XXXI
Tác giả: Frederick Engels
Trong chiến dịch Loa-rơ một thời kỳ yên tĩnh ngắn hình như đã đến; tình hình đó cho phép chúng ta có thời giờ đối chiếu các tin và ngày tháng, và trên cơ sở những tài liệu rất rối rắm và mâu thuẫn đó, vạch ra một bản tổng quát rô ràng về các sự kiện thực tế trong chừng mực có thể làm được trong tình hình đó.
Đạo quân Loa-rơ đã bắt đầu tồn tại với tư cách là một đơn vị riêng từ ngày 15 tháng Mười một, khi mà Ô-ren-lơ Pa-la-đin-nơ, trước đó chỉ huy các quân đoàn 15 và 16, được cử làm tư lệnh binh đoàn mới được thành lập mang tên đó. Còn có những đơn vị nào nữa đã tham gia vào đạo quân Loa-rơ lúc đó, chúng ta không biết được; đạo quân đó trên thực tế đã không ngừng được bổ sung, ít ra là cho đến cuối tháng Mười một, khi mà trên danh nghĩa nó gồm những quân đoàn sau đây: 15 (Pa-li-ơ), 16 (Săng-di), 17 (Sô-ni), 18 (Buốc-ba-ki), 19 (Ba-ran, theo tin của Phổ) và 20 (Cru-da). Trong số này thì quân đoàn 19 chưa bao giờ được nhắc tới trong những tin của Pháp cũng như trong những tin của Phổ, và vì vậy, chúng ta không thể giả định rằng nó đã tham gia vào các trận chiến đấu. Ngoài các quân đoàn ấy ra, ở gần Lơ-măng và trong trại Côn-li bên cạnh, còn có quân đoàn 21 (Giô-re-xơ) và đạo quân Brơ-ta-nhơ, được chuyển cho Giô-re-xơ chỉ huy sau khi Kê-rát-ri xin từ chức. Chúng ta có thể nói thêm rằng, ở phía bắc có quân đoàn 22, do tướng Phai-đéc-bơ chỉ huy; địa bàn hoạt động của nó là thành phố Li-lơ. Chúng ta không gộp vào đây đơn vị ky binh của tướng Mi-sen, được giao cho đạo quân Loa-rơ; mặc dầu những đội kỵ binh này được coi là rất đông, nhưng do chỗ chúng mới được thành lập cách đây không lâu và các thành phần của chúng không được huấn luyện, nên chỉ có thể coi chúng là một đơn vị kỵ binh tình nguyện hay không chuyên nghiệp mà thôi.
Đạo quân ấy gồm những thành phần rất khác nhau, - từ những kỵ binh chuyên nghiệp cũ, được gọi trở lại vào hàng ngũ quân đội, cho đến những tân binh không được huấn luyện và những người tình nguyện rất ghét mọi kỷ luật; từ những tiểu đoàn vững vàng như những đơn vị du-a-vơ của giáo hoàng[114] chẳng hạn, cho đến những tốp người chỉ mang cái tên gọi tiểu đoàn mà thôi. Tuy thế, người ta cũng xác lập được một kỷ luật nào đó, nhưng toàn bộ đạo quân vẫn còn giữ dấu vết của tính chất vội vã khi thành lập nó. "Nếu để cho đạo quân đó bốn tuần lễ nữa để chuẩn bị, thì nó sẽ là một kẻ địch đáng sợ", - các sĩ quan Đức đã nói như vậy sau khi tiếp xúc với nó ở trên chiến trường. Trừ tất cả những tân binh hoàn toàn chưa được huấn luyện - những người này chỉ gây trở ngại mà thôi- chúng ta có thể cho rằng tất cả 5 quân đoàn của Đô-ren-lơ (không kể quân đoàn 19) được sử dụng để tác chiến gồm khoảng 120.000- 130.000 người đáng gọi là binh sĩ. Các đơn vị gần Lơ-măng có thể cung cấp thêm gần 40.000 người.
Như chúng ta thấy, đương đầu với những lực lượng ấy là đạo quân của hoàng thân Phri-đrích-các-lơ, gồm cả những đơn vị nằm dưới sự chỉ huy của đại công tước Mếch-clen-bua; nhờ thiếu tá Ô-di-ê, hiện nay chúng ta biết rằng tổng cộng lại thì những đơn vị đó có thể gồm khoảng 90.000 người. Nhưng nhờ kinh nghiệm chiến đấu, nhờ tổ chức của họ và sự lãnh đạo từng trải của các chỉ huy, 90.000 người đó hoàn toàn có thể tác chiến chống lại những đội quân đông gấp đôi đang chống lại họ. Như vậy, triển vọng hầu như là ngang nhau, và điều đó đặc biệt làm vinh dự cho nhân dân Pháp, từ chỗ không có gì mà đã tạo ra một đạo quân mới trong 3 tháng.
