NHỮNG TRIỂN VỌNG CỦA CHIẾN TRANH
Tác giả: Frederick Engels
Thất bại gần đây của đạo quân Loa-rơ của Pháp và việc Đuy-crô rút lui về phía bên này sông Mác-nơ- giả định rằng cuộc rút lui đó có tính chất quyết định như người ta đã thông báo hôm thứ bảy[1*] - đã quyết định dứt khoát số phận của những hoạt động phối hợp đầu tiên nhằm giải phóng Pa-ri. Những hoạt động đó đã hoàn toàn không thành công, và công chúng lại bắt đầu hỏi: phải chăng loạt thất bại mới ấy chứng minh rằng người Pháp không có khả năng tiếp tục kháng chiến thắng lợi nữa? Chấm dứt ngay trò chơi, giao nộp Pa-ri và ký hiệp định nhường An-da-xơ và Lo-ren-nơ thì có tốt hơn không?
Vấn đề là ở chỗ người ta đã quên mất hết mọi khái niệm về chiến tranh thật sự là như thế nào. Tất cả các cuộc chiến tranh Crưm, I-ta-li-a, Áo- Phổ đều chỉ là những cuộc chiến tranh có tuân thủ những quy ước nhất định, những cuộc chiến tranh của các chính phủ; một khi mà bộ máy quân sự của họ bị hủy hoại hay bị hao mòn thì các chính phủ đó liền ký kết hòa ước. Một cuộc chiến tranh thật sự, một cuộc chiến tranh mà bản thân cả nước tham gia, thì đã mấy thế hệ nay chúng ta chưa thấy ở trung tâm châu Âu. Chúng ta đã thấy cuộc chiến tranh đó ở Cáp-ca-dơ, ở An-giê-ri, ở đó cuộc đấu tranh đã tiếp tục hơn 20 năm hầu như không bị gián đoạn; chúng ta cũng sẽ có thể thấy cuộc chiến tranh đó ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như các đồng minh của người Thổ Nhỉ Kỳ để cho họ bảo vệ bằng những phương thức thường dùng của chính bản thân họ. Nhưng vấn đề là những quy ước của chúng ta chỉ đem lại quyền tự vệ thực sự cho riêng một mình những người dã man mà thôi; chúng ta cho rằng, những quốc gia văn minh sẽ đánh nhau theo nghi thức, và một dân tộc chân chính sẽ không phạm tội vô lễ là cứ tiếp tục đấu tranh sau khi quốc gia chính thức đã buộc phải đầu hàng.
Ấy thế mà người Pháp lại đang thực sự làm cái điều vô lễ đó. Bực thay cho người Phổ, những người vẫn tự cho mình là hiểu biết nhất về những nghi thức quân sự, khi người Pháp vẫn kiên quyết tiếp tục chiến đấu trong thời gian 3 tháng sau khi quân đội chính thức của Pháp bị loại khỏi chiến trường; thậm chí họ còn làm những điều mà trong cuộc chiến tranh ấy, quân đội chính thức của họ hoàn toàn không thể làm nổi được. Có một trường hợp họ đã giành được thắng lợi lớn và nhiều trường hợp các hoạt động riêng lẻ của họ đã thành công: họ đã chiếm được đại bác, các xe vận tải và bắt được tù binh địch. Quả thật họ vừa bị một loạt thất bại nặng nề; nhưng những thất bại đó không có nghĩa lý gì so với những thất bại mà quân đội chính thức của họ trước kia thường phải chịu khi chạm trán với cũng kẻ địch ấy. Quả thật, mưu toan đầu tiên của họ định giải phóng Pa-ri khỏi đạo quân bao vây bằng một cuộc tấn công cùng một lúc từ trong ra và từ ngoài vào đã bị hoàn toàn thất bại, nhưng phải chăng từ đó nhất thiết phải kết luận rằng họ không còn khả năng thử làm một lần thứ hai nữa?
