Phần 17
Tác giả: nhiều tác giả
Chương 4: Bệnh da và tóc
Bệnh ghẻ
Là một trong những bệnh ngoài da tương đối phổ biến. Ở những khu tập thể diện tích chật chội và đông người, vệ sinh, dinh dưỡng kém có khi tỷ lệ mắc bệnh lên hơn 80%.
Bệnh ghẻ gây ngứa dữ dội, bệnh nhân gãi nhiều dễ gây viêm da, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, năng suất lao động, nhất là trạng thái tinh thần. Một số bệnh khác khi có ghẻ kèm theo sẽ thêm phức tạp trong diễn biến và điều trị (sốt rét, chấn thương, bệnh mạn tính). Đối với thanh niên, trẻ em, cần đề phòng biến chứng, viêm cầu thận cấp.
Bệnh do cái ghẻ có chửa gây nên (ghẻ đực không gây bệnh và thường chết sau khi giao hợp). Cái ghẻ có tên khoa học là Sarcopte Scabieihminis, hình tròn dẹt, nhìn mắt thường như một điểm trắng di động, sống khoảng 3 tháng, mỗi ngày đẻ 1-5 trứng. Sau khi đẻ 8-10 ngày, trứng nở thành ấu trùng và sau nhiều lần lột xác, nó thành ghẻ trưởng thành (khoảng 22 ngày). Ghẻ sinh sôi nảy nở rất nhanh, sau 3 tháng đã có một dòng họ khoảng 150 triệu con. Lúc bệnh nhân bắt đầu đắp chăn đi ngủ, cái ghẻ bò ra khỏi hang để tìm đực; đây chính là lúc ngứa nhất và dễ lây truyền nhất. Bệnh nhân gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu. Trong quần áo ấm, cái ghẻ có thể sống được 7 ngày.
Bệnh ghẻ lây chủ yếu do ban đêm nằm chung giường chung chăn, rất ít lây do tiếp xúc ban ngày. Có thể diệt cái ghẻ bằng nhiệt độ cao, ánh sáng, nước sôi hoặc một số hoá chất đặc hiệu.
Thời gian ủ bệnh là 5-10 ngày. Đến khi bệnh toàn phát, có thể dựa vào các yếu tố sau để chẩn đoán:
- Tổn thương đặc hiệu của ghẻ là luống ghẻ và mụn trai (còn gọi là đường hang và mụn nước). Luống ghẻ là một đường gồ cao hơn mặt da, cong hoặc hơi vằn vèo, màu trắng đục, không ăn khớp với hằn da, ở đầu có một mụn nước nhỏ bằng đầu đinh ghim. Đây là đường hang mà cái ghẻ đào ở lớp sừng, mụn nước là nơi khu trú của cái ghẻ.
- Vị trí đặc biệt ưa thích của cái ghẻ là lòng bàn tay, ngấn cổ tay, kẽ tay, rìa ngón chân, cùi tay, bờ trước nách, quanh rốn, đầu vú phụ nữ, qui đầu và thân qui đầu; gót chân và lòng bàn chân trẻ còn bú. Ít khi gặp tổn thương đặc hiệu của ghẻ ở cổ, mặt, lưng. Đối với nam giới, nhiều khi ở lòng bàn tay, kẽ tay không có tổn thương nhưng ở qui đầu và thân qui đầu hầu như trường hợp nào cũng có.
- Rải rác trên da có nhiều vết xước, sần trợt, sẩn vảy, mụn mủ, nhọt, mụn nước, kiểu viêm da, eczema sẫm màu... Do chà xát, bôi thuốc linh tinh nên bệnh nhân gặp biến chứng viêm da ở vùng hai bên hông, đùi, bẹn, nách và tổn thương nhiễm khuẩn ở lòng bàn tay, kẽ tay, mông. Trẻ em dễ kèm tổn thương chốc đầu, eczema hai má, viêm quanh móng tay, nổi hạch. Những tổn thương thứ phát viêm da, nhiễm khuẩn, chàm hoá thường che lấp tổn thương đặc hiệu, phải khám kỹ mới thấy.