Chiến dịch đã bắt đầu từ phía người Pháp, với cuộc tấn công vào đội quân của Phôn Đe Tan gần Cun-mơ và với việc chiếm lại Oóclê-ăng ngày 9 tháng Mười một. Tiếp đó là cuộc hành quân của công tước Mếch-clen-bua để chi viện cho Phôn Đe Tan và cuộc tiến quân của Ô-ren-lơ về hướng Đri-ô, khiến cho công tước Mếch-clen-bua phải kéo tất cả các đơn vị của ông ta đến đây và hành quân đến Lơ-măng. Trong thời gian cuộc hành quân đó, các đơn vị quân đội không phải chính quy của Pháp đã quấy rối quân Đức một cách mạnh mẽ chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh này. Dân cư đã chống lại một cách hết sức kiên quyết, du kích đã không ngừng quấy rối các phía sườn của kẻ thù xâm lược; còn quân chính quy thì chỉ tiến hành phô trương thanh thế mà thôi và không thể nào buộc nó tham chiến được. Những bức thư của các phóng viên Đức đi theo đạo quân của công tước Mếch-clen-bua, sự điên cuồng và phẫn nộ của họ về việc những người Pháp vô đạo đức ấy áp dụng một cách dai dẳng trong chiến tranh những phương thức thuận tiện nhất cho mình và không thuận tiện nhất cho địch, là một bằng chứng tốt nhất để chứng minh rằng, chiến dịch ngắn ngủi ấy ở ngoại ô Lơ-măng đã được những người phòng ngự tiến hành một cách tuyệt điệu. Người Pháp đã lôi cuốn công tước Mếch-clen-bua vào việc đuổi theo một cách hoàn toàn vô nghĩa một đạo quân vô hình cho đến khi ông ta thấy mình đã nằm cách Lơ-măng gần 25 dặm. Tạt ra xa như vậy, ông ta không dám tiến xa hơn nữa và quay về hướng nam. Rõ ràng là kế hoạch lúc đầu là đánh cho đạo quân Lơ-măng một đòn chí tử, rồi sau đó quay xuống hướng nam đến Blua và đánh vòng vào phía sườn trái của đạo quân Loa-rơ trong lúc Phri-đrích-các-lơ, đã đến kịp đúng vào lúc bấy giờ, sẽ tấn công đạo quân đó từ phía trước mặt và phía sau lưng. Nhưng kế hoạch đó, cũng giống như nhiều kế hoạch về sau này, đã không thành công. Để mặc công tước Mếch-clen-bua, Ô-ren-lơ đã tiến đánh Phri-đrích-các-lơ, và ngày 24 tháng Mười một, đã tấn công quân đoàn 10 của Phổ ở gần La-đôn và Mê-di-rơ, còn ngày 28 thì tấn công những lực lượng lớn của Phổ ở Bông-la-rô-lăng. Rõ ràng là ở đây Ô-ren-lơ đã chỉ đạo các đạo quân của mình không tốt. Mặc dầu đó là mưu toan đầu tiên của ông ta định chọc thủng quân Phổ và dùng sức mạnh vạch cho mình một con đường đến Pa-ri, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong các đội quân của ông ta là sẵn sàng mà thôi. Điều duy nhất mà ông ta đã làm được là làm cho quân thù kính trọng các đơn vị của mình. Ông ta đã rút lui về những vị trí bố phòng ở trước Oóe-lê-ăng, và đã tập trung tất cả các lực lượng của mình lại chính tại đây ông ta đã bố trí những lực lượng ấy từ phải sang trái theo trình tự sau đây: quân đoàn 18 ở đầu phía sườn bên phải, sau đó là quân đoàn 20 và 15,- tất cả những đơn vị đều nằm ở phía đông con đường sắt Pa-ri - Oóc-lê-ăng, phía tây con đường sắt đó là quân đoàn 16 và ở đầu sườn bên trái là quân đoàn 17. Nếu như tất cả những đội quần ấy được tập trung đúng lúc thì chắc chắn là họ đã đánh tan được đạo quân của Phri-đrích-các-lơ, lúc bấy giờ chưa đến 50.000 người. Nhưng lúc đó, khi mà Ô-ren-lơ ngồi một cách vững vàng trong các công sự của mình thì công tước Mếch-clen-bua lại tiến về phía nam và nối liền với sườn bên phải của đạo quân của người anh em họ của ông ta, người mà ông ta bây giờ đang chịu sự chỉ huy. Như vậy, 40.000 quân của công tước Mếch-clen-bua đã đến để tham gia vào cuộc tấn công chung vào Ô-ren-lơ, trong lúc đó thì đạo quân Lơ-măng của Pháp, tự thỏa mãn với cái vinh dự là đã "đẩy lùi" quân địch, đã nằm yên tại chỗ, cách nơi quyết định số phận của chiến dịch chừng 60 dặm gì đó.
