Chương 17 & 18
Tác giả: Harolds Robbins
"Dax, đây là cha em".
Người đàn ông mặt mỏng, xanh xao, mặc chiếc áo len mỏng bạc màu đứng lên sau chiếc bàn gỗ. Ông đưa tay ra. Cái nắm tay của ông mỏng manh, nhưng chặt.
"Tiến sĩ Guayanos" tôi nói.
"Ông Xenos".
Cặp môi ông chuyển động như thể ông đang trong tình trạng căng thẳng. Ông liếc vài người khác trong phòng, những người đang lặng lẽ nhìn chúng tôi. "Ông đã gặp chú em tôi" ông nói. "Còn đây là người mà tôi hoàn toàn tin cậy".
Tôi gật đầu, hiểu lý do ông không đề cập đến tên người đó. Vì tôi đã nhận ra ông ta, Ablerto Mendoza, nguyên sĩ quan quân đội, mà đã co 'lần tôi gặp trong một tiệc chiêu đãi. Không hiểu ông ta có biết là tôi đã nhận ra không.
Chúng tôi đứng ngượng ngập một lát, rồi Guayanos quay sang những người khác. "Xin lỗi các bạn. Tôi muốn nói chuyện riêng với ông Xenos".
Mendoza ngập ngừng nhìn chúng tôi.
"Ổn thôi" Guayanos vội nói. "Tôi chắc ông Xenos không có ý hại tôi".
"có thể không" Mendoza nói với giọng không thân thiện. "Nhưng chiếc xe có thể đã bị bám đuôi. Tôi không tin Prieto…"
Người em của Guaynos gạt phắt đi. "Xe không bị bám đuôi. Tôi đảm bảo".
"Làm sao biết được?" Mendoza hỏi. "Anh bận lái xe mà".
Tôi lặng thinh. Chẳng có gì để nói cả. Tôi đã để cho họ bịt mắt theo đề nghị của Beatriz. Tôi thậm chí cũng không biết là đang ở đâu.
"chúng tôi không bị bám đuôi" Beatriz nói. "Tôi nhìn qua cửa sau suốt dọc đường".
Mendoza phóng cái nhìn sưng sỉa vào tôi rồi lặng lẽ bước ra. Beatriz và ông chú cùng theo sau. Khi cánh cửa khép lại, tiến sĩ Guayanos nhìn tôi. "Mời anh ngồi".
"Cảm ơn" tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện ông.
"Tôi biết cha anh" ông nói. "Một người vĩ đại và một người yêu nước đích thực".
"Cảm ơn ông".
Ông ngồi vào ghế của mình. "Giống như cha anh, thoạt tiên tôi đã bị Tổng Thống mê hoặc. Rồi ảo tưởng tan vỡ trong tôi". Ông liếc xuống bàn tay trắng toát của mình. "Tôi không thể hiểu được vì sao cha anh lại không chống lại Tổng Thống".
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông. "Vì cha tôi tin là máu đổ đã đủ ở Corteguay. Ông không muốn lại bắt đầu nữa. Ông tin rằng ,trước hết, đất nước phải được tái thiết. Ông đã dành cả đời mình cho mục tiêu đó".
"Tất cả chúng ta đều đã như ông" Guayanos nói. "Nhưng sau một thời gian thì thậm chí một người ngu nhất trong chúng ta cũng thấy rằng tất cả những gì mình làm là chỉ để duy trì quyền lực vĩnh viễn của Tổng Thống mà thôi. Ông ta chiếm tất cả những gì đã đạt được".
"Tôi không thấy có điều gì sai trái ở đây cả. Cứ như những điều mà tôi thấy ở các nguyên thủ quốc gia trên thế giới thì họ cũng đều làm hệt như vậy. Và, hãy nói cho tôi biết điều này, thưa tiến sĩ. Sẽ đạt được là bao nếu không có Tổng Thống?"
