watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 68 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 68 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

Zarathustra lại lang thang qua những ngọn núi, những cánh rừng: đôi mắt Zarathustra tìm kiếm, tìm kiếm mãi, nhưng chẳng nơi nào chúng bắt gặp kẻ mà chúng muốn nhìn thấy, kẻ khốn nạn đã thét lên tiếng kêu thống khổ. Tuy nhiên, suốt dọc đường, cõi lòng Zarathustra tràn đầy hoan lạc và biết ơn. Hắn tự nhủ: “Ngày hôm nay đã ban cho ta biết bao điều tốt lành để đền bù lại chuyện nó đã khởi sự một cách tệ hại thế kia! Ta đã gặp những kẻ đối thoại kỳ dị vô song!
Giờ đây ta sẽ nghiền ngẫm, nhai đi nhai lại thật lâu lời nói của họ; những lời lẽ đó tựa như những hạt giống tốt, răng ta sẽ không ngừng nghiền nát và xay vụn chúng, cho đến khi chúng chảy ra những dòng sữa ngọt ngào trong tâm hồn ta!”
Nhưng khi con đường vòng quanh một tảng đá, thời đột nhiên phong cảnh thay đổi, và Zarathustra bước vào trong cõi chết. Nơi đây dựng đứng lên những tảng đá màu đen pha lẫn sắc đỏ: chẳng chút cỏ xanh, cây cối, chẳng có lấy một tiếng chim kêu. Bởi vì đấy là một thung lũng mà tất cả những con vật đều lánh xa, ngay cả những loài dã thú; duy chỉ có một giống rắn màu xanh lục to lớn dễ sợ là đến đấy nằm chết khi đã già. Chính vì thế những người chăn súc vật mới gọi nơi đây là thung lũng Rắn Chết.
Zarathustra mãi đắm chìm trong những hoài niệm đen thẳm, bởi vì hắn thấy rằng hình như mình đã đặt chân đến thung lũng này rồi. Và một sức nặng đè trĩu trên tinh thần Zarathustra: đến độ hắn bắt đầu đi chậm lại cho đến khi, sau cùng, hắn dừng hẳn lại. Nhưng lúc bấy giờ, khi mở mắt ra, Zarathustra thấy một cái gì đang ngồi bên vệ đường, một cái gì mang khuôn mặt người nhưng hầu như chẳng có gì là người cả - một cái gì khó có thể gọi tên. Hốt nhiên, Zarathustra đâm ra hổ thẹn vô cùng vì đã tận mắt nhìn thấy một điều như vậy: mặt mũi đỏ bừng đến tận chân tóc bạc phơ, Zarathustra quay mắt đi và cất bước để rời khỏi nơi chốn không hay này. Nhưng đột nhiên, một âm thanh cất lên trong cõi sa mạc chết ấy: từ mặt đất bốc lên một thứ tiếng khò khè, ọc ọc, như khi vào ban đêm nước ọc ọc trong một ống dẫn bị bịt kín; sau cùng tiếng động đó trở thành một giọng nói, một lời nói của con người. Giọng nói ấy bảo:
“Zarathustra, Zarathustra! Hãy giải đoán ẩn ngữ của ta nào: hãy nói đi! Nói đi! Đâu là sự trả thù chống lại người chứng ?
Hãy dừng lại và quay bước trở lui: nơi đây có băng giá trơn trượt! Hãy coi chừng lòng kiêu hãnh của ngươi sẽ bị gãy chân chốn này!
Ngươi tự tưởng mình là hiền minh trí huệ, hỡi Zarathustra kiêu hãnh! Vậy ngươi hãy thử giải đoán ẩn ngữ của ta xem nào, ngươi là kẻ đập vỡ những trái hồ đào cứng rắn nhất, - hãy giải đoán ẩn ngữ là chính ta đây! Hãy nói đi: ta là ai?”
Nhưng khi Zarathustra nghe xong những lời lẽ trên, thì điều gì xảy đến trong tâm hồn hắn? Hắn nảy lòng thương xót và đột nhiên ngã quỵ xuống tựa như một cây sồi chống chọi từ lâu với những nhát rìu của đám tiều phu nay đột nhiên gục xuống nặng nề, làm kinh hãi ngay những kẻ muốn đốn hạ nó. Song Zarathustra đã từ mặt đất trỗi dậy. Và khuôn mặt hắn lộ vẻ cứng rắn. Hắn bảo bằng một giọng sắt đá tàn nhẫn:
“Ta nhận rõ mi rồi: mi là kẻ đã giết chết Thượng đế . Hãy để ta bỏ đi xa.
