Phần 44
Tác giả: nhiều tác giả
Phương pháp rèn luyện sau tai biến xuất huyết não
Sau tai biến xuất huyết não, đa số bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người, mắt miệng bị nghiêng lệch, nói năng khó khăn hoặc các di chứng khác...
Về phương diện điều trị đông y, căn cứ vào bệnh tình mà lương y đưa ra các phương pháp trị liệu: tĩnh não, khai khiếu, bồi bổ nguyên khí, sơ thông kinh lạc, hoạt huyết ứ; đồng thời phối hợp châm cứu và dùng thuốc để trị liệu.
Về chủ động rèn luyện: Người bệnh chủ động vận dụng ý thức vào hoạt động tay chân và cơ thể bên bị bệnh (nhưng tuyệt đối không dùng phía bên khỏe mạnh giúp đỡ vận động). Các công năng của con người đều phải qua rèn luyện mới có thể khôi phục nhanh. Tế bào não thoái hoá cần thông qua trị liệu và phương pháp rèn luyện chính xác mới có thể phục hồi và mở mang.
Về vận dụng ý thức: Là phương pháp trị liệu để chỉ huy phía cơ thể có bệnh hoạt động:
1. Khẩn trương và buông lỏng kết hợp nhau
Do thiếu chủ động rèn luyện phía cơ thể có bệnh nên khí huyết không lưu thông, nhất là ở chi trên, tay thường rũ xuống, bàn tay, ngón tay dễ sưng phù, các khớp của cánh tay lỏng lẻo, rời rạc.
Khởi đầu rèn luyện là cử động giơ lên. Cơ bắp của cánh tay, khớp cổ tay, ngón tay khẩn trương, thậm chí rung động, nhưng ngày càng phải cố gắng giơ cao hơn. Sau đó, dần dần hạ xuống, vận dụng ý niệm kéo cánh tay buông lơi hạ xuống đến độ thấp nhất. Lặp đi lặp lại nhiều lần mà tiến hành "một khẩn, một lơi" tạo cho khí huyết được lưu thông. Dần dần cánh tay và vai sẽ khôi phục, bàn tay, ngón tay sưng phù trở lại bình thường.
2. Động và tĩnh kết hợp nhau
Vận dụng ý niệm để chỉ huy tay, chân, cơ thể. Vì mỗi khớp bàn tay, ngón tay phía bên bệnh không thể động, như không thể nắm tay lại hoặc xòe rộng tay ra, nên người bệnh phải cố gắng vận dụng ý niệm để nắm tay lại như quả đấm hoặc xoè rộng tay lúc buông ra (lúc khẩn, lúc lơi) cho kỳ được. Sau nhiều lần như vậy, bệnh nhân sẽ tự nhiên cử động được. Mặc dầu lúc đầu rất khó khăn nhưng không nên nản chí.
3. Nhập tĩnh
Hai mắt từ từ khép lại, toàn thân thư giãn. Từ trên đầu, dùng ý niệm buông lỏng phía bên tay có bệnh, tuần tự từ khớp vai buông lơi xuống khớp khuỷu tay, tới khớp cổ bàn tay rồi đến lòng bàn tay. Ý niệm buông lỏng tất cả, sau đó là ý niệm buông lỏng hạ chi, từ khớp háng, đến khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân, ngón chân. Sau đó theo phương pháp 1.
4. Động
Hoạt động trên dưới chi (cả tay và chân) phía bên mắc bệnh, nên luyện khoảng 20 phút. Sau nhiều lần rèn luyện như vậy, cơ thể ngày càng tráng kiện, huyết áp, tim mạch có thể khôi phục lại bình thường. Nên nhớ đừng làm cho người bệnh cảm thấy mệt nhọc.
Bệnh nhân cần có tinh thần khổ luyện và lòng tin chiến thắng bệnh tật. Mỗi ngày, ngoại trừ khi ăn cơm, ngủ, phần lớn thời gian còn lại người bệnh đều phải rèn luyện và tự trị liệu.
Thời gian hoạt động cho người bệnh liệt nửa người như sau:
- Động: mỗi lần 20 phút.
- Nhập tĩnh và buông lỏng: mỗi lần 5 - 10 phút.
Thời gian tập luyện:
- Mỗi sáng sớm rèn luyện một tiếng đồng hồ (tức tập 2 lần, trong thời gian này nên nghỉ 5 phút và ăn sáng).
- Từ 8 giờ đến 10 giờ sáng (2 tiếng đồng hồ) tập 4 lần và giờ nghỉ nên uống nước trái cây.
- Từ 14 giờ đến 16 giờ (2 tiếng đồng hồ) tập 4 lần và nghỉ xen kẽ mỗi lần tập.
- Từ 19 giờ đến 20 giờ: rèn luyện 1 tiếng đồng hồ (tức tập 2 lần) nghỉ ngơi, thư giãn.
Phương pháp này không hạn chế tư thế nằm, ngồi hoặc đứng.
Lương y Lý Thụ Hòa
(còn tiếp)