Guyanos không trả lời. Tôi tiếp "Ngày nay, con em chúng ta đều được đến trường cho đến khi chúng mười bốn tuổi. Trước khi Tổng Thống nắm quyền lực thì chỉ có cánh nhà giàu mới học hành đến đấy được. Ngày nay, bốn mươi phần trăm dân chúng biết chữ, trước đó chỉ cỡ ba phần trăm…"
Guayanos xua tay. "Tôi biết những thống kê ấy" ông mệt mỏi nói "Nhưng nó không biện hộ cho tham nhũng và tài sản cá nhân mà Tổng Thống đã lượm được từ sự trả giá của nhân dân".
"Tôi đồng ý. Nhưng vẫn là một cải thiện lớn so với quá khứ, khi mà chẳng có gì lọt xuống cả".
Tôi thò tay vào túi lấy thuốc lá và thấy ông giật mình. "Tôi hút thuốc được không?"
Ông thoải mái. "Tất nhiên".
Tôi châm thuốc. "Nhưmg thảo luận về quá khứ chẳng bao giờ chứng minh được cái gì cả. Mối quan tâm của chúng ta phải hướng tới tương lai. Tôi nghĩ là ngay Tổng Thống cũng phải đi đến kết luận ấy".
"Tại sao bỗng lại là bây giờ mà không phải là trước đây?" Guyanos hỏi. "Hầu như ông ta chẳng quan tâm gì đến quá khứ, trừ việc bảo tồn quyền lực của chính mình".
"Để trả lời được câu hỏi đó thì tôi phải chui vào đầu ông ấy để biết ông ấy nghĩ gì. Cảm giác của tôi là ông ấy đã bắt đầu nhận ra mình không phải là bất tử. Ông ấy muốn được nhớ đến như một ân nhân."
Guayanos nói thẳng. "Tôi không tin thế. Tôi nghĩ là ông ta sợ hãi. Sợ hãi vì sự giận dữ của nhân dân, vì họ theo bọn cướp, vì thực tiễn rằng cuộc bạo loạn đang bắt đầu đe doạ".
"Nếu ông thực sự tin thế, thưa tiến sĩ Guayanos, thì ông nhầm. Tổng Thống là một trong vài người mà tôi biết không thèm biết đến ý nghĩa của sự sợ hãi. Hơn nữa, ông ấy thông minh, và có suy nghĩ, nhận ra rằng những người mà ông gọi là phiến loạn thì vẫn là những người mà đã bao năm bị gọi là bọn cướp, những người mà sự tồn tại của họ chỉ để cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc. Nhưng tình hình đầy biến động, và nhìều người nữa sẽ chết một cách không cần thiết, để đạt được điều mà có thể đạt được bằng các biện pháp hoà bình".
Guayanos nhìn tôi. "Anh nói y hệt cha anh".
"Tôi sẽ không phải là con ông ấy, nếu tôi không làm thế".
"Có nghĩa là anh cho là Tổng Thống thành thực trong bầu cử và ân xá à?"
"Vâng. Tại sao ông ấy lại phải thấy thêm đổ máu? Ông ấy biết rằng bất ổn sẽ kìm hãm tiến bộ của đất nước. Nếu không vì bọn cướp thì chỉ ngành du lịch thôI đã có thể cộng thêm năm mươi triệu đô la mỗi năm cho thu nhập quốc dân".
"Đã định ngày bầu cử chưa?"
Tôi lắc đầu. "Để làm gì? chẳng có ai ra ứng cử ở phe đối lập cả. Một cuộc bầu cử với chỉ một ứng cử viên thì là trò hề".
"Sẽ có đảm bảo gì cho an toàn của phe đối lập?"
"Ông cần đảm bảo gì?"
"Tự do đi lại trong nước, tự do tiếp cận báo chí và đài phát thanh, quyền tự vệ với những người do tôi lựa, có thể là người nước ngoài, và cuộc bầu cử phải được một tổ chức trung lập giám sát, như là Liên Hợp Quốc hoặc Tổ chức Liên bang Hoa Kỳ".
"Đối với tôi, điều đó là hợp lý" tôi nói. "Tôi sẽ chuyển đề nghị của ông cho Tổng Thống. Bây giờ tôi xin phép được đề nghị ông đôi điều".
Ông thận trọng gật đầu.
