Chương Hai Mươi Mốt (3)
Tác giả: Du Trí Tiên – Chu Diệu Đình
Thành Cát Tư Hãn mặc dù đã rút quân trở về đầu nguồn của ba con sông, nhưng vẫn chưa bỏ ý định tiêu diệt nước Kim. Nhằm đảm bảo cho cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Kim tiến hành được thuận lợi, Thành Cát Tư Hãn phái Khoát Nhi Xích đi sứ sang triều đình nhà Tống, chuẩn bị thực hiện chiến lược liên minh với Tống để tiêu diệt Kim như Quách Bảo Ngọc đã đề xuất.
Ngày hôm ấy Thành Cát Tư Hãn tiễn sứ đoàn của Khoát Nhi Xích lên đường. Ông nói:
- Lời nói của Quách Bảo Ngọc rất có lý, vậy phải liên minh với Tống để tiêu diệt Kim. Lần này nhà ngươi sang triều đình nhà Tống để hòa thân, là có mục đích thuyết phục triều đình nhà Tống kềm chế triều đình nhà Kim ở phía nam, được như vậy, khi chúng ta tiến quân đánh nước Kim, sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Khoát Nhi Xích nói:
- Tôi hiểu!
Thành Cát Tư Hãn lại nói:
- Khi từ phía nam trở về, ngươi nên trực tiếp về vùng thảo nguyên và trước hết nên quan tâm bá tánh của nhà ngươi ở trong rừng rồi mới về đây gặp ta.
Khoát Nhi Xích gật đầu và dẫn sứ đoàn đi mỗi lúc càng xa.
Sự thất bại và sự diệt vong của một quốc gia hoặc của một dân tộc là do kẻ địch quá mạnh và có những hành động chính xác, nhưng nó cũng có nguyên nhân nội tại của các quốc gia đó. Lời tục thường nói: Tự tạo oan nghiệt thì không thể sống được! Giữa lúc Thành Cát Tư Hãn đang tiến hành kế hoạch liên minh với triều đình nhà Tống để tiêu diệt nhà Kim, thì trong nước Kim, vị hoàng đế mới lên ngôi lại chỉ biết an hưởng thanh bình trong rượu chè ca nhạc.
Trời đã khuya lắm rồi, thế mà tại ngự hoa viên trong tử cấm thành tại Trung Đô, tiếng đàn tiếng sáo vẫn còn rộn rã, tiếng ca điệu múa vẫn còn yểu điệu du dương.
Nhà vua mới có vẻ rất vui sướng, trong khi Hồ Sa Hổ cũng uống từng ly rượu này đến ly rượu khác một cách hài lòng.
Đồ Thiện Dật rõ ràng là đã già đi rất nhiều. Ông ta dùng một ánh mắt khác thường để nhìn bọn người đang ăn uống vui chơi đó, hoặc để nhìn những cặp mắt đỏ gay vì say rượu. Trương Hạnh Tín và Hoàn Nhan Thừa Huy bưng ly rượu bước tới. Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Thưa Thừa tướng, tại sao ngài không uống rượu vậy?
Trương Hạnh Tín nói:
- Đã hơn ba năm trôi qua rồi, dù sao trong khoảng thời gian đó vẫn là những ngày thái bình yên ổn. Này, chúng ta hãy cạn ly nào!
Đồ Thiện Dật mỉm một nụ cười buồn thảm, nói:
- Trong khi tôi giữ chức Thừa tướng, đã đứng ra tiễn đưa công chúa Kỳ Quốc, một nghìn đồng nam, đồng nữ, một số lớn vàng bạc lụa là và những con chiến mã có thể cung cấp cho người Mông Cổ quay trở lại đánh chúng ta, để đổi lấy những tiếng ca điệu hát thanh bình ở ngự hoa viên, rõ ràng là công đức của ta thật to lớn.
Đôi mắt của Đồ Thiện Dật lóng lánh ánh lệ. Trương Hạnh Tín lên tiếng an ủi:
- Thưa Thừa tướng, ngài cần chi phải tự trách mình như vậy! Việc hòa thân là việc ngay từ xưa đã có, chứ không phải đến triều đại chúng ta mới sáng tạo ra. Nếu việc làm đó có lợi cho nước, có ích cho dân, thì cũng không gọi là sỉ nhục.
Đồ Thiện Dật vỗ tay xuống mặt bàn, nói:
- Cho dù như vậy, thì cũng phải rút tỉa bài học trong mười năm qua, tiến hành phủ dụ lê dân lo cho nước giàu dân mạnh, để đề phòng bất trắc, chứ không phải chỉ hưởng an nhàn như vầy!
