XVI
Tác giả: Frederick Engels
Sự đầu hàng của Xê-đăng đang quyết định số phận của đạo quân dã chiến cuối cùng của Pháp. Nó đồng thời cũng quyết định số phận của Mét-xơ và đạo quân của Ba-den; giờ đây không thể nói đến việc giải thoát đạo quân này nữa; nó cũng sẽ phải đầu hàng, có thể là trong tuần này, và hầu như chắc chắn là không chậm hơn tuần sau.
Còn lại một cứ điểm lớn nữa là Pa-ri, hy vọng cuối cùng của nước Pháp. Những công sự của Pa-ri cấu thành một phức hợp công sự bố phòng lớn nhất gồm tất cả những công sự được xây dựng từ xưa đến nay, nhưng chúng chưa một lần nào được thử thách, và vì vậy những ý kiến về ưu điểm của chúng không những khác nhau, mà thậm chí còn hoàn toàn mâu thuẫn với nhau nữa. Sau khi xem xét những sự kiện thực tế về vấn đề đó, chúng ta sẽ có một cơ sở vừng chắc cho những kết luận của mình.
Mông-ta-lăm-be, một sĩ quan ky binh Pháp, nhưng đồng thời cũng là một công trình sư quân sự kiệt xuất, và có lẽ có một tài năng có một không hai, là người đầu tiên đã đề nghị và đề xuất ra trong nửa sau thế kỷ XVIII cái kế hoạch xây những pháo đài lẻ bao quanh các đồn lũy với những khoảng cách đủ để bảo vệ chính ngay đồn lũy khỏi các trận bắn phá bằng đại bác. Trước ông ta, những công sự ở phía ngoài- các thành quách, các lô cốt v v - ít nhiều đều gần với hàng rào hay tường lũy và có lẽ chúng chưa bao giờ nằm cách xa hơn chân lũy. Ông ta đã đề nghị xây dựng những pháo đài đủ lớn và mạnh, có khả năng độc lập chịu nổi sự bao vây và cách xa các tường lũy của thành phố từ 600 đến 1.200 i-ác-đơ và thậm chí còn xa hơn nữa. Ở Pháp, trong nhiều năm, người ta đã coi thường lý luận mới ấy, trong lúc đó thì ở Đức là nơi mà sau năm 1815 người ta cần phải tăng cường phòng tuyến sông Ranh, nó lại tìm được những môn đệ rất nhiệt tình. Khiên, Cô-blen-txơ, Ma-in-xơ, và sau đó Un-mơ, Ra-stát và Ghéc-mơ-xhai-mơ đã được bao quanh bằng những pháo đài lẻ. Đồng thời, những đề nghị của Mông-ta-lăm-be đã được Ác-xtơ và những người khác sửa đổi đi một ít, và như vậy là một hệ thống công sự mới đã xuất hiện, được người ta biết đến dưới tên gọi là trường phái Đức. Dần dần, cả người Pháp cũng bắt đầu nhận thức được những cái lợi của việc xây dựng các pháo đài lẻ, và trong thời gian xây dựng các công sự của Pa-ri, người ta đã thấy rõ ngay lập tức rằng, bao quanh thành phố bằng một dải lớn tường lũy sẽ là vô ích, nếu như không che chở nó bằng những pháo đài lẻ, vì trong trường hợp ngược lại thì một cửa mở, thực hiện được tại một điểm của tường lũy, sẽ kéo theo nó sự sụp đồ của toàn bộ đồn lũy.
Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, thực tế đã nhiều lần chứng minh, ý nghĩa quan trọng của những cứ điểm như vậy, được tạo nên bởi một vòng đai những pháo đài lẻ, mà đồn lũy chính là hạt nhân của chúng. Theo cách bố trí của nó, Măng-tu là một cứ điểm, Đan-txích, trên một mức độ ít hay nhiều, cũng là một cứ điểm như vậy trong năm 1807, và đó là những đồn lũy duy nhất đã giữ được Na-pô-lê-ông I. Năm 1813, Đan-txích lại đã có thể chống cự lâu dài nhờ những pháo đài lẻ của nó - chủ yếu là nhờ những công sự dã chiến[51] . Toàn bộ chiến dịch của Ra-đét-xki năm 1849 ở Lôm-bắc-đi đã tùy thuộc vào cứ điểm Vê-rô-na, cứ điểm này là hạt nhân của khu pháo đài bốn góc nổi tiếng[52]. Trong cuộc Chiến tranh Crưm cũng vậy, tất cả đều phụ thuộc vào số phận của cứ điểm Xê-va-xtô-pôn, cứ điểm này đã giữ vững được lâu như vậy là vì quân đồng minh đã không thể bao vây nó từ tất cả các phía và ngăn cản việc tiếp tế lương thực và viện binh cho những người bị vây hãm[53].
