Chương 37
Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH
Trong khu rừng Dẻ tốt tươi chỉ có độc một dòng suối chảy quanh co - Đó là dòng suối róc rách - Dòng suối róc rách quanh co ca hát suốt đêm ngày không mỏi trong khu rừng Dẻ rồi cuối cùng lách qua cửa rừng và đổ vào một dòng sông nước xanh in bóng mây trời.
Dòng sông xanh này chính là mẹ của con suối róc rách.
Hôm đó, vào lúc chiều tà thì con đò chở ba chúng tôi cũng vừa về tới xóm Rêu. Đó là một xóm chài nhỏ ẩn hiện trong những bụi rong rêu dày đặc, quấn chặt vào nhau thành từng mảng lớn nổi bồng bềnh ở ngã ba dòng suối róc rách chảy ra nũng nịu hoà vào lòng sông mẹ.
Buổi chiều tà, ánh nắng rớt xuống chói đỏ như đang cố tan vào trong tấm gương nước trong vắt. Những múi rong rêu màu nâu đen giờ đây được thấm đẫm bảy sắc màu của nắng trời, bỗng nhiên sáng rực lên, óng ánh nom hệt như những chuỗi ngọc quý hiếm.
Cửa rừng là ngã ba của gió. Gió thổi tới đây reo lên ào ào. Cửa sông là
ngã ba của nước. Nước chảy tới đây đổi dòng xoáy thành những hút sóng lớp lớp đổ vào bờ. Gió và sóng làm mặt sông trở nên náo động lạ
thường. Vì thế cảnh xóm Rêu trong buổi chiều tà bỗng huyền ảo mơ màng như trong truyện cổ tích.
Thấy hai đứa tôi cứ ngây râu ra trong khi đò từ từ tiến vào bờ, Cà Niễng thích thú lắc lắc cái đầu bé tí, cười toe toét:
- Lạ lắm phải không? Lạ quá đi chứ. Cứ gọi là hoa mắt lên rồi nhé. Rêu
đấy, toàn là rêu mát mẻ, êm dịu lắm. Tí nữa tớ sẽ đãi các cậu một bữa ra trò.
Cứ gọi là …ô hồ! Họ nhà Niễng chúng tớ quý khách lắm.
Thuyền đã lọt vào giữa những búi rêu dày đặc. Cà Niễng chống sào vươn cổ gọi to:
- Thày Niềng Niễng ơi! Có khách quý nhé ra đón đi nào.
Cà Niễng gọi to hai ba lần, thì có một ông Niềng Niễng râu bạc, lưng đen, bụng xám, nom quắc thước, từ búi rêu gần đó bơi vun vút ra. Cà Niễng vui vẻ nói với chúng tôi:
- Thày tôi đó, tên ông là Niềng Niễng, vốn dòng dõi nho gia.
Kiến Nâu nhanh nhảu đứng lên cúi mình xá một xá, mồm nói:
- Lạy cụ ạ.
Ông cụ Niềng Niễng cũng cúi mình đáp lễ kính cẩn và nói:
- Vô phép, mời quý khách quá bộ vào tư gia, chúng tôi xin nghênh tiếp.
Tư gia của ông con Niềng Niễng ở ngay trong đám rêu rong mà họ nhà
Kiến chúng tôi thì làm sao mà quá bộ vào đó được. Đang lúng túng, vừa may Cà Niễng đã nhẩy xuống nước nhanh nhẹn kéo thuyền buộc vào một cuống
cỏ rồi nói to :
- Con đi nhờ hai cậu này nên mới về kịp trước tối. Các cậu ấy không bò trên mặt nước được. Có lẽ ông con ta dọn bữa ngay trên thuyền cho khách đánh chén.
Ông Niềng Niễng đỡ lời con:
- Khách của con cũng là khách của thày. Bữa chén thì có ngay thôi.
Nhưng chẳng việc gì phải dọn trên thuyền, để mời các bác lên nghỉ trên toà sen sau nhà con ạ.
