Chương 3 & 4
Tác giả: Harolds Robbins
Cảnh sát ở khắp nơi khi máy bay hạ cánh, vì đích thân Tổng Thống ra đón tôi. Cô tiếp viên mở cánh cửa ngăn giữa hai khoang, bước đến chỗ tôi. "Ông Xenos, ông làm ơn xuống máy bay qua cửa hạng nhất được không ạ?"
Tôi quay sang Beatriz. "Em đi với anh chứ?"
Cô lắc đầu. "Như thế chỉ làm mọi người đều khó xử thôi".
"Anh sẽ gặp lại em. Anh kiếm em ở đâu?"
"Em sẽ kiếm anh".
"Bao giờ?"
"Một hai ngày gì đó" của nói. "Hẳn anh sẽ bận bịu".
"Chỉ đến mai là cùng" tôi trả lời.
"Thế thì mai" cô đưa tay ra. "Tạm biệt".
Tôi hôn tay cô. "Hẹn ngày mai".
Tôi đi theo tiếp viên qua cửa hạng nhất. Mèo Bự và Hoyos đang chờ tôi. "Chuyến bay êm đẹp chứ ạ" Hoyos xun xoe hỏi.
"Rất đẹp, cảm ơn" tôi bước ra. Ánh nắng chói chang làm tôi chớp mắt một hồi. Rồi tôi thấy chiếc limousine đen của Tổng Thống dừng lại bên chân cầu thang.
Chính Tổng Thống đi tới khi tôi xuống thang. Ông bước đến tôi với vòng tay rộng mở. "Con trai ta" ông ôm choàng lấy tôi, "ta biết con sẽ không bỏ ta".
"Thưa ngài".
Tôi ôm đáp lại và chợt ngạc nhiên vì sự mảnh dẻ và mong manh của người dàn ông trong bộ quân phục. Tôi nhìn xuống mặt ông, thấy những nếp nhăn trên đó, và cặp lông mày, vốn đen láy, giờ đã bạc phơ. Một điều gì đó thật buồn chợt ập đến, như thể tôi mới rời Corteguay hôm qua và như thể ông còn trẻ trung và lực lưỡng. Giờ thì ông là một ông già.
"Vào xe đi" ông nói, cầm tay tôi "nắng nóng lắm".
Tôi theo ông vào trong chiếc limousine điều hoà mát rượi. Ông rơi mình xuống ghế, thở hổn hển và tôi ngồi chờ ông nói. Xe lăn bánh. Tôi ngoái lại. Các hành khách khác, những người bị ngăn cho đến khi tôi xuống hết cầu thang, đang đi xuống. Tôi không thấy cô gái đâu.
"Đừng lo" Tổng Thống hiểu lầm "hành lý của anh sẽ được đưa về khách sạn. Ta đã đặt phòng tốt nhất cho anh".
"Cảm ơn".
"Nhưng trước hết, có nhiều việc phải bàn. Ta nghĩ chúng ta sẽ ăn tối sớm trong lâu đài để không bị xen ngang".
"Xin tuỳ ngài".
Ông chợt cười và đặt tay lên tay tôi. "Nào, đừng có lễ nghi quá với ta. Có phải như lần trước đâu. Chuyện cũ đã qua và ta đã quên rồi. Chúng ta lại bên nhau, đấy mới là vấn đề".
Tôi liếc ra ngoài khi xe qua cổng sân bay, vào xa lộ. Cảnh sát đứng thành hàng, san sát, súng máy lăm lăm trong tay.
"Chúng ta được bảo vệ quá tốt".
"Cần thiết đấy, bọn cướp ngày càng táo tợn hơn. Tháng trước, đã ba lần chúng tấn công ta. May mà chúng thất bại".
Tôi lặng lẽ nhìn ông. Phải có cái gì đó sai lầm một cách cơ bản nếu như bọn cướp đủ táo tợn để hoạt động trong thành phố, vì thường thì họ ở trên miền núi.
Ông cảm nhận được điều tôi đang nghĩ. "Bọn này không phải là bọn cướp như ta từng biết đâu" ông nói "có điều gì đó hoàn toàn khác. Bây giờ chúng là một đội quân được đào tạo cẩn thận, như Đại bàng chẳng hạn".