Ngoài ra, còn có các biểu hiện: ngứa nhiều lúc đắp chăn đi ngủ; trong gia đình hoặc tập thể có nhiều người bệnh tương tự; bắt được cái ghẻ ở đầu luống ghẻ.
Tuy nhiên, cần phân biệt ghẻ với viêm da gây ngứa, tiếp xúc với các loại lá ngứa, nước ô nhiễm; sẩn ngứa do côn trùng (ruồi vàng, bọ chét, rệp...); Dysidrose lòng bàn tay.
Cần phát hiện và điều trị sớm ngay từ khi ghẻ còn giản đơn, lẻ tẻ trong tập thể. Điều trị hàng loạt cùng lúc tất cả những người cùng bị, tránh lây nhiễm cho nhau. Điều trị liên tục, triệt để ít nhất 10-15 ngày, sau đó theo dõi tái phát 10-15 ngày nữa, đề phòng có đợt trứng mới nở. Bôi thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ, bôi rộng kiểu quang dầu bao vây toàn bộ vùng có tổn thương ghẻ. Bôi 2-3 tối liền, sau đó mới tắm (khi tắm, tránh chà xát kẻo gây thương tổn thêm cho da). Kết hợp điều trị với thực hiện qui chế phòng bệnh cá nhân và tập thể, cắt móng tay, giặt luộc quần áo, tổng vệ sinh giường chiếu, tránh lây lan từ người bị ghẻ.
Đối với ghẻ giản đơn:
- Dùng một trong các loại thuốc như Licovenminh, mỡ diêm sinh 10%-30%, dầu Benzin benzoat 30%, mỡ Baume de perou, dầu DEP (diethylphtalat), mỡ Kwell, bôi mỗi tối trước khi đi ngủ, từng đợt 2-3 tối liền.
- Xoa bột Lindan 1% hai tối liền, cách 5 ngày sau, nếu cần xoa thêm hai tối nữa. Hoặc dùng phương pháp Demiamovitch: Bôi dung dịch Hyposulfit Natri 30% để 3 phút rồi bôi tiếp dung dịch HCl 3% đè lên. Bôi 5-7 tối liền (tuy nhiên nhớ đề phòng viêm da kích ứng). Hoặc dùng phương pháp Diakova: xà phòng giặt 50 g, bột diêm sinh 125 g, nước cất 350 g, hoà thành dung dịch bôi ngày hai lần sáng và tối. Bôi 3 ngày liền, sau đó tắm và thay quần áo.
Đối với ghẻ viêm da:
- Với các đám viêm da, bôi dầu kẽm, hồ nước, Oxycort. Các vùng có tổn thương ghẻ bôi dầu benzin Benzoat, dầu DEP.
Đối với ghẻ nhiễm khuẩn:
- Các tổn thương viêm da mủ: Bôi thuốc màu, mỡ kháng sinh; buổi tối bôi thuốc ghẻ. Nếu cần, kết hợp cho kháng sinh chung (Tetra, Penicilin) trong 1-10 ngày. Nếu có viêm cầu thận cấp, cần chuyển điều trị tại khoa nội hoặc khoa nhi.
Ngoài ra, nếu ngứa nhiều trong 5-7 ngày đầu, cho thêm thuốc an thần, chống ngứa (Siro an thần, kháng histamin tổng hợp, Sedusen). Nếu kèm suy nhược cơ thể thì tăng cường dinh dưỡng vitamin.
Có thể kết hợp chữa thuốc Nam như tắm các loại lá đắng (lá ba chạc, chân chim, lá xoan, lá nhãn...) lá có tinh dầu thơm (cúc tần, bạch đàn, bôi dầu mù, dầu hạt máu chó, cặn dầu tràm...).
Chú ý: Tránh dùng các loại thuốc có độc tính cao: mã tiền, hạt củ đậu, bột 666, TNT, Vifatox...
BS Duy Lợi Hiền
(còn tiếp)