NGÀY THỨ TƯ (2)
Tác giả: Dennis Lehane
ANH ĐÃ BƠI ĐƯỢC PHẦN LỚN đoạn đường.
Anh rời khỏi chiếc phà, bơi về phía bờ cho tới khi anh có thể chống tay xuống cát và bò dọc theo bãi biển. Khi đã cách con phà khá xa, anh mạo hiểm nhô đầu lên khỏi mặt nước và nhìn lại phía sau. Anh đã cách họ vài trăm mét, đám lính gác lúc này đang đứng thành một vành đai xung quanh cầu cảng.
Anh lại chui đầu xuống dưới nước và tiếp tục bò, không dám mạo hiểm bơi sải hay thậm chí là bơi chó vì sợ gây ra tiếng động. Bò thêm một đoạn nữa thì anh tới một khúc quành. Anh vòng theo nó rồi leo lên bờ, ngồi sưởi ấm dưới ánh mặt trời, người anh run lên vì lạnh. Anh tiếp tục men theo bờ biển cho tới khi đụng phải một vỉa đá nhô ra ngoài khiến anh lại phải xuống nước và bơi vòng qua nó. Anh buộc hai chiếc giày lại với nhau, đeo quanh cổ rồi vừa bơi qua vỉa đá vừa mường tượng đến những nắm xương của cha anh đang nằm đâu đó dưới thềm của chính đại dương này, mường tượng đến những con cá mập có vây lớn, đuôi quật vun vút trên mặt nước, và cả những con cá nhồng với hàm răng trắng nhởn. Nhưng anh biết là anh sẽ vượt qua chuyện này vì anh bắt buộc phải thế, nước lạnh khiến cả người tê tái nhưng anh không có sự lựa chọn nào khác là phải hành động, và anh sẽ còn phải làm thế nhiều lần trong những ngày tới, cho đến khi chiếc tàu Betsy Ross thả neo xuống mũi phía Nam hòn đảo. Và anh cũng biết cách duy nhất để chinh phục nỗi sợ hãi là đối diện với nó, anh đã học được điều ấy trong chiến tranh, nhưng kể cả như thế, nếu được chọn thì anh sẽ không bao giờ, không bao giờ ra biển nữa. Anh có thể cảm thấy nó quan sát anh, chạm vào anh. Anh có thể cảm thấy tuổi tác của nó, già cỗi hơn cả các vị thần và cũng hãnh diện hơn với số thi thể nạn nhân trong lòng nó.
Anh nhìn thấy ngọn hải đăng vào khoảng một giờ trưa. Anh cũng không thể nói chắc chắn vì đồng hồ đeo tay của anh đã nằm trong túi áo vest nhưng mặt trời gần như đứng bóng. Anh leo lên bờ, ngay dưới dốc đá tại chân ngọn hải đăng. Anh nằm dựa vào một tảng đá và phơi mình dưới ánh mặt trời cho tới khi người không còn run nữa và da bớt tím tái.
Nếu Chuck đang ở trên ngọn hải đăng thì dù tình trạng của cậu ấy có ra sao đi nữa anh cũng sẽ mang cậu ấy ra khỏi chỗ này. Sống hay đã chết, anh cũng sẽ không để cậu ấy lại phía sau.
Thế thì anh sẽ chết mất.
Đó là giọng nói của Dolores và anh biết là cô đúng. Nếu anh phải đợi hai ngày cho tới khi tàu Betsy Ross xuất hiện, và Chuck không tỉnh táo lành lặn thì họ sẽ không thể thành công. Họ sẽ bị rượt đuổi và tóm gọn… Teddy mỉm cười… như những con chó-hai-chân.
Anh không thể để cậu ấy lại đây, anh nói với Dolores. Anh không thể làm vậy. Nếu anh không tìm thấy cậu ấy thì đã đi một lẽ. Nhưng cậu ấy là đồng sự của anh.
Anh mới chỉ gặp anh ta thôi mà.
Vẫn là đồng sự của anh. Và nếu cậu ấy đang ở trên kia, nếu họ đang làm hại cậu ấy, giam giữ cậu ấy trái với ý nguyện của cậu thì anh phải mang cậu ấy ra khỏi đó.
Ngay cả nếu như anh phải chết?
