TÌNH HÌNH Ở PHÁP XÉT THEO QUAN ĐIỂM QUÂN SỰ
Tác giả: Frederick Engels
Nếu như một loạt thất bại của quân đội Pháp mà người ta coi là đặc điểm nổi bật của chiến dịch tháng Giêng- những sự bại trận của Phai-đéc-bơ và của Săng-đi, sự thất thủ Pa-ri, sự bại trận của Buốc-ba-ki và việc ông ta đầu hàng người Thụy Sĩ - nếu như tất cả những sự kiện kinh thiên động địa xảy ra trong một thời gian 3 tuần lễ ngắn ngủi đó đã phá vỡ tinh thần đề kháng ở nước Pháp- như người ta hoàn toàn có thể nhận định như thế, - thì giờ đây hình như không có gì là không tưởng tượng được trong cái sự thật là, với những yêu sách quá mức[132] của họ, người Đức có thể lại thức tỉnh tinh thần đề kháng đó. Nếu như hòa bình, cũng giống như chiến tranh, đe dọa làm cho đất nước hoàn toàn bị tàn phá, thì nói chung ký kết hòa bình làm gì? Các giai cấp hữu sản, giai cấp tư sản thành thị và các địa chủ lớn, cũng như một bộ phận nông dân tiểu sở hữu, cho đến nay là phe tán thành hòa bình; có thể trông chờ rằng họ sẽ bầu cử những người tán thành hòa bình làm đại biểu quốc hội; nhưng nếu như quân thù đòi cho bằng được những yêu sách chưa từng thấy, thì lời kêu gọi chiến tranh một mất một còn có thể vang lên cả trong hàng ngũ họ, cũng như trong hàng ngũ công nhân những thành phố lớn. Dầu sao cũng không nên bỏ qua một số khả năng nào đó trong việc lại tiếp tục chiến tranh sau ngày 19 tháng Hai[133]; nhất là vì bản thân người Đức nếu như ta tin vào số báo "Daily News" hôm nay - không phải đã hài lòng về triển vọng của tiến trình diễn biến sắp đến của tình hình tới mức không thật sự chuẩn bị tiếp tục lại những hoạt động quân sự. Vì vậy nên chúng tôi lại quay trở lại vấn đề tình hình quân sự.
27 tỉnh của Pháp, hiện nay đang bị quân Phổ chiếm đóng, có một diện tích là 15.800.000 héc-ta với một số dân (trừ những cứ điểm còn chưa đầu hàng) gần 12.500.000 người. Diện tích của toàn nước Pháp là 54.240.000 héc-ta, còn dân số của nó là 37.382.000 người. Do đó, nếu lấy con số chẵn, thì còn 38.500.000 héc-ta với một số dân là 25.000.000 người, tức là đến hai phần ba số dân và hơn hai phần ba đất đai vẫn chưa bị chinh phục. Thật ra, Pa-ri và Mét-xơ, mà sự đề kháng đã kìm hãm rất lâu sự tiến xa hơn nữa của quân thù, đã thất thủ. Trong phần đất nước chưa bị chinh phục thì trừ Li-ông ra, không có một trại bố phòng nào có thể đóng một vai trò như hai cứ điểm trên. Gần 700.000 người Pháp (không kể đội vệ binh quốc gia của Pa-ri) bị bắt làm tù binh hay bị giữ lại ở Thụy Sĩ. Nhưng cũng có những hoàn cành khác có thể bù lại những sự tổn thất ấy, ngay cả trong trường hợp nếu như cuộc đình chiến 3 tuần lễ ấy không được lợi dụng để xây những trại mới, với những công sự dã chiến bao bọc xung quanh, mặc dầu hoàn toàn có đủ thì giờ để làm việc đó.