"Đại bàng? Nhưng ông ta…"
"Phải, lão già đã chết" Tổng Thống vội nói "nhưng đây là con trai hắn. Nó mang tên cha nó."
"Ông nói thằng bé.."
"Nó không còn là thằng bé nữa. Nó đã được đào tạo trong những trường đặc biệt ở Âu châu. Có lần chúng ta đã bắt nó, nhưng rồi nó được thả vào dịp ân xá, khi anh lấy Amparo. Từ đó, nó thành lập một đội quân, liên kết hầu hết các bọn cướp lại, thành một liên minh".
"Đấy là điều ông đã từng làm mà?" tôi hỏi.
"Gần như vậy, nhưng liên mình này được tổ chức tốt hơn và nó có viện trợ ở hải ngoại. Tiền và súng đạn".
"Vẫn chưa ngăn chặn được súng đạn à?"
"Chưa. Trong nhiều việc phải làm, thì đây là việc quan trọng nhất. Một khi đã ngăn chặn được nguồn súng đạn thì liên minh này sẽ tự tan rã".
"Súng đạn đến từ biển" tôi nói.
"Em họ ta phụ trách hải quan cảng thề là không thể".
Tôi im lặng. Như thường lệ, sự thật chẳng ở miệng ai cả. Xe đang ở ngoại vi thành phố. Hôm nay là phiên chợ, nông dân đang theo sau những chiếc xe của họ, chậm chạp và lặng lẽ lê bước về nhà. Tôi chăm chú nhìn họ.
Một điều gì đó trật lấc. Thường thì nông dân rất vui vẻ sau phiên chợ. Họ nói cười, tướng hát với xủng xoẻng những đồng xu trong túi, hãnh diện vì đã tinh khôn móc được tiền của dân thị thành. Tôi thấy một người nhổ toẹt sau chiếc xe.
Tổng Thống cũng nhìn thấy. Mặt ông trắng bệch và nhăn nhó. "Chất độc thậm chí đã tác động đến thường dân".
"Phải làm cái gì chứ?"
"Cái gì? Ta không thể tống tất cả họ vào tù. Mọi người đổ lỗi cho ta vì vận rủi của họ. Chỉ Chúa mới biết ta đã hết lòng hết sức phục vụ dân tộc".
Tôi nhìn, ông thực sự tin như thế. Và tôi chẳng thể nói gì. Có thể khi súng đạn được ngăn chặn thì lòng người sẽ dịu đi và sẽ nghe theo lý lẽ. Sẽ đến lúc cả Tổng Thống cũng phải nghe.
Chắc chắn bộ xương trong cơ thể già nua ấy phải rã rời vì gánh nặng quyền lực đè lên nó quá lâu.
"Vậy là anh về?" giọng Amparo nghe rõ là châm biếm vang ra từ căn phòng mờ tỏ.
"Ừ" tôi trả lời "anh về".
"Đúng như ông ấy nói, anh sẽ về" giọng cô đầy khinh bạc "hệt như con rối bò lại với chủ nó".
Tôi im lặng đến trước chiếc ghế cô ngồi, nhìn xuống. Cặp mắt cô sẫm màu, nhưng long lanh, khuôn mặt xanh xao, gầy guộc như thể cô đã nhiêu năm không ra ngoài trời. Có cái gì đó cay đắng khi miệng cô vệu đi, hỏi "Tại sao anh nhìn lâu thế?"
"Anh muốn thấy em" tôi nói "lâu quá rồi".
Amparo quay đi. "Không cần nhìn thế. Em không thích".
"Được thôi" tôi ngồi xuống bên cô. "Anh nghe nói em ốm".
"Họ còn bảo anh gì nữa?"
"Không".
"Không?" giọng cô đầy ngờ vực.
"Không".
Cô lặng thinh một lát. "Em không ốm" cô nói. "Đấy chỉ là chuyện ông ấy kể cho anh tho6i. Vì không thích các hành động của em, vậy là ông ấy cấm em xuất hiện trước công chúng". Tôi lặng thinh. "Em không nghĩ ông ấy lại để anh đến thăm em".
"Vì sao?" tôi hỏi.
Cô liếc tôi, rồi quay đi. Giọng cô rỗng không. "Em nhầm, ông ấy thông minh hơn nhiều, biết rằng tốt nhất là để anh đến. Khi anh thấy thân hình em thì chẳng còn gì giữa chúng ta cả".