"Ông có đảm bảo được rằng tất cả những chống đối bất hợp pháp đối với chính phủ sẽ được chấm dứt không?"
"Tôi không thể đảm bảo như vậy ,anh biết rồi. Liên hệ của tôi với các nhóm đều lỏng lẻo, mong manh thôi. Nhưng tôi sẽ nói điều này. Sẽ không có chống đối từ nhóm của tôi, và tôi sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với các nhóm khác".
"Cảm ơn ông. Đấy chính là điều tôi muốn thấy".
"Tôi cũng không mong muốn thấy thêm đổ máu".
Tôi đứng lên. "Vì đất nước chúng ta, hãy hy vọng là sẽ không có".
Trước khi mở cửa, ông nhìn tôi. "Tôi quên không cảm ơn anh, vì những điều anh đã làm cho chú em tôi. Ông ta là người nóng tính, đôi khi làm những điều ngu xuẩn".
"Beatriz đã giải thích điều đó" tôi nói "còn tôi chỉ làm điều mà tôi cho là đúng".
Trong một thoáng, Guayanos như muốn nói thêm điều gì, nhưng rồi ông mở cửa, nói to. "Ông Xenos và tôi đã xong".
Rồi ông quay lại, lấy làm tiếc, nói "Tôi hy vọng anh không phiền lòng nếu như lại phải bịt mắt trên đường về".
Tôi lắc đầu .
Beatriz bước đến tôi ,tay cầm tấm băng đen. Tôi cúi xuống để cô dễ dàng hơn. Khi cúi, tôi thoáng thấy mặt Mendoza sau vai cô, và chợt hiểu vì sao anh ta đã ứng xử với tôi như vừa rồi. Lý do không hoàn toàn chính trị. Anh ta yêu Beatriz.
Khi bỏ tấm băng ra, chúng tôi đã ở cửa nhà hàng Reuben. Tôi chớp mắt khi nhìn Beatriz. "Em vào uống ly cà phê nhé?"
Cô ngập ngừng. "Có lẽ là em nên quay về".
Tôi cầm tay cô. Cô để tôi nắm tay ,nhưng không nắm lại. "Anh phải gặp em" tôi nói. "Một mình. Chứ không thế này".
Cô lặng thinh.
"Beatriz, như đêm đó anh đã nói, anh không đùa đâu".
Cô nhìn tôi, nước mắt như làm mờ màu xanh của cặp mắt. "Em…em chẳng hiểu gì anh cả". Cô rụt tay lại. "Anh nên đi đi".
Tôi lặng lẽ ra khỏi xe.
"Dax, cha em an toàn chứ? Đúng như anh nói chứ?"
"Đúng, Beatriz, đúng như anh nói".
"Nếu có điều gì xảy ra với ông" giọng cô khản đặc. "thì em sẽ vĩnh viễn tự trách mình".
Tôi dõi theo chiếc xe rẽ về hướng Nam trên đại lộ Madison. Lần đầu tiên tôi cảm thấy rã rời, chán nản. Một cảm giác mờ nhạt về ngày tận thế như lơ lửng trên đầu. Tại sao mình lại cảm thấy thế nhỉ?
Tôi vào nhà hàng, kêu một ly. Ngụm whiskey cháy bỏng trên đường xuống bao tử và tôi thấy như mình bị nhấc bổng lên. Nhưng đấy chỉ là ảo giác. Trong tương lai không xa lắm, tôi chợt nhớ những lời của mình mà không hiểu vì sao tôi lại có thể ngu xuẩn đến thế, khi hứa mà không giữ được lời.
Chương 18
Tổng Thống lặng lẽ nghe trong khi tôi kể cho ông qua điện thoại về cuộc gặp gỡ với tiến sĩ Guayanos. Tôi liệt kê các điều kiện mà ông ta yêu cầu, và khi đọc đến điều cuối cùng, về một quan sát viên trung lập, thì có một lát lặng thinh. Rồi Tổng Thống gầm lên trong điện thoại. "Con chó hoang! Hắn đòi đủ thứ, trừ lá phiếu của ta!"
Tôi suýt bật cười. "Tôi có cảm giác như ông ta muốn đề nghị cả điều đó, nếu như nghĩ là có thể được".
