VI
Tác giả: Frederick Engels
Bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa rằng, có lẽ chưa bao giờ một cuộc chiến tranh lại mở đầu với một thái độ cực kỳ coi rẻ những quy tắc của lý trí thông thường như là "cuộc dạo chơi quân sự tới Béc-lin" của Na-pô-lê-ông. Cuộc chiến tranh giành sông Ranh đã là con chủ bài cuối cùng và lớn nhất của Na-pô-lê-ông; nhưng đồng thời sự kết thúc không thành công của cuộc chiến tranh đó cũng có nghĩa là sự sụp đổ của Đế chế thứ hai. Ở Đức người ta đã hiểu rõ điều đó. Sự thường xuyên chờ đợi cuộc chiến tranh với Pháp đã là một trong những lý do chủ yếu buộc rất nhiều người Đức phải chịu hòa hoãn với những thay đối đã diễn ra trong năm 1866. Nếu trên một ý nghĩa nào đó nước Đức đã bị chia cắt ra, thì mặt khác nó lại trở nên mạnh hơn; tổ chức quân sự Bắc Đức đem lại một đảm bảo lớn hơn nhiều cho an ninh so với tổ chức quân sự của Liên bang Đức cũ[29] lớn nhưng cứng đờ. Tổ chức quân sự mới này được dự tính nhằm gọi nhập ngũ trong vòng 11 ngày 552.000 người thuộc các đội quân chủ lực và 205.000 quân lan-ve, được phiên chế thành tiểu đoàn, phân đội kỵ binh và các khẩu đội pháo binh, và sau 2 hoặc 3 tuần lễ- thì gọi nhập ngũ thêm 187.000 quân trù bị (Ersatztruppen), hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu được. Và đó không phải là một điều bí mật. Toàn bộ bản kế hoạch- có chỉ rõ các quân đoàn khác nhau mà các đạo quân ấy phân thành, các khu trong đó mỗi một tiểu đoàn, v.v. phải được thành lập- đã được công bố nhiều lần. Hơn nữa, cuộc động viên năm 1866 chi rõ rằng tổ chức ấy không phải chỉ tồn tại trên giấy. Mỗi một người đều được tính đến một cách cẩn thận; người ta cũng biết rõ rằng trong cơ quan của mỗi một viên chỉ huy quân khu lan-ve, các lệnh gọi mỗi người nhập ngũ đều đã có sẵn và chỉ còn cần ghi ngày tháng vào mà thôi. Nhưng đối với hoàng đế Pháp, những lực lượng to lớn ấy chỉ tồn tại trên giấy thôi. Tất cả những lực lượng mà ông ta tập hợp được lúc bắt đầu chiến dịch gồm nhiều lắm là 360.000 lính thuộc đạo quân Ranh và ngoài ra còn có 30.000 - 40.000 người dành cho cuộc viễn chinh vùng Ban-tích,- tất cả khoảng 400.000 binh sĩ. Với so sánh lực lượng về mặt số lượng không có lợi như thế, và với một thời gian dài cần thiết để chuẩn bị những đơn vị mới của Pháp (các tiểu đoàn thứ tư) cho các hoạt động chiến đấu như thế thì hoàng đế chỉ còn một hy vọng duy nhất vào thành công của một cuộc tấn công bất ngờ vào lúc mà việc động viên ở Đức còn đang diễn ra khẩn trương nhất. Chúng ta đã thấy khả năng ấy tuột mất như thế nào, và thậm chí cả khả năng thắng lợi thứ hai - tức là cuộc tấn công vào vùng Ranh - cũng bị bỏ lỡ như thế nào. Bây giờ chúng ta sẽ vạch ra một sai lầm khác nữa.
