Phần 13
Tác giả: nhiều tác giả
Amiđan
Cắt amiđan được xem là việc rất bình thường, thậm chí nhiều người đã lạm dụng thủ thuật này. Do đó, chúng ta cần hết sức chú ý theo đúng ý kiến của bác sĩ (nhất là bác sĩ chuyên khoa về tai mũi họng) trước khi có ý định cắt amiđan...
Amiđan còn được gọi là hạch nhân hay thịt dư ở cổ họng, xuất hiện vào tháng thứ 3 của thời kỳ bào thai. Chúng phình to lên cho tới 14 - 15 tuổi rồi thoái hoá sau đó. Các amiđan vòm miệng dự phần vào việc tạo ra vòng waldeyer gồm các sùi vòm họng (VA) phía trên cao. Các amiđan vòm miệng nằm ngang trong ổ và một khối dạng bạch huyết bào của phần đáy lưỡi. Amiđan vòm miệng có dạng hình trái xoan, thành cặp và đối xứng, nằm gọn trong miệng yết hầu. Các amiđan nằm trên đường thâm nhập của các hạt nhỏ từ không khí và thức ăn, tạo miễn dịch hoặc gây dị ứng (tùy theo kích thước hạt).
Lúc nào cần cắt amiđan?
Ở trẻ em, cần cắt khi bị bệnh nhiễm trùng amiđan:
-Viêm họng cấp tính tái đi tái lại, đã được chữa trị bằng thuốc kháng sinh đều đặn nhưng vẫn không khỏi. Nhịp độ khoảng 3 cơn kịch phát viêm mỗi năm trong 3 năm liên tục, 5 cơn mỗi năm trong 2 năm hay 7 cơn trong 1 năm. Nên nhớ rằng việc cắt amiđan không loại trừ nguy cơ có các cơn viêm hầu.
- Nhiễm liên cầu trùng Béta tan máu nhóm A (thấp khớp cấp tính có biến chứng đặc biệt ở tim, viêm thận, tiểu cầu cấp tính). Phải triệt tiêu các ổ liên cầu trùng kia ngay.
- Viêm sưng amiđan gây khó hô hấp kèm theo xanh tím, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, nghẹt mũi, tử vong.
Khi cắt amiđan nên kèm theo giải quyết sùi vòm họng (VA). Trong vài trường hợp, cần chẩn đoán kỹ lưỡng hơn:
- Bệnh nhiễm trùng amiđan thứ phát gây khó chịu có kèm cơn sốt. Quyết định cắt amiđan phải dựa vào hình dạng tại chỗ, có sự hiện diện các liên cầu trùng Béta tan huyết nhóm A.
mà khi xét nghiệm, có bệnh hạch lớn.
- Sốt lâu do viêm amiđan mạn tính hoặc sẽ hết sốt khi cắt xong amiđan.
- Cắt amiđan ở người dị ứng: Việc cắt amiđan ở người mắc chứng hen sẽ khắc phục tốt tình trạng này.
Nên tránh cắt amiđan khi chưa tới 4 tuổi.
Ở người lớn, nên cắt amiđan trong các trường hợp sau:
- Viêm họng tái phát.
- Sưng tấy quanh amiđan ở người trẻ tuổi bị viêm hốc amiđan mạn tính.
- Viêm mạn tính.
Trường hợp không được cắt bỏ amydale:
- Có bệnh về máu: Trước khi cắt amiđan, cần tiến hành xét nghiệm về máu để tìm hiểu tình hình đông máu và chảy máu ở cơ địa bệnh nhân, làm bilan thể trọng máu, khảo sát tính đông và chảy máu có tính cá nhân hoặc gia đình (di truyền).
- Đối với những người chuyên nghiệp về giọng (ca sĩ, xướng ngôn viên...), việc cắt amiđan phải được suy nghĩ thật chín chắn.
BS Phạm Khắc Trí
Bệnh cường giáp
Một bệnh nhân bị kiệt sức. Theo người bệnh khai thì ông bị kém ăn trong thời gian dài dẫn đến không ăn được (trong vòng hơn một tháng sút 8 kg). Những ngày bệnh nặng, tim ông đập nhanh (trên 105 nhịp/phút), vã mồ hôi và run tay. Ông đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng chưa phát hiện ra bệnh gì. Sau khi thăm khám làm xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện ông bị bệnh cường giáp.
Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở phần trước cổ, phía dưới cằm. Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến việc tăng sản xuất hoóc môn. Việc hoóc môn giáp trong máu nhiều hơn bình thường đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của cơ thể, kể cả tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn). Khoảng 0,5% dân số mắc bệnh này, nhưng hay gặp ở phụ nữ từ 20 đến 50 tuổi. Rất ít khi có bệnh ở trẻ dưới 10 tuổi. Tình trạng cường giáp kéo dài sẽ dẫn đến suy tim, yếu cơ, giảm cân, giảm khả năng làm việc (suy nhược thần kinh, mất tập trung), rối loạn hoạt động tình dục (giảm khả năng thụ tinh và kinh ít ở nữ, giảm tinh trùng và bất lực ở nam). Nếu bị lồi mắt, mắt sẽ không nhắm được, đỏ, viêm kết mạc, có thể mù.
Thường bệnh nhân hay có các triệu chứng sau đây:
- Dễ xúc động, lúc nào cũng cảm thấy nóng nực và ẩm, run tay, đổ mồ hôi, có khi lo lắng, bồn chồn, mệt, tim đập mạnh, nhanh, không đều.
- Bệnh nhân gầy nhanh dù ăn nhiều. Phụ nữ hay người lớn tuổi có thể tăng cân.
- Tính khí gắt gỏng, bất thường.
- Có khi tiêu chảy 5-10 lần mỗi ngày.
- Đôi khi mắt lồi hay có bướu cổ.
Tùy từng thể bệnh, các nhóm triệu chứng thường gặp rất khác nhau. Ở người lớn tuổi, bệnh rất khó nhận biết vì các triệu chứng không điển hình.
Vì sao bị cường giáp? Tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến việc tăng sản xuất hoóc môn có thể do những yếu tố kích thích ở bên ngoài tuyến giáp. Cũng có khi một phần mô chủ tuyến giáp bị tăng sinh và trở nên hoạt động quá mức. Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn:
- Do iốt: Dùng thuốc chứa iốt như Amiodarone, chất cản quang.
- Do uống quá mức thuốc điều trị có chứa hoóc môn tuyến giáp.
Làm cách nào để ngăn ngừa? Không có biện pháp nào đặc biệt. Khi đã biết bị cường giáp, cần tuân theo lời dặn của bác sĩ, kể cả việc ăn muối có iốt.
Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên, có khi bệnh tái phát. Khi nhận biết bệnh quá chậm, thường có nhiều biến chứng xảy ra. Bác sĩ có thể cho thuốc làm giảm triệu chứng hồi hộp, run tay và lo lắng. Để điều trị nguyên nhân, thường dùng các thuốc đặc hiệu hay iốt phóng xạ, cần có sự theo dõi sát của bác sĩ. Phẫu thuật chỉ dành cho người không muốn điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc dùng thuốc uống không kiểm soát được bệnh. Tốt nhất là nên đến khám tại một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tin cậy để xem mình có đúng bị cường giáp hay không (có thể cần phải làm thêm một số xét nghiệm khác) và sau đó được hướng dẫn điều trị chính xác.
BS Tường Vân
(còn tiếp)