Ngay cả nếu như anh phải chết.
Vậy thì em hy vọng anh ta không có ở trên đó.
Anh trèo xuống khỏi vách đá, đi theo một con đường mòn bằng cát và vỏ sò uốn lượn giữa đám tảo biển, anh chợt nghĩ rằng nhận xét của Cawley về việc anh là một người có thiên hướng tự sát thật ra không hoàn toàn chính xác. Nó còn hơn cả mong muốn được chết. Đúng là trong nhiều năm, anh đã không thể tìm ra một lý do tốt đẹp nào để tiếp tục sống. Nhưng anh cũng không tìn ra một lý do tốt đẹp nào để chết. Bằng chính tay mình? Thậm chí trong những đêm sầu não nhất của đời mình, thì đó dường như cũng là một lựa chọn thảm hại. Đáng hổ thẹn. Yếu đuối.
Nhưng giờ…
Một người lính gác bỗng từ đâu hiện lù lù trước mặt anh, sửng sốt không kém gì anh trước sự hiện diện của đối phương, khóa quần của anh ta vẫn đang mở, một khẩu súng trường khoác trên lưng. Anh ta định thò tay kéo khóa quần trước rồi lại thay đổi ý định nhưng Teddy đã kịp thúc một cùi tay vào yết hầu của anh ta. Anh ta ôm lấy cổ họng và Teddy cong người giơ chân đạp vào phía sau người lính gác khiến anh ta mất thăng bằng ngã xuống. Teddy đứng thẳng dậy bồi cho anh ta mất thăng bằng ngã xuống. Teddy đứng thẳng dậy bồi cho anh ta một cú đá mạnh nữa vào tai khiến hia mắt anh ta trợn ngược lên, miệng há hốc.
Teddy cúi xuống tụt quai súng từ vai và lôi khẩu súng ra khỏi người anh ta. Anh nghe thấy anh ta vẫn thở. Như vậy là anh không giết anh ta.
Và giờ anh đã có một khẩu súng.
ANH DÙNG NÓ để đe dọa người lính gác thứ hai, đang đứng trước hàng rào bảo vệ. Anh tước vũ khí của cậu ta, một chàng thanh niên, một cậu bé thì đúng hơn và cậu ta nói, “Anh sẽ giết tôi chứ?”
“Chúa ơi, không, nhóc,” Teddy nói và nên báng súng vào thái dương cậu ta.
BÊN TRONG HÀNG RÀO có một ngôi nhà nhỏ, Teddy kiểm tra nó trước tiên, chỉ thấy mất chiếc giường đơn, vài quyền tạp chí tươi mát, một bình cà phê cũ, vài bộ đồng phục lính gác treo trên chiếc mắc áo sau cánh cửa.
Anh trở ra bên ngoài và đi về phía ngọn hải đăng, dùng súng mở cửa và không tìm thấy gì ở tầng trệt ngoài một căn phòng bằng xi măng thô, trống trơn, tường đá mốc meo, và một cầu thang hình xoắn ốc cũng bằng đá.
Anh leo lên cầu thang tới phòng thứ hai, cũng trống trơn như tầng dưới nhưng anh biết hẳn phải có một tầng hầm ở đâu đó, rất rộng, nối liền với phần còn lại của khu bệnh viện bởi những hành lang bí ẩn vì cho tới lúc này thì anh chưa tìm thấy gì cả ngoại trừ, tất nhiên, một ngọn hải đăng.
Anh nghe thấy một âm thanh như tiếng cạo giấy ở phía trên, anh quay lại chỗ cầu thang, leo lên một tầng nữa và thấy mình đứng trước một cánh cửa sắt nặng nề, anh tì mũi súng vào đó và thấy nó khẽ nhúc nhích.
Anh lại nghe thấy tiếng cạo giấy một lần nữa và anh có thể ngửi thấy mùi khói thuốc, nghe thấy tiếng đại dương vỗ ộp oạp và tiếng gió, và anh biết nếu viên giám đốc trại giam đủ thông minh để bố trí lính gác phía sau cánh cửa này thì Teddy hẳn sẽ toi mạng ngay khi đẩy nó ra.
Chạy đi, cưng.
Không thể.
Tại sao không?
Bởi vì tất cả đều sẽ dẫn tới kết cục này.
