Chương 3 & 4
Tác giả: Harolds Robbins
Diogenes Alejandro Xenos. Cái tên quá dài đối với một thằng cu con. Thoạt tiên, mẹ tôi vẫn gọi tôi là Dio. Nhưng rồi bố tôi phát bẳn lên. Ông cho thế là phạm thượng. Rồi ở đoạn nào đó, nó biến thành Dax. Tôi nghĩ La Perla là người đầu tiên gọi tôi thế. Âm Hy Lạp của Diogenes quá khó đối với khẩu ngữ Anh-điêng của bà.
Bố tôi sinh ra ở thành phố duyên hải Curatu, do một thuỷ thủ Hy Lạp và một đàn bà da đen, người bán hàng ăn gần bến cảng, nơi thuỷ thủ vẫn ăn uống khi họ lên bờ.
Tôi còn nhớ đã có lần bố cho tôi xem tấm hình ông bà nội tôi. Dù đang ngồi, rõ ràng là bà tôi cao hơn ông tôi, người đứng bên và hơi lùi sau ghế bà. Mặt bà tôi như rất đen, bà nhìn vào máy ảnh với thế đĩnh đạc, biểu hiện cả nội lực lẫn ý chí. Ông tôi có cặp mắt của con người mơ mộng, một nhà thơ, mà thực ra ông đã từng, trước khi ông ra biển.
Bố tôi mang nước da của bà cụ thân sinh, và có cặp mắt dịu hiền của ông cụ. Ông từng rất yêu quý cha mẹ. Ông kiêu hãnh kể với tôi rằng bà nội tôi xuất thân từ hoàng phái Bantu, người đã bị đưa đến đây làm nô lệ và, ông cụ thân sinh ra bà thì đã dấn thân vào cuộc sống thế nào khi những người nô lệ được giải phóng, để có được chút đỉnh giáo dục.
Jaime Xenos. Bố tôi được đặt tên theo họ ông ngoại của ông. Khi bà tôi có mang quá to, không bán được quán ăn nhỏ nữa, thì ông tôi thay. Nhưng đấy không phải là công việc của ông. Trước khi bố tôi đầy tháng, cả cái quán ăn nhỏ lẫn tất cả những gì bà tôi từng kiếm và dành dụm, đã được bán đi.
Ông nội tôi, người viết chữ đẹp, khi đó đã trở thành thư ký cho quận trưởng quận cảng, và mọi người đã dời đến căn nhà nhỏ cách cảng khoảng hai cây số, nơi họ nuôi dăm con gà, nhìnra biển Caribe xanh thẳm và ngắm những con tàu ra vào cảng.
Họ không có nhiều tiền, nhưng ông bà nội tôi rất hạnh phúc. Bố tôi là con một và ông bà có những hoạch định lớn cho con trai. Ông nội tôi đã dạy đọc và viết từ khi bố tôi lên sáu và qua quận trưởng, đã đưa được ông vào trường dòng, nơi con cháu của các quan chức và giới quý tộc thụ giáo.
Để đền đáp lại vinh dự này, bố tôi phải bắt đầu mỗi ngày của mình vào lúc bốn rưỡi sáng. Công việc của ông là đổ các thùng rác và quét các phòng trước khi lớp học bắt đầu. Các phận sự này kéo dài thêm khoảng ba tiếng đồng hồ nữa sau khi tan học, vào lúc sáu giờ, cộng thêm bất cứ đòi hỏi nào khác của các nhân viên và thầy giáo.
Đến tuổi mười sáu, bố tôi đã học hết tất cả những gì nhà trường có thể giáo huấn. Ông được thừa hưởng dáng vóc của nhà ngoại – cao đến sáu bộ - và đầu óc ham hiểu biết của ông nội tôi. Ông là học sinh sáng láng nhất toàn trường.
Một hội nghị lớn được tổ chức giữa các thầy dòng lãnh đạo nhà trường và ông nội tôi, để cuối cùng đi đến quyết định là bố tôi phải được gửi đến trường đại học để học luật. Vì đồng lương thư ký của ông ngoại quá ít ỏi để có thể trả được học phí này, hội nghị cũng thoả thuận rằng các thầy dòng sẽ trích quỹ học bổng có hạn của nhà trường để trợ giúp. Nhưng ngay cả như thế cũng vẫn không đủ để trang trải học phí, nếu như ông quận trưởng, người mà ông nội tôi làm việc dưới quyền, không đồng ý chi bù vào chỗ thiếu để đổi lấy một giao kèo năm năm làm việc khi bố tôi học xong.
