nhiều tác giả
Phần 25
Tác giả: nhiều tác giả
Thấp khớp cấp tính (Bệnh thấp tim)
Đây là một bệnh thấp khớp của người nhỏ tuổi; thường gặp ở lứa tuổi 5-15, ít thấy ở trẻ em dưới 3 tuổi và người lớn trên 25 tuổi.
Bệnh thường bắt đầu sau khi bé bị viêm họng do vi trùng liên cầu khuẩn từ 1 đến 3 tuần. Viêm họng do liên cầu khuẩn là nguyên nhân thúc đẩy cơ thể phản ứng toàn thân theo kiểu miễn dịch - dị ứng, đặc biệt là ở khớp và tim. Bệnh thấp tim không phải là bệnh nhiễm trùng.
Bệnh xuất hiện đột ngột, các dấu hiệu rõ ràng, mạnh mẽ, nên được gọi là cấp tính. Có thể nhận biết bệnh nhờ các dấu hiệu chính như:
- Sốt nóng vừa (37,5 độ C) hoặc cao (40 độ C).
- Đau các khớp lớn như khớp gối, cổ chân, cổ tay, khủyu. Thấy rõ khớp sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Đau khớp thường "chạy" lần lượt từ khớp này qua khớp khác. Cũng có khi các khớp chỉ thấy đau mà không thấy rõ sưng, nóng, đỏ hoặc có khi chỉ thấy một khớp bị đau.
- Có những đường vòng đỏ hồng hoặc các cục cứng nhỏ dưới da, ở dọc các gân, mu bàn tay, bàn chân.
- Nếu bị nặng sẽ thấy hiện tượng thở gấp và có thể đau ở vùng tim.
- Trong một số trường hợp có thể có những biểu hiện ở các cơ quan khác như: ngoài da, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh.
Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, nơi có không khí ẩm ướt, nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng, ăn uống thiếu thốn.
Các chuyên gia y tế lưu ý các giai đoạn thường trải qua của bệnh thấp tim:
- Giai đoạn 1: Viêm họng liên cầu khuẩn.
- Giai đoạn 2: Bệnh thấp tim phát triển toàn diện (khớp, tim, da, thần kinh).
- Giai đoạn 3: Bệnh tim vĩnh viễn.
- Giai đoạn 4: Suy tim nặng dần không hồi phục hoặc làm tử vong.
Chứng đau thấp khớp bên ngoài tuy thấy rõ rệt nhất nhưng lại không đáng sợ; khớp không bao giờ bị làm mủ vì không phải bệnh nhiễm trùng. Và chỉ 5 đến 15 ngày sau là nó có thể tự khỏi mà không chữa trị gì. Bệnh nặng và đáng sợ là bệnh tim, có thể dẫn đến suy tim gây tử vong hoặc mang bệnh tim suốt đời. Theo một số liệu được thống kê, cứ 10 trẻ em bị bệnh thấp tim thì có hơn 1 trẻ bị chết (10,9%). Bệnh khỏi rồi vẫn có thể tái phát hoặc tiến triển nặng hơn. Khi trẻ đã bị bệnh thấp tim rồi (giai đoạn 2), phải đưa đến bệnh viện sớm để được điều trị.
Phòng trị:
- Trước hết, cần chú trọng cải thiện các điều kiện ăn, ở, chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, điều kiện dinh dưỡng đối với trẻ em.
- Tích cực chữa trị đúng đắn viêm họng do liên cầu khuẩn.
- Phải cho trẻ em bị bệnh viêm họng nhiễm trùng ăn, ngủ riêng để tránh lây bệnh.
- Trẻ đã bị bệnh thấp tim một lần rồi phải tiếp tục dùng kháng sinh để ngăn ngừa tái phát. Trẻ cần được khám bệnh thường kỳ để thầy thuốc theo dõi, hướng dẫn cụ thể cách săn sóc, cách dùng thuốc và thời gian dùng thuốc.
- Nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh thì phải sớm đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của thầy thuốc để có hướng điều trị kịp thời, giảm được nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tim.
BS Trương Văn Anh Tuấn
(còn tiếp)