinh được quyền quân đội không ? Đêm qua, đội binh này qua lữ quán Song Liễu, sao lại mang cờ lệnh Lê triều ? Mà hôm nay lá cờ ấy giấu ở đâu ? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Nhưng Nguyên Thái kín đáo không muốn đi sâu hơn để tìm hiểu. Bà chủ quán Song Liễu đêm qua đã khuyên chàng. Vả lại, không muốn có chuyện lôi thôi, chỉ còn ngày nay và ngày mai nữa thôi. Ngày kia sẽ gặp Cúc Xuyên. Nghĩ đến Cúc Xuyên với tất cả trìu mến, thương yêu xuất phát tự đáy lòng.


Định tâm kiếm mua một vật kỷ niệm vừa túi tiền để tặng Cúc Xuyên, chàng len lỏi theo hàng người nhộn nhịp, thì chợt có tiếng huyên náo, rồi tiếng tiền hô hậu ủng:


- Hãy tránh ra, Đinh soái chủ vi hành thăm chợ -


Mọi người dạt sang hai bên. Xưa nay Nguyên Thái rất ghét những kẻ kiêu ngạo, khinh thường dân chúng, nhưng muốn tránh xa những lôi thôi trước khi gặp Cúc Xuyên, chàng theo mọi người sang một gốc cây.
Một tiểu đội súng ngắn đeo bên thắt lưng, gươm sáng ngời ngoài vỏ, đi trước mở đường. tiếp theo một quân binh dắt ngựa màu tím bìm vàng, yên da chạm trổ tinh vi, dát ngọc vàng ; trên cái yên da, nghễu nghện một võ tướng nhung phục lạ lùng, không phải kiểu mẫu của một binh chủng nào thường thấy. Mũ đồng chạm trổ bóng lộn, áo giáp màu vàng, kim tuyến kết se, rồi giữa ngực hồng tâm có thêu hai chữ đỏ: Thiên Mệnh. Nguyên Thái mải ngắm nghía bộ nhung phục kỳ khôi, quên cả quan sát người mang nhung phục ấy. Hài hước tự nhiên, Nguyên Thái cười thầm, thì ra chủ soái họ Đinh…chỉ vì đôi lông mày rậm rì giao nhau trên đôi mắt sâu đen, và cái mũi khá thẳng trên bộ râu quai nón, kể ra cũng oai phong. Bộ lông mày và cái mũi thực là hình chữ Đinh ! Không quên hai quân binh cầm lọng che hai bên, rồi theo sau chừng hai tiểu đội hộ vệ. Vị dũng tướng tuồng chèo yên lặng trên mình ngựa, không nhúc nhích, thái độ tức cười. Nguyên Thái định bỏ đi nơi khác, thì xảy ra một chuyện bực mình, đặt cho chàng một câu hỏi: can thiệp hay không can thiệp ?


Đinh dũng tướng đi qua thì mọi người đều cúi đầu kính cẩn nhường lối. Nhưng bỗng nhiên có một chàng trai cùng một thiếu nữ, cùng nhau định đến gần con ngựa. Tức thì đội trưởng hươi gươm xông lại cản đường. Chàng trai rút gươm kháng cự mãnh liệt. Nguyên Thái ở xa, trên cao, quan sát, cho là chàng trai đủ tài chống cự, cứ theo những đường võ chàng xử dụng. Đánh nhau vài phút không phân thắng bại, thì một đội trưởng khác chạy đến bắt thiếu nữ. Hắn ta kề gươm vào cổ thiếu nữ hét to:


-Nếu không bỏ gươm hàng phục ta thí mạng cô nương này ! -


Thoáng giây, Nguyên Thái nhận thấy nữ lang cũng hàng tuyệt sắc, nhưng tại sao lại bị bắt dễ dàng ? Chưa kịp quyết định, thì chàng trai ra hiệu xin hàng phục. Nguyên Thái lo lắng, định xuống sẵn sàng can thiệp, thì một điều lạ: Đội trưởng lại gần chủ súy thì thầm, quay lại chàng trai, trả lại bảo kiếm rồi tuyên bố lớn:


- Chủ súy tha lỗi cho công tử và cô nương về tội phạm thượng ! -


Một người bên cạnh chàng khẽ nói:


- Không ai dám ngửng mặt nhìn chủ soái họ Đinh. Họ Đinh đã nhận « thiên mệnh » giải phóng dân gian, như bực đế vương. Nhìn thẳng vào mặt là phạm thượng, công tử hãy coi chừng -


Người ấy lại lẩm bẩm tiếp:


