Frederick Engels
VII
Tác giả: Frederick Engels
Suốt tuần này, người ta chờ đợi một trận đánh lớn ở Mét-xơ mà công báo của Pháp mô tả như trận đánh sấp sửa bất đầu nay mai; nhưng không một nhà bình luận quân sự nào của chúng ta cảm thấy cần phải giải thích rằng trận đánh sắp nổ ra đó chỉ là chiếc thùng nhỏ tung ra để giải trí cho con cá voi hiếu động là quần chúng nhân dân Pa-ri. Trận đánh ở Mét-xơ! Quân Pháp cần tiến hành trận đánh ấy để làm gì? Họ đã tập hợp được, dưới sự yểm hộ của cứ điểm ấy, 4 quân đoàn; họ định điều đến đây một vài sư đoàn nào đó trong 4 sư đoàn của Can-rô-béc; họ có thể hy vọng ngày một ngày hai sẽ nhận được tin tức cho biết rằng 3 quân đoàn còn lại của Mác-ma-hông, Đơ Phai-i và Du-ê đã đến sông Mô-den gần Năng-xi và náu mình sau con sông ấy. Họ tìm trận quyết chiến để làm gì trước khi toàn bộ quân đội của họ lại hội quân được, khi mà các lô-cốt ở Mét-xơ vẫn còn đang che chở cho họ khỏi bị tấn công? Còn quân Đức thì vì lẽ gì lại tự chuốc lấy sứt đầu vỡ trán nếu tiến hành một cuộc cường tập không có chuẩn bị vào những lô-cốt ấy? Nếu như toàn bộ quân Pháp hội quân được dưới tường thành Mét-xơ thì chỉ bấy giờ, chứ không phải sớm hơn lúc đó, mới có thể trông đợi quân Pháp xuất kích về phía đông sông Mô-den và mở trận đánh trước cứ điểm của mình. Nhưng tất cả cái đó vẫn mới chỉ là việc phải thực hiện còn giờ đây người ta vẫn còn không biết chắc liệu nói chung việc đó sẽ có bao giờ được thực hiện không.
Chủ nhật trước[1*] Mác-ma-hông đã buộc phải bỏ Xa-véc-nơ để quân Đức chiếm ngay đêm đó. Cùng đi với ông ta có tàn quân của quân đoàn của ông ta, tàn quân của một sư đoàn (của Công-xây- Duy-mê-nin) của quân đoàn Đu-ê, ngoài ra còn có một sư đoàn của quân đoàn Đơ Phai-i, sư đoàn này yểm trợ cuộc rút lui của ông ta. Cũng tối hôm ấy, tập đoàn quân 1 và 2 của quân Đức đã bỏ lại Phoóc-ba-khơ ở phía sau lưng và hầu như đã đến Xanh-A-vôn. Cả hai địa điểm này đều gần Năng-xi hơn Xa-véc-nơ; từ hai địa điểm ấy tới Pông-a-mút-xông và Di-ô-loa-rơ tức là những địa điểm ở trên sông Mô-den giữa Năng-xi và Mét-xơ cũng gần hơn rất nhiều so với Xa-véc-nơ. Giờ đây khi mà quân Đức cần hết sức nhanh chóng chiếm lấy hoặc xây dựng một bến qua sông này, hơn nữa lại ở phía trên Mét-xơ (căn cứ vào những lý do hoàn toàn hiển nhiên), khi mà họ gần sông hơn Mác-ma-hông và do đó bằng sự vận động nhanh chóng có thể ngăn cản ông ta hội quân với Ba-den, khi mà họ rất dồi dào binh lực thì chẳng lẽ không rõ ràng là họ sẽ tìm cách tiến hành một hành động nào đó thuộc loại ấy hay sao? Kỵ binh của họ, như chúng tôi dự kiến, đã nhanh chóng vượt qua toàn bộ miền bắc Lo-ren-nơ và hình như mới đây đã đụng độ với cánh phải của Mác-ma-hông; hôm thứ tư nó đã vượt Grô-tăng-canh, một địa điểm chỉ cách con đường chạy thẳng từ Xa-véc-nơ đến Năng-xi chừng 25 dặm. Vì vậy quân Đức sẽ biết chính xác Mác-ma-hông ở đâu và có hành động tương ứng, chỉ nay mai chúng ta sẽ biết tin họ đã đến Mô-den ở địa điểm nào giữa Năng-xi (hoặc nói cho đúng hơn là Phru-ác) và Mét-xơ.