Lúc đó ca nhạc đã chấm dứt, nên tia mắt của nhiều người cùng hướng về chỗ Đồ Thiện Dật. Một quan viên nói:
- Thừa tướng Đồ Thiện lại đang hùng biện điều gì vậy?
Đồ Thiện Dật không trả lời. Vị tân hoàng đế hỏi:
- Các khanh đang bàn bạc điều gì vậy?
Hoàn Nhan Thừa Huy lên tiếng đáp thay:
- Thừa tướng Đồ Thiện Dật có ý nói là nước ta nên lợi dụng thời cơ này để lo việc trung hưng, lo việc lâu dài.
Nhà vua mới cười, nói:
- Lời nói của Đồ Thiện Dật rất đúng, trẫm và Tả phó Nguyên soái Hồ Sa Hổ cũng đã nghĩ ra kế sách vẹn toàn. Thứ nhất, nhanh chóng phái Tuyên úy sứ đi lo việc phủ dụ và tập họp lê dân ở cúc Lộ, ra lịnh cho các địa phương lập danh sách con em của những người trận vong để triều đình sử dụng họ, đồng thời, trẫm cũng sẽ đại xá trong thiên hạ để thu phục nhân tâm.
Quần thần đồng thanh nói:
- Hoàng thượng thánh minh.
Hồ Sa Hổ đề nghị:
- Các vị hãy cạn ly! - Quần thần đều đứng lên uống cạn ly rượu trong tay mình.
Vị hoàng đế mới làm ra vẻ là người nhân đức:
- Thứ hai, nhân lúc người Mông Cổ rút quân, buông bỏ Trung Đô, thì chúng ta nên dời đô về Biện Kinh, để lợi dụng địa thế hiểm yếu của sông Hoàng Hà che chở, tiến hành đối địch với người Mông Cổ sau này!
Hồ Sa Hổ nói:
- Hãy cạn ly vì sự thánh minh của hoàng thượng!
Ngay lúc đó, ly rượu trong tay Đồ Thiện Dật bỗng rơi đánh "xoảng" xuống đất. Ông ta bước những bước khấp khểnh đến trước mặt nhà vua quì xuống, vừa khóc vừa nói:
- Tâu hoàng thượng, tuyệt đối không thể dời đô! - Ông cúi mình dập đầu, nhưng lại té sấp xuống mặt đất. Mọi người đều kêu rú lên một tiếng hốt hoảng.
Nhà vua mới của nước Kim đến phủ Thừa tướng để thăm Thừa tướng Đồ Thiện Dật đang lâm trọng bệnh. Đồ Thiện Dật nhóng người lên, nhưng nhà vua mới liền đè ông trở xuống, nói:
- Hãy nằm yên, đừng cử động.
Đồ Thiện Dật tựa lưng vào gối, nói:
- Xin tha thứ cho lão thần không thể tham bái hoàng thượng.
Nhà vua mới ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường, nói:
- Thừa tướng nên chú ý bảo trọng.
Đồ Thiện Dật lắc đầu:
- Lão thần tuổi đã gần 70, dù chết cũng được rồi, nhưng chỉ còn một điều chưa an tâm.
Nhà vua mới nói:
- Khanh cứ nói đi.
- Hôm nay chúng ta đã chịu nhục để cầu hòa, vậy nên biết quý trọng cơ hội này nhanh chóng tập trung binh lực, tích lũy gạo thóc, cố thủ kinh sư... đó chính là thượng sách. Liêu Đông nguyên là đất cơ bản của triều đình ta. Đó là nơi dựa lưng vào núi, ngó mặt ra biển, được sự che chở của địa hình, đúng là nơi dự bị khi chúng ta cần lui một bước... đó là trung sách. Còn việc thiên đô đến Khai Phong, mặt dù có dòng sông Hoàng Hà chảy thao thao, nhưng ở phía nam có triều đình nhà Tống, ở phía bắc có Mông Cổ, ở phía tây có Tây Hạ, tức ba bên đều có kẻ thù, cũng tức được mặt này thì mất mặt nọ... đó là hạ sách. Thần mong hoàng thượng không nên chọn hạ sách đó!
Nhà vua mới có vẻ bực mình, nói:
- À, trẫm đã biết rồi!
Đồ Thiện Dật ho một tràng dài, rồi sau đó bắt đầu thở hổn hển.
Nhà vua mới bước chân ra khỏi phòng bệnh, nói với Hồ Sa Hổ:
- Ta xem tinh thần của ông ấy còn khá lắm, chưa đến đổi nào.