Theo sự xác nhận của chính người Đức, cả hai đạo quân Pháp, đạo quân Pa-ri cũng như đạo quân Loa-rơ, đều đã chiến đấu tốt. Quả thật họ đã bị đánh tan bởi những lực lượng ít hơn về mặt số lượng, nhưng những đơn vị mới vừa mới được thành lập, chiến đấu chống những đội quân lão luyện thì chỉ có thể như vậy thôi. Những hoạt động của họ trên chiến trường dưới hỏa lực, - theo lời phóng viên tờ "Daily News", một người biết rõ điều mình viết,- thì nhanh chóng và tự tin; nếu như họ thiếu sự chuẩn xác, thì đó cũng là thiếu sót của nhiều đạo quân Pháp đã chiến thắng. Một điều có thể nói chính xác là: những đạo quân ấy chứng minh rằng chúng là những đạo quân thật sự mà địch sẽ phải kính trọng họ một cách xứng đáng. Không nghi ngờ gì hết, họ gồm những thành phần hết sức khác nhau. Có những tiểu đoàn chủ lực có lính cũ với số lượng khác nhau; có những vệ binh cơ động có sức chiến đấu rất khác nhau, từ những tiểu đoàn đã được huấn luyện và vũ trang, có đầy đủ sĩ quan, cho đến những tiểu đoàn tân binh chưa được huấn luyện, còn chưa được huấn luyện về đội hình cơ bản và còn chưa biết cách sử dụng súng; có những quân du kích đủ mọi loại: giỏi, kém và trung bình, đa số trong bọn họ chắc chắn là thuộc loại sau. Nhưng dầu sao thì cũng có hạt nhân gồm những tiểu đoàn chiến đấu tốt mà tất cả những tiểu đoàn khác có thể tập hợp lại chung quanh; nếu như họ tham dự những trận đánh nhỏ khác nhau trong thời gian một tháng, đồng thời tránh được những thất bại lớn, thì tất cả bọn họ đều sẽ trở thành những người lính tốt. Nếu có chiến lược tốt, thì ngay hiện nay họ cũng có thể giành được thắng lợi, mà toàn bộ chiến lược cần có trong lúc này là hoãn bất kỳ trận chiến đấu quyết định nào lại, điều này- như chúng tôi cảm thấy- có thể đạt được.
Nhưng những đạo quân tập trung ở Lơ-măng và gần Loa-rơ còn xa mới là toàn bộ lực lượng vũ trang của nước Pháp. Ít ra cũng còn 200.000- 300.000 người hiện nay đang còn ở giai đoạn thành lập đơn vị ở những địa điểm xa hơn trong hậu phương. Cứ mỗi ngày họ lại càng nhích gần hơn tới trình độ những đơn vị có sức chiến đấu. Số lượng lính mới gửi ra mặt trận nhất định sẽ mỗi ngày một tăng, ít ra là trong một thời gian nào đó. Và ngoài số đó ra còn có rất nhiều người để thay thế họ. Vũ khí và đạn dược hàng ngày được gửi tới với những số lượng lớn; khi có những xưởng chế tạo vũ khí và xưởng đúc pháo hiện đại, khi có điện báo và tàu thủy, trong điều kiện khống chế được mặt biển, thì không còn phải lo thiếu những thứ ấy nữa. Trong thời hạn một tháng, năng lực chiến đấu của những con người đó cũng sẽ có thay đổi lớn; và nếu như họ có được 2 tháng thì họ sẽ là một đội quân có khả năng làm rối loạn nghiêm trọng sự yên tĩnh của Môn-tơ-kê.
Sau những lực lượng ít nhiều có tính chất chính quy ấy là đội dân quân rất đông đảo, là quần chúng nhân dân mà trong cuộc chiến tranh này quân Phổ đã buộc họ phải bước lên con đường tự vệ, cuộc tự vệ này, như lời của cha vua Vin-hem[2*], cho phép dùng mọi phương tiện. Khi Phrít-xơ[3*] tiến từ Mét-xơ đến Rêm-xơ, từ Rêm-xơ đến Xê-đăng, và từ đó đến Pa-ri, thì người ta chưa nói gì đến cuộc khởi nghĩa của nhân dân cả. Người ta hơi sững sờ trước những thất bại của các đạo quân của hoàng đế, 20 năm chế độ quân chủ đã dạy cho quần chúng nhân dân phục tùng sự lãnh đạo chính thức một cách ngoan ngoãn và thụ động. Đó đây nông dân đã tham gia những cuộc chiến đấu thực sự, như ở Ba-dây-lơ, nhưng đó là ngoại lệ. Nhưng một khi quân Phổ vừa mới đóng ở chung quanh Pa-ri và thi hành một cách không thương xót một chế độ trưng thu tàn phá đối với các vùng xung quanh, một khi chúng vừa bắt tay vào việc xử bắn các du kích và đốt các làng xóm đã giúp đỡ cho du kích, một khi họ vừa bác bỏ những đề nghị hòa bình của người pháp và tuyên bố ý đồ của họ định tiến hành một cuộc chiến tranh xâm chiếm, thì tất cả những tình hình đó đều thay đổi. Đâu đâu cuộc chiến tranh du kích, do những sự tàn khốc của chính quân Phổ thổi bùng lên, cũng nổ ra ở chung quanh chúng, và giờ đây, chỉ cần chúng tiến vào một tỉnh mới là ở đó đâu đâu cũng có những đội dân quân đứng lên. Những ai đọc các bản tường thuật về sự tiến quân của các đạo quân của công tước Mếch-clen-bua và của Phri-đrích-các-lơ, thì cũng đều thấy ngay rằng, cuộc khởi nghĩa không thể nắm được đó của nhân dân, khi tạm ngừng, khi lại xuất hiện trở lại, nhưng bao giờ cũng gây trở ngại cho quân thù, đã có một ảnh hưởng đặc biệt như thế nào đến sự di chuyển của các đạo quân ấy. Ngay cả đội kỵ binh đông đảo của các đạo quân ấy- mà người Pháp hầu như không có ai để chống lại được- trên một mức độ lớn cũng bị làm cho trở nên vô hiệu bởi sự thù địch đó của toàn thể dân cư, thể hiện ra một cách tích cực hay thụ động.