Vậy là ông bắt đầu hành nghề luật bằng sự làm việc không lương tại văn phòng của quận trưởng, nơi bố ông là một thư ký, trong căn phòng tối mù và ẩm thấp, ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu mà chép lia lịa những khởi tố, tóm tắt và kết luận…Chính ở đó, nơi bố tôi đang làm việc, ở tuổi hai mươi ba, và vào năm thứ ba của giao kèo, thì trận dịch ập đến Curatu.
Nó đến trên một con tàu với những cánh buồm trắng sạch sẽ, lướt đi như tung tăng trên những ngọn sóng nhỏ phủ kín vùng nước xanh trong của bến cảng. Nó ẩn náu trong những khoang tàu thâm như bí ẩn và trong vòng ba ngày, gần như ba nghìn sinh linh của thành phố đều bị chết hoặc đang ngắc ngoải.
Buổi sáng đầu tiên ấy, khi ông quận trưởng bước vào, bố tôi đang ngồi bên bàn làm việc. Ông già băn khoăn ra mặt nhưng bố tôi không hỏi gì. Ông cúi đầu trên bộ luật, vờ như không để ý.
Ông quận trưởng bước tới phía sau, nhìn qua vai xem bố tôi đang làm gì. Một giây sau ông nói "Jaime?"
Bố tôi nhìn lên. "Vâng, thưa ngài?"
"Anh đã đến Bandaya bao giờ chưa nhỉ?"
"Thưa ngài chưa ạ".
"Có một vấn đề ở đấy", quận trưởng nói, "Về quyền đất đai. Ông bạn tốt Rafael Campos của tôi có chuyện bất đồng với giới chức địa phương." Bố tôi kiên nhẫn chờ đợi. "Đáng ra tôi phải đích thân đi", quận trưởng nói "Nhưng ở đây còn có nhiều vấn đề gấp…" Giọng ông ta hụt đi.
Bố tôi không trả lời. Qua công việc văn phòng ông biết ở đây chẳng vấn đề nào thực sự quan trọng cả. Nhưng phải đi sáu trăm cây số để đến Bandayz trên miền thượng du, mà đường xá thì hãi hùng. Ngoài ra là những đồn đại về bọn cướp lang bạt khắp miền đồi núi để trấn lột hành khách.
"Đấy là một vấn đề rất quan trọng" quận trưởng nói tiếp. "Và Campos là một người bạn cố tri. Tôi muốn ông ấy có được một bảo lãnh". Ông ngừng một giây và cúi nhìn bố tôi. "Tôi nghĩ rằng anh đi ngay được sáng hôm nay thì tốt. Tôi đã thu xếp cho anh một con ngựa trong đàn ngựa của tôi".
"Vâng, thưa ngài", bố tôi đứng dậy. "Tôi về nhà thu xếp vài thứ. Tôi sẽ sẵn sàng ra đi trong vòng một giờ đồng hồ".
"Anh biết chuyện ấy rồi chứ?"
Bố tôi gật đầu. "Tất nhiên, thưa ngài. Hai tháng trước tôi đã làm đơn theo yêu cầu của ngài".
Ông quận trưởng thở dài nhẹ nhõm. "Tất nhiên. Tôi quên khuấy đi mất". Ông không hề quên. Ông biết từng hồ sơ tóm tắt của luật sư bào chữa, từng đơn từ kiến nghị do văn phòng ông phát ra từ mấy năm nay đều do bố tôi viết. "Anh sẽ xin lỗi ông Campos giùm cho tôi, do tôi không đích thân đến được chứ?"
"Tất nhiên, thưa ngài", bố tôi đoan chắc. Rồi ông đi ra phòng ngoài, nơi ông nội tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cao mà chép một bản nghị án.
"Chuyện gì vậy?" ông cụ hỏi.
"Đi Bandaya, bố ạ".
Ông nội mỉm cười. "Tốt lắm. Một cơ may lớn đấy. Ông Campos là một nhân vật quan trọng. Bố rất kiêu hãnh vì con".
"Cảm ơn bố. Con đi đây. Tạm biệt bố".
"Đi đi, Jaime" ông cụ nói và trở lại với công việc.
Bố tôi lấy ngựa trong tàu ngựa của ông quận trưởng để về nhà thu xếp ít đồ đạc cá nhân. Bằng cách ấy, ông khỏi phải đi bộ hai cây số trở lại thị trấn.