Đại bộ phận vùng chưa bị chinh phục của nước Pháp nằm về quá phía nam tuyến Nan-tơ-Bơ-dăng-xông; bộ phận ấy hình thành một khối liền, được che chở ở ba phía bởi biển hoặc những biên giới của các quốc gia trung lập, và chỉ có tuyến biên giới ở phía bắc của nó là hở cho kẻ thù có thể tấn công. Đây là lực lượng kháng chiến của quốc gia; ở đây phải tìm được người và phương tiện để tiến hành chiến tranh nếu như nó lại nổ ra. Để chinh phục và chiếm đóng cái hình chữ nhật to lớn có chiều dài và chiều rộng 450 và 250 dặm đó, khi có sự đề kháng quyết liệt của những lực lượng chính quy cũng như không chính quy của dân cư, thì số quân mà người Phổ hiện nay đang có sẽ không đủ. Việc Pa-ri đầu hàng sẽ giải phóng 9 sư đoàn, nếu để lại 4 quân đoàn làm quân đồn trú thủ đô đó; Buộc ba-ki đầu hàng giải phóng được 6 sư đoàn chủ lực của Man-toi-phen, nghĩa là giải phóng tất cả là 15 sư đoàn, hay 150.000- 170.000 lính nữa cho đạo quân hoạt động ở ngoài các cứ điểm, bổ sung cho 4 sư đoàn của Guê-ben và 8 sư đoàn của Phri-đrích-các-lơ. Nhưng Guê-ben có rất nhiều công việc ở miền Bắc, còn Phri-đrích-các-lơ, dừng lại ở Tua và Lơ-măng, đã cho thấy rằng những lực lượng tiến công của ông ta đã hoàn toàn dùng hết rồi; như vậy, để chinh phục miền Nam chỉ có 15 sư đoàn nói trên mà thôi; và trong thời gian mấy tháng, không thể có những đơn vị viện binh mới nào đến được cả.
Lúc ban đầu người Pháp chủ yếu sẽ phải đưa những đơn vị mới ra chống lại 15 sư đoàn đó. Ở gần Nê-véc và Buốc-giơ có các quân đoan 15 và 25; cũng trong vùng đó nhất định phải có quân đoàn 19, mà chúng ta không hề nghe nói tới từ đầu tháng Chạp. Sau đó, còn có quán đoàn 25, đã thoát khỏi được vụ tai họa Buốc-ba-ki, và những đơn vị của Ga-ri-ban-đi là những đơn vị cách đây không lâu đã nhận được viện binh và có tới 50.000 người, mặc dầu chúng ta không biết rằng họ được tăng cường bằng những đơn vị nào và những đơn vị này từ đâu tới. Nói chung, tất cả số đó gồm khoảng 13- 14, thậm chí có thể là 16 sư đoàn, nhưng xét về mặt số lượng và chất lượng, thì chúng hoàn toàn không đủ để ngăn chặn sự tiến quân của những đạo quân mới mà chắc chắn người ta sẽ gửi đi chống lại họ, nếu như thời hạn đình chiến kết thúc mà hòa ước không ký kết được. Nhưng một cuộc ngừng bắn ba tuần lễ không những sẽ đem lại cho các sư đoàn của Pháp thời gian để củng cố; nó sẽ đem lại cho những người mới nhập ngũ, ít nhiều chưa được huấn luyện và hiện nay đang ở trong các trại huấn luyện- mà số lượng theo tính toán của Gam-béc-ta là 250.000 người - cái khả năng có thể trở thành (ít nhất là đối với những đơn vị khá nhất trong số các tiểu đoàn của họ) những đơn vị có thể sử dụng được, có thể chiến đấu được với quân thù. Như vậy, trong trường hợp chiến tranh lại nổ ra, người Pháp có thể chống lại bất kỳ một sự xâm nhập nghiêm trọng nào xuống miền Nam - nếu như không phải ớ ngay giới tuyến Loa-rơ hay xa hơn nhiều về phía bắc Li-ông, thì cũng ở những điểm mà sự có mặt của quân thù sẽ không thể làm yếu một cách cán bản sức kháng chiến của họ.