Hồ Sa Hổ nói qua giọng tàn nhẫn:
- Hoàng thượng không thấy khi ông ta ngước đầu lên, những nếp nhăn trên trán đều nở rộng ra đó sao? Ông ta đang hồi dương đấy! Đến đêm, Hoàn Nhan Thừa Huy vội vàng đến phủ riêng của Đồ Thiện Dật. Ông vạch đám đông đang kêu la bước đến sát giường bệnh nói:
- Bớ Thừa tướng! Bớ Thừa tướng! Tôi là Hoàn Nhan Thừa Huy đây, ngài có gì cần nói nữa không?
Đồ Thiện Dật từ từ mở mắt ra, nói đứt quãng:
- Hãy đưa nắm xương tàn của ta.. trở về Hội Ninh Phủ ở Thượng Kinh, trao lại cho người nhà của ta... - Hoàn Nhan Thừa Huy gật đầu rất mạnh, hai dòng lệ cũng đã trào ra.
Đồ Thiện Dật mỉm một nụ cười héo hắt nói:
- Đừng có buồn. Tôi vẫn may mắn hơn ngài, vì tôi chưa nhìn thấy cảnh nước Kim bị diệt vong... Cảnh tượng đó chắc là thê thảm lắm!
Người nhà cũng như Hoàn Nhan Thừa Huy, Trương Hạnh Tín đều òa lên khóc rất đau đớn.
Trước mắt của Đồ Thiện Dật đã xuất hiện ảo ảnh: Đoàn xa giá dời đô của hoàng thượng đang từ xa đi lại. Ông đưa hai cánh tay ra cố chặn giữ đoàn xe, nhưng bị các võ sĩ xô ngã xuống đất và bánh xe đã lăn qua ngực ông...
Đồ Thiện Dật "ụa" một tiếng, vừa trở người vừa phun ra một búng máu và chiếc đầu đã gục xuống.
Trên vách tường Trung Đô có dán một tờ cáo thị, bá tánh đang đứng vây chung quanh để xem. Có người hỏi:
- Tờ cáo thị nói gì thế?
- Hoàng thượng sắp sửa dời đô xuống phía nam!
- Cái gì? Bộ buông bỏ Trung Đô hay sao?
- Thế bá tánh chúng ta làm sao đây?
- Ôi! Có ai nghĩ tới chuyện sống chết của bá tánh!
Trong đám đông có một thư sinh chen ra, đó là Triệu Phương, một thái học sinh, nét mặt có vẻ tức giận.
Triệu Phương trở về Quốc Tử Giám, khởi thảo một tờ tấu chương, mấy chục thái học sinh khác vây quanh anh ta bảo:
- Hãy đọc lên nghe thử đi Triệu Phương.
Triệu Phương một tay cầm bút, to tiếng đọc:
- Kính dâng hoàng đế bệ hạ, người Thát Đát đang xâm chiếm xuống phía nam, quốc nạn đang xuất hiện trước mắt, vậy nên có sự hợp sức giữa nhà vua và nhân dân để cùng lo đối phó với quốc nạn. Nay bệ hạ dời xuống phía nam, bỏ rơi bá tánh trong nước sôi lửa bỏng, như vậy bá tánh nhất định sẽ ly tán, tinh thần quân đội nhất định sẽ tan rã và ngày mất nước cũng không còn xa! Kẻ thù địch đang ở phía bắc mà xa giá của nhà vua lại dời xuống phía nam, vậy làm sao có thể lo việc chống giặc được? Trung Đô không giữ thì đất miền bắc sẽ mất, tông miếu xã tắc sẽ tan tành. Chúng tôi là thần dân không nở nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan, nên tha thiết mong bệ hạ thu hồi mạng lệnh, lo cố thủ Trung Đô, thì đó là cái phúc của quốc gia, mà cũng là cái phúc của vạn dân! - đọc xong, Triệu Phương múa bút ký tên.
Mọi người chung quanh đều bị kích động, ai nấy đều cầm bút ký tên mình vào bản thỉnh nguyện sắp gởi cho nhà vua.
Tại một gian phòng nhỏ trong một ngôi chùa Phật, Gia Luật Sở Tài đang xem tờ thỉnh nguyện của Triệu Phương, đứng bên cạnh đó là Triệu Phương và hai thái học sinh khác. Tiếng mõ tiếng đọc kinh luôn văng vẳng bên tai.
Gia Luật Sở Tài đặt tờ biểu chương xuống, nói qua giọng bình thản:
- Văn chương viết khá hay, chứng tỏ tài học của anh Triệu Phương đã có sự tiến bộ nhiều!
