- 73 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
Bởi vì vào lúc ấy, viên Bốc sư cắt ngang lời chào mừng của Zarathustra và các người khách: lão chen lấn đến phía trước, như một kẻ không có thời giờ để mất, lão cầm lấy bàn tay của Zarathustra và nói lớn: “Nhưng mà, hỡi Zarathustra!
Có việc cần thiết hơn việc khác, đó chính là điều ngài đã dạy: nào! Giờ đây có một việc đối với tôi còn cần thiết hơn tất cả mọi việc khác.
Tôi muốn nói lên một lời vừa đúng dịp: ngài đã chẳng mời tôi dùng bữa đấy sao? Và ở đây có nhiều người đã vượt qua các quãng đường dài. Tuy vậy, ngài không muốn đãi chúng tôi no nê bằng những lời nói đấy chứ?
Vì vậy, tất cả các ngài đều đã nói quá nhiều đến chuyện chết lạnh, chết chìm, chết ngạt và những khổ nạn khác của thân xác; nhưng chẳng có ai nhớ đến khổ nạn của riêng tôi : nỗi sợ hãi bị chết đói”.
(Viên Bốc sư già nói như thế, và khi nghe những lời này, hai con thú của Zarathustra bỏ chạy vì kinh hãi: chúng thấy rằng tất cả những gì lúc ban ngày chúng đã mang về hang đá chẳng đủ làm no cho riêng một mình lão Bốc sư).
Viên Bốc sư tiếp tục: “Đó là chẳng nói đến nỗi sợ hãi bị chết khát. Và dẫu tai tôi có nghe tiếng nước chảy vỗ vào thành đá, giống như những lời thuyết giảng của trí huệ khôn ngoan, nghĩa là dồi dào triền miên không hề mỏi mệt, thì riêng phần tôi, tôi vẫn muốn uống rượu.
Tất cả mọi người đều không phải là kẻ mới sinh ra đã biết uống nước lã suốt đời như Zarathustra. Nước lã cũng không tốt cho những kẻ mệt mỏi úa tàn: thức uống chúng ta cần đến chính là rượu, - chỉ rượu mới đem lại một sự bình phục đột ngột và một sức khỏe tức thì”.
Về chuyện này, vì lão Bốc sư đòi phải có rượu, nên ông vua bên trái, ông vua trầm ngâm ít nói, cũng lên tiếng. Ông ta bảo: “Chúng tôi đã chăm nom đến chuyện rượu, tôi và anh tôi, ông vua bên phải: chúng tôi có rất nhiều rượu, - cả một khối chở trên lưng con lừa, giờ chúng ta chỉ còn thiếu bánh mì”.
“Bánh mì à? Zarathustra vừa hỏi vặn vừa cười. Chính bánh mì lại là thứ những con người sống cô đơn chẳng hề có. Nhưng con người không chỉ sống bằng bánh mì, con người còn sống nhờ thịt ngon và ở đây ta có hai chú cừu tơ.
Giờ đây các người hãy xẻo thịt chúng cho chóng, gia vị và ướp chúng bằng cây đan sâm: ta thích thịt cừu non làm như thế. Và chúng ta chẳng thiếu rễ cây lẫn trái cây, chúng có đủ cả ngay cho những kẻ háu ăn và những người tinh tế khó tính nhất, chúng ta cũng chả thiếu gì những hạt có vỏ cứng hay những ẩn ngữ khác để đập vỡ.
Vậy thời chẳng mấy chốc nữa, chúng ta sẽ dự một bữa ăn ngon. Nhưng kẻ nào muốn ăn với chúng ta thời phải bắt tay vào việc, các ông vua cũng như những kẻ khác. Bởi vì nơi hang đá của Zarathustra, ngay cả một ông vua cũng có thể là một người đầu bếp.”
Lời đề nghị này được đưa ra thuận lòng mọi người; duy chỉ có Người ăn xin tự nguyện là kinh tởm thịt, rượu và đồ gia vị. Lão ta pha trò:
“Xin các ngài hãy lắng nghe lời kẻ tham ăn háu uống Zarathustra! Người ta có trèo lên các hang động và núi cao để làm một bữa yến tiệc như thế hay không?
Thực ra, giờ đây tôi hiểu rõ điều mà ngày xưa Zarathustra đã giảng dạy cho chúng ta: “Xin cảm tạ sự nghèo hèn!” Và tôi hiểu vì sao Zarathustra muốn trừ khử những người ăn xin”.
Zarathustra đáp:
“Hãy thanh thản vui tươi như chính ta đây. Cứ giữ những thói quen của ngươi, hỡi ông bạn quý của ta ơi! Hãy nhai hạt thóc, uống nước lã, ca tụng thức ăn của nhà ngươi, miễn là nó làm cho ngươi vui vẻ!
Ta chỉ là một lề luật cho những người mang dòng máu của ta, ta không phải là một lề luật cho tất cả mọi người. Nhưng kẻ nào mang dòng máu của ta thời phải có những khúc xương cứng cáp và những bàn chân nhẹ nhàng,
- tươi vui khao khát những cuộc chiến chinh và những yến tiệc, chẳng buồn phiền, không mơ mộng, luôn sẵn sàng cho những sự việc khó khăn nhất như sẵn sàng cho cuộc lễ trọng của mình, khang kiện và vẹn toàn lành mạnh.
Những gì tốt đẹp đều thuộc về những con người mang dòng máu của ta và thuộc về chính ta, và nếu người ta không sẵn lòng ban cho chúng ta, chúng ta sẽ vồ chụp lấy: - thực phẩm ngon lành nhất, bầu trời tinh khiết nhất, những tư tưởng mãnh liệt nhất, những người đàn bà diễm lệ nhất”.
Zarathustra đã nói như thế; và ông vua bên phải lên tiếng: “Lạ chưa! Đã có bao giờ người ta nghe được những điều chính xác như thế thốt ra từ miệng một nhà hiền triết?
Và thực ra, đối với một nhà hiền triết, đấy chính là điều kỳ dị nhất: với tất cả mọi thứ đó ông ta vẫn cứ thông minh và chẳng có gì là ngu dốt hơn cả”.
Ông vua bên phải nói như thế với sự kinh ngạc, trong khi đó con lừa kết thúc câu nói này bằng một tiếng I-A láu cá. Nhưng tiếng be be đó là khởi đầu của bữa ăn dài nọ, bữa ăn được các sách sử gọi là “Bữa ăn cuối cùng”. Trong bữa ăn này, chẳng bàn tới vấn đề nào khác hơn là Con người thượng đẳng.
[1] “bữa ăn cuối cùng”, dịch chữ Abendmahl , một hình thái cổ của chữ Abendessen , vốn chỉ có nghĩa là “bữa ăn tối”. Nhưng chữ Abendmahl còn được dùng trong Thánh kinh để chỉ bữa ăn cuối cùng của Giêsu với môn đệ, trong đó Giêsu ban Thánh thể cho các môn đệ, cho nên chúng tôi thêm chữ “cuối cùng” để gợi nhắc lại ý nghĩa mà Nietzsche muốn ám chỉ tới.