Phần 72
Tác giả: nhiều tác giả
Bệnh lỵ trực trùng
Lỵ trực trùng là một bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính do trực trùng Shigella gây ra. Biểu hiện bệnh thay đổi từ thể nhẹ: tiêu chảy phân nước cho đến các thể nặng với đau bụng quặn, mót rặn, tiêu phân đàm máu, sốt và có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
Người đang mắc bệnh, người trong thời kỳ bình phục (có thể truyền nhiễm đến 6 tuần), người lành mang trùng đều có thể thải vi trùng trong phân và gây bệnh cho người khác.
Shigella dễ bị tiêu diệt ở nơi khô ráo, song có thể sống lâu hàng tháng trong nước và nhiều loại thực phẩm khác nhau ở nhiệt độ thích hợp và môi trường không có tích acid mạnh. Vi trùng còn có thể xuyên qua giấy vệ sinh, nhiễm tay người bệnh và lưu lại ở tay bẩn sau nhiễm khuẩn 3 giờ. Người ta tìm thấy vi trùng hiện diện rất nhiều trên các đồ vật của người bệnh, đặc biệt là bồn vệ sinh.
Cách lây truyền thường thấy là do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua tay bẩn. Yếu tố trung gian như đồ dùng chung, thực phẩm, nước (nước uống hay do tắm sông, hồ) ruồi nhặng cũng thường xảy ra.
Bệnh có khả năng gây dịch ở những nơi sống đông đúc, kém vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm và còn tập quán dùng phân tươi bón hoa màu.
Trẻ nhỏ từ 1 đến 4 tuổi thường mắc bệnh: ở người lớn: nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Trực trùng Shigella xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá. Vi trùng sẽ bị tiêu diệt một phần khi qua môi trường acid của dạ dày, nhưng so với các loại vi trùng đường ruột khác, trực trùng lỵ dễ dàng vượt qua "hàng rào" ngăn cản này.
Triệu chứng
Sau khi vi trùng vào cơ thể từ 12 đến 72 giờ, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng sau:
- Hội chứng nhiễm trùng: Người bệnh sốt cao 39 đến 40 độ C, thường kèm theo ớn lạnh, đau nhức toàn thân, mệt mỏi biếng ăn, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Triệu chứng tiêu hoá: Gồm có tiêu chảy phân lỏng hoặc tiêu toàn nước vàng có thể dẫn đến rối loạn nước và chất điện giải, suy thận cấp nhưng không nguy hiểm đến tính mạng trừ khi trẻ quá nhỏ và người già.
Giai đoạn nhầy máu, nhiều lần trong ngày (có thể từ 20 đến 40 lần), lượng phân đi tiêu mỗi lần một giảm đi.
- Cảm giác mót rặn nhiều, ngày càng tăng, đau thốn ở vùng trực tràng, có thể dẫn đến sa trực tràng.
- Đau quặn bụng, đau từng cơn dọc theo khung đại tràng trước khi đi tiêu.
- Bệnh nhân chỉ sốt nhẹ trong giai đoạn này.
- Thể trạng suy sụp nhanh, mệt mỏi, hốc hác, vẻ lo lắng, môi khô, lưỡi đóng bợn vàng nâu, bụng chướng.
Những hình thức lâm sàng khác có thể gặp:
- Thể nặng cấp tính với sốt cao, lạnh run, tiêu máu ồ ạt, khô người, rối loạn nước, điện giải, suy tuần hoàn đưa đến tử vong.
- Thể nhẹ, bệnh nhân chỉ đau bụng âm ỉ, rồi tiêu phân lỏng như các trường hợp nhiễm trùng đường ruột khác.
- Thể mãn tính, bệnh nhân tiêu đàm máu kéo dài làm mất nhiều chất đạm, chất điện giải, dễ đưa đến suy kiệt.
Đối với trẻ em từ 1 đến 4 tuổi, bệnh thường cấp tính với sốt rất cao kèm co giật và có các biểu hiện thần kinh như: nằm li bì, đau đầu, cứng cổ. Một số ít trẻ em có thể tử vong do hội chứng tan máu, urê huyết cao và tình trạng huyết nhiễm nội độc tố.
Điều trị
Gồm ba biện pháp:
- Bù nước và chất điện giải: Cần được thực hiện như các trường hợp tiêu chảy khác với dung dịch Oresol uống ngay lúc bệnh mới khởi phát, hoặc truyền dịch nếu mất nước nhiều.
- Kháng sinh: Nhằm rút ngắn thời gian bệnh và thời gian thải vi trùng ra ngoài theo phân.
- Điều trị triệu chứng chỉ áp dụng khi đau quặn bụng và cảm giác mót rặn dữ dội đe doạ sa trực tràng.
Phòng bệnh
Bệnh lỵ trực tràng lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hoá do tay bẩn, thức ăn nhiễm bẩn hay qua trung gian ruồi nhặng. Vì vậy cách phòng bệnh giống như phòng bệnh lỵ Amíp là: vệ sinh thực phẩm; vệ sinh ăn uống (ăn chín uống sôi); vệ sinh phân - rác diệt ruồi nhặng; xử lý tốt nước thải và nước sinh hoạt.
BS Nguyễn Trực