Bà ngoại tôi đang phơi quần áo ngoài sân trước. Bà ngẩng lên khi bố tôi buộc ngựa vào hàng rào. Ông nhanh chóng giải thích là sẽ đi đâu. Giống như ông nội, bà hồi hộp, sung sướng trước cơ may lớn của con trai, bối rối giúp ông chọn hai chiếc sơ mi mới nhất mà bà cất cẩn thận cùng với bộ complê bảnh nhất của ông trong chiếc vali cũ sờn.
Hai người trở ra sân đúng lúc một con tàu với những cánh buồm trắng lung linh lướt qua đê chắn sóng, vào cảng. Bà dừng lại một thoáng, nhìn con tàu trên mặt nước. "Nhìn kìa!" bà chỉ.
Jaime mỉm cười. Mẹ ông từng kể cho ông nghe về những con tàu, về thời bà còn là một cô bé con và ông cụ thân sinh vẫn dẫn bà lên đồi để ngắm những con tàu vào cảng. Lúc về ông cụ thường bảo rằng đến một ngày nào đó, một con tàu lớn với những cánh buồm trắng lung linh sẽ đến để đưa họ về quê hương bản quán, mảnh đất của tự do, nơi con người không phải quỳ gối trước miếng ăn hàng ngày.
Ông cụ thân sinh của bà đã mất từ lâu, nhưng bà vẫn mang giấc mơ ấy. Chỉ có điều là giờ đây, giấc mơ của bà dồn cho người con trai. Chính ông sẽ dẫn dắt họ đến với tự do. Với sức khoẻ và trí tuệ của ông.
"Ông nội chắc phải thích con tàu kia", con trai bà nói.
Bà cười khi họ bước về phía con ngựa đang gặm cỏ mềm bên hàng dậu. "Con là con tàu với những cánh buồm trắng của mẹ". Bà nói.
Bố tôi hôn bà rồi lên ngựa, phi theo con đường phía sau nhà. Đến đỉnh đồi, ông ngoặt ngựa lại, nhìn xuống. Bà nội vẫn đứng nhìn theo ông. Ông vẫy bà. Bà đưa tay lên. Ông cảm thấy hơn là trông thấy bà cười với hàm răng trắng bóng. Ông lại vẫy rồi quay ngựa trở lại hướng đường cái.
Khi đó, ông thấy con tàu đang lướt tới bến cảng, những thuỷ thủ trên các cột buồm như thể đàn kiến dại. Trước tiên là cánh buồm ngọn trắng được cuộn xuống, rồi đến cánh buồm mũi, và khi ông rẽ đi, con tàu nhẹ nhàng áp mạn bến, những cánh buồm còn lại trụt cả xuống, để lại bộ xương những cột buồm dựng đứng.
Hai tháng sau, khi ông trở lại Curatu, con tàu vẫn áp mạn bên bến – một đống gỗ vụn cháy đen mà từng có thời kiêu hãnh vượt bao đại dương, cuối cùng đã đem cái chết hắc ám đến đây. Ông không tìm thấy dấu vết gì của bố mẹ cả.
Khi người hầu đầu tiên báo tin có kẻ lạ mặt cưỡi ngựa từ trên núi xuống phía trang trại, Rafael Campos lấy ống nhòm và đi ra hành lang. Qua ống nhòm, ông thấy người đàn ông da ngăm đen, vận quần áo thành phố đầy bụi, cưỡi con ngựa sẫm màu, đang cẩn thận lần từng bước xuống con đường núi hóc hiểm. Ông gật đầu tự mãn. Người ăn kẻ làm được báo động. Cẩn trọng chẳng phải là thừa khi mà bất cứ thời điểm nào bọn cướp cũng có thể ào từ trên núi xuống.
Ông lại chăm chắm nhìn qua ống nhòm. Người lạ mặt đi ngựa rất cẩn thận. Campos đặt ống nhòm xuống và rút trong túi ra chiếc đồng hồ vàng. Lúc đó là mười giờ ba mươi sáng, phải một tiếng rưỡi đồng hồ nữa người lạ mặt mới đến trang trại được. Khi đó thì đã là giờ ăn trưa. Ông vỗ mạnh hai bàn tay.
"Dọn thêm một ghế ăn trưa nữa", ông bảo gia nhân.
Phải mặt đến hai tiếng đồng hồ trước khi bố tôi đến được trang trại. Don Rafael ngồi trong bóng râm trên hành lang, vận bộ đồ trắng không chê được của giới quý tộc và diềm xếp nếp của chiếc áo lụa trắng cũng như chiếc dải quấn cổ đen chảy dài chỉ điểm tô thêm cho khuôn mặt mảnh mai, tinh tế của ông. Bộ ria ông mỏng dính và được tỉa rõ đẹp theo thời trang Tây Ban Nha hiện đại nhất, còn cặp lông mày của ông thì chỉ là một thoáng màu xám.
