Chương 13 & 14
Tác giả: Harolds Robbins
Bánh xe của máy bay khổng lồ chạm đất và Dax quay sang Mèo Bự ngồi bên. "Chúng ta về nhà rồi".
Mèo Bự nhìn qua cửa sổ. Chiếc máy bay đang lăn bánh tới một nhà ga mới. "Tôi không thích. Tôi thích đi biển hơn".
"Vì sao?"
"Từ biển vào, người ta thấy một đất nước bao la, còn từ trên không thì thấy chúng bé nhỏ quá".
Dax cười. "Chúng ta có phải là nước lớn đâu".
"Tôi biết. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi thích nghĩ chúng ta to lớn và quan trọng".
Máy bay dừng lại, Dax cởi dây an toàn. "Thì Coterguay vừa to lớn vừa quan trọng. Nhưng chỉ đối với chúng ta thôi".
Mặt trời chói chang làm họ nhức mắt khi bước ra. Ở chân cầu thang, một sĩ quan bước tới, giơ tay chào. "Ông Xenos?"
"Vâng".
"Đại uý Maroz xin được phục vụ. Tổng Thống nói tôi đưa ông về gặp ngài ngay".
"Cảm ơn đại uý".
"Chiếc limousine đang chờ ông" đại uý Maroz nói, dẫn họ qua các cửa sân bay. "Đã thu xếp cho hành lý của ông rồi".
Với một cái vẫy tay, Maroz đưa họ qua hải quan để bước vào một sảnh đợi lớn. Viên đại uý để ý thấy Dax dõi nhìn những bức mosaic khổng lồ trên tường. "Đẹp, phải không ạ?"
Dax gật đầu. "Rất ấn tượng".
Viên đại uý cười. "Tổng Thống nói nó rất quan trọng đối với khách du lịch. Sân bay phải để lại ấn tượng cho họ".
Dax nhìn xuống khu chờ. Chẳng mấy người, mà hầu hết mặc đồng phục. "Mỗi ngày có mấy máy bay hạ cánh ở đây?"
Đại uý Maroz lúng túng. "Mỗi tuần chỉ có hai chuyến bay quốc tế, một từ Hoa Kỳ và một từ Mexico. Họ dừng ở đây trên đường xuống phía Nam. Nhưng chẳng bao lâu sẽ có nhiều hơn. Và Tổng Thống dự định sang năm sẽ lập hãng máy bay của mình. Nhân dân ta vui mừng lắm".
Dax cho là họ cũng có thể vui mừng, vì kiếm được công ăn việc làm. Đến bên chiếc limousine, đại uý Maroz mở cửa xe. Dax và viên đại uý ngồi ở ghế sau. Mèo Bự ngồi ghế trước , bên tài xế.
Chiếc xe lượn vòng rồi tiến vào xa lộ sáu luồng khổng lồ. Trên đầu họ là tấm biểu ngữ to đùng, ĐẠI LỘ TỔNG THỐNG.
"Đại lộ cũng mới luôn" Maroz nói. "Sân bay dùng làm gì nếu không tiếp cận được?"
"Nó dẫn đến đâu?"
"Đến thành phố, rồi đến cung điện mùa đông mới của Tổng Thống ở trên núi". Đại uý Maroz nhìn ra ngoài xe. "Rất ấn tượng. Tổng Thống nhập một nhóm kỹ sư Mẽo xây đấy ạ".
Còi xe ré lên, chiếc xe to đùng lượn ra để vượt một xe bò chở đầy phân. Dax xoay người nhìn lại. Người nông dân đang gà gật trên chiếc xe thậm chí không ngẩng lên khi họ vượt qua. Dax có thể thấy cả con đường tới sân bay. Không một chiếc xe nào khác đi trên nó.
Giọng viên đại uý bên tai anh. "Thật ra, đã cấm nông dân sử dụng xa lộ này, nhưng không thể ngăn được bọn ngu ấy".