Sau đó là cái tin hoàn toàn bất ngờ về trận đánh ra của Tơ-rô-suy ngày 30 tháng Mười một. Cần phải có những cố gắng mới để yểm hộ ông ta. Ngày 1 tháng Chạp, Ô-ren-lơ mở đầu một cuộc tổng tấn công vào quân Phổ, nhưng đã quá chậm. Trong lúc quân Đức đem tất cả lực lượng của chúng ra đánh ông ta thì quân đoàn 18 của ông ta ở đầu cánh sườn bên phải hình như đã bị dẫn vào một con đường không đúng và đã hoàn toàn không tham gia cuộc chiến đấu. Như vậy, Ô-ren-lơ đã tiến hành trận đánh chỉ với 4 quân đoàn, mà điều đó có nghĩa là số quân (những binh sĩ thực tế chiến đấu) của ông ta chắc chắn chỉ nhiều hơn số binh lính địch một ít thôi. Ông ta bị đánh tan, và hình như ông ta đã tự coi mình bị thua trận trước khi điều đó diễn ra trong thực tế. Điều đó giải thích sự không quyết tâm mà ông ta đã thể hiện khi ra lệnh rút lui qua sông Loa-rơ chiều ngày 3 tháng Chạp, nhưng sáng hôm sau lại xóa bỏ lệnh đó và quyết định giữ Oóc-lê-ăng. Kết quả là như người ta thường thấy: mệnh lệnh, phản mệnh lệnh, lộn xộn. Vì quân Phổ tập trung tấn công vào cánh bên trái và vào trung tâm đạo quân của ông ta, nên 2 quân đoàn ở sườn bên phải - rõ ràng là vì nhận được những mệnh lệnh trái ngược- đã để cho quân địch cắt đường rút lui của họ về Oóc-lê-ăng và đã phải vượt qua sông: quân đoàn 20 vượt qua sông ở Giác-giô, và quân đoàn 18 ở Xuy-li, cách đó một ít về phía đông. Một bộ phận nhỏ của quân đoàn này hình như còn bị đánh bật xa hơn nữa về phía đông, vì ngày 7 tháng Chạp quân đoàn 3 của Phổ đã tìm thấy nó ở cạnh Nơ-voa, gần Giên và từ đây đơn vị này đã truy kích nó theo hướng Bri-ác, vẫn luôn luôn đi ở phía bờ bên phải. Chiều ngày 4 tháng Chạp, Oóc-lê-ăng bị rơi vào tay quân Đức, và việc truy kích quân Pháp lập tức được tiến hành. Trong lúc quân đoàn 3 phải tiến ngược sông Loa-rơ dọc theo bờ bên phải, thì quân đoàn 10 được điều đi đánh ở Vi-éc-dôn, còn các đội quân của công tước Mếch-clen-bua thì theo hữu ngạn tiến về Blua. Chưa kịp đến đấy thì các đơn vị này đã vấp phải ít nhất là một bộ phận của đạo quân Lơ-măng ở gần Bơ-giăng-xi; giờ đây, đạo quân này, rốt cuộc lại do Săng-di chỉ huy, đã chống cự lại một cách kiên trì và đã thành công một phần. Nhưng chẳng mấy chốc cuộc chống cự này đã bị đánh tan, vì quân đoàn 9 của Phổ đã tiến đến Blua dọc theo bờ bên trái con sông, cắt đường rút lui về Tua của Săng-di. Cuộc hành quân vu hồi đó đã đạt được mục đích của nó. Săng-di rời vị trí nguy hiểm đó, và Blua đã rơi vào tay kẻ xâm lược. Tiết băng tan đã bắt đầu và mưa lớn cách đó không lâu, đã làm hỏng đường sá và điều ấy đã làm cho cuộc tiếp tục truy kích phải ngừng lại.
