nhiều tác giả
Phần 56
Tác giả: nhiều tác giả
Bệnh phổi đa nang
Bệnh phổi đa nang, hay nói đúng hơn là bệnh đa nang phế quản, (bronchial polycystic disease) là bệnh bẩm sinh. Các nang (hoặc kén) trong nhu mô phổi này là những túi rỗng, có cấu trúc của vách phế quản không hoàn chỉnh, bên trong chứa một ít dịch hoặc có thể dịch lấp đầy cả túi.
Có 2 thể bệnh:
- Thể trung tâm: Thường là một nang đơn độc, không thông với phế quản ở trên và cũng không thông với các phế nang bên dưới. Vách nang cấu tạo bởi các tuyến nhầy, mô liên kết, cơ trơn và sụn. Khi bị bội nhiễm, hiện tượng viêm nhiễm phá hủy các cấu trúc, có thể làm cho nang thông với nhánh phế quản trung tâm, và nang trở nên giãn to hơn do tác dụng van một chiều, chất dịch nhầy bên trong trở thành mủ.
- Thể ngoại biên: Thường có nhiều nang, các nang này là biểu hiện các khiếm khuyết của sự phát triển thành phế quản thời kỳ phôi thai. Thành nang lót bởi lớp niêm mạc không có tế bào lông chuyển, thiếu các tuyến nhầy, có mô liên kết và một ít tấm sụn không hoàn chỉnh, trong lòng nang thường chứa chất thanh dịch. Hiện tượng nhiễm trùng khi xảy ra sẽ phá hủy các cấu trúc bẩm sinh bất thường này và làm cho bệnh trở nên rất giống bệnh giãn phế quản.
Về triệu chứng lâm sàng, khi bị bội nhiễm nhiều lần, bệnh nhân ngoài bệnh cảnh nhiễm trùng có thể có triệu chứng khó thở hoặc thở khò khè, nhưng không phải là suyễn. Đây là bệnh bẩm sinh, nhưng không có chứng cớ nào là di truyền, và mức độ nặng nhẹ tùy theo số lượng nang, kích thước mang nang và số lần bội nhiễm vi trùng.
Điều trị: Chủ yếu là điều trị các đợt bội nhiễm với kháng sinh thích hợp, kết hợp vật lý trị liệu nếu có ho khạc đàm mủ và các thuốc giãn phế quản nếu cần. Phẫu thuật chỉ dành cho thể nang đơn độc chứ không phải đa nang.
BS Nguyễn Trần Phùng (TT Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch)
Bệnh viêm phổi "Legionnaires"
Bệnh viêm phổi Legionnaires gây ra do vi khuẩn Legionnella. Bệnh này có 2 dạng: viêm phổi Legionnaires là dạng nhiễm bệnh gây ra viêm phổi nặng, và dạng thứ 2 nhẹ hơn là sốt Pontiac (nhiễm bệnh nhẹ).
Vi khuẩn Legionnella cơ bản phát sinh từ các nguồn nước, dưới nhiều dạng. Đặc biệt, vi khuẩn này phát triển với số lượng lớn trong các nguồn nước ấm và đọng nước 35-46 độ C.
Người bị nhiễm bệnh thở hít không khí có hơi nước từ các nguồn nước bị ô nhiễm vi khuẩn Legionnella như tháp giải nhiệt, các bể nước nóng, nước trong các bồn tắm... Việc nhiễm trùng thường xảy ra khi không khí có hơi nước bị ô nhiễm trong nhà riêng, nơi làm việc, bệnh viện hoặc các nơi công cộng. Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh Legionellosis không lây từ người này sang người khác, và cũng không có trường hợp nào nhiễm bệnh do các thiết bị điều hoà nhiệt độ không giải nhiệt bằng tháp nước như máy lạnh dân dụng cũng như máy lạnh trong xe hơi.
Máy lạnh có gây viêm phổi?
Các máy lạnh có thiết bị điều hoà không khí được sử dụng thông dụng tại Việt Nam đa phần là những máy lạnh giải nhiệt gió, không có tháp giải nhiệt, thì không thể gây ra vi khuẩn Legionnella. Nhưng cũng có một số máy lạnh trung tâm, có sử dụng tháp giải nhiệt được lắp đặt tại một số các nhà cao tầng, cơ sở sản xuất thì có thể gây bệnh viêm phổi máy lạnh.
(còn tiếp)