"Chẳng có gì sai trái với thân hình em cả. Có điều, nó đã qua lâu rồi, đã trật lấc khi chúng ta cố kiếm lại những gì đã mất đi cùng với tuổi trẻ của chúng ta".
Amparo với điếu thuốc. Tôi châm lửa cho cô. Mùi hăng của thuốc tràn ngập căn phòng. Cô để cho khói từ từ phả ra giữa cặp môi hé mở trong khi nhìn tôi. "Tội nghiệp Dax, anh không hạnh phúc với các cô vợ của anh, phải không?" Tôi không trả lời. "Bởi vì anh để cho người khác chọn. Lần sau, anh hãy làm công việc lựa chọn đó". Tôi vẫn không nói gì. "Nhưng đừng là Guayanos" cô chợt nói. "Cô ta sẽ giết anh".
Tôi há hốc mồm. "Tại sao em biết về cô ấy?"
Amparo cả cười. "Mọi người đều biết mọi thứ anh làm. Ở thành phố này, chẳng có gì là bí mật cả. Cuộc sống của mọi người đều nằm trong sự kiểm soát của Tổng Thống".
"Nhưng làm sao em biết được?" Tôi kiên trì hỏi.
"Em có bạn bè trong cánh mật thám" cô cười. "Anh thích phòng của mình ở khách sạn không?"
"Có" tôi nói "nó là căn sang trọng nhất ở đấy".
"Tất nhiên. Nó được thiết kế cho khách quan trọng của Tổng Thống".
"Nếu định nói với anh điều gì thì nói đi" lòng tôi đầy phiền muộn "đừng có chơi ú tim như trẻ nít".
"Anh là một đứa trẻ" cô ra khỏi ghế, bước đến chiếc tủ, kéo một ngăn ra. "Lại đây, em cho anh xem cái này".
Tôi đến bên, nhìn vào. Chiếc máy ghi âm được gắn trong ngăn kéo. "Nghe đi" cô nói, ấn một nút.
Tức khắc, loa của chiếc ghi âm phát ra tiếng chuông điện thoại. Rồi có giọng đàn ông "Hello?"
Trong một phần mươi giây tôi mới nhận ra giọng mình. Rồi tôi nghe giọng một cô gái. "Ông Xenos?"
"Vâng".
"Beatriz Guayanos. Em hứa sẽ gọi".
"Anh đã chờ cả buổi sáng…"
Amparo ấn nút, cuốn băng dừng lại. Cô nhìn tôi "Anh không cần nghe phần còn lại, vì anh đã biết".
Cô trở lại ghế, ngồi xuống. "Không phải chỉ điện thoại. Nếu có cách ghi âm được ý nghĩ của anh thì ông ấy cũng sẽ có một bản sao ngay".
"Nhưng cuốn băng? Sao em có được?"
"Thật giản dị" cô cười. "Ông ấy đưa cho em. Để xác nhận với em điều mà em đã nhận ra từ lâu".
"Tại sao em nói với anh tất cả những điều này?"
Amparo cáu bẳn dụi điếu thuốc vào gạt tàn. "Vì em tiếc cho anh. Vì ông ấy sẽ sử dụng anh hệt như cách ông ấy đã sử dụng mọi người, và khi xong việc, ông ấy sẽ ném anh sang một bên!"
"Anh biết thế".
"Anh biết thế mà anh vẫn trở về?"
"Đúng. Anh luôn luôn biết thế, thậm chí trước khi cha anh chết. Cha anh cũng nhận ra, nhưng không hề gì. Điều quan trọng đối với cha anh là những việc tốt mà ông có thể làm. Có nhiều người giống cha em, ông ấy không là người duy nhất đâu. Họ cũng có tác dụng trong thời của họ, và rồi, với thời gian, họ sẽ biến đi cùng với quỷ dữ. Những gì còn lại sẽ là những điều tốt mà họ đạt được".
"Anh thực sự tin thế, đúng không?"
"Đúng. Hệt như anh tin rằng một ngày nào đó Corteguay sẽ tự do, thực sự tự do".
