Frederick Engels
XXIII
Tác giả: Frederick Engels
Các sĩ quan bộ tham mưu Phổ ở Béc-lin hình như đã sốt ruột. Thông qua phóng viên các tờ báo "Times" và "Daily News"[76] ở Béc-lin, họ báo tin với chúng ta rằng mấy hôm nay ở Pa-ri người ta đã chuẩn bị những phương tiện công thành và cuộc vây đánh sắp sửa bắt đầu. Chúng tôi hoài nghi sự sẵn sàng đó. Một là chúng tôi được biết mấy chiếc hầm ở gần La-phéc-tê-su-gioa-rơ trên tuyến đường sắt duy nhất có thể sử dụng được đã bị quân Pháp phá hủy khi rút lui và cho tới nay còn chưa được khôi phục; hai là chúng tôi đã được biết rằng phương tiện để vây đánh chính quy và hữu hiệu đối với một cứ điểm đồ sộ như Pa-ri là rất lớn nên phải có một thời gian dài để tập trung những phương tiện đó ngay khi đường sắt vẫn luôn luôn thông suốt; ba là mặc dù sau khi bản tin đó được phát đi từ Béc-lin đã 5 hoặc 6 ngày qua thế mà chúng tôi chưa nghe thấy nói đào hào song song thứ nhất. Vì vậy chúng tôi phải kết luận rằng cần phải hiểu sự sẵn sàng bắt đầu vây đánh hoặc tấn công chính quy là sẵn sàng bắt đầu tấn công phi chính quy, nghĩa là bắt đầu bắn pháo.
Nhưng để bắn pháo vào Pa-ri với hy vọng nào đó buộc nó đầu hàng thì cần có một số lượng pháo nhiều hơn rất nhiều so với số pháo cần có để vây đánh chính quy. Trường hợp vây đánh chính quy, có thể hạn chế cuộc tấn công chỉ ở một hoặc hai điểm trên tuyến phòng thủ; khi bắn pháo thì cần bắn phá liên tục toàn bộ diện tích rộng lớn của thành phố với một số lượng lớn đạn pháo để gây ra khắp nơi một số lượng đám cháy nhiều hơn là cư dân để có thể dập tắt và để làm cho cuộc đấu tranh dập tắt các đám cháy trở thành quá ư nguy hiểm. Song chúng ta đã thấy rằng ngay Xtơ-ra-xbua với 85.000 dân đã chịu đựng được một cách xuất sắc một cuộc bắn pháo tàn khốc chưa từng thấy, và trừ một số khu vực được hạn định một cách rất chuẩn xác đành chịu phải hy sinh, ở đây người ta đã dập tắt thành công các đám cháy. Sở dĩ như vậy là do thành phố có quy mô tương đối lớn. Một cứ điểm nhỏ với 50.000 hoặc 10.000 dân có thể dễ buộc phải đầu hàng vì bị bắn pháo nếu như ở đó không có nhiều nơi trú ẩn chống đạn pháo, nhưng một thành phố có 50.000- 100.000 dân có thể chịu đựng được cuộc bắn pháo mãnh liệt, đặc biệt là nếu thành phố đó được xây dựng như phần lớn các thành phố ở Pháp, bằng đá tảng hoặc nếu như nhà có tường gạch dầy. Bộ phận Pa-ri ở bên trong tuyến công sự chiếm một diện tích dài 12 km, rộng 10 km; thành cũ[77]- bộ phận của thành phố mà các công trình kiến trúc được xây dựng chen chúc nhất - có diện tích dài 9 km, rộng 7 km, nghĩa là bộ phận ấy của thành phố chiếm một diện tích gần 50 triệu mét vuông hoặc khoảng 60 triệu i-ác-đơ vuông. Để bắn vào mỗi nghìn i-ác-đơ vuông của khu vực ấy trung bình mỗi người một viên đạn pháo thì sẽ cần mỗi giờ 60.000 viên hoặc một ngày đêm là 1 triệu rưỡi viên, muốn thế cần có ít ra 2.000 khẩu trọng pháo. Nhưng mỗi giờ bắn một viên đạn pháo vào một khu vực dài rộng mỗi bề gần 100 phút là một cuộc bắn pháo yếu ớt. Cố nhiên có thể tạm thời tập trung hỏa lực vào một hoặc vài khu phố cho đến khi hoàn toàn phá hủy được nó rồi chuyển sang khu phố bên cạnh, nhưng để cuộc bắn phá ấy có hiệu quả cần kéo dài việc bắn phá trong một thời gian hầu như bằng thậm chí dài hơn thời gian vây đánh chính quy, hơn nữa ít chắc chắn là cuộc bắn phá như thế sẽ buộc cứ điểm ấy phải đầu hàng.
Ngoài ra, chừng nào các pháo đài của nó chưa đầu hàng thì Pa-ri trên thực tế vẫn ở ngoài tầm bắn pháo có hiệu quả. Những điểm cao gần nhất ở ngoài thành phố gần Sa-ti-ông hiện nằm trong tay quân bao vây cách Pa-le-đơ Giuy-xtít[78]- một địa điểm hầu như ở chính giữa thành phố- những 8.000 mét = 8.700 i-ác-đơ hoặc 5 dặm. Về phía nam, cự ly ấy ở chỗ nào cũng đại để như vậy. ó phía đông bắc, tuyến pháo đài cách xa trung tâm thành phố 10.000m hoặc trên 10.000 i-ác-đơ, do đó bất cứ đơn vị pháo bắn phá nào ở trong khu vực này đều bố trí xa 2.000 i-ác-đơ nữa, nghĩa là cách Pa-le-đơ Giuy-xtít 7- 8 dặm. Ở phía tây-bắc, thành phố được những khúc lượn của sông Xen và pháo đài Môn - Va-lê-n-en che chở tốt đến mức chỉ có thể bố trí các đơn vị pháo bắn phá trong các lô cốt độc lập dày đặc hoặc trong các hào song song được đào theo đúng mọi quy tắc, nghĩa là các đơn vị pháo bắn phá - mà chúng tôi cho rằng sự bắn phá của nó là sự chuẩn bị trước cho cuộc bao vây chính quy - chỉ có thể bố trí không sớm hơn lúc bắt đầu cuộc bao vây chính quy.