Don Rafael đứng lên khi bố tôi xuống ngựa. Ông tỏ ra mãn nguyện khi nhận thấy phục trang của bố tôi đã được chải sạch sẽ và đôi bốt đã được đánh bóng lộn. Bố tôi nhận thấy sự đánh giá nhanh chóng ấy và mừng vì đã dừng bên một con suối để làm cho ngoại hình ông khả dĩ.
Ông Campos ra đầu cầu thang khi bố tôi bước lên. "Chúc mừng ông", ông nhã nhặn nói theo phong tục miền núi.
"Xin vô cùng cám ơn ông", bố tôi trả lời. "Tôi được hân hạnh thưa chuyện với ngài Don Rafael Campos phải không ạ?"
Người đàn ông lớn tuổi gật đầu.
Bố tôi cúi chào. "Jaime Xenos từ văn phòng quận trưởng tới phục vụ ngài".
Don Rafael mỉm cười. "Vào đi", ông nói và đưa tay ra. "Anh là khách danh dự của nhà tôi".
"Thưa ngài, đó là vinh hạnh của tôi".
Don Rafael vỗ tay. Một người hầu chạy tới. "Đồ uống lạnh cho khách", ông nói "Và chăm nom con ngựa cho ông".
Ông dẫn bố tôi trở lại bóng râm trong hành lang và mời ông ngồi. Khi ngồi xuống bên chiếc bàn con, bố tôi nhìn thấy một súng trường và hai súng ngắn đặt trên sàn, ngay cạnh ghế ông chủ.
Người đàn ông lớn tuổi thấy ánh mắt của bố tôi. "Ở miền núi, cẩn thận chẳng bao giờ thừa".
"Tôi hiểu" bố tôi nói.
Người hầu mang đồ uống đến. Hai người nâng ly chúc nhau rồi bố tôi bày tỏ lỡI xin lỗi thay cho quận trưởng. Nhưng ông Campos chẳng cần nghe lời cáo lỗi. Với bố tôi, ông còn thoả mãn hơn, ông chắc chắn là toàn bộ công chuyện sẽ được hoàn tất mỹ mãn. Rồi họ vào nhà ăn trưa và sau đó, Don Rafael cáo từ bố tôi để về phòng nghỉ, vì hôm sau họ còn đủ thì giờ để bàn công chuyện. Hôm nay khách của ông phải nghỉ ngơi thoải mái. Vậy là đến bữa cơm tối hôm đó, bố tôi mới thực sự gặp mẹ tôi.
Nhưng từ cửa sổ bên trên hành lang, María Elisabeth Campos đã dõi theo người cưỡi ngựa đi tới cổng trang trại, và cuộc đối thoại dội một cách rõ ràng tới cô trong buổi chiều lặng.
"Anh ta rất cao và đẹp trai, phải không?" một giọng nói từ phía sau cô.
María Elisabeth quay lại. Doria Margaretha, bà cô, người vốn là quản gia trong gia đình kể từ khi bà chị mất, đang đứng phía sau, Elisabeth đỏ mặt. "Nhưng anh ấy đen quá".
"Mang dòng máu da đen", bà cô trả lời. "Nhưng có hề gì. Người ta bảo rằng họ là những người tình và người chồng hết sẩy đấy". Bà tựa qua cô cháu mà nhìn ra khuôn cửa sổ để ngỏ. "Rất đàn ông".
Giọng Don Rafael đề nghị người khách nghỉ ngơi cho tới bữa ăn tối bồng bềnh lên phía họ.
Doria Margaretha rụt đầu lại. Bà nhìn cô cháu gái của mình. "Giờ thì cháu phải lên giường mà nghỉ cả buổi chiều đi", bà nói. "Vị khách của chúng ta mà thấy cháu đỏ dừ và mệt mỏi vì nóng bức thì chẳng còn ra làm sao cả".
María Elisabeth miệng phản đối nhưng vẫn làm theo lời khuyên. Người khách lạ cao lớn, da ngăm đã gây cho cô một ấn tượng mạnh và cô muốn xuất hiện khả dĩ nhất trước mắt ông.
