Friedrich Nietzsche
- 15 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
“Luôn luôn có một kẻ dư thừa lẩn quẩn bên ta”, nhà ẩn sĩ nghĩ như thế. “Bao giờ một lần một rốt cuộc cũng hóa thành hai!”
Ta và Tôi luôn luôn đàm thoại với nhau quá nồng nàn: làm sao có thể chịu đựng nổi điều đó nếu ta không có một người bạn?
Đối với nhà ẩn sĩ cô đơn thì người bạn luôn luôn là kẻ thứ ba: kẻ thứ ba là chiếc phao nổi ngăn không cho cuộc đàm đạo của hai kẻ kia chìm sâu xuống vực thẳm.
Hỡi ơi! Luôn luôn có quá nhiều vực thẳm đối với tất cả những kẻ ẩn sĩ cô đơn. Vì thế họ khát vọng đến một người bạn và chiều cao của người bạn.
Lòng tin của chúng ta đặt vào những kẻ khác biểu lộ những gì mà chúng ta muốn có thể tin được vào chính mình. Khát vọng muốn có một người bạn của chúng ta làm chứng cho điều ấy.
Tình yêu thường khi chỉ là phương kế dùng để vượt thắng sự đố kỵ. Thường người ta tấn công và tự biến mình thành kẻ thù chỉ cốt để che giấu sự kiện chính bản thân mình có thể bị tấn công.
“ít ra, hãy là kẻ thù của ta!” - lòng tôn kính chân thật nói như thế, lòng tôn kính không dám kêu đòi tình bằng hữu.
Nếu muốn có một người bạn, thì ta cũng phải muốn chiến đấu vì người bạn đó và muốn chiến đấu, thì phải có khả năng làm kẻ thù.
Phải xưng tụng kẻ thù, ngay cả trong một người bạn. Mi có thể đến gần bạn mi mà không phải bước qua trận địa của hắn không?
Bạn mi phải là kẻ thù sâu độc nhất của mi, chính lúc chiến đấu chống lại hắn, mi mới gần gũi mật thiết nhất với tâm hồn hắn.
Mi chẳng muốn mang những màn che đối với bằng hữu? Mi muốn làm vinh dự cho bằng hữu bằng cách tự biện hộ với hắn trong nguyên tính của mình? Nhưng vì vậy mà hắn gửi mi cho quỷ sứ!
Kẻ nào không biết tự che giấu chính mình thì sẽ gây ra sự phẫn nộ: đấy là lý do tại sao ta phải sợ sự trần truồng! Ờ! Nếu mi là đấng thần linh thì hẳn mi phải xấu hổ vì y phục mình!
Mi không biết trang sức ăn vận đủ đối với bằng hữu: vì đối với hắn, mi phải là một mũi tên và một khát vọng phóng về hướng Siêu nhân.
Mi đã có khi nào nhìn bạn mi say ngủ chưa - để biết rõ chân tướng của hắn? Lúc đó khuôn mặt bạn mi ra sao? Đấy chính là khuôn mặt của mi, được nhìn trong một tấm gương thô vụng, bất toàn.
Mi đã có bao giờ nhìn bạn mi say ngủ chưa? Mi há không kinh hoàng khi nhìn thấy hắn như thế? Ồ, bạn ơi, con người là một cái gì cần bị vượt qua.
Người bạn phải là bậc thầy trong sự tiên đoán và sự im lặng: mi hãy coi chừng, đừng nên muốn nhìn thấy tất cả mọi sự. Giấc mộng của mi phải biểu lộ cho mi những gì mà bạn mi làm khi hắn thức.
Lòng thương xót của mi phải là một sự tiên tri. Trước hết mi hãy biết rõ xem bạn mi có mong muốn lòng thương xót hay không. Có lẽ hắn ưa thích nơi mi con mắt bất động đăm đăm và cái nhìn của vĩnh cửu.
Lòng thương xót đối với bạn phải được che giấu dưới một lớp vỏ dày, và mi sẽ phải gãy răng vì lớp vỏ cứng đó. Như thế, lòng thương xót ấy sẽ đầy sự tinh tế, dịu dàng trìu mến.
Mi có dáng vẻ thuần khiết, cô đơn, mi là thực phẩm và lương dược cho bằng hữu mi? Có vài kẻ không thể đập vỡ những xiềng xích của riêng mình, tuy nhiên họ lại là kẻ cứu thế cho bằng hữu họ.
Mi là kẻ nô lệ? Vậy, mi không thể là một người bạn. Mi là bạo chúa? Vậy, mi không thể có bạn.
Trong một thời gian dài đằng đẵng, có một tên nô lệ và một bạo chúa ẩn nấp trong người đàn bà. Chính vì thế người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu: họ chỉ biết đến tình yêu.
Trong tình yêu của người đàn bà, có sự bất công và sự mù quáng đối với tất cả những gì họ không yêu thương. Ngay cả trong tình yêu có ý thức của người đàn bà, bên cạnh ánh sáng, ta luôn luôn thấy có sự ngạc nhiên, tia chớp và bóng tối.
Người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu. Họ chỉ mới là những con mèo cái và những con chim. Hoặc giả, khá hơn, họ là những con bò cái.
Người đàn bà hãy còn chưa có khả năng bằng hữu. Nhưng, hỡi những người đàn ông các anh, hãy nói cho ta biết, ai trong số các ngươi có được khả năng bằng hữu?
Hỡi ôi, các ngươi, những người đàn ông, các ngươi hãy nhìn thẳng vào sự nghèo nàn keo kiết của tâm hồn các ngươi. Những gì các ngươi ban cho bằng hữu, ta muốn đem nó ban cho kẻ thù của ta, và không vì thế mà ta thành nghèo nàn thêm.
Đã có tình đồng chí rồi, giờ phải để cho tình bằng hữu khai sinh!”
Zarathustra đã nói như thế.