Cái gì cơ?
Tất cả mọi chuyện. Tất cả.
Em không thấy bằng cách nào mà…
Em. Anh. Laeddis. Chuck. Noyce, anh chàng đáng thương ấy. Tất cả đều dẫn tới kết cục này. Hoặc là nó dừng lại ngay tại đây. Hoặc là anh sẽ dừng nó lại.
Là đôi bàn tay của anh. Đôi bàn tay của Chuck. Anh không thấy gì sao?
Không. Cái gì cơ?
Bàn tay của anh ta ấy, Teddy. Chúng không phù hợp với anh ta.
Teddy hiểu ý cô nói gì. Anh cũng biết có cái gì đó rất quan trọng về đôi bàn tay của Chuck nhưng nó không quan trọng tới mức khiến anh phải lãng phí thời gian để nghĩ đến lúc này.
Anh sẽ phải đi qua cánh cửa này, em yêu.
Được rồi. Hãy cẩn thận nhé.
Teddy nấp sang phía bên trái cánh cửa. Anh tì báng súng vào sườn trái và đặt tay phải lên sàn nhà để giữ thăng bằng rồi giơ chân trái đạp mạnh vào cánh cửa. Cánh cửa mở tung, anh lao tới, quỳ xuống, súng đặt trên vai, nòng súng chĩa vào trong.
Vào Cawley. Đang ngồi sau một chiếc bàn, trước một ô cửa sổ nhỏ, hình vuông, đại dương trải dài xanh ngắt với những con sóng bạc đầu sau lưng ông ta. Mùi của biển cả lấp đầy căn phòng, gió vờn trên tóc ông ta.
Cawley không có vẻ gì là sửng sốt. Hay sợ hãi. Ông ta gõ gõ điếu thuốc vào chiếc gạt tàn ở trước mặt và nói với Teddy.
“Cưng ơi, sao em lại ướt hết cả thế này?”
CÁC BỨC TƯỜNG SAU LƯNG Cawley được phủ kín bằng những tấm ga giường màu hồng, các góc được dán lại bằng những dải băng dính nhăn nheo. Trên chiếc bàn trước mặt ông ta ngổn ngang những chồng tài liệu, một chiếc mày bộ đàm quân sự, giấy nhập viện của Laeddis, quyển sổ ghi chép và chiếc áo vest của Teddy. Một chiếc máy thu băng được đặt chễm chệ ở góc phòng trên một chiếc ghế, băng vẫn đang chạy. Trên đầu máy thu có một chiếc micro nhỏ chĩa xuống. Ngay trước mặt Cawley là một quyển sổ ghi chép bìa da màu đen. Ông ta hí hoáy ghi chép gì đó vào trong sổ và nói, “Ngồi xuống đi.”
“Ông bảo gì cơ?”
“Tôi bảo anh ngồi xuống.”
“Trước đó cơ?”
“Anh biết rõ tôi nói gì mà.”
Teddy hạ khẩu súng trường xuống khỏi vai nhưng vẫn chĩa mũi súng về phía Cawley và bước vào trong phòng.
Cawley quay lại với việc ghi chép của ông ta. “Súng không có đạn đâu.”
“Gì cơ?”
“Khẩu súng trường của anh ấy. Chẳng có viên đạn nào. Với tất cả những kinh nghiệm của anh về súng đạn sao anh lại có thể không phát hiện ra điều đó chứ?”
Teddy kéo kháo nòng và kiểm tra hộp đạn. Nó rỗng không. Để cho chắc anh nhằm vào bức tường phía bên tay trái của anh và nổ súng nhưng không có gì xảy ra ngoài tiếng có súng kêu lách cách.
“Hãy đặt nó vào góc phòng,” Cawley nói.
Teddy đặt khẩu súng xuống đất, kéo một chiếc ghế ra khỏi bàn nhưng chưa ngồi xuống ngay.
“Sau những tấm ga kia là cái gì?”
“Chúng ta sẽ bàn tới chúng sua. Ngồi xuống. Xả hơi đi đã. Này, cầm lấy.” Cawley thò tay xuống sàn nhấc lên một chiếc khăn bông dày và ném qua bàn về phía Teddy. “Lau khô người đi. Anh sẽ bị cảm mất.”
