Chương 23
Tác giả: Harolds Robbins
"Tôi phải trở lại văn phòng", James Hadley vừa đứng lên vừa nói. Ông đưa tay ra "Đừng, cứ ngồi. Anh chả có lý do gì để vội cả, Dax. Tôi chắc anh với ông Campion có nhiều chuyện để nói ngoài công chuyện mà chúng ta vừa thảo luận".
Jim Con xô ghế. "Tôi cũng phải đến lớp đây".
Tĩnh lặng trùm xuống hai người. Dax nhìn Marcel. Anh ta đã thay đổi nhiều, không còn như một thư ký thông thường mà anh còn nhớ nữa, mà toát ra một sự vững vàng, tự tin. Có thể là vì bộ complê kiểu Anh được may đo kỹ lưỡng, nhưng nhiều hơn là ở cặp mắt của Marcel. Nó phản chiếu cái nhìn của một người biết mình muốn gì và làm thế nào để đạt được.
Marcel khởi đầu "Đã lâu quá rồi, Dax, dễ đến hai năm".
"Vâng".
"Anh nghĩ thế nào về ông ta?" Marcel hỏi, với một ám chỉ người chủ tiệc.
"Ông ta đúng như những gì tôi nghe, và thực tế còn hơn nữa". Dax thành thật.
"Anh biết ông ta nói gì không?" Marcel hơi nhướn người lên. "Rằng lẽ ra thị trưởng Curley của họ phải là tổng thống của Hợp Chủng quốc, chỉ có điều ông ta đã đến sớm mất ba mươi năm. Ông ta cho rằng một ngày nào đó họ sẽ có một Tổng thống là tín đồ Thiên chúa giáo".
"Tôi không thể tin được".
"Thực ra" Marcel tiếp tục. "Tôi cho đấy là hoạch định của ông ta cho người con cả".
"Jim?"
Marcel gật đầu. "Con người này hoạch định cho nhiều năm sau. Thậm chí ngay từ bây giờ, ông ta đang cố thủ trong đảng Dân chủ. Đấy là lý do tại sao ông ta nhất quyết đưa cậu con trai vào con đường chính trị".
Dax nhìn Marcel đầy suy tư. Sau những điều anh nghe được trong bữa ăn trưa, anh có thể tin hầu hết mọi điều. "Anh đến với ông ta như thế nào?"
"Đơn giản thôi. Ông ta có tàu bán, và tôi muốn mua".
"Nhưng tại sao anh lại quan tâm đến tàu bè? Tôi tưởng anh đến Macao để trông nom casino".
"Đúng thế. Nhưng không lâu sau, tôi khám phá ra rằng có nhiều tàu bè ở đấy".
"Vì sao anh kiếm được tàu, trong khi De Coynes thì không?"
"De Coyne là một gã đần", Marcel nhấn mạnh. "Ông ấy trao tất cả cho tay người em họ người Anh, người chỉ có một mục đích duy nhất là ngăn cản bất cứ hãng nào có thể cạnh tranh với hãng mình. Tôi tin rằng anh ta vào cuộc làm ăn chỉ để phá hoại nó".
Marcel lại nhướn người về Dax, hạ giọng "Khi khám phá ra điều nạy tôi nhớ đến nhu cầu tàu bè mà cha anh đã nói, bèn mượn tiền mấy người bạn Trung Hoa, và như vậy là tôi đã có được hai mươi chiếc. Rồi tôi tìm kiếm thêm, thì Hadley có năm mươi tàu để bán. Đương nhiên là tôi tìm gặp ông ta. Nhưng tay này không hề ngu, tức khắc đoán được ý đồ của tôi, và tôi có cảm giác là ông ta hối tiếc vì đã vội vã xáp vô với người Anh trong vụ tẩy chay đất nước anh".
"Anh nói là ông ta tiếc vì đã mất tiền?"