Cuối cùng, các rèm cửa được buông xuống và cô nằm duỗi dài, một mình trong sự mờ tỏ mát mẻ. Cô không ngủ. Ông là một luật sư, cô nghe thấy ông nói vậy. Vậy có nghĩa là ông có phong độ lịch lãm. Không giống như con trai của nông dân và điền chủ quanh trang trại. Họ đều quá thô thiển và tầm thường, ưng súng ống, ngựa nghẽo hơn là những cuộc đàm đạo tinh tế về xã hội.
Vậy là cô phải sớm lựa chọn. Cô đã vượt tuổi mười bảy, mà cha thì đang ép cô lấy chồng. Một năm nữa thôi là cô bị liệt vào loại gái già và phải sống một cuộc đời như Doria Margaretha vậy. Và ngay cả cuộc đời ấy cũng khước từ cô vì cô là con một, không có anh trên em dưới để mà trông nom con cái họ.
Lấy một luật sư thì hay thật, cô thoảng nghĩ khi chìm vào giấc ngủ, được sống ở thành phố, nơi người ta gặp gỡ đủ loại người khác nhau và thú vị.
Bố tôi vô cùng phấn khích trước cô gái quá trẻ, mảnh mai, xuống ăn tối trong bộ đồ trắng thướt tha làm nổi bật cặp môi hồng và đôi mắt đen, to. Bố tôi cảm thấy, hơn là trông thấy, thân hình mảnh mai và bộ ngực căng đầy dưới váy áo cô.
María Elisabeth gần như lặng thinh trong suốt bữa ăn. Cô nghe láng máng giọng quen thuộc của cha và sung sướng lắng nghe giọng nói líu ríu mà nhẹ nhàng của người khách. Tiếng nói miền duyên hải vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với miền núi.
Sau bữa ăn tối, hai người đàn ông sang phòng thư viện hút xì gà và uống cô nhắc, sau đó sang phòng nghe nhạc. Ở đây, María Elisabeth chơi cho họ nghe một vài giai điệu đơn giản. Khoảng nửa giờ sau, cô cảm thấy người khách của họ quá bồn chồn và cô bất đồ chuyển sang nhạc Chopin.
Bố tôi chợt chăm chú lắng nghe. Tình cảm sâu lắng của âm nhạc làm ông rung động và ông chằm chằm nhìn cô gái bé nhỏ gần như bị chiếc đại dương cầm nuốt chửng. Khi bản đàn chấm dứt, ông vỗ tay.
Don Rafael cũng vỗ tay. Nhưng đấy chỉ là lịch sự. Ông cho Chopin quá táo tợn mà thậm chí còn phi luận nữa. Ông ưa thứ âm nhạc đượm buồn thân thuộc hơn những âm hưởng hoang sơ của cái con người mà ông chẳng hề quan hoài.
María Elisabeth đứng lên bên chiếc dương cầm, mặt đỏ ửng, xinh đẹp. "Ở đây nóng bức quá", cô nói và xoè chiếc quạt viền đăng ten nhỏ. "Có lẽ tôi ra ngoài vườn".
Bố tôi đứng dậy tức thì. Ông cúi chào Don Rafael. "Ngài cho phép chứ ạ?".
Don Rafael gật đầu một cách lịch lãm.
Bố tôi đưa cánh tay ra. Cô khoác tay ông một cách thanh nhã và họ bước ra ngoài vườn. Doria Margaretha kín đáo theo sau.
"Cô chơi nhạc hay quá", bố tôi nói.
"Chẳng hay gì đâu", cô cười. "Không có mấy thời gian để tập. Và cũng chẳng có ai để học".
"Đối với tôi thì cô như chẳng còn mấy điều phải học nữa".
"Đối với âm nhạc thì bao giờ cũng còn nhiều điều để học", cô ngước nhìn ông, nói. "Em nghe nói nó cũng giống như luật vậy. Người ta không được phép ngừng học tập, nghiên cứu".
"Đúng. Luật là một ông chủ khắc nghiệt. Nó luôn biến động. Những minh giải mới, những thay đổi mới và cả những điều luật mới diễn ra hầu như hàng ngày".
María Elisabeth thở dài trong thán phục. "Em không hiểu làm sao anh có thể chứa tất cả những điều đó ở trong đầu".
Ông thấy niềm ngỡ ngàng sâu thẳm trong đôi mắt cô.
Đúng nơi ấy và thời điểm đó, mặc dù chẳng hề hay biết, ông đã bị cô thu mất hồn.