Vào lúc tuyên chiến, sự bố trí của quân đội Pháp thật tuyệt diệu. Rõ ràng đó là một bộ phận không thể tách rời của một kế hoạch chiến dịch đã được cân nhắc kỹ lưỡng. 3 quân đoàn ở Ti-ôn-vin, Xanh-a-vôn và Bi-trơ nằm ở tuyến thứ nhất, trực tiếp ngay biên giới; 2 quân đoàn ở Mét-xơ và Xtơ-ra-xbua ở tuyến thứ hai; 2 quân đoàn dự bị ở gần Năng-xi, và quân đoàn thứ 8 tại Ben-pho. Lợi dụng các con đường sắt, trong vài ngày sẽ có thể tập trung tất cả những đơn vị ấy để tấn công hoặc từ Lo-ren-nơ qua sông Xa-rơ, hoặc từ An-da-xơ qua sông Ranh, và, tùy theo tình hình, giáng một đòn theo hướng bắc hay theo hướng đông. Nhưng sự bố trí ấy chỉ dùng được cho tấn công mà thôi. Đối với phòng ngự thì nó hoàn toàn vô tác dụng. Điều kiện đầu tiên của việc bố trí quân đội để phòng ngự là điều kiện sau đây: những đơn vị tiền tiêu phải ở cách những lực lượng chủ yếu một khoảng như thế nào để có thể kịp thời nhận được những tin tức về cuộc tấn công của địch và tập trung được quân đội trước khi địch tới gần. Giả định rằng cần một ngày di chuyển để đưa các đơn vị ở phía sườn vào trung tâm; trong trường hợp đó đơn vị tiên phòng phải ở phía trước trung tâm ít ra cũng cách một ngày di chuyển. Nhưng trong trường hợp nói trên, 3 quân đoàn - của La-đmi-rô, Phrốt-xa và Đơ Phai-i, - và về sau cả một bộ phận quân đoàn của Mác-ma-hông nữa, đều được bố trí trực tiếp ngay ở biên giới, hơn nữa, những đơn vị ấy đều bố trí rải ra theo tuyến Vít-xăm-buốc - Xiếc-cơ trên một khoảng cách dài ít nhất là 90 dặm. Để điều các đơn vị ở phía sườn về trung tâm, sẽ cần đến hai ngày hành quân; thế nhưng ngay cả khi đã biết rõ quân Đức đang ở cách mấy dặm phía trước, vẫn không có một biện pháp nào để rút ngắn chiều dài của mặt trận hay điều những đội tiên phong lên phía trước, đến một khoảng cách có thể đảm bảo kịp thời nhận được những tin tức về cuộc tấn công sắp xảy ra. Vậy có nên ngạc nhiên khi thấy mấy quân đoàn bị đánh tan từng mảnh hay không
Sai lầm tiếp theo là một sư đoàn của Mác-ma-hông được bố trí quá phía đông của Vô-he-dơ, tại Vít-xăm-buốc, - một vị trí dễ thu hút sự tấn công của những lực lượng chiếm ưu thế. Sự thất bại của Đu-ê lại kéo theo một sai lầm tiếp nữa của Mác-ma-hông: ông này cố mở lại những cuộc chiến đấu ở quá phía đông Vô-he-dơ, và với việc đó ông ta lại đẩy sườn bên phải ra xa trung tâm hơn nữa, bỏ trống những con đường liên lạc của ông ta với trung tâm. Trong lúc cánh bên phải (quân đoàn Mác-ma-hông và ít ra là một bộ phận của các quân đoàn của Đơ Phai-i và Can-rô-béc) bị đánh tan ở Vuếc-thơ, thì trung tâm (Phrốt-xa và 2 sư đoàn của Ba-den, như hiện nay người ta đã rõ) bị thất bại chua cay trước Xác bruých-kên. Những đơn vị khác thì ở quá xa để có thể đến chi viện. La-đmi-rô vẫn còn ở cạnh Bu-dông-vin, những đơn vị còn lại của Ba-den và đội cận vệ thì nằm ở gần Bu-lơ, những lực lượng chủ yếu của Can-rô-béc thì ở Năng-xi, một bộ phận quân đội của Đơ Phai-i hoàn toàn mất hút, còn Phe-lích Du-ê, như bây giờ chúng ta biết được, thì ngày 1 tháng Tám đang nằm ở An-tơ-kiếc-cơ tại phần cực Nam của tỉnh An-da-xơ, cách chiến trường vùng Vuếc-thơ gần 120 dặm, và hình như là không có đủ những phương tiện vận tải đường sắt. Tất cả các biện pháp chỉ chứng tỏ sự nghi ngờ, sự do dự, sự dao động,- và điều đó diễn ra vào giai đoạn quyết định nhất của chiến dịch.