- Coi chừng ? coi chừng…Đinh chủ soái cần gì phải coi chừng. Đinh chủ soái, nghe thiên hạ đồn là bất tử…sợ gì thích khách mà không cho ai lại gần ?-


Nguyên Thái lơ đãng nghe, nhưng dù sao, mấy câu ấy cũng làm chàng suy tư. Đột nhiên, trong lúc xuất kỳ bất ý, mọi người mải nhìn đôi thanh niên rời xa Đinh chủ súy, Nguyên Thái rút quạt Trần Nhị Ngọc. Một mũi kim tiêu cực vi, bay tới Đinh chủ súy, mũi kim tiêu, không độc hại, có thể đã trúng bả vai họ Đinh. Nhưng không thấy họ Đinh phản ứng, chàng trai cho là mũi kim tiêu không trúng đích, tự trách tài nghệ mình đã lâu không tập dượt.


Đang suy nghĩ thì Đinh chủ soái đã cùng đoàn quân ra khỏi chợ, theo lối về tư dinh. Tự hứa sẽ tìm cách gặp Đinh soái chủ, chàng bỏ qua chuyện vừa qua, theo mấy người vào chợ mua hàng. Thực ra chàng không có ác cảm với Đinh chủ soái ; chỉ cho họ Đinh là một người gàn dở mà thôi.


Tối ấy, trong lữ quán Song Liễu, cảm hứng Nguyên Thái làm một bài thơ tả chợ Điền Sơn, với tất cả các chi tiết tinh vi màu sắc, nhưng tuyệt nhiên không có nói gì về Đinh soái chủ.


Sáng sau, chàng đi đến doanh trại họ Đinh. Đường khá xa, Đinh gia cách Điền Sơn ít nhất ba dặm, có quãng đường núi khá cheo leo. Đi từ cuối Thìn mà gần Ngọ, mới tới đầu dốc Thanh Sơn, xuống tới khu trồng dứa, rồi lại lên dốc để tới Đinh doanh trại.


Đứng trên đầu dốc Thanh Sơn, quan sát: Doanh trại khá lớn lại ở trên cao. Nghĩ thầm, chọn nơi này, cũng là người có thiên tài quân sự. Đầu dốc Thanh Sơn dựa lưng vào vách đá, một quán ăn nhỏ, trông rất mỹ thuật. Hàng cột to gỗ lim, sơn đỏ, nâng đỡ mái ngói tầu cong, uốn cong như kiểu nhà Trung Hoa. Có chừng bốn năm bàn ăn. Tất cả đều trong ra phong cảnh hữu tình.


Đến lúc đói bụng, Nguyên Thái vui vẻ vào quán. Ngạc nhiên. Quán vắng teo, nhưng khói bếp và mùi thịt nướng thơm tho bay đùa khứu giác. Vậy mà sao không thấy thực khách. Bọn người họp chợ hôm qua sao không ai qua nơi đây ? Mà chủ quán cũng không thấy ra đón khách ?


Chọn một bàn nhìn xuống dốc sâu, chàng kiên nhẫn đợi. Chưa được một phút, hai hảo hán bước vào quán.


Giật mình từ sáng đến giờ này, hai người đi sau chàng, khoảng nửa dặm. Mỗi khi đến những khúc đường uốn vòng, là thấy hai người đi phía dưới. Lại thêm một trong hai hảo hán chính là người đứng bên cạnh chàng, đã lẩm bẩm phê bình Đinh soái chủ ở chợ Điền Sơn. Nguyên Thái cho là ngẫu nhiên không chú ý.


Hai người nghiêng mình chào, Nguyên Thái đúng dậy, vòng tay lễ phép. Một người có vẻ thành thạo, nói:


- Chắc là công tử lần đầu đến đậy. Thanh Sơn tửu quán nổi tiếng về hai món ăn: bún cá vá riêu cua. Công tử không nên bỏ qua -


Dút lời, hảo hán ấy đẩy cửa vào bếp.


Nguyên Thái nhận thấy bún chả chắc là tuyệt đích, vì mùi thơm đã hưởng từ lúc vào quán, còn bún riêu cua, chắc chắn cũng phi thường, vì rổ rau tuyệt đẹp bầy ở quầy hàng: mùi, thơm, chuối xanh, bẹ chuối xanh…đủ thứ màu sắc khoe tươi.


Người ấy trở ra cùng bạn ngồi bàn riêng ở góc đối diện. Nguyên Thái muốn họ cùng bàn, nhưng e dè đường đột.