Dax ngả người ra ghế. Trên những cánh đồng họ đi qua, vài nông dân ngẩng lên nhìn, còn hầu hết phớt lờ. Chợt xe đi chậm lại. Dax nhìn lên. Bắt đầu vào thành phố.
"Tôi biết chính xác là bọn Texas ấy nghĩ gì" Tổng Thống nói. "Chúng cho là chúng ta ngu, là trẻ nít, để dắt mũi". Ông đứng lên sau chiếc bàn. "Rồi chúng sẽ thấy ngược lại".
Dax nhìn qua chiếc bàn khổng lồ, Tổng Thống như chẳng thay đổi gì. Nếu có, thì tóc ông lại như đen hơn. Nhuộm chăng?
"Chúng cho là ở đấy có dầu". Tổng Thống tiếp tục "Ừ, cứ để chúng tin vậy. Phải mất nhiều năm nữa để chúng nghĩ khác đi".
Dax ngạc nhiên. "Nhưng còn tìm kiếm thăm dò…"
Tổng Thống cười ngạo. "Cả cánh chuyên gia địa chất nữa. Cũng có thể mua chúng được…"
"Nhưng…"
Tổng Thống mỉm cười. "Ô, họ đúng, thềm lục địa kéo dài suốt bờ biển chúng ta. Song phải cách bờ ba trăm dặm và phải xuống sâu tới hai dặm. Ta nghĩ kể cả cánh Yankee giỏi giang cũng chẳng tìm được giải pháp thực tiễn để mà khoan xuống độ sâu ấy". Ông nhìn Dax. "Nhưng trong khi hiểu ra điều đó, chúng sẽ tiêu nhiều đô la ở đây. Sẽ là một thúc đẩy lớn cho nền kinh tế, và nó cũng làm cho cánh du lịch Mỹ biết đến chúng ta".
Ông đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Rồi ông ra hiệu cho Dax "Ở kia, trên Ngọn đồi của Tình nhân, sẽ là địa điểm tốt để xây một khách sạn, phải không?"
"Nhưng chưa có khách du lịch ạ"
"Sẽ có. Hãng hàng không Pan American đã tiếp xúc với tôi về địa điểm. Họ cho cảnh quan sẽ là tuyệt vời".
"Và họ sẽ cung cấp tài chính chứ ạ?"
Tổng Thống gật đầu. "Tất nhiên".
"Và ai sẽ cấp đất ạ?"
Tổng Thống nhún vai, trở lại bàn. "Trước hết phải thu hồi đất, rồi sẽ cho họ thuê".
"Ai sở hữu đất ạ?"
Tổng Thống nhìn Dax, mỉm cười. "Amparo".
Dax trở lại ghế, ngồi xuống. "Ngài đã nghĩ trọn mọi thứ, con không hiểu ngài gọi con đến làm gì?"
"Anh rất quan trọng cho kế hoạch này. Anh là người duy nhất trong chúng ta biết thế giới bên ngoài. Anh được bổ nhiệm đứng đầu Uỷ ban Quy hoạch Du lịch".
Dax lặng thinh. Tổng Thống nhìn anh. "Tôi biết anh đang nghĩ gì – rằng tôi là lão già bất tín, vô liêm sỉ. Có thể anh đúng. Nhưng tất cả những việc tôi làm sẽ mang lại nhiều tiền, và sẽ nâng cao hơn mức sống ở Corteguay".
Dax đứng lên. Anh cười thầm với ý nghĩ về tên cướp già này đã bịp được tất cả những kẻ tự coi mình là khôn ngoan, lanh lợi. Cánh Texas giàu có và tham lam, Marcel. Vậy những cuối cùng thì có khác gì?
Đối với cánh Texas, đấy chỉ là một bãi giếng nữa không khả thi, và họ sẽ tiếp tục với các giếng khác. Và Marcel sẽ có cả một đội thương thuyền của mình. Chúng sẽ kéo cờ Corteguay và đem lại tiền thuế. Vậy là Corteguay và Tổng Thống sẽ có lời, còn điều gì sẽ xảy ra thì có sao.
'Thưa ngài, ngài không bao giờ làm con ngừng sửng sốt".
