Phần 81
Tác giả: nhiều tác giả
Bệnh trĩ
Có thể hiểu đơn giản là trĩ hình thành do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ (ĐRTMT). Dù bệnh trĩ đã được biết từ lâu nhưng hiện nay y học vẫn chưa tường tận về bệnh nguyên và bệnh sinh. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể tạo thuận lợi cho việc phát sinh bệnh:
- Áp lực trong ổ bụng tăng trong trường hợp ho nhiều do viêm phế quản mãn hoặc khuân vác, lao động nặng...
- Phải rặn nhiều khi đi tiêu do viêm đại tràng mãn hay táo bón kinh niên khiến áp lực trong ống hâụ môn tăng lên nhiều.
- Đứng lâu, ngồi nhiều cũng dễ bị trĩ do áp lực tĩnh mạch trĩ khi đứng tăng gấp ba lần so với khi nằm.
- Do u bướu vùng tiểu khung, u trực tràng hoặc do thai lớn tháng... có thể chẹn tĩnh mạch làm cản trở máu tĩnh mạch hồi lưu.
Triệu chứng
- Chảy máu trực tràng: Có vệt máu đỏ ở phân hoặc máu chảy nhỏ giọt hay thành tia khi đi tiêu. Khi bệnh nặng hơn, chỉ ngồi xổm là máu đã chảy ra, có khi máu chảy nhiều quá phải đi cấp cứu.
- Sa trĩ: Nếu sa trĩ từ độ 3 trở lên thì bệnh nhân rất khó chịu trong sinh hoạt.
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có cảm giác đau và nóng rát ở hậu môn, do bệnh đã có biến chứng như tắc mạch do huyết khối, sa và nghẹt búi trĩ, búi trĩ bị nhiễm trùng...
Một số bệnh nhân có thể gây chẩn đoán nhầm như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng, sa trực tràng, Polip đại trực tràng (có thịt dư ở đại trực tràng). Vì thế để chẩn đoán đúng bệnh, ngoài việc thăm khám trực tràng, bác sĩ sẽ cho làm nội soi hậu môn trực tràng hoặc X-quang đại tràng cản quang.
Trĩ được phân loại thành trĩ nội, trĩ ngoại:
- Trĩ nội nằm trong ống hậu môn, khi to ra sẽ sa ra ngoài và phân thành 4 độ: 1, 2, 3 và 4.
- Trĩ ngoại thì nằm ngoài ống hậu môn.
Ngoài ra còn có trường hợp trĩ hỗn hợp, là trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau. Tùy theo loại trĩ và độ sa trĩ bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cụ thể; đối với trĩ ngoại, bác sĩ chỉ điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật khi có biến chứng.
- Về điều trị nội khoa: Bác sĩ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc làm tăng trương lực thành mạch, chống phù, chống viêm và giảm đau; nên dùng thức ăn dễ tiêu chống táo bón, tránh chất kích thích và các gia vị như ớt, tiêu, mù tạc...; tránh làm những công việc quá nặng nhọc và những công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều; ngoài ra cũng cần điều trị những bệnh khác như viêm đại tràng, viêm phế quản...
- Về điều trị ngoại khoa: Có thể áp dụng các phương pháp sau:
+ Chích chất gây xơ vào gốc búi trĩ để làm xơ các tĩnh mạch. áp dụng phương pháp này không khéo có thể chích vào lớp cơ, dễ gây hoại tử và dễ nhiễm trùng nặng nếu không bảo đảm vô trùng.
+ Dùng tia hồng ngoại, dao diện... để làm đông búi trĩ bằng nhiệt hoặc dùng nitơ lỏng để làm đông bằng lạnh. Búi trĩ sẽ hoại tử vô trùng và rụng đi.
+ Thắt trĩ bằng dây thun: Búi trĩ hoại tử dần rồi rụng đi.
+ Phẫu thuật cắt trĩ nếu các búi trĩ sa quá lớn.
* Phương pháp thắt trĩ bằng dây thun
Thắt trĩ bằng dây thun là phương pháp khá mới và có nhiều tiện lợi, hiện đang rất thịnh hành ở Pháp và cho kết quả tốt nhất. ở Việt Nam, các bác sĩ đã điều trị rất thành công cho nhiều bệnh nhân, chưa có trường hợp nào xảy ra tai biến. Với bộ dụng cụ đặc biệt, chưa có trường hợp nào xảy ra tai biến. Với bộ dụng cụ đặc biệt, bác sĩ kéo búi trĩ ra rồi thắt dây thun ở gốc, búi trĩ thiếu máu nuôi dưỡng sẽ hoại tử dân rồi rụng đi. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian điều trị rất ngắn, trung bình 5phút/ca, sau đó bệnh nhân có thể ra về ngay và vài ngày sau búi trĩ sẽ rụng.
Phòng ngừa
- Cần chú ý đến chế độ ăn uống. Tránh dùng nhiều thức ăn dễ gây kích thích và táo bón như: tiêu, ớt, hay gia vị có tính cay nóng - Không nên uống quá nhiều cà phê, rượu, tránh thuốc lá... Nên ăn các loại thức ăn có nhiều chất xơ (các loại rau), uống nhiều nước mát (atisô, rau má...)
- Tránh làm việc trong một tư thế kéo dài như ngồi, đứng lâu. Cần có chế độ thể dục vận động trong thời gian nghỉ giữa giờ nếu phải ngồi hoặc đứng lâu. Không nên khiêng nặng quá sức, hoặc sử dụng đến những động tác gồng, rặn quá nhiều.
- Người bình thường và cả người có bệnh trĩ sau khi đi cầu không nên dùng giấy báo để làm sạch, tốt nhất là dùng nước.
- Điều trị triệt để những bệnh có khả năng gây trĩ.
- Vận động thể dục thể thao sẽ giúp điều hoà nhu động co giãn ở ruột, giúp tiêu hoá tốt (ít vận động, nằm nhiều cũng dễ có nguy cơ gây táo bón là một nguyên nhân sinh bệnh trĩ).
- Sau cùng là đối với phụ nữ, việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch cũng góp phần vào việc phòng tránh được nguy cơ gây bệnh trĩ.
BS Lê Văn Đương, Thái Hiệp
(còn tiếp)