nhiều tác giả
Phần 5
Tác giả: nhiều tác giả
Điều chỉnh lé
Đa số các trường hợp lé (dù ở trẻ em hay người lớn) không bao giờ tự khỏi nếu không được điều trị, ngoại trừ hai trường hợp sau:
- Tình trạng giả lé do nếp bẹt mí hoặc do khuôn mặt có dạng đặc biệt, nhìn giống lé.
- Lé tạm thời do liệt thần kinh điều khiển cơ hoặc cơ vận nhãn sau sang chấn hoặc do nhiễm virus. Trường hợp này thường xảy ra sau một chấn thương đầu hoặc sau một đợt cảm cúm, kéo dài không quá 6 tháng. Nếu sau 6 tháng vẫn tồn tại thì phải điều trị, mắt mới ngay trở lại.
Tình trạng lé mắt trong một thời gian dài (trên 2 năm) có thể dẫn tới các tổn thương chức năng mắt trầm trọng: nhược thị ở mắt lé (thường xuyên nhìn mờ hơn mắt kia), mất thị giác hai mắt. Ở trẻ nhỏ, các chức năng này chỉ có thể hồi phục nhờ tập luyện. Người trên 15 tuổi nếu đã mất các chức năng này thì không thể hồi phục được, chỉ có thể phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh lại mắt lé mà thôi.
Điều trị lé trên nguyên tắc có 5 bước:
1. Điều chỉnh kính ở các bệnh nhân lé có kèm tật khúc xạ để đạt được thị lực cao nhất, giúp quá trình điều trị lé trở nên dễ dàng hơn.
2. Tập để khắc phục nhược thị nếu có mắt bị nhược thị.
3. Tập hồi phục thị giác hai mắt nếu chức năng này yếu hoặc đã mất.
4. Các bài tập cơ giúp làm mạnh cơ yếu hoặc làm giãn cơ cường.
5. Phẫu thuật chỉnh cơ nếu bệnh chưa hết với các phương pháp trên.
Đối với người trên 15 tuổi, chỉ điều trị với các bước 1 - 4 - 5.
Không có kính điều chỉnh lé, chỉ có kính điều chỉnh tật khúc xạ đi kèm với lé.
Lưu ý khi mang kính sát tròng
Những người bị các tật về mắt nếu đeo kính thông thường sẽ gặp nhiều bất tiện khi làm việc, hoạt động thể thao. Nếu là phái nữ, cặp kính quá dày và to sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vì vậy, kính sát tròng (hay còn gọi là kính tiếp xúc - contactlens) có thể cải thiện được những bất tiện trên. Tuy nhiên, khi sử dụng kính sát tròng, cần lưu ý những điểm sau:
1. Khi nào thì được sử dụng kính sát tròng?
Người muốn sử dụng kính sát tròng phải được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán để xác định chính xác việc sử dụng kính sát tròng có thật cần thiết không, độ kính bao nhiêu thì vừa, đồng thời khảo sát độ cong, đường kính của tròng... Độ cong của kính rất quan trọng. Kính có độ cong lớn sẽ dễ làm cho người mang khó chịu, đỏ mắt; kính có độ cong nhỏ sẽ dễ bị tuột, rơi.
2. Sử dụng loại kính sát tròng nào?
Nên sử dụng loại mềm vì dễ tạo sự tiếp xúc giữa giác mạc và mí mắt. Hơn nữa, loại kính sát tròng mềm có tính ẩm cao giúp cho mắt dễ thích ứng.
3. Ưu điểm của kính sát tròng
Khi đeo kính sát tròng, mắt sẽ không cảm thấy khó chịu vì khoảng cách giữa mắt và tròng kính gần như không có. Sử dụng kính sát tròng sẽ thấy được những hình ảnh trung thực hơn so với kính thường.
4. Nên thận trọng khi ngủ và bơi lội
Khi tắm biển có thể sử dụng contactlens loại dẻo, đường kính tròng lớn để lớp giác mạc và mi mắt được nâng đỡ và che chở tốt. Tuy nhiên, các hồ bơi thường có nhiều fluor và vi khuẩn có thể gây viêm kết mạc nếu khi bơi bạn vẫn sử dụng contactlens.
Khi ngủ vẫn có thể đeo kính sát tròng. Tuy vậy, lúc ngủ nên tháo ra vì giác mạc trong đêm thường giảm khả năng hấp thụ ôxy.
5. Vài điều cần chú ý
- Rửa sạch kính trước khi cho vào mắt, rửa tay trước khi sử dụng kính.
- Khi đeo kính sát tròng, tuyệt đối không phun keo xịt tóc. Nếu cần, phải nhắm mắt lại cho đến khi xịt xong.
- Không sử dụng contactlens ngay sau khi dùng thuốc nhỏ mắt.
DS Duy Cường
(còn tiếp)