Mi không chịu đựng nổi kẻ đã nhìn thấy mi , kẻ đã nhìn thấy mi thường xuyên thấu suốt từ bên này qua bên kia, mi, Kẻ xấu xí nhất loài người! Mi đã trả thù người chứng đó!”
Zarathustra nói như thế và muốn bỏ đi, nhưng sinh vật không thể gọi tên đó đã nắm lấy một vạt áo của hắn và lại bắt đầu ọc ọc tìm chữ. Sau cùng, gã thốt ra: “Hãy ở lại, Zarathustra!
- Hãy ở lại! Đừng bước qua con đường của ngài nữa. Tôi đã đoán ra chiếc rìu nào đã đốn hạ ngài ngã gục; hỡi Zarathustra, xin ngợi ca vì ngài lại hiên ngang đứng vững dậy được!
Tôi biết rõ, ngài đã đoán được tâm trạng của kẻ đã giết chết Thượng đế, - kẻ sát hại Thượng đế. Hãy ở lại! Xin ngài hãy ngồi xuống cạnh tôi, làm thế không phải là vô ích đâu.
Tôi sẽ đi về với ai đây nếu không phải là về với ngài? Hãy ở lại, hãy ngồi xuống đây. Nhưng đừng nhìn vào tôi! Hãy xưng tụng sự xấu xí của tôi như thế!
Họ đang ngược đãi tàn hại tôi: giờ đây ngài là nơi trú ẩn cuối cùng của tôi. Chẳng phải họ đang theo đuổi tôi bằng lòng thù hận hay bằng đám cảnh binh của họ đâu! Ồ! Tôi sẽ cười nhạo những sự ngược đãi tàn bạo như thế, tôi sẽ lấy làm hãnh diện và vui vẻ vì điều đó!
Từ trước đến nay, tất cả những thành công há chẳng dành cho những kẻ bị ngược đãi hành hạ tột cùng? Và kẻ nào tài hành hạ sẽ dễ học được chuyện theo đuôi :[1] - vì vậy, họ chẳng luôn bám đằng sau gót kẻ khác đó sao? Nhưng chính lòng thương xót của họ... Chính lòng thương xót của họ là điều làm tôi chạy trốn; chính vì lòng thương xót ấy, tôi mới đi tìm một chỗ trú ẩn nơi ngài. Hỡi Zarathustra, xin ngài hãy che chở cho tôi, ngài, chỗ trú ẩn tối cao của tôi, ngài là kẻ duy nhất đã đoán nhận được tôi:
Ngài đã đoán được tâm trạng của kẻ đã giết chết Thượng đế. Hãy ở lại đây! Và nếu ngài muốn bỏ đi, thời hỡi người lữ khách hối hả kia ơi, chớ có đặt bước trên con đường theo đó tôi đã đến. Con đường ấy đầy rẫy xấu xa hung hiểm.
Ngài có thù ghét tôi vì tôi cứ mãi lắp bắp nói năng không sõi như thế chăng? Vì tôi đã ban cho ngài những lời khuyên? Nhưng ngài hãy biết rõ điều này, chính tôi, Kẻ xấu xí nhất loài người, là kẻ có đôi chân to lớn nặng nề nhất: con đường nào tôi đã đi qua đều trở thành xấu xa hư hỏng. Tôi làm hư và đạp lún tất cả mọi con đường.
Nhưng tôi đã thấy rõ rằng ngài muốn im lặng bước qua cạnh tôi, và tôi đã nhìn thấy sự đỏ mặt hổ thẹn của ngài: chính do đó tôi mới nhận ra rằng ngài là Zarathustra.
Mọi người khác đều vứt cho tôi của bố thí, lòng thương hại, bằng cái nhìn hay lời nói. Nhưng để nhận của bố thí, tôi không đủ là người ăn xin, ngài đã đoán ra được thế.
Tôi quá giàu có , giàu có vô ngần về những chuyện vĩ đại, khủng khiếp, những chuyện xấu xí nhất và khó diễn tả thành lời nhất! Hỡi Zarathustra, sự hổ thẹn của ngài đã làm tôi vinh hạnh .
