NGÀY THỨ NHẤT (II)
Tác giả: Dennis Lehane
PHÓ GIÁM ĐỐC TRẠI GIAM MCPHERSON đón họ tại cầu tàu. Trông ông ta trẻ hơn so với chức vị của mình, mái tóc vàng cắt hơi ngắn hơn thường lệ và các cử động của ông ta toát lên một vẻ duyên dáng thanh thoát khiến Teddy liên tưởng tới người Texas hay những người học cưỡi ngựa từ bé.
Xung quanh ông ta là một đám hộ lý, phần lớn là người da đen, chỉ có vài gã da trắng với những khuôn mặt u mê như thể họ từng là những đứa trẻ đói ăn và vẫn mang cái vẻ còi cọc, khắc khổ cho tới bây giờ.
Những người hộ lý mặc áo sơ mi và quần màu trắng, đi thành nhóm. Họ gần như không thèm nhìn Teddy và Chuck. Họ gần như chẳng thèm nhìn bất cứ cái gì mà chỉ di chuyển từ cầu cảng tới con phà để chờ dỡ hàng hóa.
Teddy và Chuck xuất trình thẻ theo quy định và McPherson xem xét chúng một cách kỹ càng, hết nhìn họ rồi lại nhìn bức ảnh trong thẻ chứng minh, mắt nheo lại.
“Tôi không dám chắc là tôi đã từng được nhìn thấy một cái thẻ của đặc vụ Mỹ,” ông ta nói.
“Giờ thì ông nhìn thấy những hai cái,” Chuck nói. “Một ngày trọng đại.”
Ông ta mỉm cười với Chuck một cách uể oải rồi đưa lại thẻ cho anh ta.
Bãi biển trông có vẻ bị sóng đánh dồn dập trong vài đêm gần đây, đầy vỏ sò, cành cây trôi giạt, xác động vật thân mềm và cá chết đã bị ăn mắt phân nửa bởi những loài ăn xác thối. Teddy để ý tới những thứ rác rưởi có lẽ bị gió thổi từ trong vịnh ra, những vỏ đồ hộp, những cuộn giấy sũng nước, một cái biển xe bị đánh bật về phía hàng cây đã bị nắng làm cho bọt màu và mờ hết số. Cây cối ở đây phần lớn là thông và thích trông còi cọc, xơ xác. Từ đây, Teddy cũng có thể nhìn thấy những tòa nhà lấp ló sau hàng cây trên đỉnh đồi.
Dolores vốn thích tắm có thể sẽ yêu nơi này, còn Teddy thì chỉ cảm thấy những làn hơi nước thổi liên hồi từ phía đại dương như một lời cảnh cáo rằng biển cả có thể tấn công bất cứ khi nào nó muốn, và nhấn chìm bạn xuống dưới đáy.
Những người hộ lý trở lại từ phía cầu tàu với các thùng thư và thuốc, chất chúng lên những chiếc xe đẩy và McPherson ký nhận những thứ vừa được giao vào một tờ giấy kẹp trên bảng nhựa rồi đưa nó cho những nhân viên bảo vệ trên phà; một người trong số họ nói, “Xong rồi thì chúng tôi đi đây.”
McPherson nheo mắt dưới ánh nắng.
“Cơn bão,” người bảo vệ nói tiếp, “hình như không ai biết được nó sẽ diễn biến ra sao?”
McPherson gật đầu.
“Chúng tôi sẽ liên lạc với trạm nếu cần tới đón,” Teddy nói.
Người bảo vệ gật đầu và lại tiếp, “Có vấn đề gì về cơn bão thì nhớ liên lạc nhé!”
“Chắc chắn, chắc chắn,” Chuck nói. “Chúng tôi sẽ nhớ điều đó.”
McPherson dẫn họ lên một con đường với những bụi hồng mọc len lỏi giữa các hàng cây. Qua khỏi hàng cây, trước mặt họ xuất hiện một con đường láng xi măng giống như một nụ cười ngạo nghễ và Teddy có thể nhìn thấy nhà cửa ở cả hai bên. Ngôi nhà ở bên tay trái của anh trông có vẻ giản dị hơn, chỉ là một tòa nhà có mái hai máng màu nâu sẫm kiểu Victoria với những ô cửa sổ nhỏ màu đen, gọn gàng trông giống như những người lính. Ngôi nhà bên phải được xây theo kiến trúc Tudor hơi dốc trông giống như một tòa lâu đài.
