DU KÍCH PHỔ
Tác giả: Frederick Engels
Trong thời gian gần đây, những tin tức về việc quân Phổ đốt các làng xóm Pháp hầu như đã hoàn toàn biến mất trên báo chí. Chúng tôi bắt đầu hy vọng rằng chính quyền Phổ đã hiểu được sai lầm của họ và đã chấm dứt những hành động như vậy, vì lợi ích của chính ngay những đội quân của họ. Nhưng chúng tôi đã lầm. Các báo lại đầy dẫy những tin về việc bắn các tù binh và về việc thiêu hủy các làng mạc. Tờ "Börsen Courier"[110] ở Béc-lin ngày 20 tháng Mười một đã đưa tin từ Véc-xây như sau:
"Ngày hôm qua, những thương binh và tù binh đầu tiên sau trận chiến đấu ở Đri-ô ngày 17 đã đến. Việc thanh toán các du kích rất nhanh chóng và đáng nêu gương; người ta bắt họ sắp hàng rồi lần lượt mỗi người đều nhận một viên đạn vào trán. Người ta đã công bố một bản mệnh lệnh chung cho toàn quân, tuyệt đối cấm bắt họ làm tù binh và ra lệnh xử bắn họ ngay lại chỗ theo bản án của tòa án binh tại mặt trận bất kỳ họ xuất hiện ở đâu. Đối với những tên kẻ cướp và những tên vô lại xấu xa bi ổi ấy (Lumpengesindel) thì phương thức hành động đó đã trở thành tuyệt đối cần thiết".
Tiếp đó, cũng ngày ấy, tờ "Tages- Presse"[111] ở Viên cũng báo tin rằng:
Tuần qua, ở trong rừng Vin-nhốp, các bạn có thể thấy bốn tên du kích bi treo cổ vì chúng đã từ rừng bắn vào kỵ binh của chúng ta".
Một bản tin chính thức từ Véc-xây, đề ngày 26 tháng Mười một, nói rằng dân nông thôn khắp nơi chung quanh vùng Oóc lê-ăng, do các giáo sĩ thúc đẩy, - những giáo sĩ này đã nhận được của giáo chủ Đuy-pan-lu một mệnh lệnh phải tuyên truyền cho một cuộc chiến tranh chữ thập, - đã bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích chống lại người Đức. Nông dân giả vờ lao động ở ngoài đồng, họ bắn vào các đội trinh sát, giết các sĩ quan đi truyền mệnh lệnh. Để trả thù những vụ giết chóc ấy, tất cả những người nào không phải là quân nhân mà có vũ khí thì lập tức bị hành quyết. Không ít giáo sĩ- 77 người- giờ đây sẽ bị đưa ra xử.
Đó chỉ là một vài ví dụ thôi, con số ví dụ này có thể tăng lên đến hầu như vô tận; như vậy, hình như quân Phổ quyết tâm tiếp tục những hành vi dã man đó cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong trường hợp như vậy, một lần nữa lưu ý họ đến một số sự kiện trong lịch sử hiện đại của Phổ, cũng có thể có ích.
Vua Phổ hiện nay hoàn toàn có thể nhớ lại được những thời kỳ hết sức nhục nhã của đất nước mình, trận I-ê-na, cuộc chạy dài đến tận sông Ô-đe, sự đầu hàng liên tiếp của hầu như tất cả các đội quân Phổ, việc rút lui sang bên kia sông Vi-xla của những đội quân còn lại, sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ chế độ quân sự và chính trị của đất nước. Và lúc bấy giờ, dưới sự che chở của một trong những cứ điểm duyên hải ở vùng Pô-mi-ra-ni, tính chủ động riêng và lòng yêu nước riêng của mỗi công dân đã mở đầu một cuộc kháng chiến mới, tích cực, chống lại quân thù. Một viên thiếu úy long kỵ bình thường tên là Si-lơ đã bắt tay vào việc thành lập một đội quân đu kích (gallice[1*] - là du kích) ở Côn-béc-gơ. Nhờ sự ủng hộ của dân cư, với đội quân này, ông ta đã tấn công bất ngờ vào các đội trinh sát, các đơn vị, những trạm gác dã chiến, đánh chiếm các kho bạc, lương thực, vũ khí, khí tài quân sự, bắt tướng Pháp Vích-to làm tù binh, chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa ở sau lưng quân Pháp và ở các tuyến giao thông của chúng, và nói chung, làm tất cả những gì mà giờ đây người ta khép tội cho du kích Pháp, những người mà quân Phổ gán cho biệt hiệu là ké cướp và vô lại đồng thời ban cho những tù binh không có vũ khí một "viên đạn vào trán". Ấy thế mà chính cha của vua Phổ hiện nay[2*] công nhận một cách rõ ràng hành động của Si-lơ là hợp pháp và thăng quân hàm cho ông ta. Người ta biết rõ rằng, chính ông Si-lơ đó, năm 1809, khi mà nước Phổ đang ở trong trạng thái hòa bình, còn nước Áo thì đang đánh nhau với nước Pháp, đã tự gánh chịu mọi tránh nhiệm, đích thân dẫn trung đoàn của mình đi hoạt động chống Na-pô-lê-ông hoàn toàn giống như Ga-ri-ban-đi đã làm, rằng ông ta đã bị giết ở Stơ-ran-dun-đơ, còn binh lính của ông thì bị bắt làm tù binh. Theo luật lệ của Phổ về tiến hành chiến tranh thì Na-pô-lê-ông có toàn quyền xử bắn tất cả bọn họ, nhưng ở Vê-den, Na-pô-lê-ông chỉ bắn có tất cả 11 sĩ quan: Do áp lực của công luận trong quân đội và ở ngoài quân đội, cha của vua Phổ hiện nay đã phải miễn cưỡng dựng đài kỷ niệm mười một người du kích đó trên những ngôi mộ của họ.