"Cuối cùng thì vẫn thế. Dù sao ông ta cũng sẵn sàng bán tàu cho tôi, nhưng với điều kiện công ty của ông ta vẫn giữ nguyên các đại lý tàu biển khắp thế giới. Trước khi chấp nhận điều kiện đó, tôi nhận ra mình phải có được một cam kết chắc chắn của Corteguay. Không có cam kết ấy, tôi chẳng biết dùng tàu bè vào việc gì".
Dax nhìn anh ta. "Tôi không hiểu tổng thống sẽ nghĩ gì về việc làm ăn buôn bán với một người Mỹ".
"Tổng thống của anh là một người thực tiễn". Marcel nói. "Đến lúc này thì ông phải nhận ra rằng không thể mong đợi gì ở De Coyne nữa".
"Nhưng vẫn còn năm triệu đôla trả cho đặc quyền", Dax chỉ ra, "Và có giá trị trong hai mươi năm?"
Marcel lấy điếu xì gà nhỏ trong túi, châm hút. Anh đợi cho điếu xì gà cháy đều mới lặng lẽ nói "Đừng mắc lại sai lầm của cha anh nữa. Tổng thống không phải là người chính trực như cha anh đâu. Anh có biết điều gì đã xảy ra với năm triệu đôla không? Anh có thực sự nghĩ nó đã được đưa vào ngân quỹ quốc gia không?" Dax không trả lời. "Tôi có thể nói được điều gì đã xảy ra. Nó nằm trong một ngân hàng Thuỵ Sĩ mang chính tên của tổng thống".
Nếu Marcel biết có nghĩa là cha anh biết. "Cha tôi có…"
"Cha anh biết".
"Vậy sao ông…"
Marcel không để anh hỏi hết câu. "Ông có thể làm gì được? Bỏ nhiệm sở? điều đó cũng không giúp ích gì cho Corteguay. Mà kiếm thêm nhiều tàu thì giúp được. Vậy là ông lặng thinh, mặc dù, tôi nghĩ, như thế chỉ đẩy nhanh ông tới cái chết mà thôi".
Dax lắc đầu, cổ họng như thắt lại. Ông bố tội nghiệp. Giá mà anh biết được! Nhưng rồi anh có thể làm gì được? Chẳng gì cả.
Marcel lợi dụng quãng lặng kéo dài. "Vậy anh nghĩ sao về việc chúng tôi sẵn sàng trả năm triệu đôla nữa cho đặc quyền? bởi vì chúng tôi chắc chắn là tổng thống sẽ chấp nhận. Dax, đã đến lúc anh trở thành một người thực tiễn. Nếu thoả thuận được, anh sẽ là người được chăm sóc chu đáo nhất. Đã đến lúc anh nên bắt đầu nghĩ về bản thân. Trừ phi anh cũng có ý định tự phá sản và trả nợ cho bọn ăn cắp".
"Tôi cũng không biết nữa" Dax ngập ngừng. "Thật khó tin…"
Marcel cắt ngang "Có gì mà khó? Anh không thấy được đấy chính là lý do tổng thống của anh đã gửi anh đến đây à? Chỉ để có một cái gì đó thuận tiện hơn cho việc Mỹ trở lại Corteguay? Anh không nghĩ tổng thống thừa biết là ông ấy đã nhận toàn bộ viện trợ mà ông có thể có ở Âu Châu à?" Dax lặng thinh. Marcel nói thêm. "Tôi không chắc chắn mà tôi lại xin quốc tịch Corteguay à?"
Dax nghi ngờ "Anh bảo là sẽ sống ở Corteguay và từ bỏ quốc tịch Pháp?"
Marcel cười. "Có ai bảo sống ở Corteguay đâu? Tôi chỉ nói là có thể trở thành một công dân Corteguay thôi". Anh ta liếc quanh phòng giờ đã gần như trống không. "Tôi thích Hoa Kỳ, đặc biệt là New York. Đây là đất của doanh nghiệp và là nơi tôi định sống".