"Anh thấy thế nào? nếu ta đồng ý thì hắn có về không?"
"Tôi nghĩ thế".
"Ta không thích một điều. Nếu ta đồng ý để quan sát viên trung lập vào thì cũng chẳng khác gì tự công nhận là mình sai".
"Thì có khác gì?" tôi hỏi. "Ông không mong ông ta thắng, phải không? Thắng lợi của ông chỉ chứng tỏ rằng ông được đa số nhân dân tín nhiệm mà thôi".
"Đúng thế. Thôi được , ta đồng ý với các điều kiện của hắn, song có thêm một điều kiện của ta. Và điều kiện này không liên can gì đến hắn, mà chỉ là anh".
"Gì đấy ạ?"
"Anh sẽ liên danh với tôi như một tiến cử của tôi cho chức phó Tổng Thống. Điều này đã ấp ủ trong tôi lâu rồi. Tôi không sống mãi. Tôi muốn chắc chắn là chính phủ sẽ tiếp tục nằm trong tay những người tử tế".
Đây là điều tôi không tính đến, và miễn cưỡng nhận ra tôi đã bị ông già bỏ rọ. Nếu tôi thực sự tin vào điều mình đã nói, thì tôi phải đi với ông. Và nếu tôi đi với ông thi đương nhiên tôi bị gạt ra một cách hữu hiệu trong vị trí một ứng viên đối lập trong tương lai.
"Anh còn ngần ngại gì?" ông hỏi.
"Tôi quá ngạc nhiên và tràn đầy vinh dự. Nhưng ông có cho là mình đã quyết định đúng không? Tôi có thể là một cản trở cho ông. Ở nhà có quá nhiều thế lực không chấp nhận tôi".
Tôi không cần kể các nguyên nhân. Ông hiểu hết, y hệt tôi. Nhà thờ là một ví dụ. Không chủ nhật nào trôi qua mà tôi lại không bị khiển trách trên các bục giảng kinh như một kẻ phóng túng , một playboy.
"Nếu ta không quan tâm" Tổng Thống hỏi "thì tại sao anh lại phải quan tâm?"
"Thưa ngài, tôi rất sung sướng và vinh dự được nhận sự tiến cử hào phóng của ngài."
"Tốt" giọng ông nhẹ hẳn đi. "Vậy anh có thể báo cho thằng phản bội ấy rằng điều kiện của hắn được chấp nhận. Và ngày bầu cử sẽ là chủ nhật Lễ Phục sinh".
"Cảm ơn ngài. Tôi sẽ báo viết ông ta như thế".
"Làm đi. Ta chờ điều anh nói với hắn rồi sẽ công bố báo chí". Ông cười thoả mãn. "Anh đã làm tốt, mà ta cũng chưa bao giờ mảy may nghi ngờ cô quá sẽ không dễ bảo trong tay anh".
Miệng tôi đắng ngắt khi đặt điện thoại xuống. Ai cũng tính toán đâu ra đấy cả. Kẻ Yêu thích nền Văn hóa La tinh số một. Tôi gạt phiền muộn khỏi đầu rồi với điện thoại để gọi cho Guayanos. Rồi tôi nhận thấy không có cách gì để tiếp cận ông, cho đến khi ông sẵn sàng liên hệ với tôi. Tôi nhìn xuống cuốn lịch để trên bàn.
Mồng tám tháng Giêng. Tôi hơn là ông nên liên hệ ngay, bằng không thì cuộc bầu cử sẽ qua đi mà thậm chí ông không hay biết mình đã là một ứng cử viên.
Lúc đó là bốn giờ khi tôi trở lại bàn làm việc ở lãnh sự quán từ một trong những cuộc họp tràng giang đại hải của Liên Hợp Quốc. Cuối cùng thì tôi không chịu nổi và đã chuồn ra giữa chừng. Trên bàn có tin nhắn của Thượng nghị sĩ gọi đến. Tôi nhấc điện thoại lên.
"Tôi cho là mình có tin vui cho ông đây" Thượng nghị sĩ nói. "Ông có thể xuống đây sớm nhất vào lúc nào?"
