Phần 35
Tác giả: nhiều tác giả
Thiếu máu
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu:
- Ăn uống không đúng cách (thiếu chất dinh dưỡng) như thiếu chất sắt, axit folic, chất đạm, các sinh tố B2, B6, B12 và E tham gia vào quá trình tổng hợp hồng huyết cầu.
- Xuất huyết ồ ạt như bị chấn thương mạch máu, xuất huyết dạ dày, tá tràng, xuất huyết do ho ra máu, có thai ngoài tử cung...
- Chảy máu rỉ rả nhưng liên tục (không cầm) vì giun móc, giun tóc hút máu niêm mạch ruột non. Một con giun, móc có khả năng hút 0,15 - 0,26 ml máu mỗi ngày, nếu cơ thể chứa 100 con giun móc thì mỗi ngày mất 15 - 26 ml máu, mỗi tháng mất 450 - 780 ml. Ký sinh trùng sốt rét (plasmodia) là tác nhân gây thiếu máu trầm trọng do làm vỡ các hồng huyết cầu.
Những đối tượng thiếu máu là trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị tiêu chảy kinh niên, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú...
Người bị thiếu máu thường xanh xao, niêm mạc mắt và môi nhạt màu, lòng bàn tay không hồng hào, mạch nhanh (đập trên 80 nhịp/phút), hay bần thần, mệt mỏi, lười ăn, khó thở (trường hợp thiếu máu nặng). Người thiếu máu khi nồng độ huyết cầu tố thấp hơn các trị số sau đây:
- Trẻ con 6 tháng - 6 tuổi: 11 g huyết cầu tố /100 ml máu tĩnh mạch.
- Trẻ 6 - 14 tuổi: 12 g huyết cầu tố /100 ml máu tĩnh mạch.
- Người lớn: Nam 13 g, nữ 12 g, phụ nữ có thai 11 g/100 ml máu tĩnh mạch.
Muốn điều trị thiếu máu, phải chẩn đoán đúng nguyên nhân. Phải giải quyết các nguyên nhân chứ không nên sử dụng thuốc "bổ máu". Nếu thiếu máu do xuất huyết dạ dày, bệnh phổi, bệnh phụ khoa, bệnh sốt rét thì phải điều trị tận gốc. Xét nghiệm phân, máu đối tượng nghi ngờ mắc giun móc để có hướng điều trị. Đối với trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị tiêu chảy kinh niên, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú... cần bổ sung chất sắt (dưới dạng thuốc), ăn thay đổi những thực phẩm giàu chất sắt như thịt, cá, gan, huyết heo, bò, lòng đỏ trứng, sò huyết, đậu ván, đậu đen, đậu xanh, đậu nành, rau muống, rau dền, nấm mèo...
BS Trương Văn Anh Tuấn
Thiếu máu do thiếu sắt
Kết quả điều tra trong toàn quốc do Viện Dinh dưỡng quốc gia và UNICEF thực hiện trong năm 1995 cho biết, 60% trẻ dưới 2 tuổi và 45,3% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt; hơn 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) và 52,7% thai phụ cũng bị thiếu máu do thiếu sắt. Thế nhưng trong cộng đồng có rất ít người biết mình bị mắc bệnh và số người tích cực đến cơ sở y tế điều trị lại càng hiếm hoi. Nguyên nhân là do biểu hiện của bệnh không gây chú ý nhiều như cái bướu cổ to do thiếu iod hoặc tình trạng mắt khô, mù mắt do thiếu vitamin A. Thiếu máu do thiếu sắt là một trong những bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng, thường gọi là "nạn đói tiềm ẩn" vì thiếu nhưng người ta không hay biết.
Thiếu máu do thiếu sắt diễn ra từ từ, thầm lặng, không rõ rệt. Ngoài một số biểu hiện đã kể trong trường hợp cụ thể trên, lòng bàn tay, niêm mạc mắt của bệnh nhân trắng nhợt, da khô, móng tay, móng chân mất độ bóng và có hình dẹt... Người bệnh thiếu máu thường mệt mỏi, hay cáu gắt, khả năng lao động giảm. Trẻ em kém phát triển cả về thể chất và tinh thần, thường nhận thức chậm, nhớ kém, hay ngủ gật. Phụ nữ có thai dễ gặp tai biến khi sinh đẻ như đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con. Người bị thiếu máu nặng thường có các triệu chứng như: hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu do thiếu sắt, phổ biến là hằng ngày thức ăn không cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể. Một nguyên nhân phổ biến thường thấy ở Việt Nam là nhiễm giun sán kéo dài, đặc biệt là nhiễm giun móc. Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân khác ít gặp hơn như hấp thu sắt kém, chảy máu đường tiêu hoá rỉ rả lâu ngày do viêm, loét, ung thư... Để định bệnh chính xác, bác sĩ thường cho làm xét nghiệm định lượng huyết sắc tố (Hemoglobin - Hb).
Trong cộng đồng có một số đối tượng dễ bị thiếu máu do thiếu sắt như:
- Phụ nữ mang thai và các em gái tuổi dậy thì (11 - 14) do tăng nhu cầu tăng sử dụng sắt để tạo máu.
- Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, do hàng tháng mất máu do kinh nguyệt.
- Trẻ ở độ tuổi ăn dặm, từ 5-6 tháng trở lên do không cho ăn dặm đúng cách.
- Người do ăn uống kiêm khem, không đủ chất; người ăn chay trường, không ăn thịt cá...
Phòng ngừa:
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là thực phẩm giàu chất sắc như đạm động vật (thịt, cá, huyết, gan, trứng...). Rau dền, các loại đậu và rau củ khác cũng có nhiều chất sắt nhưng khó hấp thụ hơn đạm động vật. Vitamin C trong các loại rau củ giúp cho việc hấp thụ sắt dễ dàng hơn.
- Cần cho trẻ em ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, đường, dầu, mỡ và rau trái tươi) lưu ý phải ăn cả phần xác của thịt cá... vì nước hầm xương, nước luộc thịt không chứa đạm và hầu như không có sắt.
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần cho trẻ trên 2 tuổi.
- Đối với thai phụ và các em gái trong tuổi dậy thì, ngoài việc tăng cường thức ăn giàu sắt cần chủ động dùng thêm viên sắt hoặc các thuốc có chứa sắt vì hiện nay, bữa ăn hàng ngày của chúng ta hầu như chưa cung cấp đủ sắt cho 2 đối tượng có nhu cầu cao này.
Tuy nhiên dư sắt trong cơ thể cũng không tốt vì thế nếu cần uống viên sắt dài ngày thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.
BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng trẻ em)
(còn tiếp)