Gần một năm sau thì họ lấy nhau, sau khi bố tôi từ Caratu trở lại với tin tức về cái chết của ông bà cụ thân sinh. Chính ông ngoại tôi, Don Rafael, là người đầu tiên đề nghị bố tôi ở lại Bandaya hành nghề luật. Ở đấy đã có hai luật sư, nhưng một người đã già và sắp về hưu. Một năm sau đó, gần đúng đến cả ngày, chị tôi ra đời.
Bố mẹ tôi còn hai người con nữa, giữa chị tôi và tôi, nhưng cả hai đều chết lúc đẻ. Khi đó bố tôi trở nên hứng thú học tiếng Hy Lạp. Ông nội tôi có một thư viện khả dĩ và mọi thứ đã được chuyển từ căn nhà nhỏ ở Caratu đến Bandaya.
Chính Doria Margaretha là người đầu tiên kể cho tôi nghe chuyện sinh nở và lễ rửa tội của tôi. Khi các bà đỡ và ông bác sĩ đi xuống và báo tin vui, bố tôi quỳ một gối xuống mà tạ ơn. Trước hết, vì thực tế tôi là con trai (tất cả những người con khác đều là con gái), thứ đến là vì tôi khoẻ mạnh và có thể sống được.
Gần như tức khắc, mọi người bàn tán xôn xao về tên của tôi. Ông ngoại Don Rafael khăng khăng đòi tôi phải được đặt tên theo cụ thân sinh ra ông. Bố tôi, tất nhiên, lại muốn tôi được gọi theo ông nội tôi. Không ai chịu nhường ai.
Mẹ tôi chính là người thu xếp sự bất đồng đầy đe doạ này. "Hãy đặt tên cho nó ngày mai hơn là vì quá khứ", bà nói. "Hãy đặt cho nó một cái tên thể hiện hy vọng của chúng ta về tương lai và đầy ý nghĩa đối với tai người nghe".
Điều này hấp dẫn tính lãng mạn và trí tuệ của bố tôi và cả những thôi thúc gia tộc của ông ngoại tôi. Vậy là bố tôi chọn cái tên DIOGENES ALEJANDRO XENOS.
Diogenes là theo tên một nhân vật đi tìm sự thật trong truyền thuyết, Alejandro là tên kẻ chinh phục thế giới. Giải thích thực đơn giản. Bố tôi tuyên bố khi nâng tôi dưới những giọt nước rửa tội của linh mục. "Với sự thật, nó sẽ chinh phục thế giới".
Chương 4
Tôi thức dậy khi tia nắng đầu tiên le lói vào phòng. Nằm nán trên giường một giây, tôi vùng dậy ra cửa sổ.
Mặt trời mấp mé đường chân trời, đang leo qua dãy núi. Một cơn gió thoảng từ phía tây và tôi rùng mình vì đợt lạnh cuối cùng còn lại trong đêm luồn vào áo ngủ. Bỗng tôi mót giải. Tôi lôi chiếc bô nhỏ dưới gầm giường ra. Tôi dốc bầu tâm sự mà không hiểu liệu bố có cho tôi một cái bô to hơn không, giờ đây, hai đàn ông chúng tôi là những người duy nhất còn lại trong nhà. Đái xong, tôi cảm thấy ấm hơn, đặt lại chiếc bô vào chỗ cũ và trở lại bên cửa sổ.
Bên kia đường phía trước nhà, tôi thấy làn khói nhẹ bốc lên từ những đống lửa nhỏ mà xung quanh là bọn cướp cuộn tròn trong những tấm chăn bẩn thỉu, đang ngủ. Không một động tĩnh, không một âm thanh trong đám họ. Tôi tụt chiếc áo ngủ ra rồi mặc áo quần và đi giày vào. Tôi mặc chiếc áo len Anh-điêng ấm áp mà La Perla đã đan tặng tôi vào ngày sinh nhật, rồi đi xuống nhà. Tôi đói. Đã đến giờ ăn.
Sarah, vốn giúp việc La Perla, đang nhóm lò. Chị ngước lên khi tôi bước vào, khuôn mặt Anh-điêng phẳng lì, vô cảm.
"Tôi đói rồi", tôi nói. "Bây giờ chị có trở thành đầu bếp không đấy?"
Chị gật đầu chẳng nói chẳng rằng. Sarah rất ít nói.
"Tôi muốn ăn ốp lết và jăm bông".
Chị lại gật đầu, với tay lấy chiếc chảo rán đen sì, nặng trịch, nhanh chóng vẩy hai ngón tay mỡ vào chảo rồi đặt lên một trong hai lỗ lò. Rồi chị xắn ba lát từ tảng jăm bông treo bên, cuối cùng đập ba quả trứng vào chảo.
