Chương 7 & 8
Tác giả: Harolds Robbins
Cô người mẫu đứng với sự chán nản thường nhật của nghề nghiệp. Chiếc áo the hoa nhăn tít khi cô quay đi quay lại.
"Thử cái không lót xem nào" Sergei nói.
Với nét mặt không đổi, cô cởi khuy rồi tụt áo ra. Cặp vú nhỏ và cứng của cô lòi ra vì miếng đệm trong xu chiêng đẩy lên. Một cách máy móc, cô đặt lại cặp vú rồi mặc chiếc khác vào.
Giờ thì chiếc áo vừa khít, buông xuống thật phẳng phiu và ôm lấy eo cô mà không có những nếp nhăn vụng về nữa. Nhưng chiếc xu chiêng vẫn cứ lồ lộ qua chất liệu the mỏng tang, và đấy là mấu chốt của vấn đề.
ở Pháp thì không sao. Phụ nữ Pháp ưng xu chiêng của họ lộ rõ dưới tà áo mỏng. Vì thế mà họ mặc những đồ gây sự chú ý – dây nhợ, diềm đăng tên rực rỡ…Nhưng phụ nữ Mỹ thì khác. Họ thấy thật vụng về nếu như xu chiêng của họ quá lộ liễu. Vậy nên, họ thường mặc ngoài xu chiêng một lớp lót, và như vậy thì đối với chiếc áo the, dù có may đẹp đến đâu, cũng không bao giờ buông rủ đúng kiểu cả.
sergei nhìn nhà thiết kế, lắc đầu. "Tôi e là vẫn chưa đạt".
"Làm sao bây giờ? Những chiếc áo này là một phần tổng hoà cccác bộ đồ mùa xuân của chúng ta".
"Đừng tự trách mình" Sergei nói, đầy thông cảm. "Trách phụ nữ Mỹ ấy. Mặc dù mọi người thừa biết là họ mặc xu chiêng, nhưng họ vẫn không muốn huỷ hoại cái ảo ảnh mà họ tạo ra. Nếu không thì sao họ lại che đậy nó một cách cực đoan vậy?"
"Tôi sẽ cố thử lại".
"Làm đi" Sergei nói "nhưng đừng quá hy vọng. Trừ khi…"
"Trừ khi sao?"
"Có thể may xu chiêng với cùng chất liệu the của chiếc áo?"
"Không hẳn là được. Chất liệu này không đủ sức nâng".
"Thế thì một lớp the phủ trên xu chiêng?"
"Điều đó có thể" nét mặt nhà thiết kế rạng lên. "Vậy thì hoa văn trên chất liệu phải được chọn một cách cẩn thận. Hoa quá lớn là không được".
"Thử đi. Nếu được thì chúng ta sẽ có một cú giật cho mùa xuân." Anh mỉm cười "Thậm chí có thể đặt tên nó là Giật".
"Giật?"
"Đấy là từ lóng của Pháp – giật gân".
Nhà thiết kế cả cười. "Tạm biệt ông".
"Tạm biệt". Sergei nhấc điện thoại lên. "Bảo Berry vào đi".
Anh đứng lên, duỗi thẳng chân tay. Chiếc đồng hồ trên bìa cuốn lịch các cuộc hẹn chỉ sáu giờ. Anh được đến cửa sổ nhìn ra. Trời đã tối, và đèn của New York đã rực rỡ.
Anh quay lại khi Norman bước vào. "Tôi chỉ muốn kiểm tra thôi. Kế hoạch tối nay của tôi là gì vậy?"
"Tối nay?"
"Ừ, tối nay".
"Tôi tưởng họ báo cho ông rồi. Tối nay ông không phải làm gì cả".
Sergei ngơ ngác. "Có nghĩa là tôi không phải làm gì?" Norman giơ tay lên. "Có nghĩa tôi sẽ có một buổi tối của riêng mình?" Sergei mỉa mai. "Và tôi có thể ngủ với một em, nếu tôi muốn?"