Bây giờ chúng ta hãy xét đến tình hình quân Phổ. Trong số 17 sư đoàn đóng ở gần Pa-ri, dĩ nhiên họ không thể tách ra được một sư đoàn nào khi mà bất cứ ngày nào Tơ-rô-suy cũng có thể lặp lại những trận xuất kích en masse[4*] của ông ta. Đối với 4 sư đoàn của Man-toi-phen ở Noóc-măng-đi và Pi-các-đi thì trong một thời gian nào đó nhiệm vụ của nó sẽ nặng nề hơn là khả năng của nó có thể hoàn thành được; hơn nữa, người ta có thể rút chúng ra khỏi những vùng đó. Hai sư đoàn rưỡi của Véc-đe chỉ có thể tiến đánh Đi-giông bằng những trận tập kích, và tình hình đó vẫn cứ như thế ít ra cho đến khi Ben-pho bị buộc phải đầu hàng. Không thể rút được một người lính nào trong số những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ con đường liên lạc dài và hẹp: con đường sắt Năng-xi - Pa-ri. Quân đoàn 7 có khá nhiều công việc, vì nó phải đóng giữ cứ điểm Lo-ren và tiến hành bao vây Lông-vi và Mông-mê-đi. Để hoạt động ở chiến trường trống trải chống lại phần lớn các vùng miền Trung và miền Nam nước Pháp, còn lại 11 sư đoàn bộ binh của Phri-đrích -Các-lơ và công tước Mếch-clen-bua gồm chắc chắn không quá 150.000 người kể cả kỵ binh.
Như vậy quân Phổ sử dụng gần 26 sư đoàn để giữ An-da-xơ và Lo-ren-nơ, hai tuyến giao thông dài đến Pa-ri và Đi-giông và để bao vây Pa-ri; tuy vậy, họ cũng chỉ chiếm được một cách trực tiếp có lẽ chưa đầy một phần tám nước Pháp, còn gián tiếp thì chắc chắn là không hơn một phần tư. Họ còn 15 sư đoàn cho bộ phận còn lại của nước ấy, trong đó có 4 sư đoàn do Man-toi-phen chỉ huy. Họ có thể tiến sâu vào trong nước đến mức nào, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sức kháng cự của nhân dân mà họ có thể vấp phải. Nhưng vì tất cả những con đường giao thông liên lạc của họ đều đi qua Véc-xây- bởi vì cuộc tiến quân của Phri-đrích Các-lơ đã không mở cho mình được một tuyến mới qua Tơ-roay-ơ- và đều đi qua ngay giữa một vùng đang nổi dậy, cho nên những đạo quân đó sẽ phải phân tán lực lượng của chúng ra trên một mặt trận rộng lớn, để lại những đơn vị ở đằng sau lưng nhằm bảo vệ đường sá và kình kẹp dân cư; kết quả là chúng sẽ nhanh chóng đạt tới các tình thế là lực lượng của chúng sẽ giảm đi tới mức sẽ quân bình với những lực lượng của người Pháp đang chống lại chúng, và khi đó, những triển vọng lại sẽ thuận lợi cho người Pháp; hay là những đạo quân Đức ấy sẽ phải hoạt động bằng những đơn vị lớn cơ động, vận động ngang dọc trên khắp nước Pháp chứ không chiếm đóng nước đó một cách cố định. Trong trường hợp đó, các đơn vị quân đội thường trực của Pháp có thể tạm thời rút lui, rồi sẽ có nhiều cơ hội thuận tiện để tấn công vào phía sườn và vào sau lưng chúng.