Tôi nhìn mà khâm phục. Chị tốt hơn cả La Perla. Bà sẽ chẳng cho tôi ăn ốp lết. Bà sẽ bắt tôi ăn cháo. Tôi quyết định làm một thử nghiệm cực hạn đối với người bếp mới này. "Cà phê sữa", tôi nói.
Sarah đặt cà phê trước mặt tôi, không nói một lời. Tôi uống soàn soạt sau khi trút ba thìa tú ụ đường đen vào ly. Vị ngọt át được vị cà phê khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ thực sự thích uống cà phê, nhưng nó làm cho tôi cảm thấy mình lớn lên.
Chị đặt đĩa ốp lết trước mặt tôi. Nó được rán già, nóng bỏng và rắn chắc như La Perla từng làm. Tôi chờ ít phút cho nó nguội bớt rồi nhón lên ăn, dõi nhìn Sarah qua khoé mắt.
Chị chẳng hề nói một lời về việc tôi không dùng dao nĩa đã được đặt bên đĩa. Chị cũng chẳng đứng đấy mà nhìn tôi, chỉ có một biểu hiện bí ẩn trong đôi mắt chị. Ăn xong, tôi đứng dậy, ra chỗ vòi bơm, mở nước vào tay và chùi mồm rồi lau khô bằng chiếc khăn mặt vắt ở đấy. "Rất ngon", tôi nói đầy tán thưởng.
Điều gì đó trong cặp mùi mchị nhắc tôi nhớ đến cái nhìn của chị khi bọn cướp sấn đến chị trong hầm rượu. Nó chứa đựng vẫn sự chấp nhận đầy bí ẩn ấy.
Do một kích động nào đó, tôi tiến đến và nâng vạt váy trước của chị lên. Cặp đùi chị không một dấu vết và thảm lông giữa hai đùi như chẳng hề bị xới động.
Tôi buông vạt váy xuống và nhìn vào mặt chị. "Bọn chúng có làm đau chị không, Sarah?" tôi hỏi. Chị lặng lẽ lắc đầu. "Tôi mừng vì chúng không làm chị đau", tôi nói tiếp.
Rồi tôi thấy long lanh tròng nước quanh cặp mắt sẫm mầu của chị. Tôi nắm tay chị "Đừng khóc. Sarah, tôi sẽ không để chúng làm thế với chị nữa đâu. Tôi sẽ giết chúng".
Bỗng hai cánh tay chị ghì xiết lấy tôi, và tôi cảm nhận bộ ngực ấm áp của chị áp vào mặt mình, tai nghe tiếng đập nặng nề của trái tim chị. Sarah nấc lên thổn thức, nhưng hầu như chẳng phát ra lấy một âm thanh. Tôi ắng lặng trong vòng tay chị, tất cả ý nghĩ chỉ là "Đừng khóc Sarah, xin chị đừng khóc".
Một giây sau, chị buông tôi ra, bình thản ném thêm củi vào lò. Chẳng còn gì để nói nữa. Tôi đi ra. Cả nhà im ắng khi tôi đi qua phòng ăn và phòng khách. Tôi bước ra ngoài hành lang.
Bên kia đường đã có động tĩnh. Bọn cướp bắt đầu trở dậy. Tôi nghe tiếng động nhẹ ở cuối hành lang, bèn quay về phía đó.
Phía ấy vẫn còn chìm sâu trong bóng tối, nhưng tôi trông thấy đầu cháy đỏ của một điếu xì gà và hình một người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế của bố tôi. Không phải là bố. Ông không bao giờ hút xì gà vào buổi sớm mai.
Khuôn mặt rõ hơn hẳn khi tôi bước từ ngoài sáng vào bóng tối. Cặp mắt xám nhạt đang chăm chú nhìn tôi. "Xin chào tướng quân", tôi lễ phép.
Ông trả lời cũng nhã nhặn tương tự. "Xin chào người lính", ông rít hơi xì gà nữa rồi cẩn thận đặt nó xuống mép bàn. "Sáng nay cháu có khoẻ không?"
"Cháu khoẻ", tôi trả lời. "Cháu dậy sớm".
"Bác biết. Bác nghe thấy cháu bên cửa sổ trên".
"Bác đã dậy rồi à?" tôi có nghe thấy tiếng động gì đâu.
Ông thoáng mỉm cười, để lộ hàm răng nhỏ, trắng và đều đặn. "Các ông tướng cũng giống như con nít vậy, phải dậy vào lúc bình minh để xem thử mỗi ngày có gì chờ họ chứ".