Tổng Thống mỉm cười. "Giờ chúng ta phải nghĩ cách để hấp dẫn khách du lịch Mỹ, một cái gì đó để in vào đầu họ rằng Corteguay là một nơi hấp dẫn".
"Ở Hoa Kỳ có những công ty chuyên về những vấn đề này, kêu là những công ty quan hệ quốc tế. Con sẽ liên hệ với một loạt công ty để xem họ đề nghị gì".
"Một ý tưởng tuyệt vời" Tổng Thống ấn nút chuông trên bàn. Cuộc họp xong. "Mời anh đến ăn tối. Chúng ta sẽ nói thêm".
Đại uý Maroz đang chờ ở phòng ngoài. "Tôi mang một lời mời nữa cho ngài" anh ta kính cẩn nói.
"Gì vậy?"
"Từ ngài con gái của Tổng Thống. Bà muốn ngài dùng trà ở chỗ của bà vào năm giờ chiều".
Dax nhìn đồng hồ. Đã hơn ba giờ. Thừa thời gian để chợp mắt một chút, rồi thay quần áo. "Nói với ngài rằng tôi rất sung sướng được gặp lại ngài".
Chương 14
Jeremy Hadley đạp chân ga sát xuống sàn xe và, với tràn trề sức mạnh, nó vụt lao lên đỉnh đồi. Trong một thoáng, nó như treo lơ lửng đến nghẹn thở, với toàn cảnh Riviera trải rộng bên đấy, từ Monte Carlo đến Antibes, rồi nó vút xuống vùng nước xanh thẳm của Địa Trung Hải.
Cô gái ngồi sát lại hơn và chợt anh thấy tay cô trong háng mình. Cặp môi cô hé mở, như thể đang ở đỉnh điểm của sự kích thích tình dục. "Người Mỹ và xe hơi!" cô hét lên trong tiếng rú của gió và động cơ.
Anh cười ngạo nghễ. Bao giờ cũng trúng phóc. Dù họ khuê các đến đâu, dù cho những điều khích bác về người Mỹ thế nào, chỉ cần để họ ngồi bên anh trên hàng ghế trước. Bất kỳ là cái gì – tốc độ, cảm giác mạnh, mùi của giống đực phả ra…đều không bao giờ trật. Anh lại nhìn cô. Có một chỗ bên đường, khoảng gần chỗ ngoặt tới và không nghi ngờ gì nữa, là cô đã sẵn sàng. Cô đổ vào anh, hầu như trước khi anh kịp tắt máy, các ngón tay cô quờ quạng như điên d.ai trên những chiếc khuy không hề có. Anh kéo phecmơtuya xuống, cô thở hổn hển khi tuổi thanh xuân và sức sống của anh bật tung. Rồi cặp môi ướt của cô phủ lên anh.
Mặt trời lặn sau Antibes khi chiếc xe rúc mũi ra đường. Cô trang điểm lại với chiếc gương ở trong xe, và bắt gặp mắt anh khi tô môi xong. Cô ngả người trên ghế. "Em không mong anh tin, nhưng đây là lần đầu tiên em bất tín với chồng".
Jeremy im lặng. Câu trả lời là không cần thiết. Nếu đây là lần đầu tiên thì bằng vào cách của cô, anh chắc chắn sẽ không phải là lần cuối cùng. "Anh không tin à?"
Cô lấy điếu thuốc lá trên miệng anh, rít một hơi, trả lại miệng anh, rồi từ từ nhả khói. "Em cũng không hiểu mình nữa. Em chẳng hiểu cái gì đã vào trong em".
Anh cười. "Anh hiểu. Là anh đấy".
Cô cũng cười. "Đừng đùa nữa. Chuyện nghiêm chỉnh đấy".
"Anh có đùa đâu".
Cô nhìn đồng hồ. "Đến đấy mấy bao lâu hả anh?"
"Anh không biết. Còn tuỳ vào chúng ta làm thủ tục hải quan nhanh hay chậm. Có thể là hai giờ".