Phải khó khăn vô vàn tôi mới trốn thoát khỏi đám đông lúc nhúc những kẻ đầy lòng xót thương bác ái, để tìm thấy kẻ độc nhất trong tất cả mọi người, kẻ hôm nay lên tiếng giảng dạy rằng: “Lòng thương xót là điều trái thời thô bạo”. Kẻ đó chính là ngài, hỡi Zarathustra,
- dẫu rằng đó là lòng xót thương của một đấng Thượng đế hay lòng thương xót của loài người: thương xót là một sự lăng nhục xâm hại đến lòng băng trinh tiết tháo. Và ý chí không muốn trợ giúp có thể còn cao quý hơn một vài đức hạnh quá vội vã chạy ùa đến cứu giúp.
Thế mà, chính thứ đức hạnh này , lòng xót thương bác ái, là điều mà hiện nay đám tiện dân xem là đức hạnh tuyệt hảo nhất: bọn chúng không có lòng tôn kính đối với sự bất hạnh vĩ đại, sự xấu xí vĩ đại, sự kỳ quái vĩ đại.
Cái nhìn của tôi bay vượt qua trên tất cả những thứ đó, như con chó dùng đôi mắt thống ngự những chiếc lưng của đàn cừu non lúc nhúc. Đấy là những sinh vật bé mọn, xám xịt, ngoan ngoãn giống như lũ cừu.
Giống như một con cò hất đầu ra sau, khinh bỉ quay mắt khỏi những ao đầm phẳng lặng cạn cợt, cũng thế, tôi đưa mắt khinh thị nhìn xuống bên trên đám đông lúc nhúc những lượn sóng nhỏ màu xám dạt dào những ý chí của những tâm hồn hèn mọn.
Đã quá lâu rồi, người ta cho bọn tiện dân là có lý, chính vì vậy cuối cùng người ta đã ban cho bọn chúng quyền lực - giờ đây bọn chúng cất tiếng rao giảng: “Chỉ có những điều mà đám tiện dân gọi là tốt, thì mới là điều tốt”.
Và điều ngày nay người ta gọi là “chân lý” chính là điều được giảng dạy do một kẻ thuyết giảng xuất thân từ hàng ngũ tiện dân, kẻ đã từng nói về chính mình rằng: “Ta là chân lý”.
Chính kẻ tự cao tự đại đó từ lâu đã thổi căng chiếc mào của đám tiện dân - chính đó là kẻ mà khi rao giảng: “Ta là chân lý”, đã không rao giảng một sai lầm tơ tóc nào.
Người ta đã từng trả lời lễ độ hơn cho một kẻ tự cao tự đại như thế chưa? Tuy nhiên, hỡi Zarathustra, ngài bước qua trước mặt họ và bảo: “Không! Không! Ba lần không!”
Ngài đã cảnh giác con người đề phòng sự sai lầm của họ, ngài đã là người đầu tiên lên tiếng cảnh giác về lòng thương xót, trong khi ngỏ lời không phải cho tất cả mọi người cũng chẳng phải cho một ai, mà cho chính ngài và những kẻ mang dòng máu của ngài.
Ngài hổ thẹn về sự hổ thẹn của kẻ kiên trì chịu đựng những thống khổ lớn lao. Và thực ra, khi ngài bảo: “Hỡi loài người, hãy đề phòng, chính từ lòng thương xót mới bốc lên một đám mây vĩ đại!”
Khi ngài rao giảng: “Tất cả những kẻ sáng tạo đều cứng rắn khốc liệt, tất cả mọi tình yêu vĩ đại đều cao vượt hơn lòng xót thương bác ái của tình yêu”, thì hỡi Zarathustra, tôi thấy ngài hình như đã hiểu thấu những dấu hiệu của thời đại!
Nhưng còn chính ngài, ngài hãy cảnh giác đề phòng lòng xót thương bác ái của riêng ngài! Bởi vì có nhiều kẻ đang lên đường hướng về ngài, nhiều kẻ đang đau khổ, đang hoài nghi, đang tuyệt vọng, đang tự trầm mình và hóa thành băng giá.
Tôi cũng cảnh giác ngài hãy đề phòng chính tôi. Ngài đã đoán nhận được ẩn ngữ tốt đẹp nhất và tệ hại nhất của tôi: chính bản thân tôi và những gì tôi đã làm. Tôi đã biết rõ chiếc rìu có thể đốn hạ ngài được.