Xê xa-xtô-pôn là một ví dụ thích hợp nhất đối với chúng ta, bởi vì quy mô của diện tích bố phòng của nó lớn hơn so với tất cả những trường hợp khác. Nhưng so với ngay cả Xê-va-xtô-pôn, Pa-ri còn lớn hơn rất nhiều. Tuyến pháo đài bao quanh nó dài khoảng 24 dặm. Sức mạnh của đồn lũy có tăng lên theo tỷ lệ tương ứng không.
Bản thân trận địa công sự có tính chất mẫu mực. Chúng hết sức đơn giản: một hàng rào thông thường vây quanh thành lũy gồm những lô-cốt, thậm chí cũng không có một công sự hình bán nguyệt nào trước những tường thành nối hai lô-cốt; pháo đài phần lớn có 4 hay 5 góc, có lô-cốt; hoàn toàn không có các công sự hình bán nguyệt hay những công sự bên ngoài khác; đôi chỗ người ta xây dựng những Crôn-véc và Goóc-nơ-véc[54] để che chở cho những khu đất nhô cao ở phía ngoài. Những công sự này được xây dựng thích ứng với sự phòng ngự tích cực hơn là với sự phòng ngự tiêu cực. Người ta giả định rằng, quân đồn trú ở Pa-ri sẽ xông ra, lợi dụng các pháo đài làm những điểm tựa cho các sườn của mình: và bằng những trận xuất kích thường xuyên trên quy mô lớn sẽ làm cho việc vây chặt bất kỳ hai hay ba pháo đài nào cũng không thể tiến hành được. Như vậy, các pháo đài bảo vệ cho đội quân đồn trú của thành phố khỏi sự tiếp cận quá sát của địch, còn đội quân đồn trú thì phải bào vệ các pháo đài khỏi các khẩu pháo bao vây, nó phải thường xuyên phá hủy các công sự của những kẻ vây hãm. Chúng tôi xin nói thêm rằng, khoảng cách giữa các pháo đài với các tường lũy loại trừ khả năng bắn phá thành phố một cách có hiệu quả cho đến khi có ít nhất là 2 - 3 pháo đài bị chiếm. Chúng tôi cũng xin nói thêm rằng vị trí của thành phố nằm ở điểm hợp lưu của sông Xen và sông Mác-nơ, dòng của hai con sông đó hết sức quanh co khúc khuỷu và một dãy đồi lớn tại phía nguy hiểm nhất ở đông- bắc, đó là những ưu thế tự nhiên rất lớn; chúng đã được sử dụng một cách tốt nhất khi vạch kế hoạch xây dựng các công sự của thành lũy.
Nếu những điều kiện nói trên được thực hiện và nếu hai triệu dân cư được cấp lương thực một cách đều đặn, thì chắc chắn Pa-ri là một đồn lũy mạnh khác thường. Việc chuẩn bị lương thực cho dân cư không phải là khó khăn lớn nếu người ta bắt tay làm công việc đó một cách kịp thời và thực hiện nó một cách có hệ thống. Công việc này có được thực hiện trong trường hợp hiện nay hay không, điều đó rất đáng ngờ. Điều mà chính phủ đã tiến hành trước đây là một biện pháp được đề ra một cách hấp tấp và thậm chí còn vô nghĩa nữa. Việc thành lập những dự trữ về súc vật sống mà không có thức ăn cho chúng là một điều rô ràng vô nghĩa. Có thể giả định rằng nếu quân Đức sẽ hoạt động với sự kiên quyết thường có của họ, thì họ sẽ phát hiện ra rằng Pa-ri được đảm bảo tồi về lương thực cho một cuộc vây hãm lâu dài.
Nhưng người ta có thể nói gì về điều kiện chủ yếu- tức là về sự phòng ngự tích cực, về những sự xuất kích của đội quân đồn trú từ thành lũy ra để tấn công vào địch, chứ không phải đánh lại quân địch từ sau các tường thành? Để sử dụng toàn bộ sức mạnh của những công sự của mình và không để cho địch có khả năng lợi dụng mặt yếu của đồn lũy- tức là lợi dụng việc thiếu những công sự bên ngoài che chở cho những hào chính,- thì ở Pa-ri trong số những người bảo vệ nó phải có quân đội chính quy. Đó chính là tư tưởng chủ yếu của những người đã xây dựng nên đồ án của những công sự ấy. Họ cho rằng nếu như thấy rằng đạo quân đã bị đánh tan của Pháp không thể địch lại với quân thù ở trên chiến trường trống trải thì nó phải lùi về Pa-ri và tham gia vào sự phòng ngự của thủ đô hoặc là một cách trực tiếp, - với tư cách là một đội quân đồn trú đủ mạnh để, bằng những cuộc tấn công thường xuyên, ngăn cản việc vây hãm chặt hay thậm chí còn ngăn cản cả việc bao vây hoàn toàn,- hoặc là một cách gián tiếp, bằng cách chiếm lĩnh vị trí ở bên kia sông Loa-rơ, bổ sung lực lượng của mình tại đấy, rồi sau đó, khi có cơ hội thuận lợi, tấn công vào những điểm yếu của phía bao vây, những điểm yếu này nhất định sẽ bộc lộ ra trên cái tuyến bao vây quá kéo dài của nó. Nhưng tất cả hành động của bộ chỉ huy Pháp trong cuộc chiến tranh này đã góp phần làm cho Pa-ri mất cái điều kiện phòng ngự duy nhất thật sự quan trọng của nó. Trong toàn bộ quân đội của Pháp chỉ còn lại có những đơn vị ở lại Pa-rí, và quần đoàn của tướng Vi-nau (số 13, lúc ban đầu là quân đoàn của Tơ-rô-suy), tất cả có thể là 50.000 người; chủ yếu, nếu như không phải toàn bộ, là những tiểu đoàn thứ tư và đội cận vệ lưu động. Thêm vào số đó có thể còn có 20.000- 30.000 binh lính của các tiểu đoàn thứ tư và một số không rõ là bao nhiêu gồm quân cận vệ lưu động của các tỉnh, tức là những người lính mới chưa được huấn luyện, hoàn toàn không dùng được để tác chiến trên chiến trường trống. Qua ví dụ Xê-đăng, chúng ta đã thấy rằng trong chiến đấu, những đội quân như thế ít có ích như thế nào. Rõ ràng là khi ở đằng sau lưng họ có những pháo đài mà họ có thể lùi về được, thì họ sẽ vững vàng hơn, và một vài tuần lễ huấn luyện, ghép vào kỷ luật và chiến đấu, dĩ nhiên sẽ nâng cao chất lượng chiến đấu của họ. Nhưng sự phòng ngự tích cực của một cứ điểm lớn như Pa-ri đòi hỏi phải di chuyển những lực lượng lớn trên chiến trường trống, đòi hỏi những hành động tác chiến theo tất cả mọi quy tắc, trên một khoảng cách lớn ở phía trước các pháo đài được che chở, và đòi hỏi phải thực hiện những cố gắng chọc thủng tuyến bao vây hay ngăn càn việc khép chặt vòng vây. Nhưng để tấn công vào một kẻ địch mạnh hơn, - khi cần phải có sự bất ngờ và xung phong ào ạt, còn các đơn vị dùng cho mục đích ấy thì phải có kỷ luật và được huấn luyện một cách tuyệt vời, - thì đội quân đồn trú hiện nay ở Pa-ri chưa chắc đã dùng được.
Chúng ta giả định rằng, các đạo quân thứ ba và thứ tư của Đức hợp nhất với nhau gồm 180 000 người, sẽ xuất hiện ở Pa-ri trong tuần lễ sau, sẽ bao vây thành phố này bằng những đơn vị ky binh cơ động, sẽ phá hủy các con đường sắt, do đó sẽ làm tiêu tan tất cả những hy vọng tiếp tế trên quy mô lớn, và sẽ chuẩn bị một cuộc bao vây chính quy, cuộc bao vây này sẽ hoàn thành khi các đạo quân thứ nhất và thứ hai kéo đến, sau khi Mét-xơ thất thủ. Sau đó, người Đức sẽ còn lại một số lượng quân đội đủ để tiến sang bên kia sông Loa-rơ, để quét sạch địa phương đó và ngăn cản mọi mưu toan thành lập một đạo quân mới của Pháp. Nếu như Pa-ri không đầu hàng, thì lúc đó sẽ bắt đầu một cuộc bao vây chính quy và nó sẽ có thể được thực hiện một cách tương đối nhanh chóng khi không có một sự phòng ngự tích cực. Dó sẽ là diễn biến bình thường của các sự kiện, nếu như chỉ có những lý do quân sự mà thôi, nhưng hiện nay đã hình thành nên một tình hình trong đó những lý do quân sự có thể bị các sự kiện chính trị lấn át; ở đây việc đoán trước những sự kiện chính trị đó không nằm trong nhiệm vụ của chúng tôi.