nhiều tác giả
Phần 74
Tác giả: nhiều tác giả
Táo bón
Táo bón là triệu chứng chậm trễ trong việc thải phân với phân ít hơn và khô rắn hơn bình thường, số lần thải phân không vượt quá 3 lần trong tuần. Khi bị táo bón, phân nằm lâu trong ruột sẽ làm cho chất độc thấm vào máu, gây nhiễm độc, làm cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn phân, sẽ cản trở tuần hoàn ở trực tràng và với việc rặn khi đi tiêu sẽ làm cho người ta dễ mắc bệnh trĩ. Người bị táo bón thường cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, dễ tức giận, cáu kỉnh.
Nguyên nhân:
- Do ăn thiếu chất xơ là rau cải, uống quá ít nước.
- Do sinh hoạt tĩnh tại, ít có sự vận động.
- Sử dụng các loại thuốc gây ra táo bón như: thuốc trị tiêu chảy làm liệt nhu động ruột, thuốc kháng acid viêm loét dạ dày - tá tràng, thuốc bổ chứa sắt, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần...
Ngoài 3 nguyên nhân trên, người bệnh cũng có thể bị táo bón do cơ thể có sự rối loạn như: rối loạn tâm thần - thần kinh, rối loạn trương lực thần kinh thực vật, rối loạn chuyển hoá và nội tiết như bị chứng tăng calci - huyết, tăng urê-huyết, hoặc có một tổn thương thực thể ở đại tràng, trực tràng, hậu môn gây trở ngại đường thải phân.
Về thuốc trị táo bón hay còn gọi là thuốc nhuận trường, thuốc xổ, đó là thuốc có tác dụng làm gia tăng nước thấm vào phân làm phân mềm ra, làm gia tăng sự co thắt của ruột già để dễ dàng tống phân ra ngoài.
Có 4 loại thuốc trị táo bón như sau:
1. Thuốc trị táo bón tạo khối: Là thuốc chứa chất sợi, chất nhầy như thạch (rau câu), cám lúa mì, khi uống vào ruột sẽ hút nước trương nở lam tăng thể tích phân ở trực tràng gây sự kích thích giúp dễ đi tiêu hơn. Nên uống thuốc loại này với nhiều nước và lưu ý thuốc có thể gây chướng bụng, làm cho chán ăn không thấy đói.
2. Thuốc trị táo bón thẩm thấu: Là thuốc chứa các muối vô cơ như natri sulfat Na2SO4, gọi là thuốc xổ muối magie sulfat (MgSO4) hay chứa các loại đường như lactulose, sorbitol hoặc chất cao phân tử như forlax khi uống sẽ giữ nước trong lòng ruột giúp phân thấm nước không bị khô, dễ đi tiêu hơn.
3. Thuốc trị táo bón làm mềm phân, trơn phân: Là thuốc có chứa dầu khoáng chất như dầu paraffin, hoặc là các chất giúp nước thấm tốt vào phân như natri docusat. Lưu ý trong nhóm thuốc này có loại dùng bơm hậu môn chứa glycerol gọi là rectiol (Rectiofar) thích hợp cho trẻ con và phụ nữ có thai nhưng lưu ý không nên dùng quá thường xuyên vì: nếu bơm glycerol quá thường xuyên vào hậu môn, glycerol sẽ gây kích ứng niêm mạch trực tràng làm niêm mạch bị tổn thương.
4. Thuốc trị táo bón kích thích: Đây là thuốc phải đặc biệt lưu ý vì thuốc này có tác dụng kích thích trực tiếp trên chức năng vận động, bài tiết của ruột, làm xổ rất mạnh. Tuy nhiên phụ nữ có thai và trẻ dưới 15 tuổi không được dùng thuốc xổ loại này. Có thể kể tên một số thuốc như: Boldolaxine, Dulcolax...
(còn tiếp)