Triệu Phương nói:
- Có ai bảo ông phê bình văn chương đâu. Tôi đến đây là để ông ký tên mình vào hàng thứ nhất trong bảng thỉnh nguyện.
Gia Luật Sở Tài khoát tay, nói:
- Không! Không! Tại hạ đã quy y cửa Phật, nhận làm đệ tử của Vạn Tùng Lão Nhân, tách rời tam giới và cũng không còn ở trong ngũ hành nữa!
Triệu Phương kinh ngạc:
- Sở Tài huynh!
Gia Luật Sở Tài nói:
- Tôi... Tôi là Trạm Nhiên cư sĩ, pháp danh gọi là Tùng Nguyên.
- Anh! - Triệu Phương hết sức tức giận, nói tiếp - quốc nạn đang ập xuống đầu mà anh lại làm lơ, đến chui rút vào đây để ăn cơm chay và đọc kinh ư? Phật Như Lai ở phương Tây cũng như phép thuật của Quan Thế âm có thể ngăn chặn được Thiết Mộc Chân đánh vào đây không?
Gia Luật Sở Tài hết sức bình tĩnh đáp:
- A di đà phật!
Hai người thái học sinh tức giận nói:
- Đi thôi! Này Triệu Phương, chúng ta tự mình đi xin yết kiến hoàng thượng!
Triệu Phương cuốn tờ giấy lại, nói:
- Hứ! Gia Luật Sở Tài anh là một thằng sợ chết!
Ba người cùng bước ra khỏi cửa, Gia Luật Sở Tài cất tiếng niệm phật:
- A di đà phật!
Tại văn phòng ký tên lăn tay, Hoàn Nhan Thừa Huy nói với mấy thái học sinh:
- Hoàng thượng đã xem qua bản tấu chương của các vị rồi đối với tinh thần yêu dân yêu nước của các vị, hoàng thượng tỏ ra hết sức tán thưởng.
Triệu Phương hỏi:
- Nếu vậy, việc dời đô xuống phía nam sẽ không tiến hành nữa phải không?
Hoàn Nhan Thường Huy đáp:
- À, hoàng thượng thì đi thị sát xuống phía nam, còn thái tử và tôi thì ở lại giữ Trung Đô, chứ không phải bỏ rơi Trung Đô đâu!
Số người của Triệu Phương hỏi:
- Nếu không bỏ rơi Trung Đô thì tại sao hoàng thượng lại phải xuống phía nam?
Một học sinh bực tức nói:
- Đó là bụm tai để trộm chuông, là tự dối gạt mình và dối gạt người khác!
Một học sinh khác nói:
- Mạng sống của hoàng thượng là một mạng sống, còn mạng sống của bá tánh là đất cát hay sao?
- To gan! - Mạt Niệp Tận Trung vỗ bàn đứng dậy nói tiếp - Tôi khuyên các anh nên nói với bá tánh giải tán đi, bằng không thì binh sĩ của tôi tuy đánh không thắng người Mông Cổ, nhưng có thể đánh thắng các anh đấy!
Triệu Phương không hề sợ hãi, đáp:
- Anh thực oai phong ghê! Này, Mạt Niệp Tận Trung đại nhân, chúng tôi đã dám dâng thư lên hoàng thượng, thì chúng tôi không sợ chết đâu!
Hoàng Nhan Thừa Huy lên tiếng khuyên:
- Các vị nên bình tĩnh! Mọi người chúng ta đều vì nước vì dân vậy hà tất phải đem đao tên cung kiếm ra? Này Triệu Phương, kế hoạch lớn của nhà vua đã khẳng định, không thể nào thay đổi, vậy các vị nên tôn trọng ý kiến của Thánh Thượng là hơn!
Triệu Phương đáp:
- Việc này có quan hệ đến sự tồn vong của đất nước, vậy không thể bỏ mặc muốn ra sao thì ra!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói qua giọng rất tha thiết:
- Các vị đều là những người rất trọng chính nghĩa, Hoàn Nhan Thừa Huy tôi hết sức kính trọng các vị. Trong khi tôi phụng chỉ ở lại đây lo giữ Trung Đô, rất cần đến sự ủng hộ của các vị. Nếu các vị làm cho hoàng thượng giận lên, thì sẽ trị tội tất cả, chẳng phải...
Một thái học sinh nói to:
- Dân không sợ chết, vậy chúng tôi đâu có sợ chết!