Một vài đơn vị lưu động, giống như những đơn vị mà năm 1813 Bluy-khơ đã dùng để đánh úp phía sườn quân Pháp, sẽ rất có ích, nếu như chúng được dùng để phá hủy tuyến giao thông của quân Đức. Tuyến đó dễ bị đánh tan hầu như ở suốt chiều dọc của nó từ Pa-ri đến Năng-xi. Một vài đơn vị, mỗi đơn vị gồm một hay hai đội ky binh và một số xạ thủ thiện xạ nào đó, tấn công vào tuyến ấy, phá hủy các đường sắt, hầm xe lửa, cầu cống, tấn công vào các chuyến tàu hỏa v.v., sẽ góp phần to lớn vào việc buộc quân Đức phải rút những đơn vị kỵ binh từ mặt trận về, ở đấy chúng là những đơn vị đặc biệt nguy hiểm. Vả lại, dĩ nhiên là người Pháp không có cái tính "táo bạo của lính phiêu kỵ" chính cống.
Chúng tôi nói tất cả những điều đó dựa trên giả định rằng Pa-ri vẫn tiếp tục giữ vững được. Cho đến nay, chi có nạn đói mới có thể buộc Pa-ri phải đầu hàng. Nhưng bản tin đăng ở trên tờ "Daily News" ngày hôm qua, do một phóng viên nằm ở trong thành phố đó viết, nếu như đúng thì sẽ đánh tan nhiều điều lo lắng. Ở đây còn có 25.000 ngựa ngoài số thuộc về đạo quân Pa-ri, số ngựa này, mỗi con nặng 500 ki-lô-gam, sẽ cung cấp 61/4 ki-lô-gam, hay 14 pao thịt cho mỗi người dân, hay gần 1/4 pao thịt mỗi ngày trong suốt hai tháng. Có được một số thịt như thế, cũng như có bánh mì và rượu nho ad libitum[5*] một số lượng lớn thịt muối và những dự trữ thức ăn khác, Pa-ri hoàn toàn có thể giữ vững được cho đến đầu tháng Hai. Và điều đó sẽ đem lại cho nước Pháp hai tháng, ngày nay hai tháng đó đối với nó có một ý nghĩa lớn hơn là hai năm trong thời bình. Như vậy, với một sự lãnh đạo ít nhiều hợp lý và kiên quyết, ở trung ương cũng như ở địa phương, đến lúc đó nước Pháp sẽ có thể giải phóng Pa-ri và hồi phục lại được.
Còn nếu như Pa-ri thất thủ?- Chúng ta sẽ còn có đủ thì giờ để xét tới khả năng đó, khi mà khả năng ấy trở nên hiện thực hơn. Dầu sao thì nước Pháp cũng đã biết bỏ qua Pa-ri trong thời gian hơn hai tháng và có thể tiếp tục chiến đấu mà không cần có thành phố đó. Tất nhiên, việc Pa-ri thất thủ có thể làm tổn hại tinh thần kháng chiến của người Pháp, nhưng những tin tức về những sự không thành công của 7 ngày gần đây ngay hiện nay cũng có thể có một ảnh hưởng như vậy. Cả hai cái đó không nhất thiết phải dẫn đến những hậu quả như vậy. Nếu như người Pháp củng cố được một số vi trí thuận lợi cho sự cơ động, như Nê-véc ở gần nơi hợp lưu của hai con sông Loa-rơ và A-li-e, nếu như họ dựng những công sự tiền tiêu chung quanh Li-ông để làm cho thành phố này cũng mạnh như Pa-ri, thì sẽ có thể tiến hành chiến tranh ngay cả sau khi Pa-ri thất thủ; nhưng giờ đây chưa phải lúc nói tới điều đó.
Như vậy, chúng tôi dám tuyên bố rằng, nếu như tinh thần đề kháng trong nhân dân sẽ không bị yếu đi thì vị trí của người Pháp, ngay cả sau những thất bại gần đây, cũng còn rất mạnh. Khống chế được đường biển nhờ thế có khả năng chuyên chở vũ khi, có một số lượng lớn người có thể chuyển thành binh linh, đã làm công tác tổ chức trong thời gian ba tháng- ba tháng đầu tiên và khó khán nhất- có khả năng- một khả năng không phải là tồi còn có thêm một tháng đình chiến, nếu như không phải là hai, hơn nữa trong khi quân Phổ đã thể hiện những dấu hiệu kiệt quệ trong những điều kiện như thế sự đầu hàng sẽ là một sự phản bội rô rệt. Và ai biết được những sự ngẫu nhiên nào có thể diễn ra, những sự phức tạp nào hơn nữa sẽ có thể xuất hiện ở châu Âu trong thời gian đó? Dẫu sao đi nữa thì người Pháp cũng phải tiếp tục chiến đấu.
------------------
Chú thích
[1*]. Xem tập này. tr. 258-262.
[2*]. Phri-đrích- Vin-hem IV
[3*]. Tức thái tử Phổ Phri-đrích-vin-hem.
[4*]. đại quy mô
[5*]. với số lượng không hạn chế