"Hai tiếng đồng hồ?" giọng cô thoáng chút hốt hoảng.
"Có ai lục vấn đâu?"
"Chồng em. Anh ấy không thích em đi một mình với anh".
"Anh đã mời hắn cùng đi. Nhưng hắn bảo thích đi thuyền buồm với những người khác hơn".
"Chuyện ấy thì không sao, nhưng anh ấy vẫn muốn biết vì sao chúng ta đi lâu thế?"
"Bảo hắn là chúng ta hết xăng"
Anh bật radio, và âm nhạc từ một đài Ý ào ra. Có thể cắt được cuộc đối thoại, anh nghĩ, rồi liếc sang cô.
Cô ngả người trên ghế, mắt lim dim. Cô đang nghĩ gì. Con gái Đức lạ lắm. Mà Marlene von Kuppen thì kỳ lạ hơn hết.
Nhưng có lẽ điều quái dị nhất ở cô là gã chồng. Fritz Von Kuppen là con trai thứ hai của ông Nam tước già. Cao, tóc vàng, và là sĩ quan Không lực Đức trong chiến tranh, song bị bắn rơi, và giải ngũ ngay khi chiến tranh nổ ra. Lúc mới gặp. Jeremy gần như chắc chắn Von Kuppen là dân đồng tính. Có một cái gì đó trong các vận động của anh ta trên sân tennis. Nó quá cổ điển. Anh ta dễ dàng thắng Jeremy, rồi mời anh về câu lạc bộ nhậu nhẹt. Và anh đã gặp Marlene ở đấy.
"Vợ tôi, ông Hadley" Von Kuppen nói. "Ông Hadley chơi một trận tennis rất chật vật, Marlene ạ".
Jeremy cười, cầm bàn tay cô chìa ra. "Cũng không chật vật lắm, vì chồng bà đã thắng tôi khá dễ dàng".
Marlene cười. "Tennis là thứ duy nhất trên đời Fritz thực sự nghiêm chỉnh".
Anh vểnh tai lên. Có ẩn ý gì không trong câu nói đó? Nhưng người hầu đã bưng đồ uống ra. Trong câu chuyện, anh biết được gia đình Von Kuppen dừng lại ở Ý trên đường đi Riviera thuộc Pháp, và dự đinh sẽ đi tiếp trong vài ngày tới.
Thomas, em trai anh, bước tới. Jeremy giới thiệu em trai rồi hỏi. "Chiếc thuyền ra sao?"
"Thuyền trưởng bảo ông ấy sẽ chuẩn bị mọi thứ. Chúng ta có thể đến Antilbes vào buổi sáng".
"Cha sẽ vui lắm đây. Cậu đi thuyền, tôi lái xe".
"Có phải chiếc thuyền buồm mới mà tôi thấy trong vịnh không?" Von Kuppen hỏi. Jeremy gật đầu. "Từ xa, tôi đã thán phục. Nó đẹp quá".
"Hai người cùng điRiviera mà, sao không cùng lên thuyền với cậu em tôi? Sẽ có dịp xem xét nó".
"Tôi rất thích, nhưng…" Von Kuppen ngập ngừng.
"Tôi e mình là cả nỗi thất vọng lớn cho chồng" Marlene như phân trần. "Thuyền bè là tình yêu thứ hai của anh ấy, mà tôi thì cách nào cũng không khỏi say sóng".
"Tôi có thể lái xe đưa bạn đi, nếu bạn thích" anh bỗng nói. "Chúng ta sẽ đến đấy vào buổi tối".
Cô lắc đầu. "Không, cảm ơn ông Hadley. Phiền ông lắm".
Nhưng thật bất ngờ, Von Kuppen nói. "Tôi cho đấy là một đề nghị tuyệt trần, em yêu ạ. Tôi rất thích được có một ngày trên sông nước". Anh quay sang Jeremy. "Rất cảm ơn, ông Hadley. Chúng tôi sung sướng chấp nhận lòng tốt của ông".
Khi họ đi khỏi, Tommy cười toe toét. "Ông anh có chuyện với cô bé rồi hả?"