Tôi im lặng nhìn sang trại lính. "Họ vẫn còn ngủ", tôi nói.
Một thoáng khinh miệt trong giọng ông. "Cánh nhà quê. Họ chỉ nghĩ được đến hai bữa ăn. Họ ngủ ngon vì biết chắc hai bữa ăn sẽ được cung cấp cho họ".
Ông lại cầm điếu xì gà lên. "Cháu đã ăn sáng chưa?"
"Rồi ạ. Sarah đã cho cháu ăn. Chị ấy khóc".
"Phụ nữ vốn hay khóc", ông hờ hững nói. "Rồi sẽ qua thôi"
"Cháu không khóc".
Ông nhìn tôi trước khi nói. "Không, cháu là đàn ông. Đàn ông chẳng có thì giờ để rơi nước mắt vì những chuyện đã rồi".
"Bố cháu khóc", tôi nói. "Hôm qua, ở nghĩa trang". Nhớ lại, tôi thấy tắc nghẹn nơi cổ. Mặt trời tàn, đổ những bóng dài ngang khu mộ chí nhỏ phía sau nhà. Tiếng cót két của cánh cổng sắt đã gỉ. Âm thanh mềm nhão của những cục đất đen ẩm ướt rơi xuống các quan tài và sự ngọt xớt của tiếng La Tinh mà ông linh mục dội vào bầu không khí buổi sớm mai. Tôi nuốt khối nghẹn xuống. "Cháu cũng khóc".
"Điều đó được phép", ông tướng trả lời đầy nghiêm trọng. "Thậm chí bác cũng đã khóc". Ông lại đặt điếu xì gà xuống và đưa tay kéo tôi lại với ông. "Nhưng đấy là hôm qua. Hôm nay chúng ta lại là đàn ông và không có thì giờ cho nước mắt". Tôi lặng lẽ gật đầu. "Cháu là một cậu bé dũng cảm. Cháu làm bác nhớ các con trai của bác". Tôi lặng thinh. "Một đứa hơn cháu mấy tuổi, còn đứa kia kém cháu một tuổi. Bác còn có một bé gái nữa. Nó lên bốn". Ông mỉm cười, kéo tôi lên lòng. "Chúng nó sống trên núi", ông nhìn qua đầu tôi tới những dãy đồi xa xôi. "Ở đó, chúng nó an toàn". Mắt ông quay lại nhìn tôi. "Có lẽ cháu cũng thích đến thăm chúng chứ? Ở trên núi có nhiều việc phải làm".
"Cháu sẽ có một con ngựa con chứ ạ?" Tôi hỏi ngay.
Ông nhìn tôi đầy suy tư. "Không phải bây giờ. Có lẽ khi cháu lớn hơn chút nữa. Cháu sẽ có một con lừa hết sẩy".
"Nó sẽ là của cháu, của chính cháu chứ?"
"Tất nhiên. Ngoài cháu ra, không ai được phép cưỡi nó cả".
"Thế thì thích quá" tôi nói nghiêm chỉnh. "Có lẽ, cháu sẽ rất thích. Nhưng…" Tôi tụt khỏi đùi ông và ngước nhìn ông "Nhưng bố cháu thì sao? Giờ bố cháu chẳng còn ai ngoài cháu".
"Bác cho là bố cháu sẽ đồng ý. Sang năm bố cháu sẽ rất bận, sẽ không có thì giờ để ở đây đâu. Bố cháu sẽ ở chỗ bác".
Lúc này mặt trời đã bò quanh góc hành lang và người ta đã cẩm nhận sự ấm áp của ban ngày. Có tiếng cào khẽ dưới chân chúng tôi rồi đến tiếng trơn truội, như thể có ai đó nấp dưới sàn gỗ. Hầu như trước khi tôi kịp cử động, ông tướng đã đứng lên, khẩu súng lục nằm gọn trong tay. "Ai?" giọng ông gay gắt.
Lại có tiếng cào nữa, rồi đến tiếng ư ử quen thuộc. Tôi nhảy từ hành lang xuống và chui vào gầm. Một cái mũi lạnh và cái lưỡi quen thuộc liếm khắp mặt tôi. Tôi thò tay lôi con chó nhỏ mầu phân bò từ gầm hành lang ra, ôm nó đang cuống quýt trong tay, rồi đứng dậy.
"Cún!" tôi sung sướng kêu lên. "Cún! Nó về rồi!".