Hiện nay không thể nghi ngờ gì rằng trọng pháo nòng có rãnh như quân Phổ cỡ 5,6, 7, 8, 9 in-sơ bắn đạn nặng từ 25 đến 300 phun hoặc nặng hơn có thể bắn xa 5 dặm. Năm 1864, pháo nòng có rãnh 24 phun đặt ở Ham-men-mác đã bắn vào Don-đéc-buốc[79] ở cách 5.700 bộ = 4.750 i-ác-đơ hoặc gần 3 dặm, tuy rằng đấy là pháo kiểu cũ bằng đồng có thể chịu được một lượng thuốc nổ không quá 4 hoặc 5 phun khi dùng đạn nặng 68 phun. Góc bắn tất nhiên lớn và người ta đã phải cải tạo giá pháo một cách đặc biệt cho nó thích ứng vì nó có thể gãy khi sử dụng một lượng thuốc nổ mạnh hơn. Pháo hiện nay của quân Phổ bằng thép đúc có thể chịu được một lượng thuốc nổ nặng hơn nhiều so với trọng lượng viên đạn, nhưng để đạt được tầm xa 5 dặng, góc bắn vẫn phải rất lớn và cần cải tạo giá pháo một cách tương ứng, còn nếu sử dụng những khẩu pháo ấy vào những mục tiêu không phù hợp với chúng thì chúng sẽ nhanh chóng không thề sử dụng được. Không có gì phá hoại giá pháo nhanh chóng bằng bắn với toàn lượng thuốc nổ ngay trong tình hình góc bắn rất nhỏ 5 - 6 độ huống hồ lúc này góc bắn trung bình bằng ít nhất là 15 độ và giá pháo sẽ hoàn toàn bị phá hủy cũng nhanh chóng như những ngôi nhà ở Pa-ri. Nhưng dù không tính đến khó khăn ấy thì, việc bắn phá Pa-ri bằng các đơn vị pháo ở xa trung tâm thành phố 5 dặm nhiều lắm cũng chỉ có thể là một phần của công việc. Sự phá hoại có thể đủ để gây ra sự phẫn nộ nhưng không đủ để gây ra sự khiếp sợ. Ở cự ly như vậy, đạn không thể rót thật chuẩn xác vào một bộ phận quy định nào đó của thành phố. Dù có ra lệnh tránh bắn vào những khu vực quy định, chưa chắc đã tránh được bệnh viện, viện bảo tàng, thư viện cho dù từ trên những điểm cao có bố trí các đơn vị pháo người ta trông thấy chúng rõ ràng đến đâu đi nữa. Không thể cầm chắc nhằm trúng những công trình quân sự công binh xưởng, kho vũ khí và kho vật tư để phá hủy dù bên bao vây trông thấy rõ đi nữa; do đó sụp đổ cái lý do mà người ta thường đưa ra để biện hộ cho cuộc bấn pháo là nhằm phá hủy các phương tiện phòng ngự của bên bị vây. Tất cả những điều nói trên là dựa vào giả định rằng bên vây đánh có phương tiện bắn phá thực sự hữu hiệu, nghĩa là chừng 2.000 khẩu pháo nòng có rãnh và cối cỡ lớn. Nhưng như chúng tôi dự kiến, trong trường hợp này, nếu kho pháo công thành của Đức gồm chừng 400 hoặc 500 khẩu pháo thì không đủ để gây ra cho thành phố cái ấn tượng khiến cho cuộc đầu hàng của nó trô thành chắc chắn.
Mặc dù người ta vẫn cho rằng luật lệ về chiến tranh cho phép bắn pháo vào cứ điểm nhưng dù sao biện pháp ấy gây ra nhiều đau khổ cho dân thường, rằng lịch sử sẽ lên án bất cứ ai trong thời đại chúng ta đã sử đụng tới bắn pháo mà không có đủ hy vọng đạt được sự đầu hàng của cứ điểm bằng cách đó. Chúng ta bật cười vì chủ nghĩa sô-vanh của Vích-to Huy-gô cho rằng Pa-ri là thành phố thiêng liêng- thiêng liêng cao độ! - và bất cứ ý đồ nào mưu toan tấn công nó đều là sự xúc phạm thần linh. Chúng tôi coi Pa-ri cũng như bất cứ thành phố có bố phòng nào khác và nếu như nó quyết tâm phòng thủ thì nó phải chịu đựng tất cả những sự nguy hiểm đi kèm theo cuộc tấn công chính quy, kèm theo việc sử dụng chiến hào vây đánh và các đơn vị pháo công thành cũng như tác hại của đạn lạc rơi vào các công trình phi quân sự. Nhưng nếu như cuộc bắn pháo vào Pa-ri vẫn cứ xảy ra mặc dầu chỉ riêng việc bắn pháo thôi không thể buộc thành phố phải đầu hàng thì đấy sẽ là một sai lầm về quân sự mà một số người sẽ quy trách nhiệm cho bộ tham mưu của Môn-tơ-kê. Có người nói rằng Pa-ri bị bắn pháo là do lý do chính trị chứ không phải lý do quân sự.