Mươi phút sau, mở cửa bếp, bước ra một giai nhân tuyệt sắc, xiêm y đúng thời trang Kẻ Chợ, đôi mắt bồ câu đen láy, nước da trắng hồng, đôi hàm răng ngọc, nụ cười quyến rũ. Chàng trai giật mình, nơi đây, sơn lâm cùng cốc, lại có một giai nhân dáng dấp quí phái, lộng lẫy xinh tươi.


Nàng chắp tay cúi chào. Nguyên Thái đứng dậy, lịch sự tỉnh thành, nghiêng mình đáp lễ.


Theo sau nữ chủ Thanh Sơn, hai nữ gia nhân, võ y màu hồng, hải sảo đen. Nữ chủ nhân vào quầy hàng, còn hai gia nhân đến hai bàn nhận lệnh đặt thực đơn.


Giá biểu trong thực đơn quá rẻ, vừa túi tiền tráng sĩ nghèo, chàng đặt món ăn tự do thích thú. Quả nhiên, bún chả và riêu cua mùi vị đặc biệt. Món điểm tâm lại càng đặc biệt: những khoanh dứa Điền Sơn, thứ dứa nhỏ, rất nhỏ, mình cánh gián, chỉ có ở vùng này, ngọt và thơm, lại không rát lưỡi. Tự nhắc, chiều nay, về quán trọ, sẽ ghi lại những gì vừa thưởng thức.


Nữ chủ nhân, chu đáo ân cần ; trong khi ăn, hiến thực khách hai bản hát, đêm thập lục cầm, một bản thời lưu Kẻ Chợ, và một bản vùng sơn lâm. Chàng trai vô cùng thưởng thức, Hai thực khách kia, hình như đã quen hai món ăn kia, nên chọn mấy món ăn khác. Họ đánh ngã một bình Ngọc Hà hoa tửu, hạng lớn. Cuối bữa, hai người nâng ly, và mời Nguyên Thái.


Ly vừa cạn, Nguyên Thái choáng váng, tâm thần mệt mỏi, chân tay bải hoải. Nghĩ thầm vì vừa ăn quá nhiều, chàng ngồi xuống, dựa lưng…


Trí óc còn tỉnh táo đôi chút, nhưng không chỉ huy được chân tay, chàng biết là vừa rơi vào bẫy của mỹ nhân, khi nàng đến kiểm soát hiệu lực của thuốc mê. Mỹ nhân cúi xuống đặt tay lên trán chàng trai, gặp ánh nhìn trách móc, đột nhiên hối hận, nàng lẩm bẩm:


- Quân lệnh ! Đành thi hành quân lệnh ! -


Hai thực khách kia, đồng lõa của mỹ nhân sửa soạn trói chặt chàng trai vừa lúc không còn sáng suốt tinh thần, chàng nhắm mắt chìm đắm nặng nề vào một giấc mơ không thể chống đỡ.


Nguyên Thái mở mắt, thức tỉnh. Trời nắng gửi một tia sáng chói từ cửa sổ thật cao của căn phòng hẹp tối tăm. Hồi lâu, định thần, nhìn rõ mọi vật trong phòng. Cảnh tượng một phòng giàm kiên cố, vách đá chung quanh, còn cửa là một tấm lim độc nhất, khóa sắt rất to. Tia nắng thành một vạch sáng chói chéo xuống đất. Phía cuối phòng, vách tường trống trơn, cao vút, thế mà không đủ soi sáng cả căn phòng. Đầu óc nặng trĩu, chân tay như bị đè bởi cối đá nặng nề. Cố thu hồi tinh thần, Nguyên Thái nhận ra chàng đã sa cơ, anh hùng mắc kế mỹ nhân…mải mê chiêm ngưỡng giai nhân, quên cả quan sát đề phòng.


Nguyên Thái thử cử động. Tiếng kim khí làm tan cái im lặng nặng nề của căn phòng. Thì ra chàng đã bị khóa chân tay bằng xích sắt.


Lần đầu lâm nạn, trí óc hoang mang, nhưng chỉ sau vài phút, trấn tĩnh, suy tính mưu kế thoát thân, biết rằng hoang mang hoảng sợ thì chỉ làm mất hết sáng kiến trong việc giải quyết trường hợp thử thách cho chính bản thân mình.