Hoàn Nhan Thừa Huy đứng lên nói qua giọng xúc động:
- Chúng ta chết thì có đáng gì, nhưng việc tồn vong của xã tắc là việc có tương quan đến sự an nguy của muôn dân. Chính Thừa tướng Đồ Thiện Dật vì chống lại việc dời đô xuống phía nam nên quá bi phẫn mà chết, vậy chúng ta không nên hy sinh vô ích. Nếu chúng ta cũng chết như vậy, thì còn ai lo việc giữ Trung Đô? Hoàn Nhan Thừa Huy tôi sở dĩ cố ẩn nhẫn không nói gì, không phải là muốn kéo dài kiếp sống thừa của mình, điều đó có trời xanh chứng minh, mà chính vì tôi muốn bảo vệ muôn dân tại Trung Đô mà thôi!
Đôi mắt của Triệu Phương và những người bạn đều lóng lánh ánh lệ. Triệu Phương hạ thấp giọng nói:
- Thôi, chúng ta đi!
Ba thái học sinh từ từ bước ra khỏi gian phòng, trong khi Hoàn Nhan Thừa Huy đưa tay bụm mặt và toàn thân rung động.
Mùa hè năm đó, Thành Cát Tư Hãn đến Ngư Nhi Bạc để sống qua mùa hè. Bốn người con trai, ba bà phi và Mộc Hoa Lê cùng đi theo.
Hốt Lan phi đã tới ngày sinh nở. Tam công chúa ngồi bên cạnh Thành Cát Tư Hãn bên ngoài chiếc lều riêng của Hốt Lan phi. Tiếng kêu thét của Hốt Lan phi từ trong lều vọng ra.
Mồ hôi đã rướm ướt vầng trán của Thành Cát Tư Hãn, sắc mặt có vẻ lo sợ. Tam công chúa lên tiếng an ủi cha:
- Này phụ thân, xin đừng sợ! Xin đừng sợ!
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Ôi! Hốt Lan! Hốt Lan cô ta yếu đuối như vậy làm sao chịu nổi!
Tam công chúa nói:
- Cha đừng quá lo, đàn bà sanh con ai cũng thế cả.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Không, mẹ con là Bột Nhi Thiếp chỉ lúc sanh Truật Xích thì có hơi khó một tí, nhưng sau này sanh các con thì chỉ mất khoảng thời gian nấu sôi một ấm nước mà thôi. Thế nhưng Hốt Lan đã đau bụng hồi đúng trưa cho tới mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa sanh được!
Tam công chúa nói:
- Sắp sanh rồi, sắp sanh rồi đấy!
Thành Cát Tư Hãn bị tiếng kêu la của Hốt Lan, đã đứng phắt dậy như bị một ngọn roi quất, nói: - Con gái của cha ơi! Con hãy nói thật cho cha biết, cô ấy có thể chết không?
Tam công chúa dỗ dành cha, giống như dỗ dành một đứa trẻ, lên tiếng an ủi:
- Kìa, cha nói lung tung chi thế? Con là một bà mẹ đã từng sanh hai đứa con, vậy cha hãy tin ở con!
Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn lóng lánh ánh lệ, nói:
- Nè, trong số các hậu phi cha kính trọng mẹ con nhất, trông cậy Dã Toại phi nhất và yêu thương Hốt Lan nhất. Cha không thể khi nhắm mắt lìa trần mà bên cạnh cha không có mặt nàng?
Tam công chúa bụm miệng cha, nói:
- Cha đừng nói nữa, cha yêu quí của con, đi, đừng ngồi ở đây chịu sự giày vò nữa, đi, theo con! - Tam công chúa kéo Thành Cát Tư Hãn đi nhưng cứ đi một bước thì ông quay lại nhìn đến ba lần....
Thành Cát Tư Hãn ngồi bên cạnh bờ suối. Tam công chúa thò tay xuống nước bắt được một con cá:
- Hả hả! Con bắt được rồi, xem đây, con cá to đấy chứ! Hả hả hả...
Thành Cát Tư Hãn cũng cười và trước mặt ông hiện lên hình ảnh Thiết Mộc Luân lúc còn nhỏ cũng bắt cá như thế này. Thành Cát Tư Hãn nói:
- Tốt nhất là con nên thả nó xuống nước để nó được sống tự do. Người Mông Cổ của chúng ta không ăn cá, nhưng lúc cha lên 9 tuổi, gia đình gặp khó khăn, không có thịt gì để ăn, thậm chí phải đi bắt chuột và phải xuống sông Onon để mò bắt cá. Vì thúc thúc của con là Biệt Cách Thiếp Nhi giật lấy con cá mà cha định mang về cho bà nội, nên cha đã dùng tên bắn chết nó. Ôi! Lúc bấy giờ tại sao cha lại làm ra chuyện ngu xuẩn như vậy? Suốt cả cuộc đời cha lúc nào cũng không quên cái tội lỗi đó! - Đôi mắt của Thành Cát Tư Hãn đã trào lệ.