Teddy lau khô đầu trước rồi tụt chiếc áo sơ mi ra khỏi người. Anh cuộn nó lại và ném vào góc phòng rồi lau người. Lau xong anh với tay lấy chiếc áo vest trên bàn. “Ông không ngại chứ?”
Cawley ngẩng lên. “Không, không. Cứ tự nhiên.”
Teddy khoác chiếc áo vest lên người rồi ngồi xuống ghế.
Cawley viết thêm một lúc, chiếc bút chì kêu loẹt xoẹt trên giấy. “Anh có làm lính gác bị thương nặng không?”
“Không đến nỗi,” Teddy nói.
Cawley gật đầu, bỏ bút chì xuống quyển sổ, cầm lấy máy bộ đàm và bắt đầu quay máy. Rồi ông ta nhấc chiếc ống nghe lên, ấn nút đàm thoại và nói, “Đúng, anh ta đang ở đây. Hãy để bác sĩ Sheehan ngó qua người của anh trước khi lên đây.”
Ông ta đặt ống nghe xuống.
“À, vị bác sĩ Sheehan bí ẩn,” Teddy nói.
Cawley nhướng mày.
“Để tôi đoán xem – anh ta vừa tới trên chuyến phà sáng nay.”
Cawley lắc đầu. “Anh ấy vẫn ở trên đảo suốt thời gian qua.”
“Và trốn tránh tất cả mọi người,” Teddy nói.
Cawley khẽ nhún vai, hai tay chìa ra trước.
“Anh ấy là một nhà tâm thần học xuất sắc. Trẻ tuổi nhưng đầy hứa hẹn. Đây chính là kế hoạch của tôi và anh ấy.”
Teddy cảm thấy có cái gì đó đập thình thịch trong cổ anh ngay phía dưới tai trái. “Kết quả ra sao rồi?”
Cawley nhấc một trang giấy trong cuốn sổ ghi chép của ông ta lên để đọc trang phía dưới rồi thả tay ra. “Không được tốt lắm. Tôi đã kỳ vọng nhiều hơn vào nó.”
Ông ta nhìn Teddy qua chiếc bàn làm việc và Teddy có thể thấy trên nét mặt ông ta cái biểu hiện mà anh bắt gặp ở chỗ cầu thang hôm nọ và trong buổi họp nhân sự trước cơn bão, một biểu hiện không phù hợp với chân dung của con người này, hòn đảo này, ngọn hải đăng này, và trò chơi kinh hoàng mà họ đang tham dự.
Lòng trắc ẩn,
Nếu Teddy không phải là một người từng trải, anh hẳn tin là thế.
Teddy nhìn đi chỗ khác, nhìn xung quanh phòng, lên những tấm ga giường trên tường.
“Vậy nó là đây?”
“Phải đấy,” Cawley đồng ý. “Đây là ngọn hải đăng. Chiếc Chén Thánh. Sự thật vĩ đại mà anh đang tìm kiếm. Đây có phải là tất cả những gì mà anh hy vọng và hơn thế không?”
“Tôi vẫn chưa nhìn thấy tầng hầm.”
“Ở đây không có tầng hầm. Đây là một ngọn hải đăng.”
Teddy nhìn quyển sổ tay của anh đang nằm trên bàn giữa hai người họ.
“Quyển sổ ghi chép của anh, đúng vậy. Chúng tôi tìm thấy nó cùng với chiếc áo vest của anh ở trong rừng gần nhà tôi. Anh đã cho nổ tung cả chiếc ô tô của tôi.”
Teddy nhún vai. “Xin lỗi.”
“Tôi rất thích chiếc xe đó.”
“Tôi rất hiểu cảm giác đó.”
“Tôi đứng trong phòng trưng bày xe hơi mùa xuân năm bốn mươi bảy và tôi còn nhớ khi nhìn thấy chiếc xe ấy tôi đã nghĩ gì, rồi, John, thế là số phận của chiếc xe này đã được định đoạt. Anh sẽ không phải nghĩ tới chuyện mua một chiếc xe khác trong vòng ít nhất mười lăm năm nữa.” Ông ta thở dài. “Và tôi đã rất hài lòng.”
Teddy giơ hai tay lên. “Một lần nữa, tôi xin lỗi.”
