I
Tác giả: Frederick Engels
Cho đến nay, có lẽ chưa có một tiếng súng nào nổ, nhưng giai đoạn đầu tiên của chiến tranh đã qua rồi, đối với hoàng đế Pháp, nó đã kết thúc bằng sự tiêu tan hy vọng của ông ta. Chỉ cần điểm lướt qua tình hình chính trị và quân sự là đủ thấy rõ điều đó.
Như hiện nay mọi người đã rõ, Lui Na-pô-lê-ông tưởng rằng ông ta sẽ có thề cô lập được Liên đoàn Bắc Đức[11] khỏi các quốc gia ở miền Nam và lợi dụng được sự bất bình tồn tại trong những tỉnh vừa mới bị sáp nhập vào nước Phổ cách đây không lâu[12]. Tiến quân nhanh chóng đến sông Ranh với tất cả những lực lượng có thể tập hợp được, vượt qua con sông ấy ở một đoạn nào đó giữa Ghéc-mơ-xhai-mơ và Ma-in-xơ, và tấn công theo hướng Phran-phuốc và Vuyếc-xơ-buốc, sẽ cho phép đạt tới mục đích ấy. Quân Pháp sẽ có thể chiếm được những đường giao thông giữa miền Bắc và miền Nam và sẽ có thể buộc Phổ phải hết sức vội vã dồn tất cả quân đội hiện có đến sông Mai-nơ, không kể là những đội quân đó có sẵn sàng chiến đấu hay không. Toàn bộ tiến trình động viên ở Phổ sẽ có thể bị rối loạn, và tất cả những triển vọng thành công sẽ có thể ở về phía quân Pháp đã đột nhập, số quân này sẽ có thể đánh tan quân Phổ từng phần một chừng nào mà quân Phổ từ các vùng trong nước kéo đến. Không những các lý do chính trị, mà cả những lý do quân sự nữa cũng biện hộ cho một mưu toan như vậy. Hệ thống quân đội thường trực của Pháp cho phép tập trung quân đội - cứ cho rằng đội quân này gồm khoảng 120.000 - 150.000 người- một cách nhanh hơn nhiều so với hệ thống lan-ve của Phổ[13]. Thành phần quân đội Pháp thời bình chỉ khác với thành phần thời chiến về số người đang nghỉ phép và khác ở chỗ không có những đơn vị dự bị- huấn luyện, những đơn vị này được thành lập ngay trước khi đánh nhau. Còn thành phần quân đội Phổ thời bình thì gồm không đầy một phần ba thành phần của nó trong thời chiến; hơn nữa, trong thời bình, không những binh lính mà cả sĩ quan của hai phần ba còn lại cũng là dân thường. Việc động viên khối người đông đảo ấy đòi hỏi phải có thời gian; hơn nữa, đó là một quá trình phức tạp mà sự xâm nhập bất thình lình của quân đội địch sẽ có thể làm cho hoàn toàn bị rối loạn. Chính vì vậy mà hoàng đế đã vội vã gây ra chiến tranh. Nếu như những hành động bất ngờ như thế không nằm trong sự tính toán của ông ta, thì giọng nói gay gắt của Gra-mông và việc vội vã tuyên chiến sẽ không có nghĩa lý gì nữa.
Nhưng sự bùng nổ mạnh mẽ bất ngờ của tình cảm dân tộc của người Đức đã chấm dứt mọi kế hoạch loại đó. Lui Na-pô-lê-ông đã giáp mặt không phải với vua Vin-hem "kẻ thôn tính"[1*], mà với dân tộc Đức. Mà trong trường hợp ấy thì đùng có nghĩ đến việc vận động nhanh chóng qua sông Ranh, dù là với một đạo quân 120.000 - 150.000 người. Thay cho việc tấn công bất ngờ, cần phải bắt đầu một chiến dịch chính quy với tất cả những lực lượng hiện có Có thể là các đội quân cận vệ, các đạo quân của Pa-ri và Li-ông, và quần đoàn ở trại Sa-lôn cũng đủ cho mục đích ban đầu, nhưng giờ đây thì chúng chưa chắc đã đủ để chi làm hạt nhân của một đạo quân đột nhập khổng lồ. Như vậy là đã đến thời kỳ thứ hai của cuộc chiến tranh- thời kỳ chuẩn bị một chiến dịch lớn, và từ ngày đó thì triển vọng thành công chắc chắn của hoàng đế đã bất đầu giảm sút.