"Anh chỉ mới gặp cô ta trước cậu mười phút".
Tommy lắc đầu. "Có những cha luôn luôn gặp may".
Jeremy trìu mến vò đầu nó. "Thôi, Tommy. Mấy tuần cậu ở Thuỵ Sĩ cũng đâu đến nỗi tồi, hả?"
"Em đâu được đụng đến thứ này" Tommy phẩy tay.
"Tận hưởng đi, cậu em" Jeremy bỗng nghiêm chỉnh. "Anh có cảm giác là giờ chơi sắp hết rồi".
"Nghĩa là sao?"
"Jim và cha sẽ về vào cuối tuần. Cậu biết vì sao hai người bay trở lại Boston chứ?"
"Anh nghĩ họ sẽ để Jim vào quốc hội không? Em hỏi thật?"
"Dù họ không, cha cũng sẽ thuyết phục được. Anh tin vậy".
"Thế thì việc quái gì mà chúng ta cứ phải rối lên. Còn hơn năm nữa mới đến bầu cử cơ mà".
"Em đùa đấy à. Nếu cha đã quyết, nghĩa là cuộc vận động đã bắt đầu. Và tất cả phải nhào vô. Bằng cách nhìn nhận của cha thì không phải một mình Jim chạy, mà là cả nhà".
Du thuyền thả neo trong cầu cảng riêng và Tommy cùng Von Kuppen bước ra cổng vòm khi họ dừng lại trước vila.
"Chuyến đi thú vị chứ?" Von Kuppen hỏi khi họ ra khỏi xe.
"Rất dễ thương" Marlene nói "nhưng bọn em bị hết xăng".
"Chỉ tại tôi cẩu thả quá" Jeremy thêm. "Lẽ ra phải đổ đầy bình trước khi đi".
"Những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra mà". Von Kuppen lơ đãng nói rồi bảo vợ "Chắc em mệt lắm. Vào đi, anh chỉ cho phòng của chúng mình".
Marlene quay sang Jeremy. "Cảm ơn vì chuyến đi".
"Không có gì".
Tommy bước xuống các bậc thang rồi ngồi vào xe, thở dài nhẹ nhõm. "Trời, em mừng là anh đã đến. Chẳng ra sao cả".
Jeremy nhìn cậu em. "Em nói thế là sao?"
"Von Kuppen chẳng hề thích thuyền với bè gì sất. Mà em vẫn còn cảm giác đấy là điều hắn muốn. Say sóng thảm hại".
"Ờ" Jeremy trầm ngâm. Có lẽ anh đoán đúng. Cuộc hôn nhân chỉ là cái vỏ. Song chuyện này cũng không hiếm gì.
"Quỷ tha ma bắt hắn đi. Đấy là việc của hắn" Chợt anh tự thấy phiền lòng vì bị rơi vào sự bất ngờ. "Kiếm cái gì uống đã".
Marlene cáo mệt, và ba người ăn bữa tối trong sự lặng lẽ đầy lịch thiệp. Còn một ngày trước khi những người khác đến. Các chị em gái và mẹ anh từ Paris, nơi họ đang mua sắm, vợ Jim, chị dâu anh, cùng hai con nhỏ, từ New York, còn Jim và cha anh thì từ Boston. Cuối bữa ăn, Tommy hỏi "Tối nay anh có dùng xe không?" Jeremy lắc đầu. "Em muốn chạy đến Juan-les-Pins xem có gì không".
"Cứ đi đi. Anh muốn đi ngủ sớm".
Von Kuppen quay sang Tommy. "Nếu anh không phiền thì tôi muốn cùng đi".
"Tôi rất vui được đi cùng với anh".
"Cảm ơn" Von Kuppen đứng lên. "Tôi trở lại ngay. Tôi bảo Marlene để cô ấy đừng chờ".
Hai anh em nhìn nhau khi anh ta rời phòng ăn. "Anh thấy thế nào?" Tommy hỏi. "Suýt nữa thì em đã cá là hắn sẽ không bao giờ để cho hai người một mình".
"chúng tôi cũng không hẳn là một mình" Jeremy gật đầu về phía cô hầu và người quản gia đang bận rộn.
"Anh hiểu em nói gì mà".
"Anh không quan tâm về việc ấy. Anh đi ngủ đây".
Jeremy ra khỏi phòng tắm, chà xát người rõ mạnh bằng tấm khăn lớn, nhìn mình trong gương với cảm giác mãn nguyện.
Anh khoẻ mạnh so với tuổi, bụng vẫn phẳng và cứng, trọng lượng vẫn như thời mới nhập ngũ, 1941. Đã tám năm mà đôi lúc cứ như mới hôm qua. Khi đó hanh hai mươi tuổi.
"Nhập ngũ ngay" cha anh giục giã. "Chúng ta nhập ngũ trước năm mới. Cha muốn các con sẵn sàng".
Jim vào Không lực, còn anh thì bộ binh, tới tháng Ba năm 1942 thì cả hai đều ở hải ngoại. Cuối tháng đó, khi đang bâu víu mong manh dưới một tảng đá để ẩn nấp, anh nhìn lên bầu trời và thấy phù hiệu in dưới cánh máy bay của phiđội anh trai bay trên đầu. Bỗng, sự ngu xuẩn của cuộc đột kích Dieppe chẳng là cái gì nữa, mối hiểm nghèo chết người giữa hai làn đạn giữa địa bàn phục kích của quân Đức không còn hãi hùng nữa. Ông anh trai của anh đang bay trên trời, dõi theo anh.
Jeremy trở về từ trận đột kích đó với quân hàm trung uý, rồi đại uý trên bãi biển Anzio và lên cấp tá trên chiến trường Normandie, cùng với huân chương cho chiến binh bị thương trên chiến trường.
Đối với anh, chiến tranh đã thực sự kết thúc. Sau khi ra viện, anh được điều về bộ tổng chỉ huy, và anh không phàn nàn. Đã quá đủ đối với anh. Nhưng Jim thì vẫn tiếp tục lái những chiếc máy bay ném bom hạng nặng cho đến ngày khải hoàn và giải ngũ với quân hàm thiếu tá.
Hai ngày sau, bằng vào thoả thuận trước, họ đã gặp nhau tại vila ở Cap d'Antibes vốn từ lâu đã thuộc về cha họ, và cũng là nơi họ đã sống bao mùa hè vui vẻ.
Hai ông bà Francois, người trông nhà và vợ, cùng chạy ra đón họ. "Các ông thấy không" ông già hãnh diện nói "chúng tôi đã ngăn bọn lợn Đức ở bên ngoài".
Họ gật đầu, lẩm bẩm sự tán thưởng của mình, mặc dù biết rằng bọn Đức, vì một lý do nào đó, đã không quan tâm đến vùng này. Tuy vậy, vẫn có nỗi buồn len lỏi khi thấy những cánh chớp được đóng đinh vào khuôn cửa, những đồ đạc được phủ kín.
Khi chỉ còn lại hai anh em, họ nhìn nhau. Jim chỉ hơn em trai bốn tuổi mà tóc đã điểm sương và nhiều vết nhăn trên mặt. Sự căng thẳng của hơn một ngàn giờ bay trên bầu trời bị chiến tranh xé nát đã ghi đậm dấu ấn của nó. Ngược lại, Jeremy như chẳng thay đổi gì, như chẳng có gì đụng được đến anh. Có lẽ phần lớn là do sự nghỉ ngơi kéo dài trong bệnh viện và nhiệm vụ tương đối nhẹ nhàng ở đại bản doanh.
"Vết thương thế nào?" Jim hỏi.
"Chỉ xước da thôi. Có gì đâu. Còn anh?"
Jim đưa hai nắm đấm ra. "Thấy chứ, chúng không chạm đến anh được". Nhưng giọng anh chẳng có chút khôi hài nào.
"Chúng cũng có sờ đến anh đấy chứ. Em đã may mắn. Ra khỏi chiến tranh đâu có dễ".
"Em đã may mắn" Jim nói, chợt giọng anh như chua chát. "Ít nhất thì em cũng đã chiến đấu với những tên lính. Chúng cố giết em và em cố giết lại chúng. Thế là huề. Nhưng khi anh ném cái đồ huỷ diệt ấy xuống, thì anh không biết chúng sẽ giết ai. Em phải thấy Cologne sau khi bọn anh bay qua. Và Berlin nữa. Trở về bao giờ cũng dễ hơn. Chẳng cần phải nhìn bằng mắt nữa, cứ theo mùi nhà cháy bốc lên cả ba dặm trên bầu trời mà bay".
"Gượm đã, Jim. Anh không thương xót bọn Đức đấy chứ?"
Ông anh nhìn đứa em. "Hỏi trúng đấy. Họ đâu có toàn là lính, là Quốc xã? Em nghĩ là anh đã giết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em? Bọn lính thật sự thì đã an toàn ở ngoài mặt trận".
"Chúng ta có làm luật cho cuộc chiến tranh này đâu" anh nói cộc cằn "chúng làm đấy chứ. Ở Hà Lan, Ba Lan, Pháp, Anh. Chúng có quan tâm đến bom đạn của chúng đã hoặc sẽ giết ai đâu. Chúng đếch thèm để ý, vì nếu ai còn sống sót thì chúng đã có kế hoạch chăm sóc họ ở Dachau và Auschwitz rồi".
"Vậy điều đó thì biện họ cho chúng ta là đúng à?"
"Không, chẳng gì biện hộ nổi cho chiến tranh là đúng cả. Nhưng khi chiến tranh xảy đến, anh không có quyền lựa chọn. Anh đánh trả, hay anh bị giết. Và trong thời đạn chúng ta, luật của chiến tranh do bọn xâm lược làm". Anh rút thuốc lá. "Nếu còn nghi ngờ điều đó thì anh cứ đi bộ một vòng quanh thành phố Coventry là biết".
Jim nhìn em trai, chợt một sự tôn trọng ập đến. "Có lẽ em đúng. Anh mệt mỏi quá. Anh đã gánh chịu nhiều quá".
"Tất cả chúng ta đều đã gánh chịu, nhưng giờ thì qua rồi. ít nhất đối với chúng ta".
"anh hy vọng là thế" Jim mệt mỏi nói.
Đúng lúc đó ông già Francois thò đầu vào thông báo đến giờ ăn tối. Ông đã kiếm đâu được hoa tươi để cắm trên bệ lò sưởi và nến để thắp ở hai đầu bàn. Bộ đồ bạc sáng lóng lánh trên những chiếc khăn ăn trắng mềm mại. Bà vợ ông đứng bên cửa phòng chứa đồ bếp, đôi mắt xanh lấp lánh dưới cặp kính trắng. "Chúc mừng các ông đã về".
Jeremy cười, hôn lên hai má bà. "Cảm ơn".
Bà lui vào bếp mà lòng bối rối . Ông già Francois mới rót xong ly vang đầu tiên cho họ thì có tiếng xe trên con đường trải sỏi bên ngoài. Hai người nhìn nhau, vì họ chẳng mong đợi ai cả, và cùng đứng dậy, bước ra, để vừa kịp đón cha họ đang ra khỏi chiếc taxi cũ kỹ đưa ông từ nhà ga về. Khi ông vẫy họ, cả hai đều không tin vào mắt mình nữa.
"Cha biết chính xác phải kiếm các cậu ở đâu" ông sung sướng nói.
Cả ba như cùng bật khóc và rồi là cả ngàn câu hỏi. Suốt bữa ăn, họ hết nhìn nhau lại nhìn những bức ảnh gia đình mà ông bố mang theo. Một lúc sau thì cứ như thể chiến tranh chưa từng xảy ra.
Đó là năm đầu tiên kể từ khi dứt chiến tranh, ngôi vila được tận dụng hết công suất. Không phải mất nhiều thời gian để tái tạo nó, mà một vài người trong họ bỗng bận bịu vì những mối quan tâm khác. Một thángsau khi về nhà, Jim lấy vợ, vào tháng Năm 1945, và giờ thì đã có hai đứa con trai. Ông già Hadley đã đưa Jim vào văn phòng và dẫn dắt anh vào những hoạt động chung của cả tổ hợp.
Jim hầu như đã có thể thay thế cha khi Jeremy nhận bằng tốt nghiệp Harvard, song vẫn còn bất định về tương lai của mình. Như thường lệ, cha anh đã biết chính xác điều cần biết.
Khi ông chấp nhận sự tiến cử trong Uý ban bồi thường chiến tranh, ông đã đưa Jeremy theo, như một trợ lý, và trong hai năm qua Jeremy đã ra vào các cơ quan chính phủ ở tất cả các quốc gia chính Âu châu. Thân hình cao lớn, khuôn mặt sáng sủa và tính cách vui vẻ đã làm anh trở thành nhân vật được ưa thích ở mọi nơi anh đến. Cái thực tiễn anh là người Mỹ và rất giàu có không hề làm tổn thương vị thế của anh.
Anh hưởng thụ cả địa vị lẫn đời sống xã hội tới giọt mật cuối cùng. Song như như anh chỉ chợt có ý định dính líu vào một cuộc tình đặc biệt nào thì sẽ bị công việc của anh gạt bỏ ngay.
Anh không ở nơi nào quá lâu để có thể sinh chuyện.
Cuối chuyến công du, anh trở về Hoa Kỳ và dành một năm ở Washington để viết báo cáo cho Uỷ ban. Khi công việc hoàn tất, anh trở về Boston với lời mời làm việc cho Bộ Ngoại giao.
Một lần nữa, cha anh dứt khoát. "Không nhận. Nghỉ một năm đã. Trở lại Âu Châu và vui vẻ đi".
"Con phải có quyết định cho tương lai của mình chứ, cha".
"Không vội. Con sẽ biết khi thời điểm đến. Ngoài ra, đã đến lúc Tommy cũng nên dành chút thời gian ở đấy. Nó sẽ cần người chỉ đường dẫn lối chứ. Nó chưa từng có những cơ hội như con".
Jeremy cười trước cái cách sắp đặt của cha. Tommy vừa tốt nghiệp Harvard, và vì mới hai mươi hai tuổi nên nó không trải qua chiến tranh. Và nếu điều anh nghe từ Jim là đúng thì Tommy cũng cần được để ý đến. Một nửa số các bà mẹ ở Boston đã khoá trái cửa phòng con gái mình mỗi khi có Tommy ở gần.
Anh cũng thích thú khi được chỉ cho cậu em một châu Âu mà anh đã biết. Hệt như thấy lại mình thời tiền chiến. Nhưng có một sự tinh tế trong cậu em mà cả anh và Jim đều không có. Cứ như thể khoảng cách sáu năm giữa họ đã khiến Tommy rơi vào thế hệ khác. Chỉ đơn giản là chiến tranh, cái thơ trẻ và trong sáng một đi không trở lại.
Jeremy mỉm cười nghĩ về cậu em đang cùng Von Kuppen xuống chỗ Juan vui chơi. Tất cả bọn họ đều quá vội vã. Lầu đầu tiên anh nghĩ mình hiểu được khi cha anh nói là không nên vội. Anh còn trẻ. Anh mới hai mươi tám.
Anh duỗi người trên giường và tắt đèn. Rồi nằm nghiêng anh nhìn những bóng đen vụt qua rèm cửa sổ. Mắt anh bắt đầu díp lại khi anh chợt nhận ra có một bóng đen không chuyển động cùng với những bóng khác.
Anh nhìn, và rồi nó biến mất. Anh bật dậy, mở toang cánh cửa kiểu Pháp thông ra hành lang. Không ai cả. Mãi đến sáng hôm sau anh mới biết trí tưởng tượng đã không đánh lừa anh. Vì trong bữa sáng, anh biết được vợ chồng Von Kuppen đã đi rồi.