Họ tiếp tục đi, leo lên một con dốc trơn phủ đầy cỏ biển mọc dại trước khi đất đai dần dần trở nên xanh hơn và mềm mại hơn xung quanh họ, trên đỉnh dốc cỏ mọc thấp hơn và được cắt tỉa gọn gàng thành một bãi cỏ rộng theo kiểu truyền thống, trải dài hàng trăm mét tới chân một bức tường gạch màu da cam dường như được xây vòng quanh hòn đảo. Bức tường bao này cao khoảng ba mét, trên gờ tường là những vòng dây thép gai ấy tác động mạnh tới Teddy. Anh chợt cảm thấy tội nghiệp cho tất cả những con người đang sống ở phía bên kia bức tường khi biết được bản chất của những sợi dây thép gai ấy và nhận ra rằng thế giới này muốn giam giữ họ ở trong đó tới nhường nào. Teddy nhìn thấy một số nhân viên mặc đồng phục màu xanh sẫm đứng ngay bên ngoài bức tường, đầu cúi gằm, mắt nhìn xuống đất.
“Sự hiện diện của lính canh tại một viện tâm thần. Hơi lạ, nếu ông không ngại thì tôi xin nói vậy, ông McPherson,” Chuck nói.
“Đây là một bệnh viện đòi hỏi an ninh tối đa,” McPherson trả lời. “Chúng tôi hoạt động dưới hai cơ thể, một là Cục Sức khỏe Tâm thần Massachusetts và một là Cục Trại giam Liên bang.”
“Tôi biết thế,” Chuck nói. “Nhưng tôi vẫn tự hỏi hẳn các ông sẽ có nhiều chuyện để nói quanh bàn ăn tối?” McPherson mỉm cười và khẽ lắc đầu.
Teddy nhìn thấy một người đàn ông tóc đen mặc đồng phục giống như những người lính gác khác nhưng cổ áo ông ta lại dựng lên, cầu vai được đính màu vàng và huy hiệu của ông ta cũng bằng vàng. Ông ta là người duy nhất đi đi lại lại đầu ngẩng cao, một tay chống lưng khi rảo bước giữa những người lính gác khác, cái cách ông ta bước đi khiến Teddy nhớ tới những vị thượng tá anh gặp trong chiến tranh, những người coi mệnh lệnh là một trách nhiệm nặng nề được giao phó không chỉ từ quân đội mà bởi chính Chúa trời. Người đàn ông đó mang theo một cuốn sách nhỏ màu đen bên cạnh sườn, gật đầu chào về phía họ rồi tiếp tục đi xuống con dốc mà họ vừa đi lên, mái tóc đen của ông ta cứng đơ trong gió.
“Đó là giám đốc trại giam,” McPherson nói. “Các vị sẽ gặp ông ấy sau.”
Teddy gật đầu, tự hỏi không hiểu tại sao họ không thể gặp ngay lúc này và nhìn theo ông trưởng trại giam từ từ biến mất phía bên kia ngọn đồi.
Một người hộ lý lấy chìa khóa mở tung cánh cổng ở giữa bức tường còn những người khác thì đẩy xe vào trong. Cùng lúc đó hai người lính gác xuất hiện tiến về phía McPherson và dừng lại bên cạnh ông ta.
McPherson đứng thẳng người lên như ra hiệu đã tới lúc làm việc nghiêm túc và nói, “Tôi phải thông báo cho các vị một số nguyên tác cơ bản trên đảo.” “Chắc chắn rồi!”
“Các vị sẽ nhận được mọi sự tiếp đãi mà chúng tôi có thể thu xếp, mọi sự giúp đỡ mà chúng tôi có thể thực hiện. Trong thời gian lưu lại đây, dù có ngắn ngủi thế nào, các vị cũng sẽ phải làm việc đúng quy tắc. Các vị hiểu chứ?”
Teddy gật đầu còn Chuck thì nói, “Nhất định rồi.”
McPherson dõi mắt về một điểm ngay phía trên đầu họ và nói, “Tôi chắc là bác sĩ Cawley sẽ giải thích những điểm cụ thể về quy tắc làm việc cho các vị nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh mấy điểm sau đây: nghiêm cấm tiếp xúc không có người giám sát với các bệnh nhân. Các vị hiểu chứ?”
Teddy suýt buột miệng nói, “Vâng, thưa ngài” giống trong quân ngũ nhưng cuối cùng chỉ nói mỗi một từ “Đồng ý.”
“Khu A của bệnh viện, tòa nhà đằng sau phía bên phải tôi dành cho bệnh nhân nam. Khu B, dành cho bệnh nhân nữ, phía bên trái tôi. Khu C ở trên những con dốc phía sau khuôn viên này và khu nhân viên là nơi trước kia là pháo đài Walton. Ra vào Khu C bị cấm trừ phi có giấy viết tay và sự hiện diện của cả hai người, giám đốc trại giam và bác sĩ Cawley. Các vị hiểu chứ?”