Chúng tôi được đưa lên một chiếc lá Sen mát mẻ. Ông Niềng Niễng nhanh nhẩu tát lên chiếc lá ít nước rồi leo lên nằm khểnh ra, vẫy râu mời chúng tôi dùng tạm hớp nước cho đỡ khát để em nó sắp bữa. Xem ra ông Niềng Niễng cũng xuề xoà tuệch toạc như anh con. Tôi và Kiến Nâu cũng nằm kềnh ra chiếc lá cho đỡ mỏi lưng, mỏi đuôi.
Thật là thú vị sau chặng đường dài được vào nghỉ nhờ một cái tổ có cách ăn ở tiếp đón tự nhiên như thế này.
Chúng tôi cứ nằm khểnh ra như thế và trò chuyện hỏi thăm lẫn nhau:
- Thế dám hỏi cụ, cụ thân sinh ra mấy quý anh Cà Niễng ạ?
- Ấy, bác hỏi, tôi cũng thật lòng trả lời. Tôi hiếm hoi chỉ có mỗi mụn con là cháu nó Cà Niễng mà thôi. Tính nó bộc tuệch bộc toạc nhưng được cái thật thà, khoẻ mạnh. Chúng tôi ở với nhau cùng một tổ vui đáo để.
- Anh Cà Niễng chống đò giỏi và mau chuyện lắm. Anh ấy cứ nhất định
mời chúng tôi vào ăn uống rồi nghỉ ở đây mai mới được đi. Nghĩ cũng phiền.
- Chao ôi! Phiền gì hở hai bác. Thế vô phép tôi muốn hỏi hai bác còn định xuôi xa nữa không?
Đã được nghe Cà Niễng kể chuyện cuộc đời bôn ba của ông, tôi nhỏm
dậy, toan hỏi ông cụ có biết đường xá về rừng dừa ngọt ngào ở đâu thì đã thấy Cà Niễng khệ nệ bưng lên một mâm cỗ đầy ụ. Anh chàng đánh cá đặt uỵch mâm vào giữa lá sen rồi nói oang oang:
- Cả nhà dậy thôi. Chén cái đã rồi hẵng trò chuyện đường xá. Tôi đói quá rồi đây.
Bữa cỗ trên chiếc lá sen kể ra cũng thịnh soạn. Ngoài hai món đã khoe,
anh Cà Niễng còn sắp cả thịt quăng quăng ướp khô. Một món mà loài Kiến chúng tôi rất mê. Xem ra anh Cà Niễng cũng hiểu đời lắm, chứ chẳng bộc toạc ngờ nghệch tí nào. Cả chủ và khách ăn rất hăng. Chúng tôi ăn thịt trước, uống nước nguyên sinh rồi ăn bọt rêu để tráng miệng.
Khi bữa đã gần tàn, tôi bèn kể cho bố con anh Cà Niễng nghe là chúng tôi đang tìm đường về tổ, và hỏi họ có biết dòng sông xanh chảy về đâu. Ông Niềng Niễng cứ há hốc miệng ra nghe rồi lắc đầu:
- Các bác hỏi cội nguồn của dòng sông xanh thì tôi còn biết đôi chút. Trời sinh ra họ hàng Niềng Niễng hay kiếm ăn ở nơi nước cạn có lắm rong rêu nên chúng tôi hay rủ nhau lội ngược dòng sông suối tìm lên cội nguồn chứ chẳng mấy khi có ai thả trôi xuôi. Dòng sông xanh chảy về đâu ư? Thật quả là tôi xin thất thố với hai bác thôi. Xin chịu.
Thấy tôi và Kiến Nâu thở dài, anh Cà Niễng từ đầu bữa chỉ cắm cổ chén tì tì, giờ ngẩng lên múa hai sợi râu ngắn ngủn nói với ông Niềng Niễng:
- Thầy không biết thì giở gia phả ra mà đọc. Hai cậu Kiến ấy là chỗ tử tế, có gì mà phải giấu giếm.