Amparo cười, nhưng chẳng có chút khôi hài nào trong đó, chỉ có sự nhạo báng trống rỗng. "Anh cũng ngu như nhiều kẻ khác. Vì sao anh không thấy được đấy chính là bí quyết sức mạnh của ông ấy – lời hứa không nói ra và sẽ không bao giờ giữ".
Tôi không trả lời. Amparo bước đến, nhìn lên mặt tôi. Có sự hoang dã trong cặp mắt cô mà tôi chưa bao giờ thấy.
"Corteguay sẽ không thể tự do, chừng nào ông ấy còn sống. Ông ấy đóng vai Chúa Trời lâu quá rồi, không thể dừng đượcô".
Tôi vẫn không nói gì.
Amparo quay đi, lấy điếu thuốc khác. Cô nhìn vào mắt tôi khi tôi châm lửa cho cô. "Nếu tự do là điều anh thực sự muốn cho Corteguay thì cách duy nhất là giết ông ta!"
Không một thoáng do dự hay thương xót ở cô. Tôi lắc đầu . "Không, đấy không phải cách của tự do. Đấy là cách của chúng ta đã từ lâu, mà nhân dân vẫn trong kìm kẹp. Lần này, sự khao khát tự do phải từ chính họ".
"Nhân dân" Amparo đầy khinh thị "họ nghĩ theo cách họ được bảo để nghĩ".
"Không phải lúc nào cũng thế. Anh đã thấy đủ trên thế giới để hiểu. Một ngày nào đó, ở đây cũng sẽ thay đổi".
"Khi đó tất cả chúng ta đã chết" cô nói, quay đi. "Trừ cha em. Ông ấy sẽ sống mãi!"
Tôi không nói gì.
Amparo hít hơi thuốc dài rồi từ từ nhả khói. "Tổng Thống nói đúng. Ông ấy luôn đúng" cô gần như là thì thầm. "Anh quá giống cha anh!"
Chương 4
"Đây là trung uý Giraldo" Tổng Thống nói. "Tôi đích thân trao cho anh ấy trách nhiệm về an toàn của anh khi anh ở đây".
Người sĩ quan đứng chào nghiêm chỉnh. "Xin hết lòng phục vụ, thưa ngài".
"Cảm ơn trung uý" Tôi quay sang Tổng Thống. "Tôi cảm thấy hơi ngu ngốc, nhưng có thực sự cần thiết không?"
Tổng Thống gật đầu. "đặc biệt là anh cứ đòi về trang trại của anh ở vùng núi. Bọn cướp hoạt động rất mạnh ở vùng đó".
"Tôi phải về đấy. Đã quá lâu tôi chưa thăm mộ cha mẹ".
"Vậy thì Giraldo và người của cậu ấy sẽ hộ tống anh" giọng ông như không còn chỗ cho bàn cãi nữa. Ông quay sang viên sĩ quan. "Người của anh phải sẵn sàng, trung uý".
Giraldo chào rồi quay đi.
"Anh gặp Amparo rồi chứ?" Tổng Thống hỏi.
"Vâng".
Một vẻ kỳ lạ thoáng trên mặt ông. "Anh thấy thế nào?"
"Amparo đã thay đổi" tôi cẩn trọng nói.
Ông gật đầu. "Nó ốm lắm".
"Tôi cũng không biết nữa. Cứ như tôi thì cô ấy ổn thôi".
"Thể chất thì không" ông hạ giọng "đến tận đây". Ông gõ ngón tay vào bộ lông mày. Tôi lặng thinh. "Tôi cho là nó sẽ bảo anh giết tôi, phải không?" giọng ông thật bình thản.
Giọng tôi cũng bình thản không kém. "Cô ấy có nói điều gì đại loại như thế".
"Đấy không phải là chứng cứ của một đầu óc bệnh hoạn sao?" Thoáng giận dữ trong giọng đầy kiềm chế của ông. "Muốn giết chính cha của nó?"
"Vâng". Không còn câu trả lời nào khác được. "Ông có nghĩ đến việc đưa cô ấy đi khám bác sĩ không?"
"Bác sĩ thì làm được cái gì?" ông cay đắng. "Lòng căm thù tôi đã nằm trong máu nó rồi".
"Có nhiều bác sĩ ở hải ngoại từng đuơng đầu với loại bệnh này".
"Không, nó phải ở đây. Không thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu nó không ở đây với tôi. Có ối kẻ sẽ lợi dụng bệnh tình của nó". Ông bỗng hỏi "Anh đã nói chuyện với lãnh sự Mỹ chưa?"
"Chiều nay tôi đã có hẹn với ông ấy".
"Tốt, cho tôi biết phản ứng của ông ta khi gặp xong nhé".
"Hai mươi triệu đô la" ông ta nói, ngả người trên ghế.
"Chẳng là cái gì so với khoản ông đã đưa cho người khác. Mà đây chỉ là vay, chẳng phải cho không. Ông đã quẳng đi ngần ấy, hoặc hơn nữa, cho Trujilo và Batista, khỏi cần nói thêm".
"Tôi biết, tôi biết. Nhưng chúng tôi cũng biết chính xác là mình đứng ở đâu với họ".
"Tôi hiểu" tôi mỉa mai. "Nếu ông ít lo lắng hơn về vị thế của mình với họ, thì nhân dân họ sẽ ít ghét ông hơn".
George Baldwin nhìn tôi. "Tôi không muốn lún vào cuộc tranh biện về chính sách với ông".
"Tôi không tranh biện. Người đi vay không tranh biện với chủ nhà băng".
"Ồ, ông bạn. Ông đúng là người chẳng ưa màu mè".
"Tình hình quá nghiêm trọng để không thể cứ sủa loanh quanh", tôi nói. "Tôi không bảo mọi thứ ông già đều làm đúng, nhưng ông ấy đã làm cho đất nước nhiều hơn những người khác. Và đừng quên rằng ông ấy đã hoàn thành, mà không có một sự trợ giúp chính thức nào từ chính phủ Mỹ cả. Giờ thì vấn đề đâu còn chỉ là của riêng chúng tôi, nó dính líu đến toàn bộ châu Mỹ latin, và cả các ông nữa…"
George Baldwin cười, cái cười cay đắng. "Cứ như ông nói thì chúng tôi làm cũng dở mà không làm cũng dở".
"Ở một góc độ nào đó thì đúng thế".
"Có nghĩa là chúng tôi cứ phải ủng hộ bọn độc tài khốn kiếp này, dù muốn hay không".
"Không hẳn" tôi nói "có thể đạt được những nhân nhượng giá trị để đổi lấy viện trợ của ông. Như những điều khoản mà chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ".
"Chúng tôi đã có nhiều ví dụ về những nhân nhượng của Tổng Thống rồi" Baldwin nói thẳng. "Ông ấy không phải người biết giữ lời hứa".
"Lần này thì phải giữ. Ông ấy đang ở cuối đường và mong muốn được lưu danh một cách trọng thị".
"Ông ta đã đi quá xa để có thể giúp được" Baldwin nói.
"Tôi không đề nghị vì cá nhân ông ta, mà vì Corteguay".
George lặng thinh, dõi nhìn tôi.
"Cứ mỗi ngày qua đi" tôi nói tiếp "là biết bao súng đạn lại đổ vào đất nước này. Không phải chỉ súng bộ binh, mà là súng cối, đại bác cỡ nhỏ. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng được đưa ra sử dụng".
George hít một hơi dài. "Tôi sẽ ,ang chuyện này ra cuộc họp gần đây nhất, nhưng giờ tôi chưa thể hứa hẹn được gì".
"Tôi hiểu" tôi đứng lên. "Cảm ơn đã dành thời gian nghe tôi nói".
Ông đưa tay ra. "Nếu có tối nào rảnh thì gọi điện cho tôi. Có lẽ ông nên ăn tối cùng chúng tôi".
"Tôi sẽ cố" tôi nói.
Nhưng khi ra khỏi văn phòng có điều hoà mát rượi ấy, bước trên đường phố nóng như thiêuđốt ở trước cửa sứ quán, thì tôi biết là tôi không thể. Vì tôi hiểu ngay rằng người Mỹ luôn làm theo mô hình cổ điển của họ. Vì lý do gì đi chăng nữa thì họ cũng không nhúng tay vào. Và tiền của họ còn nguyên trong túi.