Tất nhiên, cuộc đình chiến cung cấp một số thời gian đầy đủ để chỉnh đốn lại trang bị, khôi phục lại kỷ luật và trạng thái tinh thần của các đạo quân của Phai-đéc-bơ và Săng-đi, cũng như của tất cả những đơn vị quân đội khác ở Séc-bua, Ha-vrơ, v.v.. Vấn đề chỉ là, số thời gian hiện có có được sử dụng một cách thỏa đáng hay không. Như vậy, trong khi lực lượng của người Pháp sẽ tăng lên rất nhiều về số lượng cũng như về chất lượng, thì nói chung những đơn vị quân đội của người Đức chưa chắc sẽ nhận được một số viện binh nào đó. Về mặt này, cuộc đình chiến sẽ đem lại ưu thế cho phía người Pháp.
Nhưng ngoài dải đất liền của miền Nam nước Pháp, còn có hai bán đảo chưa bị chiếm- đó là Brơ-ta-nhơ với Brê-xtơ và Cô-tăng-tanh với Sêc-bua; và ngoài ra còn có hai tỉnh ở phía bắc với những cứ điểm của chúng. Ha-vrơ cũng là một vùng chưa bị chiếm, được bố phòng tốt ở duyên hải. Mỗi một vùng trong bốn vùng đó ít ra cũng đều có một điểm bố phòng tốt ở duyên hải làm nơi trú ẩn chắc chắn cho một đạo quân đang rút lui; thành thử hạm đội- hiện nay không có gì, tuyệt đối không có gì để làm cả- có thể duy trì sự liên lạc giữa tất cả những vùng đó và miền Nam, chuyên chở quân đội khi cần thiết từ điểm này đến điểm khác và bằng cách đó có thể bất ngờ đem lại cho một đạo quân bị đánh tan cái khả năng tấn công trở lại với những lực lượng chiếm ưu thế. Như vậy, trong khi bốn vùng ở phía tây và phía bắc ấy trên một mức độ nào đó còn chưa thể bị đánh được, thì chúng cũng tạo ra bấy nhiêu số điểm yếu ở phía sườn của quân Phổ. Tuyến thực sự nguy hiếm đối với người Pháp là tuyến kéo dài từ ăng-giơ đến Bơ-dăng-xông; đối với người Đức thỉ ngoài ra nó còn kéo dài từ Ăng-giơ, qua Lơ-măng, Ru-ăng, A-mi-en đến biên giới nước Bỉ. Nếu người Pháp tỏ ra có một ít lý trí, thì ưu thế của người Đức trên tuyến đó không bao giờ có thể trở thành có tính chất quyết định, nhưng ưu thế của người Pháp ở đây thì lại có thể có ý nghĩa quyết định trong những điều kiện nhất định.
Đó là tình hình chiến lược. Sử dụng hạm đội của mình một cách có lợi, người Pháp sẽ có thể ném các đơn vị quân đội của mình sang phía tây và lên phía bắc, để buộc người Đức phải giữ lại ở những vùng đó những lực lượng vượt quá nhiều lực lượng của chính họ rất nhiều và làm yếu những đơn vị quân đội được điều đến để chinh phục miền Nam, mà ngăn chặn công cuộc chinh phục này lại sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của người Pháp. Tập trung các đạo quân của mình với một mức lớn hơn mức đã làm cho đến nay, và đồng thời gửi đi một số lớn những đơn vị du kích nbỏ, người Pháp sẽ có thể đạt tới những kết quả tốt hơn với những lực lượng hiện có. Ở Séc-bua và ở Ha-vrơ, hình như có nhiều quân đội hơn số cần thiết cho phòng ngự; còn việc phá hủy một cách tài tình chiếc cầu ở Phông-tê-noa gần Tun, tại trung tâm một tỉnh bị những kẻ đi chinh phục chiếm đóng, chỉ rõ rằng những người du kích dũng cảm có thể đạt tới những điều gì. Nếu như chiến tranh nổ ra lại sau ngày 19 tháng Hai, thì nó thực sự phải là một cuộc chiến tranh một mất một còn, một cuộc chiến tranh giống như cuộc chiến tranh của Tây Ban Nha chống lại Na-pô-lê-ông, một cuộc chiến tranh trong đó không có những vụ bắn giết và đốt phá nào có thể bẻ gầy được tinh thần đề kháng cả.