Friedrich Nietzsche
- 7 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
Hỡi những pháp quan cùng những thầy tư tế, các ngươi chẳng muốn giết trước khi con vật lắc đầu à? Nhìn kìa, kẻ tội nhân mặt mét đã lắc đầu: trong đôi mắt đó lộ rõ niềm khinh bỉ mênh mông.
“Bản ngã của ta là một cái gì phải bị vượt bỏ: bản ngã của ta chính là nỗi khinh bỉ mênh mông đối với loài người”. Đôi mắt hắn nói lên như thế.
Đấy là giây phút tối thượng của hắn, giây phút hắn tự phán xử chính mình: các ngươi đừng để kẻ cao trọng rơi trở xuống cõi thấp hèn!
Đối với kẻ đau khổ về chính mình đến mức độ ấy, tuyệt đối chẳng có sự cứu rỗi nào dành cho hắn, trừ phi là cái chết nhanh chóng.
Hỡi những pháp quan! Tội giết người của các ngươi phải là lòng thương xót chứ đừng là sự trả thù. Và khi giết người, các ngươi hãy làm thế nào để tự mình biện chính cho sự sống!
Hòa giải với kẻ mà các ngươi tuyên án tử là điều không đủ. Nỗi buồn của các ngươi phải là tình yêu dành cho Siêu nhân: chỉ như thế các ngươi mới tự biện chính cho sự kiện các ngươi còn tiếp tục sống.
Hãy nói “kẻ thù”, chứ đừng nói “người gian ác”; hãy nói “bệnh hoạn”, chứ đừng nói “người ti tiện”; hãy nói “kẻ điên rồ”, chứ đừng nói “kẻ phạm tội”.
Và ngươi, viên pháp quan áo đỏ, nếu ngươi muốn lớn tiếng nói lên những gì ngươi đã làm trong tư tưởng, thời mọi người sẽ hét lên: “Hãy loại trừ đồ ti tiện và con rắn độc ấy đi!”
Nhưng tư tưởng là một chuyện, hành động là một chuyện, và hình ảnh của hành động lại là một chuyện khác. Bánh xe nhân quả không lăn tròn giữa những chuyện khác nhau đó.
Đó là một hình ảnh đã làm xanh mét người tội phạm xanh xao. Y đã đồng đẳng với hành vi của mình khi y phạm tội. Nhưng y lại không chịu đựng nổi hình ảnh đó sau khi đã phạm tội.
Y luôn luôn tự thấy mình như là tác giả của một hành vi duy nhất. Ta gọi đó là sự thác loạn tinh thần, bởi vì một trường hợp ngoại lệ lại đã trở thành quy phạm cho thực thể y.
Con đường vạch sẵn thôi miên lôi cuốn trái bóng; hành động tội ác mà người tội đồ phạm phải đã lôi cuốn thôi miên cái lý trí khốn khổ của y. Ta gọi tình trạng này là “cơn điên sau khi hành động”.
Hãy nghe đây, hỡi những pháp quan! Hãy còn có một cơn điên khác nữa; và cơn điên này diễn ra trước lúc hành động. Hỡi ôi! Các ngươi đã chẳng dò tìm cho đủ sâu xa tấm linh hồn ấy!
Vị pháp quan áo đỏ nói như thế này: “Tại sao tên tội phạm này đã giết người? - Để đánh cắp”. Nhưng ta bảo cho các ngươi biết: linh hồn của y thèm muốn máu tươi chứ chẳng hề khát khao đánh cắp: y đã khát khao hạnh phúc của lưỡi dao trần.
Thế nhưng, lý trí khốn khổ của y lại chẳng hiểu được cơn điên này và chính lý trí đó đã giúp kẻ sát nhân quyết định. Lý trí ấy bảo: “Máu tươi thì có ăn nhằm gì! Ít ra mi há không muốn lợi dụng tội ngươi để đánh cắp hay để trả thù sao?”
Và y đã nghe theo lý trí khốn khổ của mình: lời lẽ của lý trí đè nặng như chì, - lúc bấy giờ, y đánh cắp, sau khi đã giết chết nạn nhân. Y không muốn hổ thẹn vì cơn điên của mình.
Và này đây, khối chì của tội lỗi y hãy còn trĩu nặng trên người y, lại một lần nữa, lý trí khốn khổ của y cứng đọng và tê liệt.
Nếu ít ra y có thể lúc lắc chiếc đầu, thời gánh nặng của y sẽ rơi tuột xuống: nhưng ai có thể lúc lắc chiếc đầu này?
Con người đó là gì? Là một đống những bệnh hoạn được tinh thần dàn bày ra trên thế giới bên ngoài: chính thế giới bên ngoài là nơi mà những bệnh hoạn ấy muốn thâu đạt chiến lợi phẩm.
Con người đó là gì? Một chiếc gút thắt đan bằng những con rắn dài, hiếm khi sống thanh thỏa với nhau, - vì thế mỗi con tự tiện phóng đi về phương mình muốn, để tìm lấy chiến lợi phẩm từ thế giới.
Hãy nhìn tấm thân khốn khổ ấy! Những đau đớn cùng những dục vọng của nó, linh hồn đáng thương của nó đã cố gắng giải thích chúng, - linh hồn ấy tưởng rằng chúng là ham muốn giết người và lòng thèm muốn đạt được hạnh phúc của lưỡi dao.
Kẻ nào ngã bệnh ngày hôm nay sẽ rơi vào điều xấu ác thuộc về ngày hôm nay: hắn muốn làm kẻ khác đau khổ bằng cái từng làm cho hắn thống khổ. Nhưng trước kia, đã có một thời đại khác, một sự thiện và một sự ác khác.
Ngày xưa, lòng hoài nghi và ý chí muốn là chính mình là những tội ác. Lúc bấy giờ những người bệnh trở thành kẻ tà đạo hay phù thủy; hắn đau khổ và muốn làm cho kẻ khác đau khổ, với tư cách là kẻ tà đạo hay phù thủy.
Nhưng điều đó không lọt được vào tai các ngươi: Nó sẽ có thể gây hại cho những kẻ thiện hảo trong số các ngươi, các ngươi sẽ bảo thế. Nhưng ta có sá gì đến những kẻ thiện hảo của các ngươi!
Nơi những kẻ thiện hảo của các ngươi, có rất nhiều điều làm ta kinh tởm, và chắc chắn đó không phải là sự xấu ác nơi họ. Ta ước muốn họ có được một cơn điên làm họ diệt vong, như kẻ tội nhân mặt xanh mét này.
Thực lòng, ta muốn rằng cơn điên của họ có tên là chân lý, hoặc lòng chung thủy, hoặc sự công chính: nhưng họ chỉ có độc đức hạnh của họ để sống lâu, trong một sự tự mãn lầm than.
Ta là chiếc lan can nằm dọc ven sông: kẻ nào có thể nắm được ta thời cứ việc nắm! Nhưng ta không phải là vật nương tựa cho các ngươi.
Zarathustra đã nói như thế.