Khi phong trào du kích vừa mới xuất hiện trong thực tiễn ở Phổ, thì người Phổ bắt tay ngay vào việc hệ thống hóa các công việc đó và đề xuất ra lý luận của nó, một việc làm đúng là hợp với dân tộc của những nhà tư duy. Nhà lý luận của phong trào du kích, một triết gia du kích quân vĩ đại trong những người du kích đó, không phải ai khác ngoài An-tôn Nai-hác-đơ Phôn Gnai-dơ-nau, một thời gian đã làm nguyên soái phục vụ cho nhà vua Phổ. Gnai-dơ-nau đã phòng vệ thành Côn-béc-gơ năm 1807; một vài đơn vị du kích của Si-lơ đã ở dưới sự chỉ huy của ông ta; dân địa phương đã ủng hộ mạnh mẽ ông ta trong việc phòng vệ, những người này thậm chí cũng không mong được coi là đội vệ binh quốc gia cơ động hay địa phương và vì vậy, theo những khái mềm mới nhất của người Phổ, rõ ràng đáng bị bắn ngay lập tức. Nhưng những nguồn lực lớn lao do cuộc kháng chiến kiên quyết của nhân dân đem lại cho đất nước bị sự xâm lăng của nước ngoài đã gây cho Gnai-dơ-nau một ấn tượng mạnh mẽ đến mức là ông ta đã nghiên cứu trong nhiều năm vấn đề làm thế nào để tổ chức cuộc kháng chiến đó một cách tốt nhất. Cuộc chiến tranh du kích ở Tây Ban Nha, những cuộc khởi nghĩa của nông dân Nga trên con đường quân Pháp rút lui khỏi Mát-xcơ-va, đã cung cấp cho ông ta những tấm gương mới, và năm 1813, ông ta đã có thể bắt tay vào việc áp dụng lý luận của mình trong thực tiễn.
Ngay trong tháng Tám 1811, Gnai-dơ-nau đã vạch kế hoạch chuẩn bi một cuộc khởi nghĩa nhân dân. Ông ta đề nghị tổ chức một đội dân quân không mặc quân phục, trừ chiếc mũ lưỡi trai của quân đội (gallice- mũ kê-pi), chiếc thắt lưng đen trắng, và có thể cả chiếc áo khoác ngoài; nói tóm lại, trang phục đó cũng gần giống như là trang phục của du kích Pháp hiện nay.
"Khi quân địch có lực lượng đông hơn đến thì vũ khí, mũ lưỡi trai và thắt lưng phải được giấu đi: và những người dân quân sẽ biến thành những người dân thường ờ trong nước".
Đó chính là điều mà hiện nay quân Phổ coi là trọng tội và bị chúng trừng trị bằng những viên đạn hay chiếc dây thắt cổ. Những đội dân quân đó phải làm cho quân địch ăn không ngon, ngủ không yên, phải cắt đường giao thông của chúng, chiếm hoặc thiêu hủy những đoàn xe vận tải lương thực của chúng, tránh những trận tấn công chính quy và rút vào rừng hoặc vào vùng đồng lầy khi những đơn vị thường trực đông đảo xuất hiện.
"Giới tu sĩ của lất cả mọi tôn giáo đều phải nhận được lệnh: khi chiến tranh vừa bắt đầu nổ ra phải tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa. lột tả ách áp bức của quân Pháp bằng những màu sắc đen tối nhắt làm cho nhân dân nhớ tới những người Do Thái dưới thời Mác-ca-vây và kêu gọi nhân dân theo gương họ... Mỗi tu sĩ đều phải làm cho giáo dân trong xứ đạo của mình tuyên thệ rằng họ sẽ không cung cấp cho kẻ thù cả lương thực lẫn vũ khí, v.v.. chừng nào người ta chưa dùng sức mạnh để làm việc đó".
Nói một cách khác, trên thực tế các tu sĩ Đức phải tuyên truyền cho cuộc tiến quân chữ thập, giống như cuộc tiến quân chữ thập mà giáo chủ Oóc-lê-ăng đã ra lệnh cho các tu sĩ của ông phải tuyên truyền, một việc làm mà vì nó không ít tu sĩ Pháp giờ đây đang đợi sẽ ra tòa.