Tôi nhìn vào đồng hồ để bàn. "Tôi có thể lên chuyến máy bay sáu giờ. Như thế có muốn quá đối với ông không?"
"Không" ông trả lời. "vừa đẹp đấy. Ông sẽ đến đây vào lúc tám giờ. Đến thẳng nhà tôi dùng bữa tối luôn".
Ngoài Thượng nghị sĩ và tôi còn có ba người khác. Vợ ông không ngồi cùng, uống xong một ly, bà cáo lui lên gác. Tôi nhìn quanh bàn khi tất cả ngồi xuống. Điều mà Thượng nghị sĩ sẽ nói với tôi phải quan trọng, nếu không thì những người này không cần ở đây. Ở bên phải tôi là thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Mỹ La tinh, và đối diện tôi là các trưởng ban đối ngoại của Thượng và Hạ viện.
"Chúng ta có thể bắt đầu sau bữa ăn, hoặc là cùng với món súp" Thượng nghị sĩ nói. "Tôi có thể thảo luận trong bữa ăn".
"Xin tuỳ các vị" tôi nói.
"Vậy có thể bắt đầu" Thượng nghị sĩ nói. "Tôi đã có một số buổi thảo luận với các vị đây về tình hình Corteguay. Tôi đã nói với họ rất chi tiết về cuộc thảo luận của chúng ta. Và họ cũng đầy ấn tượng như tôi. Nhưng chúng tôi thoả thuận rằng có một số vấn đề phải hỏi lại để làm rõ suy nghĩ của mình".
"Xin các vị cứ hỏi".
Trong vòng hai mươi phút sau đó, tôi trả lời một loạt các câu hỏi, và ngạc nhiên thấy họ đầy đủ thông tin hơn tôi nghĩ nhiều. Không một sự kiện gì từng xảy ra ở Corteguay trong vòng hai mươi lăm năm qua mà họ không biết.
Cuối cùng, chúng tôi ngồi lại trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau hiếm hoi vốn không thường xảy ra trong những cuộc họp kiểu này. Họ đã thành thật đến tàn bạo trong những câu hỏi của họ, và tôi đã thẳng thắn đến đau lòng trong những câu trả lời của mình. Thượng nghị sĩ nhìn tôi một lát rồi liếc quanh bàn, như đề nghị họ cho phép. Từng người một gật đầu và ông quay sang tôi.
"Như ông đã biết" ông nói "đề nghị vay hai mươi triệu đô la của ông đã bị đá đi đá lại một thời gian".
Tôi gật đầu.
"Đó là vì chúng tôi không biết chính xác mình phải làm gì. Chúng tôi biết rằng chính phủ hiện thời của nước ông từng ngập trong tham nhũng và khủng bố chính trị. Ở nhiều bộ phận trong chính phủ nước tôi, nói một cách thành thật, coi chính phủ của ông là một ví dụ kinh điển của chủ nghĩa phát xít, và Tổng Thống của ông thì không hơn gì những tay độc tài khác".
Tôi lặng thinh.
"Với những mâu thuẫn ấy, ông có thể hiểu được sự khó khăn trong lựa chọn của chúng tôi. Nhưng với thoả thuận của các vị ngồi đây, tôi đánh bạo đưa ra đề nghị này"
Tôi nhìn ông, cặp mắt ông thẳng thắn và nghiêm chỉnh.
"Chúng tôi sẵn sàng tài trợ một khoản vay cho Corteguay với điều kiện sau được thoả mãn. Nếu Tổng Thống của ông sẵn sàng đứng sang một bên, vì quyền lợi của đất nước ông, và nhường lại vị trí đó cho ông, thì sẽ không còn khó khăn gì trong việc dựa vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ".
Tôi chậm chạp nhìn quanh bàn. Mọi người tò mò nhìn lại tôi. Cuối cùng tôi tìm được lời nói mà tôi muốn.
