watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 41 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 41 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

Trên biển - không xa quần đảo Vĩnh Phúc của Zarathustra mấy - có một hải đảo - nơi đấy có một ngọn núi phun lửa không ngừng. Dân chúng, nhất là những mụ già trong đám dân chúng bảo rằng hòn đảo đó được đặt như một tảng đá chặn trước cửa vào hỏa ngục, và con đường hẹp dẫn đến cánh cửa ấy xuyên qua giữa núi lửa.
Vào thời kỳ đó, khi Zarathustra cư ngụ trên quần đảo Vĩnh Phúc, có một chiếc tàu đến buông neo tại hải đảo núi lửa, và thủy thủ đoàn lên bộ, đi săn thỏ. Nhưng vào khoảng giờ ngọ, giữa lúc thuyền trưởng cùng các thủy thủ tụ họp lại, đột nhiên họ nhìn thấy một người bước đi trên không, tiến lại gần họ, rồi một giọng nói cất lên rõ rệt từng lời: “Đến lúc rồi, đã đúng lúc rồi!” Khi chiếc bóng đến gần sát bên họ - chiếc bóng lướt qua rất nhanh về phía ngọn núi lửa, như một bóng ma, - họ kinh ngạc nhận ra đấy chính là Zarathustra; bởi vì mọi người đều đã gặp mặt hắn, chỉ trừ viên thuyền trưởng; và họ yêu thương Zarathustra như dân chúng vẫn thường thương yêu - một tình yêu pha lẫn sợ hãi ngang nhau.
Viên tài công già la lên: “Nhìn kìa! Zarathustra đang đi xuống hỏa ngục!”
Vào đúng lúc những thủy thủ đặt chân đến hòn đảo phun lửa, thiên hạ đã đồn đại với nhau rằng Zarathustra biến đâu mất tăm mất dạng. Khi hỏi các bạn của hắn, thì những kẻ ấy đều thuật lại rằng Zarathustra đang đêm đã xuống tàu bỏ đi mà không hé môi cho biết mình muốn đi đâu.
Như thế, mọi người đều sinh lòng lo lắng; sau ba ngày lo lắng, lại thêm câu chuyện của những thủy thủ, - dân chúng đều bảo rằng quỷ dữ đã bắt Zarathustra mang đi. Cố nhiên, đám môn đệ của Zarathustra chỉ buồn cười về những lời đồn đại đó, một người trong bọn còn bảo: “Tôi tin đúng hơn là Zarathustra đã bắt quỷ dữ mang đi”. Nhưng, tự thâm tâm, tất cả đám môn đệ đều lo lắng và nôn nao; vì thế họ vui mừng khôn xiết khi vào ngày thứ năm, Zarathustra lại tái hiện giữa bọn họ.
Và đây là câu chuyện về cuộc đàm luận giữa Zarathustra với con hỏa ngao ở địa ngục. Zarathustra lên tiếng:

“Trái đất có một lớp da; và lớp da ấy mang những chứng bệnh. Một trong những chứng bệnh đó, chẳng hạn, được gọi là: “con người”.
Một chứng bệnh khác được gọi là “chó ngao ở hỏa ngục”. Loài người đã thuật lại hay tin tưởng những điều dối trá về con chó ngao ấy.
Chính vì muốn đào sâu bí ẩn ấy, ta mới vượt biển; và thực vậy, ta đã nhìn thấy sự thật trần truồng, sự thật từ đôi chân trần đến tận cổ.
Giờ đây ta đã rõ chuyện có liên can tới con hỏa ngao và cả những gì về tất cả mọi con quỷ nổi loạn cùng những con quỷ mà không phải chỉ những bà già hiền hậu mới sợ hãi chúng mà thôi.
“Hãy ra khỏi hang sâu của mi, hỡi chó ngao! Ta đã thét lên như thế. - Và hãy thú nhận xem chiều sâu mi sâu thẳm ngần nào, và những chất mi nôn mửa, mi đã rút lấy từ đâu?
Mi đã nốc uống ê hề ở biển cả: muối mặn của tài lợi khẩu mi chứng tỏ điều đó. Thực ra, đối với một con chó ở những miền sâu thẳm, mi đã tự nuôi dưỡng quá nhiều bằng một thứ dưỡng chất quá ư cạn cợt.
Cao tay lắm, ta xem mi là kẻ có tài nói bằng bụng của mặt đất, và mỗi khi nghe những con quỷ của sự nổi loạn và vô dụng nói năng với nhau, ta luôn thấy chúng giống hệt với mi, với chất muối mặn, với những sự giả trá và hời hợt thiển bạc của mi.
Bọn mi biết cách tru tréo và rắc tro làm mù tối mắt! Bọn mi là những kẻ khoe khoang khoác lác nhất trên thế giới và bọn mi biết rành rẽ nghệ thuật làm bùn lầy sủi bọt sôi lên.
Nơi nào có mặt bọn mi, thì luôn luôn có bùn nhơ cùng nhiều sự vật khô xốp hút nước, với nhiều lỗ hổng, ép chặt vào nhau, - chính những sự vật đó ước muốn tự do.
“Tự do!” đó là tiếng mà bọn mi thích tru rống lên nhất: nhưng ta đã không còn tin vào những “biến cố vĩ đại” bất luận lúc nào có những tiếng tru tréo với khói mù vây quanh.
Và ta van mi hãy tin ta, hỡi tiếng ồn ào khủng khiếp của hỏa ngục! Những biến cố vĩ đại nhất đều bất thần xảy đến không phải trong những lúc ầm ĩ náo động nhất mà là giữa những giờ phút im lặng nhất.
Thế giới không xoay vần chung quanh những kẻ phát minh ra những tiếng ồn ào mới, nhưng xoay vần chung quanh những kẻ phát minh ra những giá trị mới; thế giới xoay vần im lặng vô thanh.
Và mi phải thú nhận điều này: một khi tiếng ồn ào huyên náo cùng khói mù của mi tan biến mất, thì luôn luôn người ta nhận ra rằng chẳng có điều gì quan trọng đã được tựu thành. Nào có quan hệ gì nếu một thành phố bị biến thành xác chết khô và một pho tượng lăn kềnh chổng gọng trong bùn lầy!
Ta xin nói thêm lời này đối với những kẻ phá đổ các pho tượng: quả thật chẳng còn gì điên rồ hơn là vứt muối xuống biển và xô vứt những pho tượng xuống sình lầy.
Pho tượng nằm im trong sình lầy của lòng khinh bỉ nơi các ngươi; nhưng lề luật của pho tượng muốn rằng nó sẽ tái sinh từ sự khinh bỉ của các ngươi, tái sinh lại sống động và xinh đẹp hơn!
Giờ đây pho tượng đứng thẳng dậy với những đường nét linh thánh quyến rũ hơn nhờ nỗi thống khổ diễn tả trong chúng, và thật vậy, pho tượng lại còn cám ơn các ngươi vì đã lật đổ nó, các ngươi, những kẻ lật nhào các pho tượng!
Nhưng đây là lời khuyên ta dành cho các ông vua, các Giáo hội và tất cả những gì bị suy yếu vì tuổi tác và đức hạnh, - các ngươi hãy để cho bị lật đổ, cốt để các ngươi trở lại với đời sống và đức hạnh trở về với các ngươi!”
Ta đã nói như thế trước mặt con hỏa ngao: lúc bấy giờ nó lầm bầm ngắt lời ta và hỏi: “Giáo hội? Giáo hội là cái gì thế?”
Ta đáp: “Giáo hội à? Đấy là một thứ quốc gia giả trá nhất. Nhưng hãy câm mồm mi lại, hỡi con chó giả đạo đức, mi biết rõ chủng loại của mi hơn ai cả mà!
Quốc gia là một con chó giả đạo đức cũng như chính bản thân mi; cũng như mi, nó thích nói bằng khói mù cùng những tiếng tru tréo, để làm cho thiên hạ tin rằng lời nói của nó xuất phát từ ruột rà tạng phủ của sự vật, y hệt như mi.
Bởi vì quốc gia tuyệt đối muốn mình là con thú quan trọng nhất trên mặt đất, và dân chúng tin như vậy”.
Ta vừa nói thế xong thì con hỏa ngao lồng lộn lên như điên cuồng vì ganh tị. Nó hét lên: “Sao? Con vật quan trọng nhất trên mặt đất à? Và dân chúng tin thế thật sao?” Từ cổ họng hỏa ngao, bắn phun ra vô khối hơi nước cùng âm thanh khủng khiếp đến nỗi ta tưởng đâu nó sắp chết ngạt vì giận dữ và ganh tức mất.
Sau cùng, con hỏa ngao dịu lại, hơi thở hổn hển của nó chậm dần; nhưng khi nó vừa im tiếng, ta mỉm cười bảo nó:
“Hỡi chó ngao hỏa ngục, mi nổi giận rồi: thế là ta có lý hơn mi nhé!
Và để ta tiếp tục có lý thêm, hãy để cho ta nói mi nghe về một con hỏa ngao khác: con hỏa ngao đó thực sự nói từ trái tim của quả đất.
Hơi thở của nó là một cơn mưa vàng: quả tim nó muốn như thế. Tro tàn và khói mù và nước miếng nóng sốt: nào có quan hệ gì đối với nó?
Tiếng cười bay lượn chung quanh nó như một đám mây đầy màu sắc, nó chẳng bận tâm gì đến những tiếng kêu la, những tiếng khạc nhổ và những cơn sôi bụng của mi.
Tuy nhiên, tiếng cười cùng vàng quý đó nó lấy từ trái tim quả đất; bởi vì mi nên biết rõ điều này: trái tim quả đất thì bằng vàng!”
Khi nghe dứt những lời trên, con hỏa ngao không thể nào tiếp tục nghe ta nói thêm được nữa. Xấu hổ, nó cụp đuôi lại và sủa bằng giọng thẹn thùng rồi lết mất vào hang”.

Zarathustra đã thuật chuyện lại như thế. Nhưng đám môn đệ của hắn nghe câu chuyện một cách nghễnh ngãng vì họ quá nôn nóng nói cho Zarathustra nghe về đám thủy thủ, các con thỏ và người đàn ông bay trên không.

“Ta phải nghĩ gì về chuyện ấy? Zarathustra bảo. Ta là một bóng ma chăng?
Chắc hẳn đấy là chiếc bóng của ta. Các ngươi đã từng nghe nói đến Kẻ lang thang phiêu bạt và Chiếc bóng của y?[1]
Có một điều chắc chắn: ta phải canh chừng cái bóng một cách nghiêm khắc hơn, bằng không cuối cùng nó sẽ phá hỏng thanh danh ta”.
Rồi, một lần nữa, Zarathustra lại lúc lắc cái đầu, kinh ngạc: “Ta phải nghĩ gì về chuyện ấy? Hắn lặp lại.
Tại sao bóng ma lại kêu lên: “Đến lúc rồi! Đã đúng lúc rồi?”
Đúng lúc cho cái gì?”


Zarathustra đã nói như thế.


Chú thích:

[1] “Kẻ lang thang phiêu bạt và Chiếc bóng”, cũng là tên một tác phẩm của Nietzsche (1880).
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch