Chương 13 & 14
Tác giả: Harolds Robbins
Sue Ann đặt điện thoại xuống. "Cha muốn chúng ta về".
Sergei buông tờ báo, ngẩng lên. "Em biết là không thể đưa con ra khỏi bệnh viện được".
Sue Ann vùng vằng đứng lên. Cô vận động càng nhanh thì trông lại càng nặng nề. Sau khi đẻ, cô bỏ luôn những cố gắng giữ gìn cơ thể, mà còn như thích thú vì đã có lý do để khỏi phải chăm sóc dung nhan. Giờ thì cô có thể thả sức ăn món chocolate mà cô thích, và bao món khác mà trước đây phải kiêng cử. Chỉ có một thứ không thay đổi, đấy là sự thèm muốn tình dục vô độ.
"Em biết thế. Nhưng nếu về nhà thì cũng chẳng hề hấn gì. Bởi ở đây chúng ta có làm được gì cho nó đâu. Những người duy nhất mà nó thực sự biết là các cô bảo mẫu ở bệnh viện".
"Nó vẫn là đứa con bé bỏng của chúng ta, không thể cứ bỏ mặc nó mà đi".
Sue Ann nhìn anh, mặt sưng sỉa. "Anh không bỏ chứ gì? Anh không công nhận nó là vô vọng và vĩnh viễn nó là như thế chứ gì?"
"Các bác sĩ bảo vẫn còn cơ may".
"Cánh bác sĩ?" Cô cười khinh bỉ. "Họ chỉ thích tiền".
Sergei đứng lên, đi ra cửa.
"Anh đi đâu đấy?"
"Đến bệnh viện. Em đi không?"
"Để làm gì? để chỉ đứng đấy mà nhìn nó à?"
Anh nhún vai. Cô đến bên tủ rượu lấy chai Scotch xuống. "Em mua vé đi Mỹ vào tuần sau".
"Nếu vậy" anh lặng lẽ nói "em sẽ đi một mình".
Sue Ann ném mấy viên đá vào ly rồi tưới whisky lên, lắc lắc ly rượu rồi quay nhìn anh. "Còn có người khác mà. Con y tá ở bệnh viện ấy. Con người Anh ấy".
"Đừng có ngu".
"Bạn em trông thấy nó ngồi trong xe anh".
"Anh chỉ cho cô ấy đi nhờ trên đường về nhà".
"Vậy à?" Sue Ann mỉa mai. "Bạn em lại nói khác".
"Bạn em nói cái quái gì?"
"Anh lái xe qua ngay ban công nhà họ, và họ nhìn thẳng được vào trong xe anh, thấy quần anh mở tung, và con nhỏ kia đang lôi thằng cu nhà anh ra".
"Giữa ban ngày ban mặt?" Anh giễu cợt. "Em tin thế à?"
"Em biết anh mà" cô nói, uống hết whisky trong ly rồi rót tiếp. "Anh không thể lái xe được nếu không có ai đó vào số cho anh. Thế nào cũng có ngày anh chết vì trò ấy".
Sergei cười một cách cục cằn. "Chết vì thế thì cũng có khác chết vì cái gì đó đâu. Ít nhất thì anh cũng không tắt thở vì ăn như một con lợn".
Mặt cô sa sầm. "Đừng có lảng sang chuyện khác. Em không còn là con bé khi mới lấy anh đâu. Em thông minh hơn anh".
"Em rất thông minh" anh mỉa mai. "Nhưng em muốn biết điều này không? Em hấp dẫn hơn nhiều khi em ngu!"
Cánh cửa dập lại sau lưng anh. Sue Ann giận dữ ném chiếc ly vào cánh cửa. Ly vỡ, mảnh bắn tứ tung trên thảm. "Đồ khốn!"
Chợt cô chạy đến bên cửa sổ, mở tung ra, và nhìn xuống sân. Anh đang bước vào xe. "Đồ khốn kiếp! Đồ khốn kiếp!" Cô vẫn còn ré lên khi chiếc xe rú máy, lao ra khỏi sân.
Hai tay Sergei nắm chặt tay lái, cảm nhận tiếng nổ dữ dội của cỗ máy Mercedes. Đúng là một sai lầm, hệt như anh đã biết trước. Nhưng dù có biết trước thì giờ đây cũng chẳng an ủi gì được anh. Cho dù là đúng đi chăng nữa thì đối với anh cũng chẳng hay ho gì hơn. Thậm chí còn tồi hơn nữa.
Hệt như anh nói. Họ quá giống nhau. Và quá khác nhau. Giờ thì thế là hết, chỉ có một bình diện là không bao giờ hết. Không phải là đối với anh. Là đứa bé. Vĩnh viễn còn đứa bé. Có thể là bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. Anastasia mãi mãi vẫn là một đứa bé.
Con bé chậm phát triển. Anh còn vẳng nghe giọng bác sĩ. Thứ giọng đơn thuần chuyên môn, bằng phẳng, lãnh đạm, nhưng vẫn đầy ắp sự đồng cảm với nỗi đau của cha mẹ đứa bé.
Anh đã nhìn Sue Ann khi ấy. Không một nét biểu cảm trên mặt cô. Thoạt tiên, anh cứ tưởng cô không hiểu, vì bác sĩ nói tiếng Pháp. "Ông ấy bảo là con bị chậm phát triển". Anh nhắc cô.
Cặp mắt cô nhìn anh lạnh lùng. "Em nghe rồi. Em tưởng có điều gì đó trục trặc khi nó mới sinh. Nó không bao giờ khóc".
Anh nhìn xuống chiếc nôi. Anastasia nằm đấy, yên lặng. Cặp mắt đen của nó mở to, nhưng không một chúg lanh lợi. Nó đã được ba tháng, đã vượt xa độ tuổi để có những biểu hiện của ý thức. Anh thấy ngực mình thắt lại và cố dằn hai dòng nước mắt. "Chả lẽ không làm gì được ư? Phẫu thuật chẳng hạn?"
Bác sĩ nhìn anh rồi nhìn đứa bé. "Bây giờ thì không. Có thể sau này, khi nó lớn hơn. Người ta không thể biết trước được về loại bệnh này. Cũng có khi nó tự khỏi".
"Thế bây giờ phải làm gì?" Anh tuyệt vọng. "Nó quá bé bỏng".
Sue Ann đã quay đi khỏi chiếc nôi, đến bên cửa sổ. Cứ như thể cô đã tự ly dị tất cả những gì đang diễn ra sau lưng.
"Để nó ở đây" bác sĩ nhẹ nhàng đề xuất. "Nó cần được chăm sóc đặc biệt. Ở bình diện nào thì nó cũng quá nhiều nguy cơ nếu chuyển đi. Đấy là những gì mà hiện tại chúng tôi có thể làm".
"Giết nó đi" giọng Sue Ann man rợ khi cô quay lại từ bên cửa sổ. "Đấy là điều các người có thể làm! Máu của nó hỏng rồi. Cha đã cảnh báo về những gia tộc cũ kỹ ở Âu Châu. Nó sẽ chẳng bao giờ khá cả. Nó sẽ là một đứa đần độn!"
Bác sĩ không giấu nổi cú sốc. "Không, thưa bà, nó sẽ không bao giờ là một đứa đần độn cả. Nó chỉ chậm phát triển mà thôi. Có thể chậm một chút, nhưng nó sẽ là một đứa trẻ đáng yêu".
Sue Ann trừng trừng nhìn hai người rồi bỏ đi, dập cánh cửa sau lưng. Một lát sau, đứa bé bắt đầu khóc. Bác sĩ cúi xuống chiếc no6i "Thấy không, nó phản ứng đấy. Như đã nói, sẽ chậm một chút, nhưng nó có phản ứng. Cái mà nó cần là chăm sóc và yêu thương".
Sergei lặng lẽ nhìn. Bằng vào trực giác và qua kinh nghiệm, bác sĩ hiểu anh đang nghĩ gì. Ông đứng lên, đến bên Sergei "Vợ ông quá buồn. Đấy không phải là lỗi của ông, những sự cố này đôi khi cũng xẩy ra trong trường hợp chửa ngoài dạ con. Đứa trẻ gần như bị dây nhau thắt cổ. Có chút tổn thương đối với não bộ trước khi chúng tôi đưa được oxy vào. Nhưng rất nhẹ. Thường thì với thời gian, cơ thể sẽ tự điều chỉnh". Sergei lặng thinh. Bác sĩ nói tiếp "Ông đừng tự trách mình, ông bạn".
Nhưng anh vẫn tự trách mình.
Sergei đỗ xe rồi vào thẳng phòng sơ sinh. Người hộ lý đang thay drap giường mỉm cười. "Đứa bé đang ở ngoài vườn với cô y tá".
Sergei đi qua chiếc cửa cao kiểu Pháp, ra vườn. Anh nhìn thảm cỏ xanh. Cô y tá đang ngồi trên ghế băng nhỏ, chiếc xe nôi đặt trước mặt, nhìn lên khi anh tới bên.
Anh đi quanh xe nôi. Đứa bé đang thức. Nó nhìn anh với cặp mắt yếu đuối. "Sáng nay bé thế nào?"
"Tốt. Đẹp trời và ấm áp nên em quyết định đưa nó ra ngoài".
Anh gật đầu, lấy thuốc lá châm hút. "Đêm qua em đi đâu? Anh chờ ở nhà trọ đến chín giờ".
"Em không ra được vì bị bà y tá trưởng giữ lại ở văn phòng bà ấy đến khuya. Lúc ấy thì làm gì còn xe buýt, em đành ngủ ở đây".
Có những nét mệt mỏi trên mặt cô.
"Có chuyện gì không?"
"Bà y tá trưởng đưa thông báo đuổi việc em".
"Thông báo đuổi việc? Vì sao? Em làm việc tốt lắm mà".
Giọng cô thoáng chút cay đắng. "Vậy mà có lý do đấy. Bà y tá trưởng bảo thế".
Chợt anh thấy ngờ vực. "Bà ấy có nói ai không?"
Cô y tá nhìn anh với cặp mắt xám, trong vắt. "Ồ không, bà y tá tới không bao giờ làm như vậy. Nhưng từ vụ khiếu nại, em có thể đoán được".
Anh chằm chằm nhìn cô. "Vợ anh?" cô gật đầu. "Sue Ann không làm thế đâu! Cô ấy biết em rất quan trọng với Anastasia".
"Cô ấy vẫn làm. Và là người duy nhất có thể làm. Không phải là khiếu nại về công việc của em, mà là về thái độ của em".
Sergei giận dữ đứng lên. "Anh sẽ gặp y tá trưởng".
"Đừng" cô cương quyết. "Làm thế chỉ rắc rối thêm thôi".
"Thế em sẽ làm gì? Em có kế hoạch gì chưa?"
"Em phải kiếm việc ở đây thôi. Giờ thì không có cách gì để về Anh cả, vì bọn Đức đã chiếm nước Pháp rồi". Cô nheo mắt nhìn bầu trời. "Mây đang kéo đến".
Sergei theo cô về phòng, đứng nhìn cô thay tã cho đứa bé rồi đặt lại nó vào nôi. Anastasia nằm đấy, chẳng hề phàn nàn gì. Có một cái gì đó thật cảm động trong cách cô nhẹ nhàng chăm sóc đứa bé. Nếu như Sue Ann chỉ bỏ chút thời gian để thấy đứa bé cần cô y tá đến nhường nào thì có lẽ sự thể đã khác.
"Nó là đứa bé rất ngoan", cô nói.
Sergei bước đến bên nôi, cúi xuống. "Chào Anastasia".
Đứa bé nhìn lên, rồi mặt nó rạng ngời, rồi cặp mắt nó, đôi môi nó nheo lại thành một nụ cười. "Nó cười với anh!" Sergei nhìn cô y tá. "Nó bắt đầu nhận ra anh!"
Cô y tá mỉm cười đồng cảm. "Em đã bảo anh là nó tiến triển tốt mà. Vài tháng nữa là thì phải biết!"
Sergei quay lại nôi. "Bố con đây, Anastasia". Anh sung sướng nói. "Bố của con đây, bố yêu con đây".
Nhưng nụ cười đã tắt và đứa bé lại nhìn anh với cặp mắt yếu đuối và sầu muộn.
Chương 14
Bỗng Sue Ann thấy buồn và luyến tiếc cho mình và cho cả Sergei. Giữa họ thế là hết. Thực ra thì cũng đã hết từ lâu. Nếu như cô không có mang? Và nếu như cô không sợ nạo thai? Tại sao cô không để ý một chút đến cuốn lịch và đừng để cho nó lỡ chứ? nếu…có quá nhiều nếu mà giờ thì chẳng có nếu nào giúp được gì nữa.
Nhưng cô thấy buồn và luyến tiếc cho đứa bé hơn cả.
Cô từng rất muốn yêu đứa bé. Cô từng rất muốn chăm sóc, âu yếm, nâng niu và chơi với nó, nhưng hễ cứ thấy nó, thấy sự biểu cảm rỗng không của nó, là cô không thể. Thoạt tiên, cô đã cố. Nhưng khi nhìn vào khuôn mặt bệch bạc, ngơ ngác, rúm ró, gần như thắt nghẹn của nó là cô muốn xỉu luôn. Cô đẩy nó ra, không nhìn khi cô y tá đưa nó trở lại lồng nuôi trẻ sơ sinh thiếu tháng.
Sue Ann ngả người trên sofa, nhắm mắt lại, và đi ngược về quá khứ xa xăm. Rất xa xăm, khi cô cũng là một bé gái.
Cha cô chỉ ở nhà vào dịp Noel và mấy ngày lễ khác, còn luôn vắng nhà vì công chuyện. Bao giờ cũng là các nhà hàng. Nhắm mắt cô cũng thấy được các bảng hiệu vàng xanh. DALEY PENNY SAVERS. Các nhà hàng là cuộc đời của cha, cũng là cuộc đời ông nội trước đây.
Mẹ cô từng là một trong những người đẹp của Atlanta. Nhiều lần Sue Ann đã nghe bà than phiền rằng con gái bà lại có nhiều nét giống cha, thô thiển và nặng nề, không mang được nét đẹp nào mà tất cả các cô gái trong gia đình nhà bà từng sở hữu.
Năm mười bốn tuổi, Sue Ann cao hơn tất cả bọn con trai trong lớp. Cô đã từng chiến đấu với nặng ký mà không thành công, bởi vì càng hoảng sợ về trọng lượng của mình bao nhiêu thì sự bức bách về ăn uống của cô lại càng lớn bấy nhiêu. Và từ khi có kinh thì cô vĩnh viễn phát triển trứng cá của tuổi thanh xuân.
Cô nhớ những giọt nước mắt tức giận trào ra khi soi gương và cô đã không muốn xuất hiện trước đám đông, thậm chí không muốn đi học nữa. Nhưng mẹ đã buộc cô phải đến trường, và cô còn nhớ bọn con trai đã cười như thế nào khi thấy bộ mặt đầy mụn của cô, mà thường là bôi trát đầy những loại mỡ trị liệu. Rồi cô trở nên căm ghét bọn con trai vì sự độc ác đó, nhưng từ sâu thẳm cô lại luôn cảm nhận một sự kích động mỗi khi chúng nói năng tử tế với cô, hoặc chỉ mới để ý đến cô. Ngay từ khi đó, bản năng tình dục của cô đã lớn đến mức, dù cho cô có cố gắng kiềm chế hết mức, thì cũng chẳng mấy chốc váy cô đã ướt sũng. Và cô luôn sợ hãi một cách vô vọng là bọn con trai sẽ nhìn thấy, sẽ biết.
Sue không nhớ chính xác khi nào và như thế nào mà cô thủ dâm, nhưng cô nhớ sự nhẹ nhõm co 'được cũng như sự tĩnh lặng và mệt mỏi chiếm hữu cô sau đó. Và chỉ khi đó cô mới không còn cảm thấy sự bức bách ăn uống nữa. Sung sướng làm sao khi làm xong được nằm dài trên giường, nhắm mắt lại, và mơ về sắc đẹp của mình. Thế rồi một hôm mẹ cô xộc vào phòng, bắt quả tang.
Sue vẫn còn thấy biểu hiện kinh ngạc, rồi giận dữ, trên mặt mẹ khi đứng ở cửa phòng, trân trân nhìn cô trần truồng, hai chân giơ lên và những ngón tay ngoáy tít. Gần như trước khi cô dừng được thì bà đã sập cửa lại, lấy thắt lưng da quật cô.
"Mày là đứa con bẩn thỉu! Mày muốn con cái mày trở thành lũ đần độn hả?" Bà cứ nhắc di nhắc lại, cho đến khi những lời nguyền rủa ấy hoà vào sự đau đớn và nước mắt của cô. Đần độn, đần độn…
Điều duy nhất cô học được sau kinh nghiệm đó là luôn luôn khoá cửa phòng. Không còn gì quấy rầy tới mối quan tâm hàng đầu của cô là tự làm lấy vật lý trị liệu này. Cứ như thế cho đến khi cô làm tình đầu tiên, vào năm mười sáu. Thực ra, nó sẽ đến sớm hơn nếu quyền lựa chọn thuộc về cô. Nhưng thoạt đầu, cô không thể hấp dẫn bọn con trai. Và rồi, cuối cùng, khi cô thu xếp được, thì bọn con trai lại sợ. Tiếng tăm gia đình cô quá lớn, hoặc là cánh con trai địa phương vẫn còn chút ít hào hoa phong nhã của miền Nam.
Cuối cùng thì điều đó xảy ra trên ghế sau của chiếc xe mui trần đậu trong bóng tối trên con lộ của những cặp tình nhân ở địa phương, sau một tối khiêu vũ ở trường. Hầu như trước khi cậu bé nhận ra, thì sự thể đã đi quá xa, và không còn đường rút cho cậu nữa. Vậy mà tới thời điểm cuối cùng cậu còn ngập ngừng.
"Cậu dừng làm gì thế?" cô cáu kỉnh.
"Mình không biết, Sue Ann. Cậu thực sự có nghĩ là chúng mình phải…?"
Cô nổ ra một câu làm cậu ta phát khiếp. "Cậu không bao giờ ngán cái kiểu mình cứ phải làm cho cậu bằng tay à?"
Cuối cùng thì gần như là cô phải tự làm tất cả - nhét cậu ta vào mình. Nhưng khi chạm phải chướng ngại vật là màng trinh của cô thì cậu ta dừng. "Không sâu thêm được nữa đâu" cậu ta thì thào.
Lúc đó thì cô đã gần phát điên. Đến mức này mà còn xôi hỏng bỏng không thì thật..không ai chịu nổi. Cô cắm cả chùm móng tay nhọn hoắt vào mông cậu ta. "Ấn xuống, mạnh vào, khỉ thật!"
Cậu ta dập xuống một cách thô bạo trong cơn co thắt cuối cùng, và công việc hoàn thành. Một lát sau, cậu ồ ạt tuôn ra, và toan rút lui. "Cậu tính đi đâu thế?" cô hỏi.
"Cậu chảy máu. Mình không muốn làm cậu đau".
"Cậu không làm mình đau".
"Thật không?" giọng cậu ta đầy nghi ngại.
"Thật là cái chắc rồi. Nào, làm lại đi. Nhanh lên, mình thích. Làm cho mình đi, khỉ thật. Nhanh lên!"
Gần như chỉ sau một đêm, mụn trứng cá trên mặt cô biến hết và cô không cần phải khoá cửa phòng ngủ nữa. Có ối bọn con trai, có ối xe hơi và lần đầu tiên, mỗi sớm mai tới trường, một thế giới kỳ diệu lại mở ra với cô. Cô quên khuấy cả trận đòn ccmẹ lẫn những điều bà nói. Hoặc giả cô nghĩ vậy.
Cho đến cái đêm mà đứa bé này ra đời.
Cô như đang chiến đấu để ra khỏi vùng sương mù. Cô mở mắt ra. Ánh sáng chói chang vẫn rọi vào mắt cô. Cô đang nằm trên bàn đẻ. Cô chớp chớp mắt, mà hình ảnh qua mắt cô vẫn mờ ảo.
Bác sĩ và hai y tá đang cúi trên một chiếc bàn đặt ở góc phòng. Cô lơ mơ hiểu họ đang làm gì. Một lát sau thì rõ ràng. "Con tôi!" cô kêu lên, cố ngồi dậy, nhưng các đai buộc giữ cô lại.
Bác sĩ quay lại nhìn qua vai rồi nói gì đó với một trong hai y tá. Người kia đến bên cô. "Nằm xuống nghỉ đi".
"Con tôi có làm sao không?"
"Không có gì cả. Cứ nghỉ ngơi đi. Mọi thứ sẽ ổn cả thôi".
"Bác sĩ" cô la lên. "Con tôi làm sao thế?" Khi cô lại cố ngồi dậy, người y tá giữ cô nằm xuống. Một lát sau, bác sĩ đi tới. "Con tôi chết rồi!"
"Không, đứa bé ổn. Chúng tôi chỉ trục trặc chút đỉnh".
"Trục trặc thế nào?"
"Cuống nhau quấn quanh đầu đứa bé".
Người y tá đứng trước bàn bỏ đi và cô có thể thấy chiếc phễu oxy chụp trên mặt đứa bé. "Họ làm gì thế?"
"Cho bé thở oxy. Nào, nghỉ ngơi đi".
Cô gạt tay ông ra. "Vì sao?"
"Oxy trợ giúp trong trường hợp đứa bé bị tổn thương. Chúng tôi cẩn tắc vô ưu, phải không?"
Chợt cô hiểu. "Nó bị dị dạng ư? Hay là não bộ? đấy là bộ phận đầu tiên bị tổn thương, phải không?"
Bác sĩ nhìn cô. "Trong những trường hợp như thế này thì không ai đoán biết được". Ông miễn cưỡng trả lời.
Cô trân trân nhìn ông. Có thể họ không chắc, nhưng cô thì chắc, khi những lời của mẹ hiện lên. "Mày muốn con cái mày trở thành lũ đần độn hả?"
Cô nhắm mắt lại trong một cơn đau quặn. Mẹ nói đúng, cô nghĩ thế. Mẹ luôn luôn đúng. "Bác sĩ?"
"Vâng?"
"Bác sĩ, ông có thể thu xếp để triệt sản không?"
Ông nhìn xuống cô. "Có thể. Nhưng bà không nghĩ là phải nói chuyện với chồng bà trước à?"
"Không!"
"Đây là một tai biến" ông nói, "có thể sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nó chỉ xuất hiện trong muôn một thôi. Còn một khi đã thắt ống dẫn trứng thì không bao giờ cởi ra được nữa. Có thể sau này bỗng bà thích một đứa con nữa thì sao?"
"Tôi sẽ nuôi một đứa. Chỉ có cách ấy tôi mới chắc chắn!"
Bác sĩ nhìn cô một lát rồi ra hiệu cho y tá. Chiếc phễu chụp xuống mặt cô và cô hít một hơi thật sâu. Khi nhắm mắt lại, cô cảm nhận những giọt nước mắt trào ra, rồi căn phòng mờ đi. Có một sự nhói đau thật kỳ lạ và cô cảm nhận cả lục phủ ngũ tạng đều đang khóc, và nếu như cô tỉnh thì có lẽ cô cũng khóc luôn.
Tại sao? Tại sao mẹ cô lại phải luôn luôn đúng?