- Ờ, phải đấy. Đúng là trong gia phả có chép đấy. Ăn no quá hoá lú. Thế, vô phép hai bác một tí nhá.
Ông Niềng Niễng lập cập bò dậy nhẩy ùm xuống nước lặn một hơi mất
tăm. Lát sau lại thấy ông đội một xấp lá rong trồi lên thở phì phì. Ông vui vẻ bảo:
- Đây rồi…Có cả trong này rồi. Gia phả nhà họ tôi chép ối chuyện lạ.
Cả bốn chúng tôi xúm xít quanh xấp lá ướt. Ông Niềng Niễng giở từng lá
một thận trọng. Cuối cùng ông kính cẩn giơ cao một tấm lá cũ kĩ có vẻ
ngoằn nghèo những chữ kì lạ. Đó là chữ riêng của loài Niềng Niễng.
Cà Niễng nhanh nhẩu:
- Thày đọc cái tờ chép đời ông tổ thứ chín hay thứ mười ấy, hình như một trong hai cụ có xuôi thì phải.
Nghe anh con nhắc vậy, ông Niềng Niễng có vẻ không hài lòng. Ông lắc
đầu bảo:
- Con thuộc gia phả bằng thày sao được. Để ta đọc cho hai bác Kiến nghe.
Rồi ông hắng giọng, trang trọng đọc to:
“ Ông tổ thứ mười hai họ Niềng Niễng ta tên tục là Đũn, lấy hiệu là Lội
nước Tiên sinh. Vì có tật ăn khoẻ nên đời vẫn gọi là Trạng ăn. Tổ ta thân mình to bè bè, bụng đen, lưng đốm, đôi râu luôn vểnh ngược nom rất oai vệ. Bình sinh Tổ ưa giao du, thích mạo hiểm, thường vẫn ngâm nga hai câu để tỏ cho thiên hạ biết bụng mình:
Hồ hải luống trôi dạt
Chí mạnh hoá ngông cuồng
Đến một mùa hè vàng rực nắng gió. Năm thứ Dần trôi. Tổ đóng một chiếc bè lau sậy, chất đầy thức ăn lên rồi thả bè trôi xuôi trên dòng sông xanh. Bè trôi ba ngày ba đêm thì lạc ra một vùng trời nước mênh mông không bờ không bến. Nơi đây đêm ngày gió gào rú điên rồ. Sóng gầm nổi giận. Chiếc bè đang trôi nổi bỗng bị cuốn vào một dòng nước đen rất mạnh từ phương Bắc cuộn chảy về. Tình thế lúc đó thật hiểm nghèo, kẻ khác chắc đã cuống cuồng lo sợ kêu khóc…Nhưng Tổ ta lại cười lớn, nhẩy nhót trên bè rồi cúi xuống thò râu nếm thử dòng nước. Nếm rồi Tổ ta bèn đứng dậy, vỗ bụng than rằng: - Lạ thay, lạ thay, sao trong thế giới này lại có thứ nước mặn chát thế này. Lạ thay, lạ thay. Ô hô! Lênh đênh theo dòng nước đen ấy không biết bao nhiêu tháng ngày, thế rồi cho tới một buổi sáng mát mẻ, đẹp trời, tỉnh dậy Tổ thấy chiếc bè dạt vào một vùng đất lạ rợp bóng dừa xanh. Dừa nhiều không kể xiết, chen nhau dày đặc như rừng. Gió lồng lộng. Ngoái ra thì muôn lớp sóng trắng ầm ầm đổ vào. Trong bờ thì ngàn lớp lớp lá dừa xanh rào rào cuốn ra. Thật là đẹp đẽ, phóng khoáng vô cùng…”
Nghe đọc đến đây, Kiến Nâu thích quá nhẩy lên đập cẳng reo to.
- Hay quá…thích quá…Gió, nắng, rừng dừa, Kiến Lửa ơi tớ đoán đúng
mảnh đất lạ ấy là quê bác Cồ Cộ của đằng ấy rồi.