Hoàng thân Phri-đrích-các-lơ đã điện về Tổng hành dinh rằng đạo quân Loa-rơ đã hoàn toàn bị phiêu bạt đi khắp nơi, trung tâm của nó bị đánh vỡ và với tư cách là một đạo quân thì nó không còn tồn tại nữa. Tất cả những điều đó nghe rất hay, nhưng còn xa mới phù hợp với thực tế. Ngay cả những tin của Đức cũng không để lại một chút nghi vấn gì vê việc 77 đại bác cướp được ở gần Oóc-lê-ăng, hầu như tất cả đều là những đại bác của hải quân bị để lại trong các công sự. Có thể là 10.000, nếu kể cả thương binh thì 14.000 người, đã bị bắt làm tù binh, hơn nửa đa số trong bọn họ đã bị mất tinh thần rất nhiều; nhưng tình trạng của quân Bay-ơn,- ngày 5 tháng Chạp những quân này đã đi lang thang từng đám trên con đường từ Ác-te-nơ đến Sa-tơ-rơ, hoàn toàn vô trật tự, không có vũ khí và không có túi dết, - thì chỉ khá hơn thế một chút thôi. Trong thời gian truy kích, ngày 5 và những ngày sau đó, người ta đã không cướp được một chiến lợi phẩm nào cả; và nếu như đạo quân đó đã bị đánh tan, thì nhất định đội kỵ binh tích cực và đông đảo mà người Phố hiện có trong tay như mọi người đều biết đã bắt được một số lớn binh lính của đạo quân ấy làm tù binh. Nói một cách nhẹ nhàng, thì ở đây đã có một sự không chính xác lớn. Tiết băng tan không phải là một lý do để biện minh: tiết đó bắt đầu vào khoảng mồng 9, và như vậy vẫn còn 4- 5 ngày để truy kích tích cực, khi đường sá và các cánh đồng bị đóng băng vẫn còn đi được tốt. Cuộc tấn công của quân Phổ bị dừng lại không hẳn là do tiết băng tan, mà chủ yếu là do họ nhận thức rằng, lực lượng 90.000 người ấy- mà số lượng đã bị giảm bớt đi do tổn thất và do phải để lại những đơn vị đồn trú khoảng 60.000 người - hầu như đã bị hoàn toàn kiệt sức. Họ hầu như đã đạt tới giới hạn cuối cùng là: sẽ thiếu sáng suốt nếu truy kích một kẻ địch dù đã bị đánh tan. Có thể tiến hành những vụ đột kích có quy mô lớn vào hướng nam, nhưng chưa chắc đã chiếm đóng được thêm đất đai. Đạo quân Loa-rơ, bây giờ được phân thành hai đạo quân- một do Buốc-ba-ki chỉ huy, còn đạo quân kia thì do Săng-di chỉ huy- sẽ có đủ thời gian và không gian để tiến hành việc tổ chức lại và rèn chỉnh những tiểu đoàn mới được thành lập. Do phân ra, nó không còn tồn tại với tư cách là một đạo quân nữa, nhưng đạo quân Loa-rơ là đạo quân đầu tiên không bị nhục nhã trong cuộc chiến tranh này. Về hai đạo quân thay thế nó, chắc chắn là chúng ta sẽ còn được nghe nói đến.
Còn trong lúc đó thì nước Phổ đã bộc lộ những dấu hiệu của sự kiệt quệ. Người ta gọi vào đội quân lan-ve những người đến 40 tuổi và nhiều tuổi hơn nữa, mặc dầu theo pháp luật thì những người quá 32 tuổi không phải làm nghĩa vụ quân sự nữa. Những lực lượng hậu bị đã được huấn luyện của cả nước cũng đã bị cạn. Trong tháng Giêng, từ miền Bắc nước Đức, khoảng 90.000 tân binh sẽ được điều sang Pháp. Rút cục đó có lẽ là 150.000 người mà chúng ta đang nghe nói đến rất nhiều, nhưng hiện giờ thì vẫn còn chưa có ở đó; còn khi họ đến nơi, thì họ sẽ làm thay đổi một cách căn bản tính chất của đạo quân. Sự kiệt quệ sức lực do cuộc chiến tranh đó gây ra là rất to lớn và mỗi ngày một tăng lên. Cái giọng buồn rầu trong những bức thư của quân đội gửi đi, cũng như những bản thống kê các tổn thất nói lên điều đó. Chiếm vị trí chủ yếu trong những bản thống kê ấy giờ đây không phải là những tồn thất trong các trận chiến đấu lớn nữa, mà là trong những trận nhỏ, trong đó bị chết 1, 2, 5, người. Thường xuyên làm tiêu hao lực lượng của kẻ thù, những làn sóng của cuộc chiến tranh nhân dân cùng với thời gian sẽ nghiền nát và tiêu hủy dần một đội quân lớn nhất và điều quan trọng nhất là người ta không thấy điều đó được cân bằng bằng sự tổn thất tương ứng của phía bên kia. Chừng nào mà Pa-ri còn đứng vững, thì tình hình của người Pháp ngày càng sáng sủa hơn, và sự sốt ruột mà ở Véc-xây người ta chờ mong sự đầu hàng của Pa-ri là một bằng chứng tốt nhất nói lên rằng, thành phố đó còn có thể nguy hiểm cho những kẻ đang bao vây.