Chính vì thế mà từ thứ bảy trước chúng ta không nghe thấy tin tức về trận đánh nào. Bây giờ, đôi chân của binh sĩ đang làm toàn bộ công việc; giữa Mác-ma-hông và Phri-đrích-các-lơ đang diễn ra cuộc chạy đua xem ai vượt sông trước. Và nếu như Phri-đrich-Các-lơ thắng cuộc thì chúng ta có thể chờ đợi quân Pháp ra quân từ Mét-xơ đương nhiên không phải để mở một trận đánh gần tường thành của họ mà là để phòng ngự các bến qua sông Mô-den; điều đó thực ra có thể thực hiện bằng cách tấn cồng hoặc ở hữu ngạn hoặc ở tả ngạn sông này. Hai trạm cầu phao chiếm được ở Phoóc-ba-khơ có lẽ sẽ rất nhanh chóng được sử dụng đúng mục đích của chúng.
Về Đơ Phai-i chúng tôi không có tin tức gì xác định. Đúng là một thông báo ở Mét-xơ nói ông ta đã hội quân với quân đoàn. Nhưng với quân đoàn nào? Quân đoàn Ba-den hay là quân đoàn Mác-ma-hông? Nếu như toàn bộ thông báo đó có, dù chỉ là phần nào sự thật thì rõ ràng là với quân đoàn Mác-ma-hông vì từ khi liên lạc với Đơ Phai-i bị mất, đã có những đơn vị đi đầu của quân Đức chèn vào giữa ông ta và Ba-den. Hai sư đoàn khác của quân đoàn Đu-ê- quân đoàn này ngày 4 tháng Tám còn ở biên giới Thụy Sĩ, gần Ba-lơ- giờ đây hẳn đã bị cắt khỏi các đơn vị khác của quân đoàn bởi cuộc tấn công của quân Đức vào Xtơ-ra-xbua; chỉ có vượt qua Vê-du-lơ chúng mới có thể hội quân với những đơn vị nói trên. Trong số các đơn vị của Can-rô-béc, chúng tôi bất ngờ phát hiện ít ra một sư đoàn (Mác-tanh-prê) ở Pa-ri, sư đoàn này được tung ra không phải để chống quân Đức mà là để chống những người cộng hòa. Các trung đoàn 25, 26 và 28 thuộc sư đoàn ấy được người ta nhắc tới trong số những đơn vị hôm thứ ba đã tham gia bảo vệ Đoàn lập pháp[30] . Những đơn vị còn lại hiện nay phải ở Mét-xơ, điều này khiến cho quân số của đạo quân ở đây lên đến 15 sư đoàn (bộ binh) nhưng trong đó có 3 sư đoàn hoàn toàn tan rã do bại trận ở Spi-khéc-nơ.