Bây giờ chúng ta hãy so sánh những lực lượng đang được chuẩn bị để chém giết lẫn nhau; để đơn giản hóa nhiệm vụ của chúng ta, chúng ta chi xét tới bộ binh mà thôi. Bộ binh là binh chủng quyết định kết cục cuộc chiến đấu, một ưu thế nhỏ về lực lượng ky binh và pháo binh, gồm cả súng liên thanh[14] và những vũ khí khác có tác dụng hết sức đặc biệt, sẽ không có ý nghĩa lớn đối với bất kỳ một bên nào.
Pháp có 376 tiểu đoàn bộ binh (38 tiểu đoàn quân cận vệ, 20 tiểu đoàn chasseurs[2*], 300 tiểu đoàn chủ lực, 9 tiểu đoàn lính du-a-vơ, 9 tiểu đoàn lính tuyếc-côi[15], v.v. ); trong thời bình một tiểu đoàn có 8 đại đội. Trong thời chiến mỗi tiểu đoàn trong số 300 tiểu đoàn chủ lực đều để lại 2 đại đội ở hậu phương để thành lập các đơn vị dự bị- huấn luyện, và chỉ chiến đấu với 6 đại đội. Hơn nữa, 4 trong số 6 đại đội dự bị của mỗi trung đoàn chủ lực (gồm 3 tiểu đoàn) được dùng để thành lập tiểu đoàn thứ tư bằng cách lấy những người nghỉ phép và lính dự bị bổ sung vào. 2 đại đội còn lại hình như phải đóng vai trò các đơn vị dự bị - huấn luyện và sau đó có thể thành lập các tiểu đoàn thứ năm. Nhưng lẽ dĩ nhiên là cần phải có một số thời gian- ít ra là khoảng 6 tuần lễ - để cho 4 tiểu đoàn ấy được tổ chức tới mức có thể chiến đấu được; hiện giờ thì những tiểu đoàn ấy, cũng như đội cận vệ lưu động[16], chỉ có thể được tính như là những đội quân đồn trú mà thôi. Như vậy, nước Pháp chi có được 376 tiểu đoàn nói trên cho những trận chiến đấu quyết định đầu tiên mà thôi.
Trong số những tiểu đoàn ấy, theo những tin tức mà chúng tôi có được thì 299 tiểu đoàn thuộc đạo quân Ranh, gồm 6 quân đoàn, từ quân đoàn 1 cho đến quân đoàn 6, và các đơn vị quân cận vệ. Cộng thêm vào đó quân đoàn 7 (của tướng Mông-tô-băng), hình như được dành để gửi tới Ban-tích, thì chúng ta có con số 340 tiểu đoàn, do đó, chỉ còn lại có 36 tiểu đoàn để bảo vệ An-giê-ri, các thuộc địa và các tỉnh ở bên trong nước Pháp. Từ đó có thể kết luận rằng, để chống lại nước Đức, nước Pháp đã điều ra trận tất cả những tiểu đoàn mà nó hiện có trong tay mà nó có thể sử dụng được vào mục đích ấy và ít ra là cũng đến đầu tháng Chín thì mới có thể tăng cường được đội quân của nó bằng những đơn vị mới, có khả năng chiến đấu.
Bây giờ chúng ta hãy quay về phía bên kia. Đạo quân Bắc Đức gồm 13 quân đoàn và có 368 tiểu đoàn bộ binh, hay tính trung bình thì mỗi quân đoàn có 28 tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn trong thời bình có khoảng 540 người, và trong thời chiến có khoảng 1.000 người. Khi nhận được lệnh động viên, mỗi trung đoàn (gồm 3 tiểu đoàn) sẽ rút ra một số ít sĩ quan để thành lập tiểu đoàn thứ tư. Lính dự bị được gọi nhập ngũ ngay tức khắc. Đó là những người đã phục vụ trong trung đoàn từ 2 đến 3 năm và họ vẫn có nghĩa vụ quân sự cho đến năm 27 tuổi. Số đó quá đủ để bổ sung cho 3 tiểu đoàn dã chiến, cũng như để hợp thành phần lớn tiểu đoàn thứ 4, tiểu đoàn này được bổ sung thêm đầy đủ bằng những đơn vị lan-ve. Như vậy, chỉ sau vài ngày là các tiểu đoàn dã chiến có thể sẵn sàng bước vào chiến đấu, và trong 4 - 5 tuần lễ sau các tiểu đoàn thứ tư có thể tham gia tiếp theo. Đồnng thời cứ mỗi trung đoàn chủ lực lại thành lập một trung đoàn lan-ve có 2 tiểu đoàn, gồm những người từ tuổi 28 đến 36, và một khi 2 tiểu đoàn đó đã sẵn sàng thì người ta lại bắt tay vào việc thành lập các tiểu đoàn lan-ve thứ ba. Để làm tất cả những việc đó, kể cả việc động viên kỵ binh và pháo binh, cần đúng 13 ngày, và vì ngày động viên đầu tiên được quy định vào ngày 16 tháng Bảy, cho nên đến nay tất cả đều đã sản sàng hay phải được sẵn sàng. Hiện giờ, chắc chắn là Bắc Đức đang có được 358 tiểu đoàn chủ lực để hoạt động trong điều kiện dã chiến và 198 tiểu đoàn lan-ve trong các đồn trại. Chậm nhất là vào nửa sau tháng Tám những quân đội ấy nhất định được tăng cường thêm 114 tiểu đoàn chủ lực thứ tư và 93 tiểu đoàn lan-ve thứ ba. Trong tất cả các đơn vị đó, khó lòng tìm được một người lính chưa trải qua kỳ hạn phục vụ trong quân đội. Cộng vào những đơn vị ấy, cần phải tính thêm những bộ đội của Hét-xen- Đác-mơ - soát, Ba-đen, Vuyếc-tem-béc và Ba-vi-e, tất cả là 104 tiểu đoàn chủ lực; nhưng vì hệ thống lan-ve ở các quốc gia ấy còn chưa kịp phát triển đầy đủ, cho nên ở đó không thể có trên 70 hay 80 tiểu đoàn có thể sử dụng được trong một đội quân tác chiến.
Lan-ve được dùng chủ yếu vào công việc đồn trú, nhưng trong cuộc chiến tranh năm 1866, đại bộ phận của nó đã được đưa ra hoạt động trong những điều kiện dã chiến với tư cách là đội quân dự bị. Không còn nghi ngờ gì nữa, lần này người ta cũng sẽ làm như thế.
Trong số 13 quân đoàn Bắc Đức, thì 10 quân đoàn hiện giờ đang ở vùng sông Ranh, gồm 280 tiểu đoàn; ngoài ra còn có gần 70 tiểu đoàn quân đội Nam Đức, tổng cộng là 350 tiểu đoàn. Ở vùng duyên hải và để dự bị, còn có 3 quân đoàn nữa, hay 84 tiểu đoàn. Để bảo vệ vùng duyên hải, chỉ cần 1 quân đoàn cộng với số lan-ve là đủ. 2 quân đoàn khác, theo chỗ chúng tôi biết được, hình như cũng đang trên đường đi tới sông Ranh. Đến khoảng 20 tháng Tám, những đơn vị ấy có thể được tăng cường ít ra là hàng trăm tiểu đoàn thứ tư và 40 - 50 tiểu đoàn lan-ve; xét về mặt chất lượng bộ đội thì những tiểu đoàn này hơn hẳn các tiểu đoàn thứ tư và đội cận vệ lưu động của Pháp, được thành lập chủ yếu bằng những người hầu như chưa được huấn luyện. Như vậy, nước Pháp có trong tay không quá 550.000 lính đã được huấn luyện, trong khi đó thì chỉ riêng Bắc Đức đã có 950.000 lính như thế. Đó là ưu thế của nước Đức; trận chiến đấu quyết định càng được lùi lại thì ưu thế đó sẽ ngày càng lộ rõ, và ảnh hưởng của ưu thế đó sẽ đạt tới đinh cao nhất vào cuối tháng Chín.
Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta không nên ngạc nhiên vì cái tin từ Béc-lin nói rằng, bộ chi huy Đức đang hy vọng gạt bỏ được những tai họa chiến tranh cho nước Đức; nói một cách khác, bản thân người Đức sẽ chuyển sang tấn công nếu như trong thời gian tới họ không bị tấn công. Một cuộc tấn công như thế sẽ được tiến hành như thế nào, nếu như Lui Na-pô-lê-ông không vượt trước nó, thì đó lại là một vấn đề khác.
-----------------
Chú thích
[1*]. Trong nguyên bản là "Annexander"- một lừ ghép có ý châm biếm, được ghép bằng lừ "anncxion" (sự thôn tính) và từ "Alexander" (A-lếch-xan-đrơ - ý muốn nói đến A-lếch-xan-đrơ Ma-xê-đoan).
[2*]- bộ binh thiên chiến