Sự mỉa mai chẳng có ý nghĩa gì với Norman. "lạy Chúa, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó".
"Nghĩ đến cái gì?"
"Các em. Tôi cứ tưởng ông đã có tất cả những gì ông muốn".
Sergei cười. "Làm sao mà tôi có được? có bao giờ anh dành cho tôi một phút riêng tư đâu?"
"Tôi xin đính chính ngay" Norman bước tới điện thoại.
"Thôi, khỏi phiền. Tôi cũng mệt rũ ra rồi. Tất cả điều tôi muốn là về nhà, tắm nước nóng, ăn tối và lên giường ngay".
"Thật à?"
Sergei gật đầu. "Chắc rồi".
Ngồi trên xe, Sergei ngả người ra lưng ghế, mắt nhắm lại. Ba tuần nữa là đến Noel. Đã gần mươi lăm tháng kể từ hôm anh rời Paris.
Chín giờ bốn lăm, Sergei đang ngồi xem truyền hình thì có chuông cửa. "Vào đi" anh gọi với ra, nghĩ là người hầu phòng.
Một lát chuông lại kêu, và anh ra mở cửa. Một cô gái xinh đẹp, dong dỏng cao, đứng trước anh.
"Hoàng tử Nikovitch?" Sergei gật đầu. "Em vào được chứ?" không đợi trả lời, cô đi qua anh, vào phòng khách. "Em là Jackie Crowel. Norman Berry bảo em đến đưa cho anh cái này".
Sergei cầm chiếc phong bì nhỏ, mở ra. Đấy là tấm thẻ của gái gọi. Một từ viết nguệch ngoạc trên đó. "Vui đi".
Vì một lý do kỳ lạ nào đó, anh thấy ngượng ngập, thấy mặt mình nóng lên, lần đầu tiên trong đời, kể từ khi anh còn là đứa trẻ. "Tôi e là có sự nhầm lẫn. Cô thấy đấy, tôi vừa ăn tối xong". Anh ra hiệu về phía bàn ăn. "Tôi không có ý định ra ngoài".
'Không sao" cô gái cười. "Em cũng vậy". Cô cởi chiếc áo khoác choàng lông chồn ra, vắt trên ghế. Rõ ràng cô đã quen thuộc với khách sạn, vì cô đi thẳng vào phòng ngủ.
Khi Sergei vào theo thì cô đã trút bỏ quần áo, đứng đấy với mỗi chiếc xu chiêng và đôi tất da mỏng tang, nhoẻn miệng cười. Cô đưa tay ra phía sau để mở khoá xu chiêng.
"Thôi" Sergei vội nói, "đừng".
Cô ngập ngừng với thoáng chút bối rối trong mắt. "Anh không xỉn đấy chứ, phải không? thường thì em biết ngay".
"Không, anh không xỉn, anh chỉ mệt thôi. Rất mệt".
"Ô" nụ cười trở lại trên môi cô khi chiếc xu chiêng bật ra. "Không sao, Norman bảo em là anh đã làm việc rất mệt. Đừng lo, anh không phải làm gì sất. Cứ nằm xuống và.. Vui".
Sergei nhìn vào cặp vú cô. Cho đến thời điểm đó anh mới nhận ra mình đã Mỹ hoá. Đấy làmt cặp vú biểu trưng của tình dục, thật đầy đặn, thật rắn chắc, với hai núm vú nảy tưng và thấy toàn thân râm ran. Như bị thôi miên, anh đá chân cho cánh cửa sập lại.
Cô gái nhìn anh rồi cười toét. "Thật kỳ lạ, hầu hết đàn ông quên béng là mình đang mệt thế nào khi thấy cặp vú của em".
Buổi sáng, Sergei nằm trên giường, nhìn cô trang điểm. Cô đi ra phòng ngoài rồi trở lại với chiếc áo choàng lông thú trên người. Cô đứng bên giường, nhìn anh. "Anh thấy ổn chứ?"
Sergei lười nhác kê hai tay dưới gáy. "Anh thấy khoẻ".