Cawley lắc đầu. “Chẳng lẽ anh nghĩ chúng tôi sẽ để anh lên chuyến phà đó sao? Cho dù anh có làm nổ tung cả hòn đảo để đánh lạc hướng thì anh nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?”
Teddy nhún vai.
“Anh chỉ có một mình,” Cawley nói, “mà việc duy nhất của tất cả mọi người sáng nay là ngăn cản anh leo lên con phà đó. Nên tôi không hiểu được tại sao anh lại tính toán như thế?”
“Đó là cách duy nhất để đi khỏi đây nên tôi cứ phải thử thôi,” Teddy nói.
Cawley nhìn anh vẻ bối rối và lẩm bẩm, “Chúa ơi, tôi rất thích cái xe đó,” và nhìn xuống vạt áo.
“Ông có nước không?” Teddy hỏi.
Cawley có vẻ cân nhắc yêu cầu của anh nên phải mất một lúc ông ta mới xoay chiếc ghế để lộ ra một bình đựng nước và hai chiếc ly đặt trên khung cửa sổ phía sau lưng. Ông ta rót nước rồi đưa cho Teddy một ly.
Teddy một hơi uống cạn ly nước.
“Khô miệng hả?” Cawley nói. “Từ trong lưỡi anh như có một cơn ngứa mà anh không thể nào gãi hết được dù uống bao nhiêu nước đi chăng nữa?” Ông ta đẩy bình nước ngang qua bàn về phía Teddy và nhìn anh rót thêm một ly nữa. “Tay anh bat82 đầu run lên từng chập. Càng lúc càng tồi tệ. Đầu anh thế nào rồi|?”
Khi ông ta nói về những triệu chứng đó, Teddy cảm thấy một cơn đau nóng rẫy xuên suốt từ phía sau mắt trái của anh sang thái dương rồi lên phía trên tới đỉnh sọ và xuống phía dưới tới quai hàm.
“Cũng không tệ lắm,” anh nói.
“Rồi nó sẽ trở nên tệ hơn đấy.”
Teddy lại uống thêm nước. “Tôi biết. Nữ bác sĩ đó cũng bảo tôi thế.”
Cawley xoay người lại, mỉm cười, và gõ gõ chiếc bút chì lên quyển sổ tay của mình. “Lại ai nữa đây?”
“Tôi không hỏi được tên của cô ta. Nhưng cô ta từng làm việc với ông.”
“Ồ. Thế cô ta nói gì?”
“Cô ta nói các loại thuốc an thần sẽ kích hoạt trong máu và phát huy tác dụng sau bốn ngày. Cô ta cũng dự đoán các triệu chứng như khô miệng, đau đầu và run rẩy.”
“Một phụ nữ thông minh.”
“Đúng thế.”
“Nhưng không phải do thuốc an thần đâu.”
“Không?”
“Không.”
“Thế thì là do cái gì?”
“Ngừng dùng thuốc,” Cawley nói.
“Ngừng dùng cái gì cơ?”
Cawley lại mỉm cười, ánh mắt ông ta trở nên xa xăm. Rồi ông ta mở quyển sổ tay của Teddy lật tới trang cuối cùng có chữ viết và đẩy nó về phía anh.
“Đây là chữ viết tay của anh, đúng không?”
Teddy liếc qua rồi nói, “Đúng.”
“Đây là mật mã cuối cùng?”
“Đúng vậy.”
“Sao anh không giải nó?”
“Tôi không có thời gian. Mọi chuyện bỗng trở nên bấn loạn, xin nhắc lại thế nếu ông đã quên.”
“Đúng vậy, đúng vậy.” Cawley gõ gõ lên trang giấy. “Anh muốn giải nó bây giờ không?”
Teddy nhìn xuống chín con số và chữ cái:
13(M)-21(U)-25(Y)-18(R)-1(A)-5(E)-8(H)-15(O)-9(I)
Anh cảm thấy cơn đau bỏng rát đang thọc vào sâu mắt trái.
“Tôi không cảm thấy đủ minh mẫn lúc này.”
“Nhưng mật mã này đơn giản mà,” Cawley nói. “Chỉ có chín chữ cái thôi.”
‘Hãy để cho đầu tôi nghỉ một tí được không?”