Nguyên Thái đập mạnh xích xuống sàn, cửa lim mở. Một người quân phục chỉnh tề xách một đèn lồng, bước vào. Nguyên Thái không thấy ánh sáng phía cửa, mà người này phải dùng đèn, như thế nghĩa là phòng giam ở nơi khá thấp, lớp hầm đen tối. Người ấy ngừng lại ngưỡng cửa:


- Tráng sĩ đã tỉnh. Tráng sĩ ngủ li bì hai ngày rồi ! Đinh chủ soái nói chúng tôi phải đối đãi tử tế, tuy tráng sĩ là tội phạm quan trọng của triều đình. Đáng lẽ chúng tôi không trói buộc, nhưng theo lệnh của Ô Mã Thiền Sư, người bắt chúng tôi phải dùng xích sắt -


Nguyên Thái bình tĩnh:


- Không sao, tôn huynh cứ việc thi hành quân lệnh -


Nghe thấy Nguyên Thái dùng « tôn huynh », người ấy tiếp:


- Quả nhiên, bọn đồng đội chúng tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì lẽ gì tráng sĩ bị bắt…Chắc hẳn tráng sĩ đói bụng…cơm nước sẵn sàng. Đinh cô nương đích thân chỉ huy hỏa đầu….


Dứt lời, người ấy để lại đèn lồng, rút lui, không quên khóa cửa.


Chừng mươi phút sau, trở lại với một mâm thịnh soạn, thịt nước thơm nức phòng giam. Nguyên Thái ngồi dậy, giật mình:Vẫn hai món, bún chả và bún riêu !


Chàng nén bực tức, trở về bình thản, nghĩ thầm: Đinh cô nương ? Cô nương nào ? Chắc hẳn là Thanh Sơn chủ quán. Cô nàng trêu tức ta đây ? Nhưng ta đã bị bắt rồi, hẳn thực phẫm này không có thuốc mê…Ta bình tĩnh ăn uống cho lại sức, và…trêu tức lại cô nàng.


Mời quân binh canh ngục cùng ăn. Người này ngồi xuống vui vẻ « dự tiệc ». Nguyên Thái ngượng nghịu về tay bị xích. Người ấy xin lỗi:


- Tráng sĩ tha thứ cho ngu huynh. Không thể nào tháo xích. Ô Mã Thiền Sư rất nghiêm quân lệnh. Ngu huynh không thể nào…không thể nào, rất tiếc…rất tiếc…


Nguyên Thái:


-Tôi đã nói không sao…tôn huynh cứ tự nhiên. -.


Trước cái bình tĩnh của Nguyên Thái, người ấy yên tâm nói chuyện. Thái hỏi về Ðinh cô nương. Quân binh canh ngục:


-Định cô nương là trưởng nữ của Đinh soái chủ. Cô nương từ Kẻ Chợ về Điền Sơn chừng hai ba tháng nay…Trong khi tráng sĩ ngủ say, Đinh cô nương đến thăm nhiều lần -


Nguyên Thái rất hài lòng, vì người này hỏi ít nói nhiều. Khéo đưa hướng chuyện, bữa cơm ăn uống ngon lành xong xuôi, Nguyên Thái đã có một số chi tiết khả dĩ dùng đến sau này:


Điền Sơn quân đoàn là một đội binh địa phương tự lập do chính Đinh soái chủ tạo nên. Ô Mã Thiền Sư là tham mưu trưởng, chính ông tổ chức kỷ luật của quân đoàn, nhưng Ô Mã Thiền Sư không biết từ đâu đến ? Nghe nói ông ta tuy là nhà sư nhưng hình như có theo đạo Hắc y ít lâu…Đinh cô nương tên Bạch Phụng chỉ huy đoàn điệp viên đóng từ Kẻ Chợ đến Điền Sơn. Đinh cô nương cũng là hàng tướng, ngang hàng với Huỳnh tả quân, người Đàng Trong…sinh quán ở Qui Nhơn…Huỳnh Tả Quân là Phó Tham Mưu Trưởng…
Thương Giang Diễm Sử
thay lời tựa
Chương 1.
Chương 2.
Chương 3.
Chương 4.
Chương 5.
Chương 6.
Chương 7.
Chương 8.
Chương 9.
Chương 10.
Chương 11.
Chương 12.
Chương 13.
Chương 14.
Chương 15.
Chương 16.
Chương 17.
Chương 18.
Chương 19.
Chương 20.
Chương 21.
Chương 22.
Chương 23.
Chương 24.
Chương 25.
Chương 26.
Chương 27.
Chương 28.
Chương 29.
Chương 30.
Chương 31.
Chương 32.
Chương 33.
Chương 34.
Chương 35.
Chương 36.
Chương 37.
Chương 38.
Chương 39.
Chương 40.
Chương 41.
Chương 42.
Chương 43.
Chương 44.
Chương 45.
Chương 46.
Chương 47.
Chương 48.
Chương 49.
Chương 50.
Chương 51.
Chương 52.
Chương 53.
Chương 54.
Chương 55.
Chương 56.
Chương 57.
Chương 58.
Chương 59.
Chương 60.