Friedrich Nietzsche
- 20 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
Một ngày nọ Zarathustra nằm ngủ dưới một gốc sung vì trời quá nóng, và Zarathustra gác tay lên trán. Nhưng có một con rắn độc bò đến gần cắn phập vào cổ Zarathustra, vết cắn làm Zarathustra bật lên một tiếng kêu đau đớn. Khi đã cất tay khỏi mặt, Zarathustra chăm chú nhìn con rắn: lúc bấy giờ con rắn nhận ra đôi mắt Zarathustra, nó vặn vẹo thân hình một cách vụng về lúng túng và muốn thoát thân. Nhưng Zarathustra đã bảo: “Đừng, đừng đi, ta còn chưa cám ơn mi mà! Mi đã đánh thức ta đúng lúc, vì con đường ta đi còn dài”. Con rắn độc buồn bã trả lời: “Đường của ngươi còn ngắn lắm vì nọc độc ta sắp giết chết ngươi”. Zarathustra mỉm cười: “Có khi nào một con rồng lại chết vì nọc độc một con rắn chứ? Nhưng này, mi hãy lấy lại nọc độc! Mi chưa đủ giàu có để tặng cho ta”. Con rắn bèn cuộn tròn quanh cổ Zarathustra và đưa lưỡi liếm vết thương.
Một ngày nọ khi Zarathustra thuật lại chuyện này cho các môn đệ nghe, đám môn đệ hỏi hắn: “Hỡi Zarathustra, đâu là ý hướng của câu chuyện ngài kể?” Zarathustra trả lời họ:
“Những người thiện hảo và công chính gọi ta là kẻ phá hủy đạo đức: câu chuyện ta vừa kể là vô đạo đức.
Nhưng nếu các ngươi có một kẻ thù, thì đừng lấy thiện trả ác; vì như vậy là sỉ nhục kẻ thù. Tốt hơn, nên tỏ cho hắn thấy là hắn đã làm điều thiện cho các ngươi.
Các ngươi hãy nổi giận hơn là sỉ nhục hắn. Và khi bị kẻ địch nguyền rủa các ngươi đừng nên chúc phúc cho hắn, ta chẳng hài lòng chút nào. Tốt hơn các ngươi nên góp tiếng nguyền rủa trả lại.
Và nếu có người phạm một bất công lớn với các ngươi, các ngươi hãy lập tức đáp ứng bằng cách thêm vào đấy năm bất công nhỏ. Thật là khủng khiếp khi nhìn thấy kẻ không mang gánh nặng nào khác ngoài mỗi mình bất công.
Các ngươi biết điều đó chứ? Một bất công được chia sẻ hầu như đã là một quyền hạn. Và chỉ kẻ nào đủ sức chịu đựng bất công, kẻ ấy mới tự mình nhận lãnh nó.
Trả thù một ít thì có tính chất “chúng sinh” hơn là không trả thù gì cả. Và nếu hình phạt không tạo thành một quyền hạn và một vinh dự cho kẻ phạm tội, ta cũng không thích những hình phạt của các ngươi.
Chẳng thà sai lầm còn cao nhã hơn là nhất mực khăng khăng có lý, nhất là khi người ta có lý thật. Nhưng phải đủ giàu sang mới làm như thế được.
Ta không ưa sự công chính lạnh lẽo của các ngươi, trong đôi mắt quan tòa của các ngươi luôn luôn lấp lóe tia nhìn của đao phủ và ánh chớp của lưỡi gươm buốt giá.
Hãy nói cho ta biết, đâu là nơi có sự công chính, nghĩa là tình yêu với đôi mắt mở to sáng suốt?
Vậy các ngươi hãy sáng tạo nên tình yêu, tình yêu chẳng những chỉ mang chứa tất cả mọi hình phạt mà còn mang chứa tất cả lỗi lầm!
Vậy các ngươi hãy sáng tạo nên công lý, công lý xá tội cho mọi người, trừ kẻ đứng ra xét xử!
Các ngươi còn muốn nghe ta nói lời này chăng? Nơi một kẻ muốn công chính một cách khắt khe, thì chính sự dối trá lại trở thành lòng nhân từ khoan ái với những người khác.
Nhưng làm thế nào ta có thể công chính tuyệt đối được? Làm thế nào ta có thể ban cho mỗi người phần của họ được? Chính điều này là đầy đủ đối với ta: Ta ban cho mỗi người phần của ta.
Sau cùng, hỡi các anh em, hãy đề phòng đừng phạm điều bất công với những ẩn sĩ cô đơn. Làm sao một ẩn sĩ lại có thể quên được? Làm sao y có thể báo trả lại được?
Một ẩn sĩ cô đơn cũng tựa như một giếng sâu thăm thẳm. Ném xuống đó một hòn đá là chuyện dễ, nhưng khi hòn đá đã rơi xuống đáy sâu, hãy nói cho ta biết, ai là kẻ sẽ nhặt nó lên?
Hãy coi chừng đừng xúc phạm đến kẻ ẩn sĩ cô đơn. Nhưng nếu các ngươi đã xúc phạm đến ông ta thì, được rồi, cứ giết luôn ông ta đi!”
Zarathustra đã nói như thế.