“Được thôi.”
“Mà ngừng dùng cái gì cơ?” Teddy nói. “Ông đã cho tôi uống thuốc gì vậy?”
Cawley bẻ các khớp tay rồi ngả lưng vào ghế ngáp một cái rõ to. “Chlorpromazine. Nó có tác dụng phụ. Khá nhiều. Tôi e là thế. Tôi cũng không thích loại thuốc này lắm. Trước khi xảy ra một loạt những sự kiện như vừa rồi, tôi vẫn hy vọng bắt đầu điều trị anh bằng imipramine nhưng giờ thì chắc không được nữa rồi.” Ông ta nhoài người ra phía trước. “Thường thì tôi cũng không phải là người ủng hộ các phương pháp dược lý, nhưng trong trường hợp của anh thì tôi thấy đúng là cần thiết.”
“Imipramine là gì?”
"Nó còn có một tên gọi khác là Tofranil.”
Teddy mỉm cười. “Thế còn Chlorpro…”
“… mazine,” Cawley gật gù. “Chlorpromazine. Đó là loại thuốc đã gây ra các triệu chứng nói trên do anh ngừng uống thuốc trong suốt mấy ngày vừa rồi. Loại htuoc61 mà chúng tôi đã đưa cho anh dùng suốt hai năm qua.”
“Hai gì cơ?”
“Hai năm.”
Teddy cười. “Nghe này, tôi biết là các ông rất có thế lực. Nhưng cũng không cần phải phóng đại thế chứ.”
“Tôi không phóng địa chút nào.”
“Các ông đã đánh thuốc tôi suốt hai năm qua?”
“Tôi thích dùng thuật ngữ ‘điều trị’ hơn.”
“Và, sao nhỉ, các ông có một người làm việc tại văn phòng tầm nã liên bang. Nhiệm vụ của anh là pha thuốc vào đồ uống của tôi mỗi buổi sáng? À không, đợi đã, anh ta làm việc ở chỗ quầy báo nơi tôi thường hay mua cà phê trên đường đi làm. Như thế nghe hợp lý hơn. Và như vậy, trong suốt hai năm, các ông có một người ở Boston chuyên bỏ thuốc vào cà phê của tôi.”
“Không phải ở Boston,” Cawley khẽ khàng nói. “Mà là ở đây.”
“Ở đây?”
Ông ta gật đầu. “Anh đã ở đây suốt hai năm qua. Một bệnh nhân của bệnh viện này.”
Teddy có thể nghe thấy tiếng thủy triều đang lên, giận dữ xô vào vách đá. Anh nắm chặt hai tay lại để kiềm chế những cơn run rẩy và cố phớt lờ cơn đau đang phập phồng trong mắt trái càng lúc càng trở nên nóng rẫy và quyết liệt.
“Tôi là một đặc vụ Mỹ,” Teddy nói.
“Từng là một đặc vụ Mỹ,” Cawley đáp.
“Đang là,” Teddy nói. “Tôi là một đặc vụ liên bang làm việc cho chính phủ Mỹ. Tôi rời khỏi Boston sáng ngày thứ Hai, ngày hai mươi hai, tháng Chín, năm 1954.”
“Vậy sao?” Cawley nói. “Hãy nói cho tôi biết anh đã tới con phà bằng cách nào? Tự lái xe? Thế anh đổ xe ở đâu?”
“Tôi đi tàu điện ngầm.”
“Tàu điện ngầm không có tuyến đi ra tận đó.”
“Sau đó tôi đổi sang xe buýt.”
“Thế sao anh không tự lái xe?”
"Xe đang nằm trong gara.”
“Thế còn ngày Chủ nhật trước đó. Anh có nhớ gì về ngày Chủ nhật trước đó không. Anh có thể kể cho tôi anh đã làm gì không? Anh có thể thành thật mà kể cho tôi về cái ngày trước khi anh thức dậy trong buồng tắm của con phà?”
Teddy có thể, hoàn toàn có thể kể lại cho ông ta nghe mọi chuyện nhưng cái cơn đau đầu chết tiệt đang khoan sâu vào mắt và ống xoang của anh.
