Phần 58
Tác giả: nhiều tác giả
Lao ngoài phổi
Lao ngoài phổi là bệnh do trực khuẩn lao gây ra tại các bộ phận khác của cơ thể không phải là phổi. Có thể nói chúng tấn công tất cả các bộ phận của con người, từ thần kinh, tiêu hoá, vận động đến cơ quan sinh dục nam cũng như nữ.
Người mắc bệnh lao ngoài phổi bên cạnh những triệu chứng chung của bệnh lao phổi như sốt nhẹ về chiều, ăn không ngon, mệt mỏi... còn có những biểu hiện rối loạn chức năng của cơ quan bị bệnh như nhức đầu, thay đổi tính tình đối với lao màng não, đau nhức khi vận động đối với khớp hay cột sống, rối loạn đường ruột đối với bộ máy tiêu hoá... Nhưng những biểu hiện đó thường không gây chú ý cho người chung quanh và bệnh nhân dễ dàng cho qua nên dẫn đến việc chậm trễ đi khám bệnh. Ngược lại, ở bệnh nhân lao phổi, việc ho khạc khiến người chung quanh chú ý nhiều hơn và bệnh nhân rất cảnh giác nên việc đi khám bệnh thường xảy ra sớm hơn.
Lao ngoài phổi tuy không nguy hiểm cho người xung quanh nhưng lại vừa khó định bệnh do rất ít khi tìm thấy vi trùng, vừa khó điều trị. Việc chẩn đoán phải dùng nhiều xét nghiệm hoặc những phương tiện chẩn đoán sâu, việc điều trị có thể ổn định về mặc bệnh tật nhưng luôn để lại di chứng trên các chức năng liên quan, và những tàn phế trên các bộ phận, trừ trường hợp lao tại một số màng như màng tim, màng phổi, lao tại các màng này do triệu chứng ảnh hưởng đến các chức năng xảy ra mạnh hơn, gây chú ý cho bệnh nhân và thân nhân sớm hơn, nên việc phát hiện sớm sẽ đưa đến một điều trị tích cực và không để lại bất cứ một tổn hại nào về chức năng và cơ thể.
Ở lao hạch ngoại vi, sau thời gian điều trị, hạch thường nhỏ đi do hết hiện tượng viêm, việc mổ lấy hết hạch là không cần thiết, cả về mặt bệnh tật lẫn phương diện thẩm mỹ.
Một tiến bộ lớn trong công tác điều trị bệnh lao phổi hay lao ngoài phổi đều được điều trị bằng một công thức với thời gian giống nhau, trừ lao màng não, là thể lao ngoài phổi nguy hiểm nhất có thời gian điều trị dài hơn. Tuy nhiên, việc điều trị lao ngoài phổi tốn kém hơn do phải phối hợp với nhiều loại thuốc kèm theo biện pháp điều trị vật lý phục hồi.
Để phòng ngừa lao ngoài phổi, chúng ta cần lưu ý đến những triệu chứng khác thường của cơ thể (như đã nói ở trên), kịp thời đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
BS Hoàng Thị Quý
Tác hại của thuốc lá
Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới thì cứ 2 người hút thuốc lá, có 1 người sẽ chết vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó có 50% chết trong lứa tuổi trung niên. Thuốc lá mang đến 3 loại bệnh lý sau:
- Bệnh tim mạch: Người hút thuốc lá dễ bị cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ bị đột tử. Người hút thuốc là còn dễ mắc bệnh cao huyết áp, và biến chứng tai biến mạch máu não.
- Bệnh ung thư: Thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây ung thư phổi. Khả năng bị ung thư phổi tăng gấp 10 lần ở những người hút thuốc lá so với những người không hút thuốc lá. Nếu hút càng lâu năm với số lượng càng nhiều, khả năng bị ung thư phổi càng cao. Ngoài ra, thuốc lá còn có thể gây ra các bệnh ung thư khác như: ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư vòm hầu, ung thư tuỵ, ung thư bàng quang... Khi đã phát hiện khối ung thư, thời gian sống còn lại chỉ tính bằng tháng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Khởi đầu, người hút thuốc lá chỉ bị ho đàm thường xuyên, nhất là vào buổi sáng. Tuy nhiên, lúc này chức năng hô hấp của phổi đã bị sụt giảm dần, mà chưa có biểu hiện triệu chứng. Khi chức năng phổi đã giảm nhiều, người bệnh bắt đầu bị khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi làm việc nặng. Về sau khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi hay khi sinh hoạt cá nhân như thay quần áo, đi vệ sinh... Và tình trạng tàn phế hô hấp đó kéo dài cho đến khi người bệnh tử vong vì suy hô hấp.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất là những người trong gia đình. Đó là bệnh lý của những người phải thường xuyên hít khói thuốc lá do người khác hút thuốc lá, còn gọi là bệnh "hút thuốc lá thụ động". ở người lớn, hút thuốc lá thụ động cũng gây bệnh tim mạch, và ung thư phổi mặc dù tỉ lệ thấp hơn hút thuốc lá trực tiếp. ở trẻ em hút thuốc lá thụ động cũng gây bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, bố mẹ hút thuốc lá còn làm tấm gương xấu cho trẻ và phần lớn những trẻ này cũng nghiện thuốc lá khi lớn lên.
(còn tiếp)