"Cá nhân tôi, thưa các vị, tôi xin cảm ơn vì sự tín nhiệm này. Nhưng ở cương vị đại diện cho đất nước tôi, thì tôi cực kỳ phẫn nộ, vì các vị cho rằng tiền của các vị đã cho phép các vị can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Và cuối cùng, nói về Tổng Thống của tôi, thì tôi không thể trả lời cho những gì ông sẽ làm, nhưng tôi có thể báo để các vị biết về điều mà ông vừa làm sáng nay".
Giờ thì họ bắt đầu hưng phấn. Bản năng của họ, được kinh nghiệm mài sắc, đã báo cho biết rằng họ đã hầu như bước vào một cái bẫy.
"Sáng nay, tôi đã chấp nhận đề nghị của Tổng Thống, là tôi sẽ liên danh với ông như là một ứng cử viên phó Tổng Thống trong cuộc bầu cử được tổ chức vào chủ nhật Lễ PHục sịnh đối lập với Tổng Thống sẽ là tiến sĩ Guayanos. Ông, và Tổng Thống của chúng tôi đã thoả thuận một số điều cơ bản của cuộc bầu cử, mà quan trọng là nó sẽ được tiến hành dưới sự bảo trợ vô tư của Liên hợp Quốc hoặc Tổ chức Liên bang Hoa Kỳ".
Thượng nghi sì thiểu não nhìn tôi. "Ông không nói với tôi điều đó qua điện thoại".
"Ông không dànhcho tôi cơ hội để nói".
Mặt ông trở nên nghiêm trọng. "Ông có cho rằng Guayanos có cơ hội nào không?"
Tôi lắc đầu. "Cơ hội cũng ngang với câu tục ngữ mò kim đáy biển mà thôi".
"Trong chính trường thì chẳng có gì chắc chắn cả". Hạ nghị sĩ ngồi đối diện tôi nói.
"Nếu Guayanos thắng thì tôi không chắc là mình thích lắm" Thứ trưởng Ngoại giao nói. "Tôi không thích cái lối chơi quá gần gũi với cộng sản của ông ta. Ví dụ như Mendoza chẳng hạn, anh ta như có chìa khoá riêng để vào Kremlin".
Tôi cố giấu sự ngạc nhiên của mình. Đấy là điều tôi không biết. Nhưng giờ thì ít nhất tôi cũng thấy được mối quan hệ giữa Guayanos và Đại bàng. Từ trước, tôi không thể nối kết họ với nhau được.
"Tất cả chỉ là lý thuyết" tôi nói "Tổng Thống sẽ thắng".
"Và ông sẽ là phó Tổng Thống?"
"Đúng thế".
Thượng nghị sĩ lại nhìn quanh bàn. "Các vị thấy thế nào?"
Tôi đứng dậy. "Tôi xin ra khỏi phòng nếu các vị cần thảo luận riêng".
Thượng nghị sĩ vẫy ta để tôi ngồi xuống. "Chúng ta đã thảo luận thẳng thắn" ông nói "và đến đây thì tôi không thấy có gì để giấu giếm".
Thứ trưởng nói "Tôi sẵn sàng tiếp tục trên cơ sở mà ông Xenos đã vạch ra".
Những người khác cũng lên tiếng tán thành.
"Vậy là ổn rồi, chúng tôi đồng ý" Thượng nghị sĩ nói. Ông quay sang tôi. "Ông có thể tin vào sự ủng hộ của chúng tôi đối với khoản vay này, ngay khi công bố về cuộc bầu cử được chính thức xác nhận".
Tôi hít một hơi dài. Lần đầu tiên sau bao ngày, tôi đã thúc đẩy được sự việc tiến triển. Nhưng sáng hôm sau thì tất cả tan thành mây khói. Giấc mộng nổ tung khi tôi nhấc điện thoại lên và nghe giọng Beatriz.
Tôi không kìm được sự phấn khích trong giọng mình.
"Anh rất mừng vì em gọi" giọng tôi như lắp bắp. "Bảo cha em rằng anh đã nói chuyện với Tổng Thống và ông đã đồng ý tất cả các điều kiện của cha em" Cô không trả lời. "Beatriz, em có hiểu không?" Vẫn sự yên lặng lạ lùng. "Beatriz?"
Nhưng lần này thì giọng cô cắt ngang lời tôi. Nó căng thẳng kỳ lạ. "Sáng nay anh có xem báo hay nghe radio không?"