Hợp Đáp An từ xa chạy tới, la to:
- Bớ Khả Hãn! Bớ Khả Hãn! Ngài mau trở về xem kìa!
Thành Cát Tư Hãn giật mình, nhanh nhẹn chạy về phía Hợp Đáp An và chụp lấy tay nàng, hỏi:
- Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy?
Hợp Đáp An òa lên khóc, nói:
- Hốt Lan phi đã sanh được một đứa con trai!
- Hỡi trời cao! - Thành Cát Tư Hãn té ngồi xuống đất, vẻ mặt như khóc mà cũng như cười, trong cổ cứ kêu lên! "Hố Hố”!
Tam công chúa nói:
- Nhanh lên, sao không đi nhanh để xem?
Thành Cát Tư Hãn nhảy dậy, chạy nhanh về phía chiếc lều riêng của Hốt Lan phi. Bên trong chiếc lều của Hốt Lan phi, Thành Cát Tư Hãn vuốt nhẹ mái tóc huyền của Hốt Lan một cách âu yếm, miệng nói lẩm bẩm:
- Hốt Lan ơi! Nàng là một con ếch thanh khiết dưới nước sông, đã sanh được cho ta một đứa con trai quí báu như châu ngọc!
Hốt Lan phi ứa lệ nói:
- Thưa Khả Hãn, có lẽ nó là con gái sẽ tốt hơn - Thành Cát Tư Hãn nghe qua không khỏi lấy làm lạ. Hốt Lan nói tiếp - Nếu là con gái khi lớn lên có thể gã nó cho thủ lĩnh của một bộ lạc qui thuận mình, hoặc gã nó cho một tướng lãnh mà mình yêu thích để chúng nó vĩnh viễn trung thành với Khả Hãn.
Thành Cát Tư Hãn hỏi:
- Vậy nó là con trai thì sao?
- Thiếp nhìn thấy giữa Sát Hợp Đài và Truật Xích giống y như một cặp dê đực thường đánh nhau. Thiếp không hiểu dưới mắt bốn người anh từng lập nhiều công huân trác tuyệt và khỏe mạnh của nó, địa vị của nó rồi sẽ ra sao?
Thành Cát Tư Hãn đứng lên, nói qua giọng nói kiên nghị như để trách dạy bốn đứa con trai của mình:
- Địa vị cái gì? Con trai của em rồi đây sẽ có quyền lực ngang nhau với bốn đứa con trai của Bột Nhi Thiếp, sẽ không hề kém sút hơn chúng dù chỉ là một con cừu non!
Hốt Lan phi lắc đầu, nói:
- Điều đó đối với nó có thực sự là phúc hay không?
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Chỉ cần ta còn sống, thì tất cả các đứa con trai của ta đều là những người cao quí như nhau!
Hợp Đáp An bước vào cửa, nói:
- Thưa Khả Hãn, Nạp Nha A bảo là có tin quân sự quan trọng cần bẩm báo.
Thành Cát Tư Hãn nói:
- Hợp Đáp An, hãy ở lại đây chăm sóc tốt cho Hốt Lan và thằng bé này.
Thành Cát Tư Hãn vừa muốn bước ra cửa thì Hốt Lan gọi lại, hỏi:
- Thằng bé đặt tên gì vậy?
- Tên là Khoát Liệt Kiên nhé!
Thành Cát Tư Hãn vừa bước ra khỏi lều riêng của Hốt Lan phi, thì Nạp Nha A cũng vừa đi tới. Ông ta nói:
- Thưa Đại Hãn, sứ thần của phái đoàn đi hòa thân với triều đình nhà Tống đã bị nước Kim bắt giữ rồi.
- Hả? Hoàng đế của nước Kim bắt đầu to gan rồi đấy!
Nạp Nha A nói:
- Tân hoàng đế của nước Kim đã dời đô về Nam Kinh (nay là Khai Phong) rồi.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một lúc nói:
- Có hai việc đó là đủ rồi! Ta sẽ dùng mã tấu để dạy cho hoàng đế nước Kim một bài học. Nếu không giữ chữ tín với Thành Cát Tư Hãn là phải đổ máu thôi!
Tháng 6 năm 1214, quân Mông Cổ mở cuộc tấn công vào nước Kim lần thứ hai. Họ bắt đầu từ Bắc Khẩu tấn công Cảnh Châu, Kế Châu, Đàn Châu, Thuận Châu. v.v....
Tháng 7, thái tử nước Kim là Hoàn Nhan Thủ Trung bỏ chạy khỏi Trung Đô.
Tháng 10, Mộc Hoa Lê xua quân tấn công Liêu Đông.
Tháng giêng năm 1215, Thạch Mạt Minh An, anh em Gia Luật xua quân tấn công thành trì. Quân Mông Cổ đánh chiếm được Thông Châu, áp sát Trung Đô.
Bên ngoài thành Trung Đô, đâu đâu cũng thầy cờ xí của quân Mông Cổ bay phất phơ theo gió. Trên đầu thành cũng như trên những vọng gác của thành Trung Đô được bố trí canh phòng cẩn mật.
Tháng ba năm đó, tướng giữ thành là Hoàn Nhan Thừa Huy gởi quyết thư đến Khai Phong để xin tăng viện. Nhà vua mới đã phái một quan văn giữ chức Ngự Sử Trung Thừa là Lý Anh tăng cường quân đội vận lương chi viện cho Trung Đô. Tháng 4, toán quân tăng viện bị quân Mông Cổ tiêu diệt tại Bá Châu. Trung Đô bị tuyệt lương nên vô cùng nguy ngập.
Bên trong thành Trung Đô, tất cả các cây cối bên vệ đường đều trụi lá, tiệm bán lương thực trống không, trước cửa nhà đâu đâu cũng thấy những xác người chết đói.
Hai binh sĩ cùng khiêng một xác chết thảy lên xe chuẩn bị chở đi, một người đàn ông chạy tới thẻo lấy một miếng thịt đùi của người chết, bị binh sĩ đánh lỗ đầu chảy máu.
Tại ngự hoa viên, Hoàn Nhan Thừa Huy, Mạt Niệp Tận Trung, Hoàn Nhan Sư Cô cùng ngồi bên cạnh một chiếc bàn đá. Mạt Niệp Tận Trung chỉ vào mớ thịt ngựa trên mặt bàn, nói:
- Nghe Hoàn Nhan Thừa tướng định bàn về kế hoạch giữ thành, nên tôi bảo người nhà giết một con chiến mã. Hãy ăn đi nào, dù có chết cũng đừng làm ma chết đói!
Hoàn Nhan Thừa Huy cầm một cọng sườn lên, nói:
- Giết chiến mã để ăn thịt thì còn chiến mã đâu để ra ngoài thành đẩy lui quân địch nữa?
Mạt Niệp Tận Trung gượng cười, nói:
- Cái gì? Còn tính ra ngoài thành để đẩy lui quân địch ư? Nếu trước khi Nam Kinh tăng viện cho chúng ta một lần nữa, mà chúng ta vẫn giữ được thành, không để cho quân Mông Cổ đánh vào, thì đó là một cái phúc lớn đối với chúng ta!
Hoàn Nhan Sư Cô ăn một miếng thịt ngựa xong, nói:
- Hoàng thượng còn có thể tăng viện cho chúng ta một lần nữa không?
Ba người cùng im lặng.
Hoàn Nhan Sư Cô lại nói:
- Nếu không có viện binh đến, thì chẳng cần quân Mông Cổ tấn công vào thành, không hơn nửa tháng nữa, tất cả chúng ta đều sẽ chết đói hết!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Từ ngày thánh thượng và thái tử di chuyển xuống phía nam, thì tôi đã chuẩn bị lấy cái chết để báo quốc. Hiện nay, là một cơ hội để chúng ta được chết cho ra hồn!
Mạt Niệp Tận Trung và Hoàn Nhan Sư Cô bước ra ngoài vườn hoa.
Hoàn Nhan Sư Cô hỏi Mạt Niệp Tận Trung:
- Nguyên soái thật sự chuẩn bị cùng chết cho xã tắc như Thừa tướng hay sao?
Mạt Niệp Tận Trung gượng cười, đáp:
- Tên tôi gọi là Mạt Niệp Tận Trung, xem ra chắc là phải chết cho hoàng thượng để tỏ lòng tận trung rồi!
Sư Cô nói:
- Nếu hoàng thượng là một nhà vua anh minh thì cũng xứng đáng.
- Hả? - Mạt Niệp Tận Trung đứng lại, đưa mắt nhìn kỹ Sư Cô, thở dài nói:
- Có phải ông muốn bảo mình nên phá trùng vây để bỏ trốn không?
- Chỉ cần phá được trùng vây thì sẽ có cơ hội để tận trung, hơn là ngồi ở đây để chờ chết!
Mạt Niệp Tận Trung kéo Hoàn Nhan Sư Cô đi vào một hang động của một hòn non bộ. Một tên lính phát hiện và vội vàng lui ra.
Hoàn Nhan Sư Cô đi theo tên lính trở lại ngôi nhà mát, vòng tay nói:
- Thừa tướng cho gọi hạ quan không rỏ có điều chi chỉ dạy?
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Xin mời ngồi. Tôi bỗng nhiên nhớ lại những lời biện luận về quân tử và tiểu nhân của Tư Mã Quang, vậy ông là người hiểu biết khá sâu về Hán học, nên tôi muốn thỉnh giáo ông, câu nói đó xuất xứ từ chương nào vậy?
Sư Cô đáp:
- Có phải ông muốn hỏi việc Tư Mã Quan bình luận về Trí Bá đó không?
- Phải! phải! phải! - Hoàn Nhan Thừa Huy vỗ trán nói tiếp - Tôi nhớ ra rồi, hình như Tư Mã Quang nói: "đức thắng tài là quân tử, tài thắng đức là tiểu nhân", "tiểu nhân lấy tài để hỗ trợ cho cái ác thì không có cái ác nào mà không làm ra được!". Điều đó chừng như muốn nói...
Hoàn Nhan Sư Cô đáp:
- Muốn nói Trí Bá ỷ tài ngạo mạn và không có điều ác gì mà lại không dám làm.
Hoàn Nhan Thừa Huy thở dài, nói:
- Nhưng đáng tiếc là Trí Bá không chết!
Hoàn Nhan Sư Cô giật mình đứng lên. Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Ông cùng Mạt Niệp Tận Trung đã hợp nhau lại định làm điều ác.
Hoàn Nhan Sư Cô bắt đầu nói ngang:
- Việc muốn tìm sự sống ai ai cũng có, hành động đó của chúng tôi là bất đắc dĩ đấy thôi!
Hoàn Nhan Thừa Huy nói:
- Điều đó là hợp với thường tình của con người. Các vị có ý định đến bao giờ mới rời bỏ Trung Đô?
Chiều tối ngày hôm nay.
- Mật mưu của ông đã bị bại lộ, ông còn muốn bỏ đi sao?
Hoàn Nhan Sư Cô đáp:
- Điều đó tùy Thừa tướng xét xử.
Hoàn Nhan Thừa Huy thở dài, nói:
- Mạt Niệp Tận Trung, dù có trốn ra ngoài thành cũng không thoát được cái chết, vậy ông cũng nên chết đi thôi!
- Thưa được!
- Tôi không muốn con cháu của ông sau này biết được ông là người phản nghịch, vì dù sao chúng ta đều cùng tổ tiên - Nói tới đây, Hoàn Nhan Thừa Huy rút thanh đao đeo cạnh sườn của tên lính hầu đưa cho Hoàn Nhan Sư Cô nói tiếp - kể như ông tự sát vì nước vậy!
Hoàn Nhan Thừa Huy quay lưng đi chỗ khác. Hoàn Nhan Sư Cô nhận lấy thanh đao sờ thử vào lưỡi, nói:
- Thưa Thừa tướng, tôi muốn nói điều này cho Thừa tướng rỏ, ấy là Mạt Niệp Tận Trung không phải do tôi xúi bẩy nên định bỏ trốn.
Hoàn Nhan Thừa Huy không quay đầu lại, nói:
- Trung hay gian, phải hay trái, để người đời sau bình phẩm!
Hoàn Nhan Sư Cô đưa ngang thanh đao tự sát.
Việc lấy Trung Đô làm thủ đô của triều đình nhà Kim chính là cái công lớn trong lịch sử của Hải Lăng Vương; nhưng việc bỏ Trung Đô để dời đô về Khai Phong là một lỗi lầm to của vua Tuyên Tông triều đại nhà Kim. Đứng trước sự tấn công có giới hạn của quân đội Mông Cổ việc "tập trung quân đội, tích lũy lương thực, củng cố kinh sư” đúng là một thượng sách trong thời bấy giờ, thế nhưng vua Tuyên Tông triều nhà Kim cũng như thái tử đã lần lượt chạy xuống phía nam, chẳng khác nào mang tất cả một vùng đất rộng lớn ở phía bắc sông Hoàng Hà dâng hai tay cho giặc. Số phận bị diệt vong của triều đình nhà Kim không còn cứu vãn được nữa.