"Anh sẽ cảm thấy thú hơn, nếu không có một điều".
"Điều gì?"
"Nếu như anh không yêu."
"Yêu?" Sergei ngớ ra rồi hỏi. "Cái gì làm em nghĩ thế?"
"Em là dân chuyên nghiệp, em có thể biết một người chỉ bằng việc anh ta nhấm nháp hay cạn ly. Anh không cạn ly".
"Anh phải làm thế à?" anh đốp lại, chợt bẳn gắt.
Cô nhìn anh, mặt không một nét biểu cảm. "Em cho là không." cô bước tới cửa. "Thôi, nếu em không gặp anh nữa thì chúc Noel vui vẻ".
"Chúc mừng Noel". Sergei đáp, nhưng cô đã đi ra. Anh nghe tiếng cửa ngoài đóng lại. Cáu với chính mình hơn là với cô, anh vò chiếc gối dưới gáy. Đấy là tất cả mà anh cần ư? Lời chúc mừng Noel của một cô điếm.
Mắt anh gặp chiếc điện thoại, và bỗng bị thôi thúc phải cầm lên. "Nối cho tôi với Harley Lakow ở Palm Beach, Florida".
Chưa đầy một phút, anh đã có tiếng đáp ở đầu dây bên kia. "Harvey, tôi cần nghỉ".
Giọng Harvey như bị sốc. "Lạy Chúa tôi, ông con trời, ông không thể đi được. Người ta vừa mới bắt đầu cắt đồ!"
"Tôi xa nhà đã mười lăm tháng trời rồi" Sergei giận dữ la lên. "Suốt cả thời gian ấy tôi không gặp con gái, và tôi sẽ không tiêu một Noel mà không có nó!"
"không có chi" giọng Harvey chợt thư giãn hẳn. "Thế anh vẫn chưa nhận ra rằng nhà anh là ở New York à? Nó sẽ bay sang đây với anh".
Cánh phóng viên quây chặt lấy Sergei và đèn flash nháy liên tục. "Hoàng tử Nikovitch, xin quay sang đây".
"Con gái ông có nét nào giống mẹ không?" một người hỏi.
Sergei mỉm cười. "Tôi hy vọng thế" anh trả lời dễ dãi. "Sue Ann là người đàn bà đẹp".
"Có lý do đặc biệt gì mà cô D'arcy lại đến đây cùng con gái ông? Chuyện gì giữa hai người vậy?"
"Không, Giselle chỉ là một người bạn cũ rất thân mà thôi. Chúng tôi đã quyết định không để con gái tôi phải đi một mình".
Loa phóng thanh thông báo chuyến bay đang hạ cánh.
"Bà Daley có thăm con gái trong khi ở New York không?"
"Tôi hy vọng thế" Sergei đưa tay lên. "Nào, xin các vị, đủ rồi. Máy bay hạ cánh rồi. Tôi đang nóng lòng gặp con gái tôi".
Sergei thầm cám ơi vì Norman đã nghĩ đến việc kiếm cho anh một giấy hải quan đặc biệt. Cánh phóng viên giãn ra, anh bước qua cửa, tay giơ tấm thẻ.
Cứ như cả giờ đồng hồ, mặc dù chỉ có mấy phút trước khi họ xuất hiện ở cửa ra. Sergei chuyển cả con gấu panda lẫn hoa sang một tay rồi đưa lên vẫy. Giselle nhận ra anh trước, chỉ cho Anastasia. Con bé nhìn lên, cười, rồi chạy về phía anh. Một sĩ quan xuất nhập cảnh thấy nó, toan giơ tay cản, thì cũng vừa thấy Sergei. Anh ta mỉm cười, để Anastasia chạy ra.
Chợt ngượng ngùng, con bé dừng lại trước anh, nụ cười ngập ngừng trên môi. Anh quỳ xuống, đưa con panda cho nó. Đúng là mớ tóc vàng và cặp mắt xanh là của Sue Ann. Nhưng nét dịu dàng của đứa trẻ thì rõ ràng không phải từ mẹ nó. "Chào Anastasia. Chúc Noel vui vẻ. Chúc mừng con đến New York".
"Hello Papa" Anastasia nói chậm và hầu như không có trọng âm. "Chúc mừng Noel!"
Rồi nó cầm con panda và lọt trong vòng tay anh, mắt anh đầm đìa khi ôm chặt lấy nó mà hôn. "Con nói tiếng Anh! Làm sao con học được, ai dạy con?"
Anastasia nói chậm và rất thận trọng. "Cô Giselle dạy con".
Nó nhìn anh rồi nhìn Giselle, cười rõ tự đắc.
Sergei quay sang vừa kịp bắt gặp nụ cười ấm áp của Giselle. Chợt anh nhận ra thật nhiều điều. Rằng cô điếm đã đúng và anh đã sai. Từ từ, anh đứng lên, lặng lẽ đưa bó hoa ra. Giselle cũng lặng lẽ cầm bó hoa rồi ngả vào vòng tay anh. Cặp môi cô run rẩy khi anh hôn cô.
"Như một phép màu vậy" anh thì thầm "anh làm sao mà cảm ơn em được?"
Giselle đưa tay xuống, kéo con bé vào trong vòng tay họ. "Không có phép màu nào cả. Tất cả mà Anatasia thực sự cần là một người mẹ".
Họ cưới nhau vào buổi sáng Noel ở nhà Harvey Lakow tại Palm Beach.
Chương 8
"Marcel là thẳng đần khốn kiếp" Jeremy nói. "Hắn nghĩ là hắn quan trọng hơn cả chính phủ. Điều tồi tệ nhất mà hắn làm là để cho sự việc ra toà. Và hắn thua ở đấy".
Nam tước nhìn qua bàn. "Họ xử hắn mười tám tháng?" ông cầm điếu xì gà nhỏ trong những ngón tay thanh tú. "Tất nhiên, hắn có quyền chống án?"
"Chống án đã bị khước từ. Và Marcel đã làm thối hoắc lên, đến mức vị chánh án vốn đã có ý định cho hoãn thi hành án cũng không thể không y án".
Nam tước xem kỹ lưỡng điếu xì gà. "Đấy chính là rắc rối, khi hắn nói dối quá nhiều. Chẳng chóng thì chầy, người ta sẽ tóm được. Hắn sẽ được ân xá vì thái độ tốt chứ?"
"Vâng, sau khi thụ án sáu tháng, hắn sẽ được hưởng ân xá. Có nghĩa là hắn phải ngậm miệng lại và có thái độ tốt".
"Ông nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng tới hắn thế nào?"
"Đối với doanh nghiệp của hắn?" Jeremy nhún vai. "Đối với những gì hắn đã có thì không nhiều, tôi nghĩ thế. Nhưng nếu Marcel toan tính làm ăn trong tương lai thì hắn phải hết sức cẩn thận. Công luận sẽ ráo riết bám sát hắn".
"Vậy đấy" Nam tước nói, đầy suy tư. Thực ra, ông đã quyết định không gia hạn cho đề nghị của Marcel về việc bảo lãnh cho Hãng tàu biển Campion-Israeli. Đúng là điều đó có thể buộc Marcel phải phát mại tài sản của hắn, nhưng hãng tàu biển thì cũng đã đủ mạnh để người Israel có thể tự quản. Với sự ủng hộ của nhà băng, tất nhiên. Ông từ tốn châm điếu xì gà. "Tổng thống của các ông đã có một hành động dũng cảm trong việc miễn nhiệm McArthur".
"Đấy là điều duy nhất ông ấy có thể làm. Nếu để McArthur tung tác theo cách ông ta thì chúng ta lại đang ở một cuộc chiến tranh khác nữa rồi".
"Đầu óc cánh quân sự là cái gì?" Nam tước như lơ đễnh. "McArthur của các ông và De Gaulle của chúng tôi. Ông biết đấy, họ y hệt nhau. Ai cũng cho mình là Chúa trời cả. Mặc dù, tất nhiên, McArthur chỉ là một bản sao của đạo Tin Lành".