Đêm đó khi tổng thống loẹt xoét một cách cơ khí qua điện thoại quốc tế, Dax hiểu rằng dù Marcel có nói sự thật hay không cũng không thành vấn đề nữa. Bất bình duy nhất của anh đối với tuyên bố về khoản cứu trợ của tổng thống, mà thực ra là khoản bồi thường cho những nỗi khốn khổ của Corteguay do lệnh tẩy chay, là năm triệu chứ không phải mười triệu. Khi đặt điện thoại xuống, Dax biết công việc của anh ở đây đã xong. Đã đến lúc anh về nhà.
Dax nhìn quanh bàn. Robert và Caroline, Jim và Jeremy Hadley cùng hai chị em gái của họ. Họ thật tốt bụng khi tổ chức bữa ăn tối nhỏ này cho anh ở Ritx Carlton vào đêm cuối cùng của anh ở Mỹ. Anh cười gượng gạo, không biết người ta sẽ nói gì nếu họ biết Dax Xenos, một Don Juan hiện đại, đang ngồi lẻ loi trong bữa ăn tối tiễn biệt anh.
Khi cà phê được mang ra thì Jim hắng giọng, nhìn mọi người. Họ gật đầu, và Dax đứng dậy. Sự yên lặng vây phủ bàn tiệc. Rồi Jim nói, giọng bình thường, thoảng chút trọng âm Boston.
"Dax, chúng tôi, bạn của anh, tuy rất tiếc là anh phải xa chúng tôi, song vẫn tôn trọng ý anh, là anh có thể phục vụ đất nước tốt nhất khi ở nước nhà.
Chúng tôi không muốn anh đi mà không mang theo đôi chút kỷ niệm bạn bè, một cái gì đó sẽ luôn nhắc nhở anh rằng, dù có ngàn trùng xa cách, chúng ta vẫn bên nhau, vẫn là một trong nhau. Chúng tôi biết, khi ai đó đã là người của Harvard thì mãi mãi người ấy sẽ là của Harvard, nên quyết định rằng vật lưu niệm nhỏ mà chúng tôi tặng anh sẽ mãi mãi thoả mãn mục đích đó".
Với những ngón tay chợt vụng về, Dax mở chiếc hộp da nhỏ. Chiếc nhẫn vàng gắn mặt đá đỏ ánh lên mặt anh. Dax nhận ra ngay. Đó là chiếc nhẫn của khoá học anh, khoá năm 1939. Anh nhìn mọi người, hiểu rằng họ phải kỳ công lắm mới đánh được chiếc nhẫn này. Thường thì chiếc nhẫn này chỉ có cho những người hoàn tất năm cuối cùng. Mà Dax thì còn tới hơn hai năm nữa.
Rồi Caroline đến bên, và khi hôn vào má cô thì anh quá ngạc nhiên thấy cô đang khóc.
Dax cùng Mèo Bự đứng tựa lan can tàu khi những dẫy núi của Corteguay xuất hiện trong sương sớm.
"Về nhà rồi!" Mèo Bự đầy phấn khích, tay bỗng đặt lên vai Dax. "Nhìn kìa, Dax, về nhà rồi!"
Những dãy núi to dần lên, tiếng máy tàu nổ đều dưới chân họ. Giờ đây, họ thấy một mùa đông xanh thắm tươi đẹp, mà thực ra là mùa hè ở Corteguay.
Chợt Dax nghe giọng cha trong tai, như thể anh đang đứng bên ông. "Khi con về, con không còn là một đứa trẻ nữa. Con sẽ là một người đàn ông".
Dax thấy mắt mình nhoà đi và những giọt nước mắt chảy trên má. "Vâng, thưa cha", anh thì thầm.
Nhưng cái điều mà cả hai cha con đều không biết – trưởng thành là cả một quá trình đau khổ và cô đơn.