"Không, đêm qua anh ở Washington rất muộn, và lăn ra ngủ trên đường về. Anh vừa mới đến văn phòng mà không có cả thì giờ để thay áo nữa".
Giọng cô run lên, rồi bỗng dịu xuống và lạnh hẳn. "Có nghĩa là anh không hề hay biết gì, cho đến lúc này?"
"Về cái gì?" Tôi gắt. "Đừng có ăn nói như đánh đố nữa đi".
Vẫn cái lặng băng ấy trong giọng cô. "Khoảng hai giờ sáng nay, cha tôi xuống nhà để hít thở không khí ngoài trời. Như thường lệ, Mendoza đi cùng ông. Một chiếc xe lao tới, chiếc xe đen. Đạn nhả ra từ trong xe. Mendoza nhận một viên vào cánh tay. Cha tôi chết trên xe cứu thương trên đường đến bệnh viện".
Chợt giọng cô vỡ ra, cái lạnh băng biến mất. "Dax, anh đã hứa! Anh đã hứa rằng sẽ không có gì xảy ra với ông ,rằng ông sẽ an toàn!"
"Beatriz, anh không biết. Tin anh đi! Anh không biết gì hết!" tôi muốn cô tin lời cô, hơn tất cả những gì tôi cần trên đời này. "Em đang ở đâu? Anh phải gặp em!"
"Để làm gì, Dax?" cô hỏi với giọng kiệt quệ. "Để tiếp tục dối trá tôi à? để tiếp tục hứa hẹn mà chẳng bao giờ cần phải giữ lời à? Tôi không cần những thứ ấy nữa".
"Beatriz" Nhưng điện thoại đã câm bặt trong tay. Tôi dập nó xuống, bước ra cửa.
"Bảo Prieto vào đây!" tôi giận dữ gọi rồi đóng sập cửa lại. Chuông điện thoại reo lên. Tôi cầm lên. "Nói đi!"
Giọng cô thư ký của tôi như hãi hùng. "Tôi tưởng là ông đã biết rồi, thưa ông. Ông Prieto đi Corteguay chuyến bay chín giờ sáng nay."
Tôi từ từ đổ xuống ghế, cảm thấy hai bên thái dương giật mạnh. Đầu tôi như đang bị xiết giữa hai hàm của chiếc êtô. Hết. Mọi thứ thế là hết. Toàn bộ công việc, toàn bộ hy vọng, chẳng để làm gì cả. Tôi đặt hai bên thái dương đau nhói giữa hai bàn tay, cố nghĩ, dù cơn đau đầu cứ quặn lên. Tôi phải nghĩ.
Bằng cách nào đó Prieto đã tìm ra nơi ở của Guayanos. Và cách duy nhât hắn có thể làm được là thông qua tôi. Không biết hắn làm thế nào, nhưng tôi không nghi ngờ khả năng ấy của hắn. Tôi còn nhớ những gì hắn và Hoyos đã làm ở Florida với tôi. Lẽ ra tôi phải hiểu rằng hắn sẽ tìm đủ cách để thực hiện, và phải tống hắn về trước khi hắn có thể tạo ra sự phá hoại khủng khiếp này.
Nhưng không. Tôi đã tưởng mình là người tinh khôn. Tôi đã quá chắc chắn là mọi thứ sẽ xảy ra đúng như cách tôi muốn. Và Prieto không dám chống lại tôi. Vậy đấy, tôi đã chẳng sắc sảo gì, ngu xuẩn là đàng khác. Tổng Thống mới thực khôn ngoan. Ông đã đưa Prieto đi làm cái việc mà ông biết tôi không làm.
Tôi chợt thấy buồn nôn và chạy vào phòng tắm nôn oẹ cho đến khi không còn gì trong bao tử. Rồi tôi lau mặt và trở lại bàn. Tôi rơi mình xuống ghế, hít một hơi dài.
Trong trạng thái giận dữ đến cực độ, tôi hầu quên khuấy điều quan trọng nhất vẫn chưa hoàn thành.
Súng đạn phải được ngăn chặn.