Jeremy cười. "Người Pháp các ông đã đánh lạc hướng De Gaulle. Đảng của ông ta chắc không mạnh lắm".
"Cuộc cách mạng Pháp là một trò cười. Vài năm nữa, nó sẽ mất đi. Nhưng De Gaulle thì không. Ông ta sẽ không mờ đi như người lính già của các ông đâu".
"Khi đó thì ông ta làm được gì?"
"Ông ta có thể chờ đợi". Nam tước nói. "Ông thấy đấy, ông ta hiểu rằng người Pháp chúng tôi không kết hôn với quá trình dân chủ như người Mỹ các ông. Ở Pháp, có quá nhiều các đảng phái chính trị - đảng nào cũng bảo mình đại diện cho từng người Pháp – và quyền lực thì bao giờ cũng được duy trì bằng liên minh. Mà ngày nào cũng có vài liên minh mới, và như vậy cũng có nghĩa là các chính phủ mới. De Gaulle biết điều đó, cũng như ông ta nhận ra rằng thiếu sự liên tục trong chính phủ, tất phải dẫn đến tan rã. Vậy là ông ta chờ đợi, để khi thời điểm đến, sẽ trở lại. Và đấy chính là dấu chấm hết cho nền Đệ tứ Cộng hoà".
"Chắc chắn nhân dân sẽ không ủng hộ chứ?"
Nam tước từ tốn mỉm cười. "Đấy là một sai lầm mà người Mỹ các ông thường mác phải. Các ông dấn quá sâu trong tự quản nên đã quên mất người Pháp chúng tôi thực sự như thế nào. Một người Pháp trung bình, cũng như một người Âu châu trung bình, vẫn phục tòng một nhân vật của quyền lực. Chúng tôi có thể làm cách mạng trước các ông, nhưng chúng tôi vẫn mù quáng đi theo người lãnh đạo mỗi khi họ xuất hiện. Napoléon đã trở lại. Thì De Gaulle cũng có thể trở lại".
Jeremy cười. "chắc chắn ông không nghĩ là ông ta có tham vọng làm vua chứ?"
"Ai mà biết được?" Nam tước nhún vai. "Chỉ có De Gaulle song ông ta chẳng nói với ai cả, chỉ với chính mình thôi. Nhưng có một điều chắc chắn, ông ta sẽ chỉ trở lại để cai trị chứ không phải để cầm quyền". Giọng ông đầy suy tư. "Ai mà biết được, có thể ông ta đúng, và có thể đấy là cách duy nhất để nước Pháp lấy lại sức mạnh và niềm tự hào".
Jeremy đã đi. Nam tước mệt mỏi nhắm mắt lại. Một năm nữa, ông nghĩ, Robert sẽ sẵn sàng và mình có thể buông xuôi. Giữa việc nói những gì họ muốn nghe và những gì mình phải nói ,đã thật quá căng thẳng với ông. Có thể ông nhầm, nhưng với ông, trước đây không lâu, mọi thứ như đơn giản hơn nhiều.
Ông mỉm cười, nghĩ về con người trẻ trung vừa đi ra. Ông thích Jeremy, thích đầu óc nhanh nhậy, sự thẳng thắn của anh ta, thậm chí cả cái lý tưởng Mỹ kỳ lạ mà anh ta thừa nhận. Giờ thì đó là loại đàn ông mà lẽ ra Caroline phải kết hôn. Thật kỳ lạ là con gái ông lại đi yêu bố anh ta. Nhưng…có lẽ cũng không lạ lắm, trên một bình diện nào đó thì cha nào con nấy.
Ông không hiểu Jeremy có còn tiếp tục gặp gỡ cô gái Đức ấy không. Mới đây cũng có đồn đại rằng họ sẽ lấy nhau, nhưng rồi đã hơn một năm qua mà chưa có chuyện gì xảy ra cả. Có thể nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Một ý tưởng chợt đến. Nam tước ngập ngừng nhìn chiếc điện thoại, rồi cầm lên. Cuối cùng thì, tại sao không? đấy đâu là một mưu toan không tưởng. Việc người con trai lấy người đàn bà vốn là bồ bịch của bố mình đâu là chuyện chưa từng có.