Tuy nhiên, - kẻ ấy phải chết: y đã nhìn với đôi mắt thấu suốt mọi sự, - y đã nhìn thấy những chiều sâu và những hố thẳm của con người, y đã nhìn thấy tất cả những hổ thẹn cùng sự xấu xí được che kín của con người.
Lòng bác ái của y chẳng hề biết đến sự hổ thẹn; y len lỏi vào trong những uẩn khúc đê tiện nhất của tôi. Y phải chết, y, kẻ tò mò tọc mạch lộ liễu, kẻ xót thương bác ái đó.
Y đã không ngừng nhìn thấy tôi; tôi muốn trả thù một chứng nhân như thế, không thì chính tôi phải giã từ cuộc sống.
Vị Thượng đế đã nhìn thấy tất cả mọi sự, ngay cả con người, vị Thượng đế đó phải chết! Con người không thể chịu đựng nổi chuyện một chứng nhân như thế mà vẫn cứ còn sống mãi”.
Kẻ xấu xí nhất loài người nói như thế. Nhưng Zarathustra đã đứng lên, sửa soạn cất bước: vì hắn thấy giá lạnh tận tim gan. Zarathustra bảo:
“Hỡi sinh vật khó có thể gọi tên, ngươi đã khuyên ta đừng bước theo con đường của ngươi. Để thưởng công, ta yêu cầu ngươi hãy bước theo con đường của ta. Nhìn kìa, trên kia là thạch động của Zarathustra.
Hang đá của ta thì to lớn, sâu thẳm và có nhiều xó xỉnh khuất lấp; kẻ ẩn dật cô tịch nhất cũng tìm được chỗ ẩn náu trong hang.
Chung quanh hang có hàng trăm chỗ nứt nẻ, hàng trăm xó góc hẻo lánh dành cho tất cả những kẻ nào bò sát, bay lượn hay nhảy nhót.
Ngươi, kẻ lưu đày tự đày ải chính mình! Ngươi không còn muốn sống giữa loài người và giữa lòng xót thương bác ái của loài người nữa sao? Được rồi! Hãy làm y như ta. Như thế ngươi cũng sẽ được học hỏi từ ta. Chỉ kẻ nào hành động mới học hỏi được.
Ngươi hãy bắt đầu bằng cách trò chuyện cùng hai con thú của ta! Con thú kiêu hãnh nhất đời và con thú giảo quyệt nhất đời - ước mong rằng chúng sẽ là những cố vấn tốt cho cả hai chúng ta!”
Zarathustra đã nói như thế, rồi hắn tiếp tục con đường của mình, dáng điệu trầm ngâm hơn trước và bước đi chậm rãi hơn, vì hắn tự chất vấn mình nhiều điều song chẳng tìm ra câu trả lời một cách dễ dàng.
Zarathustra nghĩ thầm trong lòng:
“Gã đó khốn khổ ngần nào! Trong khi lõm bõm những lời lẽ cay đắng chứa đầy sự hổ thẹn ẩn kín, trông gã mới xấu xí làm sao!
Thiên hạ bảo ta rằng gã tự yêu thương chính mình. Than ôi! Tình yêu chính mình ấy hẳn phải to lớn vĩ đại dường nào! Có bao nhiêu khinh bỉ mà gã đã không vượt qua được!
Cả kẻ đó nữa cũng tự yêu thương chính mình bằng cách tự khinh bỉ chính mình. Đối với ta, gã là một tình nhân vĩ đại và một kẻ khinh bỉ vĩ đại ngất trời.
Ta chưa hề gặp ai tự khinh bỉ mình sâu xa đến thế: cả niềm khinh bỉ ấy cũng nằm trong phương trời của sự cao đại hoằng viễn. Hỡi ôi! Kẻ đó có lẽ là con người thượng đẳng mà ta đã nghe thốt ra tiếng kêu thống khổ chăng?
Ta yêu những người cảm nghiệm sự khinh bỉ ngút trời. Nhưng, con người là một cái gì cần phải được vượt qua”.









[1] “kẻ nào tài hành hạ sẽ dễ học được chuyện theo đuôi ”, do verfolgen : hành hạ, ngược đãi, và folgen : theo đuổi, theo sau.
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch