Phần 30
Tác giả: nhiều tác giả
Gai cột sống
Gai căng: Thường thấy ở cột sống vùng thắt lưng do sự căng dần đĩa đệm bởi các lực căng (làm việc nặng, ngồi nhiều trong tư thế sai...).
Gai nén: Thường thấy ở cột sống vùng thắt lưng do sự nén ép lên cột sống thường xuyên vì làm việc nặng quá mức lâu ngày. Cơ thể thích ứng bằng cách làm rộng bề mặt chịu lực của xương quanh đĩa sống. Bề mặt càng lớn, lực tác động lên đĩa sống càng giảm đi.
Gai nối: Để bất động tự nhiên đĩa sống bị biến đổi do lực tác động hay thoái hoá đĩa đệm, cơ thể thích ứng bằng cách tạo ra cầu xương cố định đĩa sống. Cầu xương làm hai thân đốt kề nhau dính lại có khi vững chắc, có khi không vững chắc.
Gai thành sau thân đốt sống: Gặp ở vùng cột sống cổ nhiều hơn ở vùng thắt lưng, ít được lưu ý vì khó nhận ra trên X-quang thường quy.
Cốt hóa dây chằng dọc trước cột sống trong bệnh viêm dính xương sống, thấy ở một số bệnh nhân trong độ tuổi thanh niên.
Các trường hợp thường thấy gai xuất hiện là:
- Do làm nặng quá sức.
- Do làm việc trong tư thế sai lâu ngày, do tiến trình thoái hoá cột sống và đĩa đệm xảy ra nơi người có tuổi.
- Do hậu quả chấn thương cột sống cũ, do lao cột sống cũ đã lành từ lâu.
- Do biến dạng cột sống như cong, vẹo cột sống đã phát triển từ lâu.
Phần lớn các trường hợp bệnh nhân có gai cột sống nhưng không có triệu chứng gì. Khi chụp X-quang vì một bệnh khác, họ mới phát hiện ra. Như vậy, gai cột sống không phải lúc nào cũng gây đau.
Gai cột sống có thể gặp ở ba nơi: cổ, lưng và thắt lưng. Gai cột sống thắt lưng thường thấy nhất, kế đó là gai cột sống cổ và cuối cùng là gai cột sống lưng. Gai cột sống thắt lưng thường gặp ở vùng đốt sống thắt lưng thấp (TL 3, TL4, TL5). Vùng này chịu lực nhiều nhất. Gai mọc ra phía trước không ảnh hưởng trực tiếp lên rễ thần kinh. Gai mọc ra sau có thể làm hẹp lỗ liên hợp và gây chèn ép rễ thần kinh khi ống sống bị hẹp quá mức. Gai cột sống thắt lưng thường gặp ở hai độ tuổi:
- Tuổi trung niên nếu bệnh nhân đã bắt đầu làm việc nặng từ trẻ;
- Tuổi già do tiến trình thoái hoá đĩa đệm.
Ý thức giữ gìn tư thế đúng trong khi học tập, sinh hoạt, làm việc hằng ngày của mỗi cá nhân rất quan trọng. Không nên làm việc quá sức mình hay làm việc trong tư thế không tốt trong thời gian dài. Nên thay đổi điều kiện làm việc hợp lý hoặc sử dụng các phương tiện máy móc làm thay các việc quá nặng nề để bảo vệ tốt chức năng cột sống cổ, lưng, thắt lưng. Các biện pháp vệ sinh lao động phù hợp với từng nghề nghiệp chuyên môn và hoàn cảnh làm việc khác nhau cần được chú ý thực hiện.
Không nên quá lo sợ mà phải hiểu rõ gai cột sống để phòng tránh làm gai gia tăng và can thiệp khi hết sức cần thiết.
PTS Võ Văn Thành
Viêm cột sống dính khớp
Đây là bệnh khớp mãn tính thường gặp ở nam giới (90%), trẻ tuổi (60% dưới 20 tuổi và 80% dưới 30 tuổi). Thường biểu hiện ở các khớp cùng chậu, các khớp cột sống và các khớp ngoại biên, hay dẫn đến dính khớp háng và cột sống, gây nên tàn phế từ rất sớm nếu không được chẩn đoán và chữa trị đúng.
Có 70% ca bệnh bắt đầu từ từ và 30% diễn biến đột ngột, cấp tính. Bệnh có thể xảy ra sau chấn thương, nhất là vùng cột sống.
Dấu hiệu ban đầu thường khó xác định: đau vùng cột sống thắt lưng, vùng mông và các khớp lớn ngoại biên (thường nhất là khớp háng và khớp gối). Toàn thân mệt mỏi, gầy sút do teo cơ nhanh, sốt nhẹ; viêm mống mắt; tim rối loạn dẫn truyền, hở động mạch chủ nhẹ.
Ở giai đoạn toàn phát, có viêm các khớp ở chi với đặc điểm: viêm ở khớp lớn (khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân...), viêm đối xứng, teo cơ nhanh. Viêm cột sống (cổ, lưng, thắt lưng) thường xuất hiện muộn hơn. Vận động bị hạn chế do giảm độ giãn cột sống và lồng ngực; teo khối cơ cạnh cột sống làm cột sống nhô ra sau; viêm khớp vùng chậu hai bên.
Bệnh tăng dần sẽ dẫn đến dính và biến dạng toàn bộ cột sống và hai khớp háng. Đến lúc dính hoàn toàn, bệnh nhân sẽ hết đau. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, các khớp sẽ dính ở những tư thế xấu, gù vẹo nặng, chân co quắp (dính khớp háng) không đi lại được. Biến chứng của bệnh làm suy hô hấp, tâm phế mãn, lao phổi, liệt hai chi dưới (do chèn ép tủy và rễ thần kinh).
Điều trị: Có thể dùng thuốc kháng viêm không có steroid (như Phenylbutazone, Indomethacin, Diclofenac, Naproxen), thuốc giãn cơ (Myonal, Coltramyl, Surdalud, Valium) Dùng Sulphasalazin 2 g hàng ngày trong 2-5 năm, có tác dụng tốt đối với các khớp ngoại biên (háng, gối).
Song song, bệnh nhân phải tập vận động sớm và kiên trì nhằm chống dính khớp, chống tư thế xấu.
Khi bệnh tiến triển, phải để khớp ở tư thế cơ năng, nằm ngửa trên ván cứng, chân duỗi thẳng, không gối, không kê độn khớp gối, vật lý trị liệu, bơi lội, phục hồi chức năng, xạ trị...
PTS Bs Lê Anh The
(còn tiếp)