Ông Niềng Niễng cụt hứng, không đọc nữa, vểnh đôi râu lên ngoe ngẩy, tỏ ý vừa không bằng lòng, vừa ngạc nhiên muốn hỏi vì sao Kiến Nâu lại reo lên vô ý thế?
Tôi bèn tạ lỗi hai ông con Niềng Niễng rồi nói rằng chúng tôi cũng đang
muốn tìm đến rừng Dừa ngọt ngào hỏi thăm một bác Cồ Cộ quen.
Nghe vậy, ông Niềng Niễng lại vui vẻ bảo:
- Thế thì may cho các bác quá. Đấy, tôi đã bảo gia phả họ Niềng Niễng tôi chép đủ thứ chuyện lạ trên đời. Các bác muốn tìm về rừng Dừa thì cứ việc nằm khểnh thả thuyền là tới. Chả phải chèo chống gì cho mệt. A, ha! Thế ban nãy đọc đến đâu rồi nhỉ. Để tôi đọc cho các bác nghe đoạn chép lúc ông Tổ thứ mười tám của tôi lặn lội tìm đường trở về xóm Rêu này nhá.
Lúc này, trời đã tối, sau một này đi đò mệt nhọc, hai Kiến tôi đều buồn
ngủ, vả lại có lẽ cũng chẳng cần biết đoạn đường phiêu lưu trở về của ông Tổ thứ mười tám họ Niềng Niễng. Tôi và Kiến Nâu cố ngồi dốn nghe thêm một lúc nữa. Nhưng rồi vì buồn ngủ quá, chúng tôi lăn ra ngủ luôn. Bên cạnh anh Cà Niễng cũng đã ngáy khò khò từ lúc nào. Rút cục mình ông Niềng Niễng râu bạc đang hứng chí sang sảng đọc to cái gia phả cho cơn gió đang ù ù từ cửa rừng đổ ra nghe.
*
* *
Sáng hôm sau, tôi và Kiến Nâu đậy sớm, chuẩn bị thuyền mủng lên đường. Ông Niềng Niễng vẫn đang nằm đè lên đống gia phả ngủ rất Niễng biếu chúng tôi nửa đò toàn nõn rêu gọi là để ăn đường. Cậu ta nói:
- Xong xuôi rồi cứ việc ra khỏi, chẳng cần chào thày tớ cũng được. Mà
ông ấy ngủ rồi thì có mà trời lay dậy. Cứ mặc ông tớ ngủ.
Tôi hỏi Cà Niễng:
- Tý nữa cậu có đi bắt tép kiếm mồi không?
- Có. Lại lội lên chỗ hôm qua.
- Xa nhỉ.
- Xa quái gì, họ Niềng Niễng chúng tớ thích lội ngược, mà lội ngược dòng nhanh hơn lội xuôi dòng.
- Thày cậu không đi kiếm ăn vơi cậu à?
- Thày tớ già rồi, tớ đi tìm mồi nuôi ông ấy. Cụ giờ suốt ngày chỉ nằm bắt chân chữ ngũ trên lá sen rung râu đợi chết thôi.
- Nom ông cụ vẫn tươi đời lắm.
- Ấy, lại chả tươi. Mà rầu rĩ vì cớ gì? Ông tớ chỉ mong cho chóng chết để được sớm chi vào gia phả. Chả là trong đời ông cụ cũng lập nên một chuyến chu du nổi danh chẳng kém gì các cụ tớ. Nhưng xem ra điệu này ông cụ còn thọ lắm, ăn thế, ngủ thế, con cháu theo còn mệt.
Trò chuyện một lúc, trời đã rạng sáng. Cà Niễng đẩy hộ con thuyền chở chúng tôi ra gặp dòng nước rồi cậu ta vác sào, đội lưới chào to một tiếng đoạn phóng vùn vụt ngược dòng đi mất.
Từ biệt xóm Rêu, tôi và Kiến Nâu thả thuyền dong duổi bắt đầu một ngày mới chu du đi tìm dòng nước Đen kỳ lạ