Lại them hai cái gật đầu.
McPherson ngửa một lòng bàn tay hộ pháp của mình ra như thể đang hứng lấy ánh mặt trời: “Vì vậy yêu cầu các vị giao nộp vũ khí.”
Chuck nhìn Teddy. Teddy lắc đầu.
Anh nói, “Ông McPherson, chúng tôi là đặc vụ liên bang đang thi hành nhiệm vụ. Chính phủ yêu cầu chúng tôi mang theo vũ khí mọi lúc.”
Giọng nói của McPherson bắn vào không khí như một dây thép lạnh. “Điều khoản Thi hành số 391 của Luật Liên bang về các bệnh viện và trại giam dành cho phạm nhân tâm thần quy định rằng yêu cầu mang vũ khí của các nhân viên an ninh sẽ chỉ bị từ chối trong trường hợp cấp trên trực tiếp của anh ta hoặc những người có thẩm quyền trong việc bảo vệ và trông coi các cơ sở y tế tâm thần hoặc tội phạm hình sự ra lệnh. Quý vị, quý vị rơi đúng vào trường hợp ngoại lệ này. Các vị sẽ không được phép đi qua cánh cổng này với vũ khí trên người.”
Teddy nhìn sang Chuck. Chuck hất đầu về phía lòng bàn tay đang mở rộng của McPherson và nhún vai.
“Chúng tôi muốn trường hợp ngoại lệ này được ghi biển bản cẩn thận,” Teddy nói.
“Lính gác, hãy ghi lại trường hợp ngoại lệ của đặc vụ Daniels và Aule,” McPherson tiếp.
“Vâng, thưa ngài.”
“Quý vị, xin mời…” McPherson nói.
Người lính gác đứng bên phải McPherson mở một chiếc túi bằng da nhỏ ra. Teddy kéo áo khoác và rút khẩu súng công cụ của mình ra khỏi bao. Anh mở tung chốt an toàn bằng một cái vẩy tay rồi đặt khẩu súng vào tay McPherson. McPherson đưa nó cho người lính gác để anh này đặt vào chiếc túi da rồi lại chìa tay ra.
Chuck chậm chạp hơn một chút với khẩu súng của mình, rề ra rút nó ra khỏi bao, nhưng McPherson không hề tỏ ra mất kiên nhẫn, chờ cho tới khi Chuck lóng ngóng đặt khẩu súng vào tay ông ta.
McPherson lại đưa súng cho người lính gác, anh này nhét nó vào tùi và bước ra cổng.
“Vũ khí của các anh sẽ được bảo quản trong phòng giữ đồ ngay bên ngoài văn phòng của giám đốc trại giam,” McPherson nhẹ nhàng nói, những lời của ông ta nghe xào xạc như tiếng lá rơi, “tức là ở trong khu nhà chính của bệnh viện nằm ở giữa khuôn viên này. Các anh sẽ nhận lại chúng khi các anh ra về.” Nói tới đây, nụ cười dễ dãi kiểu cao bồi của McPherson đột nhiên trở lại. “Thôi thế là các thủ tục chính thức đã xong. Tôi không biết nhiều về các anh nhưng tôi vui mừng vì chúng ta dã giải quyết xong chuyện đó. Các anh nghĩ sao nếu chúng ta đi gặp bác sĩ Cawley?”
Rồi ông ta quay người và dẫn họ đi qua cánh cổng lúc này đang khép lại dần sau lưng họ.
Bên trong bức tường bao là thảm cỏ trải dọc theo con đường chính được lát bằng thứ gạch màu cam giống như bức tường. Những người làm vườn chân đeo cùm đang chăm chút bãi cỏ, cây cối và những thảm hoa, thậm chí còn có cả một dãy hồng leo chạy dọc theo sân viện. Những người làm vườn bị đám hộ lý kèm sát, và Teddy nhìn thấy những bệnh nhân khác, cũng đeo cùm, đi lại quanh sân với những bước đi lạ lùng, giống như bước chân vịt. Phần lớn họ là nam giới, chỉ có vài phụ nữ.