Về Spi-khéc-nơ thì sẽ không đúng nếu khẳng định rằng trong trận này quân Pháp bị đánh bại vì địch chiếm ưu thế về số lượng. Bây giờ chúng tôi đã có những thông báo khá đầy đủ của các tướng Stai-nơ-me-xơ và An-ven-xlê-bên, qua đó thấy khá rõ phía quân Đức có những đơn vị nào tham gia trận đánh. Cuộc công kích do sư đoàn 14 đảm nhiệm, sư đoàn này được sự yểm hộ của trung đoàn 40 quen thuộc từ lâu của chúng ta, tất cả là 15 tiểu đoàn. Đó là những đơn vị bộ binh duy nhất đã chiến đấu suốt 6 giờ chống 3 sư đoàn tức 39 tiểu đoàn mà Phrốt-xa điều dần vào chiến đấu. Khi những đơn vị này hầu như bị đánh bại nhưng vẫn còn cố thủ điểm cao Spi-khéc-nơ mà họ đã xung phong chiếm lĩnh được từ đầu trận đánh thì sư đoàn 5 của quân đoàn 3 tức quân đoàn Bran-đen-buốc kéo đến, trong 4 trung đoàn của nó ít ra có 3 trung đoàn tham chiến, nghĩa là cả thảy 24 hoặc 27 tiểu đoàn quân Đức đã tham gia trận đánh. Họ đánh bật quân Pháp ra khỏi trận địa và chỉ sau khi quân Pháp bắt đầu rút lui, những đơn vị đi đầu của sư đoàn 13 đi vòng sườn phải quân Pháp theo thung lũng sông Rô-xen mới đến được chiến trường, tấn công Phoóc-ba-khơ, cắt con đường chạy thẳng đến Mét-xơ, và do đó mới biến cuộc rút lui có tổ chức của quân Pháp thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Vào cuối trận đánh, quân Đức có thêm một sư đoàn nữa (sư đoàn 6) sẵn sàng bước vào chiến đấu và đã thực tế tham chiến nhưng với mức độ không đáng kể. Song đúng vào lúc ấy hai sư đoàn quân Pháp của Mông-tô-đông và Ca-xta-nhi (cả hai thuộc quân đoàn Ba-den) đã kéo đến và trung đoàn 69 thuộc sư đoàn Ca-xta-nhi đã bị thiệt hại nặng. Như vậy là nếu ở Vít-xăm-buốc và Vuếc-thơ quân Pháp đã bị những đội quân chiếm ưu thế về số lượng đánh bại thì ở Spi-khéc-nơ bị những đội quân ít hơn về số lượng đánh bại. Còn về những thông báo mà quân Pháp thường hay đưa ra nói đến ưu thế về số lượng của địch thì chớ nên quên rằng từng người tham gia trận đánh chưa chắc đã có thể phán đoán được số lượng quân và bất cứ quân đội nào thua trận cũng đều thường đưa ra những lời tuyên bố như vậy. Ngoài ra chớ nên quên rằng mãi bây giờ người ta mới bắt đầu thừa nhận chất lượng cao của quân Đức. Theo thông cáo chính thức của tổng hành dinh quân Pháp, hỏa lực quân Đức vượt xa hỏa lực quân Pháp về sự mãnh liệt và sự chuẩn xác, còn Mác-ma-hông khẳng định rằng chiến đấu trong rừng, quân Pháp không thể thắng quân Đức vì quân Đức biết lợi dụng chỗ ẩn nấp giỏi hơn nhiều. Còn về kỵ binh thì Giảng-giô viết trên tờ "Temps" số ra hôm thứ năm như sau:
"Kỵ binh của họ vượt xa kỵ binh của chúng ta, lính thường của họ có những con ngựa tốt hơn ngựa của nhiều sĩ quan của quân đội chúng ta và cưỡi ngựa giỏi hơn... Tôi đã trông thấy một trung đoàn giáp kỵ của họ, đơn vị này thật tuyệt vời... Ngoài ra. ngựa của họ mang nhẹ hơn ngựa của chúng ta rất nhiều. Những con ngựa to lớn của giáp ky mà tôi đã trồng thấy, mang ít hơn rất nhiều so với những con ngựa A-rập hoặc ngựa Nam Pháp nhỏ bé của chúng la".
Ông ta còn ca ngợi sự hiểu biết tuyệt vời của các sĩ quan không những đối với địa hình nước mình mà cả địa hình nước Pháp. Điều đó không có gì lạ cả. Mỗi trung úy đều được trang bị một bản đồ rất tốt của bộ tống tham mưu Pháp trong khi các sĩ quan Pháp chỉ có cái bản đồ sơ sài thảm hại (une carte dérisoire) về chiến trường v.v.. Nếu như dù chỉ là một phóng viên thành thực như vậy được cử sang Đức trước chiến tranh thì có ích cho quân Pháp biết chừng nào.
----------------
Chú thích
[1*].Ngày 7 tháng Tám