Thôi được. Nào thì nhớ lại. Kể cho ông ta nghe anh đã làm gì ngày Chủ nhật. Trở về nhà từ chỗ làm. Đi về căn hộ của anh ở Buttonwood. Không, không, không phải Buttonwood. Căn hộ ở Buttonwood đã bị cháy thành tro khi Laeddis phóng hỏa. Không, không phải. Thế thì anh sống ở đâu mới được chứ? Mẹ kiếp. Anh có thể hình dung ra cái chỗ đó. Đúng thế. Trên đại lộ Castlemont. Ở gần hồ. Castlemont. Đúng vậy. Trên đại lộ Castlemont. Ở gần hồ.
Được rồi, được rồi. Hãy thong thả. Anh quay trở về nhà anh trên đại lộ Castlemont, ăn tối và uống một chút sữa rồi đi ngủ. Đúng không nhỉ? Đúng thế.
Cawley nói, “Thế còn cái này thì sao? Anh đã có lúc nào ngó qua nó chưa?”
Ông ta đẩy tờ giấy nhập viện của Laeddis ra trước mặt anh.
“Chưa.”
“Chưa hả?” Ông ta nói rồi huýt sáo. “Anh tới đây vì nó. Nếu anh có được mảnh giấy này để đưa cho Thượng nghị sĩ Hurly – bằng chứng về bệnh nhân thứ sáu mươi bảy mà chúng tôi vẫn tuyên bố là không hề có – thì anh có thể lật tẩy bộ mặt của bệnh viện này.”
“Đúng thế.”
“Đúng quá còn gì. Thế mà suốt hai mươi tư tiếng vừa rồi anh không kịp liếc qua lấy một cái?”
“Lại nữa, mọi chuyện bỗng trở nên…”
“Bấn loạn, đúng vậy, tôi hiểu. Vậy thì bây giờ hãy đọc nó đi.”
Teddy liếc xuống tờ giấy, nhìn thấy các thông tin rõ ràng về ngày, tháng, tên tuổi nhập viện của Laeddis. Ở mục nhận xét có viết:
Bệnh nhân rất thông minh và mắc chứng hoang tưởng cực độ. Có tiền sử khuynh hướng bạo lực. Rất dễ bị kích động. Không hề ăn năn hối hận về tội ác của mình do không thừa nhận rằng nó đã xảy ra. Bệnh nhân dựng lên một loạt câu chuyện hư cấu có tính hệ thống và điều đó ngăn cản anh ta đối diện với sự thật về những hành động của mình.
Chữ ký phía bên dưới là của bác sĩ L.Sheehan.
“Nghe có vẻ đúng,” Teddy nói.
“Có vẻ đúng?”
Teddy gật đầu.
“Ám chỉ ai?”
“Laeddis.”
Cawley đứng dậy. Ông ta đi tới gần bức tường và kéo một tấm ga xuống. Bốn tên người được viết hoa cỡ chữ dài mười lăm centimet:
EDWARD DANIELS – ANDREW LAEDDIS
RACHEL SOLANDO – DOLORES CHANAL
Teddy chờ Cawley giải thích tiếp trong khi Cawley dường như lại đợi phản ứng của Teddy nên cả hai người cùng không nói gì trong một lát.
Cuối cùng Teddy lên tiếng, “Tôi đoán là ông đã có một giả thiết về chuyện này.”
“Hãy nhìn vào những cái tên đó.”
“Tôi đang nhìn đấy thôi.”
“Tên của anh, tên của bệnh nhân thứ sáu mươi bảy, tên của bệnh nhân mất tích và tên của vợ anh.”
“Cái đó thì rõ rồi, tôi có bị mù đâu.”
“Đó chính là cái gọi là luật của bốn của anh đấy,” Cawley nói.
“Thế là thế nào?” Teddy lấy tay chà mạnh lên thái dương, cố làm giảm cơn đau nhức nhối.
“Anh là thiên tài về mật mã cơ mà. Anh thử nói xem.”
“Nói gì cơ?”
“Hai cái tên Edward Daniel và Andrew Laeddis có điểm gì chung?”
Teddy nhìn vào tên của anh và Laeddis một lúc. “Chúng đều có mười ba chữ cái.”
“Đúng thế,” Cawley nói. “Đúng là như thế, còn gì nữa?”
Teddy nhìn chằm chằm và chằm chằm rồi nói, “Không còn gì nữa.”