“Khi những bác sĩ đầu tiên tới đây,” McPherson nói, “cả chỗ này toàn cỏ biển và bụi rậm. Các anh có thể xem ảnh. Nhưng bây giờ…”
Ở phía bên phải và bên trái của bệnh viện có hai tòa nhà kiểu thuộc địa bằng gạch đỏ, giống hệt nhau được quét một lớp sơn màu trắng tươi, cửa sổ đều có chấn song và những ô cửa đã vàng ố bởi muối và nước biển. Còn tòa nhà được dùng làm bệnh viện thì có màu than đá, hơi nước từ biển cả đã gột nhẹ màu sắc trên lớp gạch của nó. Bệnh viện có sáu tầng và những cửa sổ trên gác mái đang nhìn xuống họ.
McPherson nói, “Trước Nội chiến, nó được xây dựng làm trụ sở chính của tiểu đoàn. Rõ ràng là nó được thiết kế nhiều điểm giống với một cơ sở huấn luyện. Khi chiến tranh sắp xảy ra thì họ biến nó thành một phào đài và rồi sau này là trại giam giữ tù binh chiến tranh.”
Teddy để ý tới ngọn tháp mà anh nhìn thấy từ trên con phà. Đỉnh của nó vừa vặn nhô lên sau những rặng cây phía xa của hòn đảo.
“Cái thấp ấy là gì?”
“Một ngọn hải đăng cũ,” McPherson nói. “Không sử dụng từ những năm 1800. Tôi nghe nói là quân đội liên bang có đặt các trạm gác ở đó nhưng hiện giờ nó được sử dụng làm việc khác.”
“Chữa bệnh cho các bệnh nhân?”
Ông ta lắc đầu nói, “Không, để xử lý nước thải. Các anh không thể hình dung ra những gi trôi dạt trong thứ nước đó đâu. Nhìn từ con phà thì đẹp đấy nhưng mọi thứ rác rưởi từ các con sông lớn nhỏ ở cái bang này trôi xuống vịnh rồi ra ngoài vịnh và cuối cùng tìm tới chỗ chúng tôi.”
“Thú vị thật,” Chuck nói và châm một điếu thuốc, rồi rút vội nó ra khỏi miệng để nén một cơn ngáp, mắt nheo lại dưới nắng.
“Phía sau tường bao, bên kia…” ông ta chỉ qua Khu B, “là khu vực chỉ huy cũ. Các anh có thể thấy chúng trên đường đi lên. Hồi đó tốn không biết bao nhiêu tiền để xây, tới mức viên sĩ quan chỉ huy đã bị bãi nhiệm sau khi chú Sam nhìn thấy hóa đơn. Các anh nên tới thăm chỗ đó.”
“Giờ thì ai sống ở đó?” Teddy hỏi.
“Bác sĩ Cawley,” McPherson nói. “Sẽ chẳng có tất cả những thứ này nếu không nhờ bác sĩ Cawley. Và giám đốc trại giam. Họ đã thực sự biến chỗ này thành một chốn độc nhất vô nhị.”
Họ đi vòng ra phía sau khuôn viên bệnh viện và gặp thêm nhiều người làm vườn vị xích và hộ lý, nhiều người trong số họ đang đào một cái hố sâu gần cuối chân tường. Một người làm vườn, một phụ nữ trung niên có mái tóc màu lúa mì lưa thưa gần như hói ở trên đỉnh nhìn chằm chằm về phía Teddy khi anh đi ngang qua rồi đưa một ngón tay lên môi. Teddy để ý thấy một vết sẹo màu đỏ sẫm, dày như một miếng cam thảo vắt ngang cổ bà ta. Bà ta mỉm cười, ngón tay vẫn đặt trên môi rồi nhìn anh khẽ lắc đầu.
“Cawley là một huyền thoại trong lĩnh vực của ông ấy,” McPherson nói khi họ đi qua sân sau và tiến vào phía trước bệnh viện. “Đứng đầu lớp ở cả đại học ở Johns Hopkins và Harvard, xuất bản công trình nghiên cứu đầu tiên về các bệnh ảo giác khi mới hai mươi tuổi. Nhiều lần được mời tư vấn cho Scotland Yard, MIS, và OSS(1).
“Tại sao?” Teddy hỏi.
“Tại sao ư?”
Teddy gật đầu. Đó dường như là một câu hỏi rất hợp lý.
“Thì…” McPherson có vẻ hơi lúng túng.
“OSS chẳng hạn, thử lấy họ làm ví dụ đầu tiên xem sao. Tại sao họ lại cần thamv ấn một nhà tâm thần học?” Teddy nói.
“Các vấn đề chiến tranh,” McPherson đáp.
“Cũng được,” Teddy nói một cách từ tốn. “Nhưng cụ thể là vấn đề gì chứ?”