Denisonde trả lời điện thoại, Nam tước bảo cô mở tiệc vào tối thứ bảy, và chắc chắn phải mời Jeremy Hadley.
Marlene nổi cơn tam bành, Jeremy biết. Khi ngồi trên xe về khách sạn, anh đã quay nhìn cô một hai lần và cô nhất định ngoảnh mặt đi. Nhưng khi họ vào phòng thì cô bắt đầu nổ. "Bọn khốn kiếp!" cô nói, quẳng cái túi ngang phòng. "Em không bao giờ muốn thấy họ nữa, bất cứ ai!".
"Chuyện gì vậy? Anh tưởng đấy là một bữa tiệc vui chứ".
"Thế thì anh còn ngu xuẩn hơn em nghĩ. Anh không thấy là tay Nam tước bày trò gì à?"
"Không" anh đáp. "Em nói đi".
"Ông ta ném cô con gái vào anh. Suốt cả bữa tiệc, toàn là Caroline thế này, Caroline thế nọ. Mà anh không thấy thật à?"
"Anh không thấy cái gì như thế cả. Trí tưởng tượng của em đã đi quá xa đấy".
"Anh cũng không thấy họ đối xử với em thế nào à? Cứ như thể là em không tồn tại ấy. Anh ngồi ở đầu bàn, trước mặt Caroline và Nam tước, còn em bị quẳng xuống cuối bàn, bên cạnh hai kẻ vô danh tiểu tốt".
"Thôi đi, Marlene. Anh quá mệt để tranh cãi rồi. Hơn nữa nó là chuyện nhảm nhí. Caroline và anh là bạn đã bao năm rồi".
"Có gì mà nhảm nhí? Nếu Caroline đã hạp nhãn bố anh thì tại sao Nam tước lại không cho là cô ta cũng hạp nhãn anh? Ai chẳng biết cô ta là bồ của bố anh!"
Mặt Jeremy trắng bệch. "Tốt nhất là em thôi đi" anh gay gắt. "Em nói quá nhiều rồi!"
Nhưng cô đã lên cơn. "Đừng có mang luật lệ nhà Hadley ra đây. Tôi đã ở đủ lâu để biết về gia đình nhà anh, như cái tổ ấm thứ hai mà ông anh Jim của anh vun đắp trong ngôi nhà bé tẹo ở Brookline, như cậu em trai Kevin của anh đú đởn với bọn con trai ở New York thế nào. Và các chị em gái nhà anh chỉ nghĩ đến việc đổi chồng vào cuối tuần ra sao…"
Giọng Marlene nghẹn lại khi anh tóm chặt đôi vai cô, lắc mạnh. "Thôi đi! Thôi đi!"
Cô xoay tròn khi anh buông cô ra, rơi phịch xuống ghế, ngực phập phồng. "Giờ thì anh sẽ đánh tôi, như Fritz?"
Jeremy nhếch môi, từ từ lắc đầu. "Đó là điều cô thích, đúng không? nó thoả mãn được cảm giác tội lỗi của người Đức đấy".
Miệng cô vẹo đi thành một đường thật xấu xí. "Ít nhất thì tôi cũng không phải là con ấy, hiến mình cho cha trước rồi đến lượt con. Tôi biết tất về bọn gái Pháp, giống như con ấy. Bọn lính Đức kể với tôi là lũ gái đó đã chạy theo chúng trên đường phố và kéo váy lên như thế nào".
"Cô nghe lộn rồi. Đấy là chuyện con gái Đức với lính Nga rồi sau đó là lính Mỹ".
"Anh thực sự nghĩ rằng tôi chạy theo anh à?"
"Còn có cách nào để nhìn nhận sự việc đâu?" Anh cười lạnh lùng. "Nên nhớ rằng chính cô đã gọi tôi".