“Nào, cố lên.” Cawley cởi chiếc áo blu mặc trong phòng thí nghiệm ra và vắt lên thành ghế.
Teddy cố gắng tập trung tư tưởng nhưng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với trò chơi dền dứ này.
“Anh cứ từ từ mà đoán.”
Teddy tiếp tục nhìn cho tới các chữ cái bắt đầu trở nên xiêu vẹo trong mắt anh.
“Có thấy gì không?” Cawley hỏi.
“Không. Tôi chẳng thấy gì cả. Chỉ giống mỗi chỗ đều có mười ba chữ cái thôi.”
“Cố lên nào,” Cawley nói rồi trở bàn tay đập đập lên những dòng chữ đó.
Teddy lắc đầu và cảm thấy buồn nôn. Các chữ cái bắt đầu nhảy nhót trước mắt anh.
“Hãy tập trung vào.”
“Tôi đang tập trung đấy thôi.”
“Những cái tên này còn có gì giống nhau?”
“Tôi không… Chúng đều có mười ba chữ cái. Mười ba.”
“Còn gì nữa?”
Teddy nhìn chòng chọc vào các dòng chữ cho tới khu chúng bắt đầu trở nên nhòe nhoẹt.
“Chằng thấy gì.”
“Chẳng thấy gì ư?”
“Chẳng thấy gì, ông muốn tôi nói gì đây? Tôi không thể nói cho ông cái mà tôi không biết. Tôi không thể…”
“Chúng có những chữ cái giống hệt nhau!” Cawley hét lên.
Teddy chúi đầu về phía trước cố định hình lại các chữ cái đang chập chờn trước mắt.
“Cái gì cơ?”
“Chúng có những chữ cái giống hệt nhau.”
“Không thể.”
“Những cái tên này chỉ hoán đổi vị trí các chữ cái mà thôi.”
“Không thể.”
“Không ư?” Cawley nhíu mày và di chuyển bàn tay giữa các dòng chữ. “Những cái tên này có cùng các chữ cái. Nhìn đi. Edward Daniels và Andrew Laeddis. Các chữ cái giống hệt nhau. Anh vốn có năng khiếu về giải mã, thậm chí còn suýt trở thành người giải mã trong quân đội, không đúng sao? Hãy cho tôi biết tại sao anh lại không thể nhìn thấy hai cái tên này có cùng mươi ba chữ cái giống hết nhua chứ?”
“Không thể!” Teddy lấy cườm tay dụi mắt, để nhìn rõ hơn hay để che ánh sáng lại thì chính anh cũng không rõ nữa.
“Không thể, nghĩa là chúng không thể có cùng các chữ cái hay không thể nghĩa là anh không muốn thừa nhận sự thật?”
“Chúng không thể có cùng các chữ cái.”
“Chúng có cùng các chữ cái giống hệt nhau. Mở mắt ra và nhìn chúng mà xem.”
Teddy mở mắt ra nhưng tiếp tục lắc đầu và những chữ cái bắt đầu rơi rụng lả tả trước mắt anh.
Cawley lại đập đập bàn tay vào dòng chữ tiếp theo. “Thế thử cái này vậy, ‘Dolores Chanal và Rachel Solando.’ Cả hai cũng cùng có mười ba chữ cái. Và anh có muốn nói cho tôi biết chúng còn có điểm chung nào nữa hay không?”
Teddy biết anh đang nhìn thấy gì nhưng anh cũng biết là chuyện này rất vô lý.
“Không thể? Lần này cũng không thể đúng không?”
“Nó không thể nào…”
“Nhưng mà đúng thế đấy. Lại cùng những chữ cái giống hệt nhua. Lại là sự hoàn đổi vị trí của các chữ cái. Anh tới đây để tìm hiểu sự thật đúng không? Đây chính là sự thật của anh, Andrew.”
“Teddy chứ,” Teddy nói.
Cawley nhìn anh, khuôn mặt ông ta lại một lần nữa tràn ngập một vẻ thấu cảm sâu sắc.
“Tên anh là Andrew Laeddis. Anh là bệnh nhân thứ sáu mươi bảy của bệnh viện Ashecliffe. Hắn ta chính là anh, Andrew,” Cawley nói.