“Những vấn đề bảo mật,” McPherson nói. “Hay những thứ tương tự, tôi nghĩ thế.”
“Nó có thể bảo mật tới mức nào nhỉ, nếu chúng ta đang nói về điều đó?” Chuck nói, một bên mắt nheo lên vẻ khoái trả khi bắt gặp ánh mắt Teddy.
McPherson dừng lại phía trước bệnh viện, một chân đã đặt lên bậc tam cấp đầu tiên. Ông ta trông có vẻ bối rối. Ông nhìn ra xa trong giây lát, về phía đường lượn của bức tường bao màu da cam rồi nói. “Tôi chắc là các anh có thể hỏi ông ấy. Giờ chắc ông ấy họp xong rồi.”
Họ đi lên cầu thang, xuyên qua một hành lang bằng đá hoa cương, trần nhà được xây như một chiếc vòm kín phía trên đầu họ. Một cánh cửa cót két mở ra khi họ tiến lại gần và bước vào phòng chờ lớn có một nhân viên ngồi bên bàn giấy phía tay phải và một người khác phía tay trái, trước mặt họ là một hành lang dài tiếp giáp với một cái cửa nữa. Họ lại chìa thẻ của mình ra cho một nhân viên trên đầu cầu thang và McPherson ghi tên ba người vào cặp tài liệu trong khi nhân viên kiểm tra thẻ, giấy chứng minh rồi trả lại cho họ. Phía sau nhân viên này là một căn buồng, và Teddy có thể thấy một người đàn ông ăn vận đồng phục giống như vị giám đốc trại giam, chìa khóa treo lung lẳng từng chùm trên bức tường phía sau lưng ông ta.
Họ leo lên tầng hai và bước vào một hành lang có mùi thơm của gỗ, sàn nhà làm bằng gỗ sồi lấp lánh dưới chân họ, tràn ngập một thứ ánh sáng trắng ùa vào từ cửa sổ lớn phía cuối đường.
“Rất nhiểu điểm bảo an,” Teddy nói.
“Chúng tôi phải dùng mọi biện pháp phòng ngừa,” McPherson nói.
“Chắc rồi, ông McPherson, vì sự biết ơn của một đám công chúng đầy cảm kích.”
“Các anh phải hiểu là,” McPherson nói, lưng quay lại phía Teddy khi họ bước qua một số phòng làm việc cửa đóng im ỉm với tên của các bác sĩ ghi trên một tấm biển nhỏ màu bạc. “Ở Mỹ không có một nơi nào khác giống thế này. Chúng tôi chỉ nhận những bệnh nhân nặng nhất. Chúng tôi nhận những người mà những nơi khác không thể chữa được.”
“Gryce cũng ở đây đúng không?” Teddy hỏi.
McPherson gật đầu. “Vincent Gryce, đúng vậy. Ở Khu C.”
“Gryce là cái người…” Chuck quay sang hỏi Teddy.
Teddy gật đầu. “Là người giết sạch tất cả họ hàng của mình, lột da đầu họ để làm mũ đội.”
Chuck gật gù lia lịa trước khi nói thêm, “Rồi đội chúng đi vào thị trấn đúng không?”
“Đấy là theo lời báo chí.”
Họ dừng lại bên ngoài một cánh cửa đôi. Một chiếc biển bằng đồng gắn ở giữa cánh cửa bên phải với dòng chữ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN, BÁC SĨ J.CAWLEY.
McPherson quay về phía họ, một tay đặt lên nắm cửa và nhìn họ với một vẻ mặt kín bưng. Ông ta nói, “Ở cái thời kém tiến bộ hơn thì một bệnh nhân như Gryce chắc sẽ bị xử tử. Nhưng ở đây họ có thể nghien cứu anh ta, xác định bệnh lý, và biết đâu còn phân tách được sự bất thường trong não bộ là nguyên nhân khiến cho anh ta hoàn toàn không có khả năng dung hòa với các hành vi cư xử bình thường. Nếu như họ có thể làm được điều đó thì có lẽ chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy cái ngày mà những kiểu bất dung ấy vĩnh viễn bị triệt tiêu hoàn toàn khỏi xã hội.”
Ông ta dường như đợi một câu trả lời, tay ông không động đậy trên núm cửa.
“Mơ mộng một tí thì củng tốt thôi, anh không nghĩ vậy sao?” Chuck nói.
Chú thích:
1.Scotland Yard là tên gọi của cảnh sát Anh. MIS là cơ quan phản gián Anh. OSS là cơ quan phản gián Mỹ được thành lập trong Thế Chiến thứ Hai, tiền thân của CIA. (ND)