Còn đối với binh lính thì người ta đã tạo ra một quan niệm như thế nào về kẻ địch? Thật ra, vào giai đoạn cuối hoàng đế có nói với binh lính của mình rằng họ sẽ gặp phải "một trong những quân đội tinh nhuệ nhất của châu Âu" - tất cả đúng là như thế, nhưng những lời nói ấy là những tiếng trống rỗng sau bao năm đã gây cho họ thái độ coi khinh quân Phổ. Chỉ rõ điều đó tốt hơn cả là bằng chứng của đại úy Giăng-giô trên tờ báo "Temps", người mà chúng tôi đã trích dẫn[1*] và là người vừa mới từ giã quân đội chỉ cách đây 3 năm. Ông ta bị quân Phổ bắt làm tù binh trong một trận chiến đấu được coi là "trận thử lửa đầu tiên' đối với họ, đã sống với quân Phổ trong hai ngày và trong thời gian đó đã thấy phần lớn quân đoàn 8 của họ. Ông ta rất ngạc nhiên sau khi thấy rằng quan niệm của ông ta về quân Phổ khác rất xa với thực tế. Đây là ấn tượng đầu tiên của Giăng-giô khi ông ta bị đưa đến doanh trại của quân Phổ:
Khi vào rừng: tôi thấy một cảnh tượng khác hẳn. Những trạm gác được đặt dưới các tán lá cây. các tiểu đoàn được tập trung dọc theo các con đường, và mong rằng không một ai cố dùng một phương thức không xứng đáng đối với đất nước chúng ta và đối với hoàn cảnh hiên nay của chúng ta để đánh lừa công luận: ngay những bước đầu tiên. tôi đã thấy nổi bật những nét đặc trưng của một quân đội ưu việt (une belleét bonne armée): cũng như của một nước có một tổ chức hùng mạnh cho chiến tranh. Những nét đặc trưng ấy biểu hiện ở đâu? ở mọi phương diện. Hành vi của quân lính: mỗi một động tác của họ đều phục tùng ý chí của các chi huy, được đảm bảo bằng một kỷ luật nghiêm khắc hơn ở chúng ta, thái độ vui vẻ của một số binh lính. Vẻ nghiêm nghi và kiên quyết của một số khác, chủ nghĩa yêu nước bộc lộ ra ở phần đông trong bọn họ. nhiệt tình của các sĩ quan lúc nào cũng thể hiện trong mọi việc. Và đặc biệt - một điều mà chúng ta có thể ghen tị với họ- là phẩm chất tinh thần của các hạ sĩ quan - đó là điều khiến tôi ngạc nhiên ngay lập tức và cứ thường xuyên diễn ra trước mắt tôi từ khi tôi sống hai ngày trong quân đội đó và trong nước đó. Nơi mà những bảng nhỏ ghi số hiệu của các tiểu đoàn địa phương quân lan-ve, đặt tại những khoảng cách nhất định, nhắc nhở người ta rằng một nước khi lâm nguy và có lòng ham mê công danh thì có thể nỗ lực đến mức nào".
Ở người Đức tất cả đều khác hẳn với ở người Pháp. Dĩ nhiên, họ đã đánh giá đúng mức những phẩm chất chiến đấu của người Pháp. Việc tập trung các đơn vị quân đội Đức diễn ra nhanh chóng nhưng thận trọng. Tất cả những người có thể đưa ra tiền tuyến đều được chuyển ra tiền tuyến; và trong chừng mực người ta biết được rằng quân đoàn 1 Bắc Đức đang ở Xác-bruých-kên trong đạo quân của hoàng thân Phri-đrích-các-lơ,- thì tất cả 550.000 quân chủ lực, tất cả người, ngựa và đại bác chắc chắn là đã được đưa ra mặt trận, ở đấy những đơn vị Nam Đức phải hội quân với họ. Và hiệu quả của ưu thế lớn về mặt số lượng như thế cho đến nay còn được tăng thêm bằng ưu thế của chỉ huy quân sự nữa.
---------------
Chú thích
[1*]. Xem tập này. tr.35