Bất cứ người nào cầm tập hai của cuốn sách "Cuộc đời của Gnai-dơ-nau"[112] của giáo sư Pét-xơ cũng đều sẽ thấy rằng ở ngay sát trang bìa phụ của tập này có in một phần đoạn trích nói trên dưới dạng bản chụp lại bút tích của chính Gnai-dơ-nau. Cùng trang ấy ở phía ngoài lề, có in một nhận xét do chính tay vua Phri-đrích Vin-hem viết:
"Ngay khi một trong các tu sĩ bị bắn thì tất cả những cái đó đều sẽ chấm dứt".
Rõ ràng là nhà vua không tin vào lòng anh dũng của giới tu sĩ của mình lắm. Nhưng điều đó đã không ngăn cản ông ta trực tiếp phê chuẩn những kế hoạch của Gnai-dơ-nau; sau đó vài năm, khi mà cũng những con người ấy, những người đã đánh đuổi được quân Pháp, bị bắt và bị khủng bố với tư cách là "những kẻ mị dân"[113], thì điều kể trên cũng không ngăn cản một trong những kẻ có học thức thời đó chuyên săn lùng những người mị dân nắm được nguyên bản của văn kiện này cáo giác tác giả khuyết danh là đã mưu toan thúc giục nhân dân bắn giết giới tu sĩ.
Cho đến tận năm 1813, Gnai-dơ-nau không những kiên trì chuẩn bị quân đội thường trực, mà còn kiên trì chuẩn bị cả cuộc khởi nghĩa của nhân dân, coi đó là một phương tiện để lật đổ ách của người Pháp. Cuối cùng, khi cuộc chiến tranh nổ ra, thì ngay lập tức đã có những cuộc khởi nghĩa, cuộc kháng chiến của nông dân và những cuộc chiến đấu của du kích đi liền với nó. Tháng Tư, một cuộc khởi nghĩa vũ trang đã bùng lên ở vùng nằm giữa Vê-de và En-bơ; ít lâu sau lại nổ ra cuộc khởi nghĩa nhân dân ở gần Mác-đơ-buốc; chính bản thân Gnai-dơ-nau đã viết cho bạn bè ở Phran-cô-ni một bức thư mà Pét-xơ đã công bố, kêu gọi họ đứng lên khởi nghĩa ở dọc tuyến giao thông của quân địch. Lúc bấy giờ, tuổi cùng mới có sự thừa nhận chính thức cuộc chiến tranh nhân dân ấy: "Quy chế dân quân" ngày 21 tháng Tư 1813 (mãi đến tháng Bảy mới được công bố), quy chế này yêu cầu tất cả những đàn ông khỏe mạnh không nằm trong hàng ngũ của quân chủ lực hay đội quân lan-ve, phải tham gia tiểu đoàn dân quân để chuẩn bị tiến hành cuộc chiến đấu tự vệ thần thánh trong đó tất cà mọi thủ đoạn đều được thừa nhận là hợp pháp. Đội dân quân phải quấy rối địch trong thời gian địch tiến quân cũng như trong thời gian chúng rút lui, thường xuyên làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, tấn công những đoàn xe vận tải đạn dược và lương thực của chúng, tấn công giao liên, dân binh và bệnh viện của chúng, tập kích ban đêm bất thình lình vào quân địch, tiêu diệt những tên lính bị chậm lại đằng sau và những đơn vị riêng biệt, làm cho quân địch bị tê liệt và không còn tin tưởng ở tất cả những cuộc hành quân của chúng và mặt khác đội dân quân có trách nhiệm giúp đỡ quân đội Phổ, đi hộ tống cho việc chuyên chở tiền, lương thực, súng đạn, áp giải tù binh v.v.. Đạo luật đó thật sự có thể gọi là một cuốn sách chỉ nam thật sự của người du kích, và vì nó được một nhà chiến lược xuất chúng viết ra, cho đến ngày nay nó cũng được áp dụng ở Pháp, giống như ở Đức trừớc đây.
May thay cho Na-pô-lê-ông I, đạo luật đó được thi hành hết sức yếu ớt. Nhà vua đã hoảng sợ trước tác phẩm của chính bàn tay mình: Cho phép bản thân nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh mà không có lệnh của nhà vua là một việc hoàn toàn không đúng theo tinh thần Phổ. Vì vậy, việc lập đội dân quân đã bị đình lại cho đến khi nào nhà vua yêu cầu thành lập, thế nhưng ông ta chưa bao giờ yêu cầu cả. Gnai-dơ-nau đã nổi xung lên, nhưng rốt cuộc không có đội dân quân ông ta cũng đã đối phó được. Nếu như ông ta còn sống đến bây giờ, khi có toàn bộ kinh nghiệm của Phổ ở đằng sau lưng mình, thì chắc chắn ông ta sẽ thấy những người du kích Pháp là sự thực hiện nếu không phải hoàn toàn thì cũng gần sát cái beau ideal[3*] của ông ta về sự kháng chiến của nhân dân. Vì rằng Gnai-dơ-nau là một con người, hơn nữa lại là một con người thiên tài.
-------------------
Chú thích
[1*]. Theo tiếng Gô-loa, tức là theo tiếng Pháp.
[2*]. Phri-đrích-vin-hem III
[3*]. lý tưởng đẹp đẽ