Tôi nhìn đồng hồ. Hơn bốn giờ một chút. Ngay sau giấc ngủ trưa. Đường phố lại đông đúc. Quá sớm để trở lại lâu đài. Tổng Thống sẽ không trở lai văn phòng trước năm giờ.
Tôi lững thững xuống đồi, đi ra cảng, qua khu chợ, nơi những người bán rong mới bắt đầu mở hàng ra bán tầm chiều. Tôi ngửi thấy mùi thơm của hoa trái xứ nhiệt đới, nghe những người đàn bà từ sau quầy hàng trong những túp lều xiêu vẹo ríu rít mời chào. Tôi nhìn đám trẻ con chân trần, áo quần như giẻ rách đang chơi đùa, len lỏi giữa các quầy hàng trong một trò chơi bí ẩn đã bị quên lãng từ lâu.
Tôi mua một cây kem xoài của người bán rong rồi ngồi xuống bậc đá, nhìn ra cảng, nơi tôi đã thưởng thức thứ kem này từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi nhìn ra mặt nước mênh mông. Chỉ có hai con tàu neo trên cảng và xa xa, có thể thấy các giàn khoan dầu ngoài thềm lục địa hoen gỉ và bỏ hoang từ lâu.
Bóng càng đổ dài khi mặt trời lấn sâu xuống phía tây và mùi cá rán xộc vào mũi tôi khi dân chài lưới bắt đầu thổi nấu những gì không bán được để ăn bữa tối. Curatu. Đã có thời tôi nghĩ nó là thành phố lớn nhất thế giới.
Tôi lại nhìn đồng hồ. Đã gần năm giờ. Tôi đứng dậy, và khi bắt đầu đi về thành phố thì một người bán xổ số rong đi ngang, tay cầm lõng thõng những dây vé số. Một dây tụt xuống đường, ngay trước chân tôi, và anh ta cứ đi mà chẳng hề ngoái lại.
Tôi mỉm cười. Chẳng có gì thay đổi cả. Những trò mà họ dùng để bán vé số vẫn là những trò được sử dụng từ khi tôi còn bé. Nếu anh chú ý đến các tấm vé họ để rơi thì họ sẽ khăng khăng rằng Thần tài đã gửi điềm lành cho anh, rằng những tấm vé này rõ ràng là những tấm vé sẽ trúng mà anh luôn luôn tìm kiếm. Mặc anh thích hay không, họ cứ lẵng nhẵng theo để quả quyết rằng anh đã bỏ qua dịp may của cả một đời người.
Người bán vé số đi thêm mấy bước rồi không đừng được, phải quay nhìn tôi. Tôi cười toét khi dẫm lên những chiếc vé. Anh ta trừng trừng nhìn tôi, và khi tôi đi đến bên, anh ta tóm cánh tay tôi, chỉ xuống đất.
"Sao?" tôi nhún vai. "Của anh đấy chứ".
"Nhặt lên" anh ta rít giọng. "Chúng mang một thông điệp cho ông đấy!"
Tôi lại liếc anh ta, rồi nhặt các tấm vé lên. Thông điệp được viết bằng bút chì ở mặt sau một tấm vé.
THẰNG PHẢN BỘI! ĐI NGAY TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN. Ở CORTEGUAY CHỈ CÓ CÁI CHẾT DÀNH CHO KẺ PHẢN BỘI CHA TAO.
ĐẠI BÀNG
Tôi quay lại, nhưng người bán vé số đi rồi, mất hút trong đám đông quanh chợ. Tôi giận dữ vò những tấm vé rồi nhét vào túi. Bỗng cảm giác nguy hiểm cứ lồ lộ khi tôi nhìn đám đông. Gần như bất cứ ai trong họ cũng có thể là một trong bọn cướp.
Tôi hít một hơi sâu rồi quyết định là sẽ không bao giờ đi ra ngoài mà không có Mèo Bự phía sau. Họ chẳng một mấy thời gian để phát hiện là tôi đã trở về.
Một chiếc taxi đi qua khu chợ. Tôi lên xe với cảm giác nhẹ nhõm. Giờ thì tôi hiểu vì sao Tổng Thống phải làm những biện pháp bảo vệ mà ông đã làm. Về nhà có thể dễ chịu hơn, về lại với núi rừng. ít nhất thì ở đấy anh chẳng bao giờ phải lo về có ai đó sau lưng mình.