watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 60 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 60 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

1

Ta vừa nhìn sâu vào đôi mắt mi, hỡi Cuộc đời: ta đã nhìn thấy kim ngân lấp lánh trong đôi mắt đen thẳm tuyệt vời của mi. Khoái lạc ấy làm tim ta ngưng tiếng đập.
Ta đã nhìn thấy một chiếc thuyền vàng lấp lánh trên những làn nước đen thăm thẳm, một chiếc thuyền vàng óng bập bềnh, lướt sóng sâu thêm mãi, tan biến và lóe lên những dấu hiệu mới.
Mi ném một cái nhìn về phía đôi chân cuồng say khiêu vũ của ta, một cái nhìn ru nhẹ, tươi cười, nồng ấm hỏi han:
Chỉ có hai lần, bằng đôi tay của mi, mi lung lay chiếc vòng - và chân ta đong đưa, cuồng say nhảy múa.
Đôi gót chân ta bám chặt, đôi mắt cá chân ta lắng nghe để hiểu rõ lời mi: kẻ khiêu vũ luôn mang theo thính quan trong những đôi mắt cá.
Ta đã nhảy bổ về phía mi; lúc ấy mi đã lùi lại trước đà hăng nồng của ta: và lọn tóc dài bay phất phới của mi lượn sát về phía ta!
Bằng một cái nhảy, ta lánh xa mi cùng những con rắn của mi; nhưng mà mi đã có mặt ở đấy rồi, dáng nhẹ nghiêng xoay, đôi mắt tràn đầy khát vọng.
Với tia nhìn ám muội, mi dạy ta những con đường cam khổ; trên những con đường quanh co khổ nhọc, chân ta học biết những lọc lừa gian trá!
Ta sợ hãi mỗi khi mi gần gũi, ta yêu thương mỗi khi mi xa cách; cuộc trốn chạy của mi kéo ta gần lại, sự tìm kiếm của mi xui ta dừng bước: - ta đau khổ, nhưng, vì mi, có gì mà ta lại không sẵn lòng chịu đau khổ!
Mi, kẻ bị sự lạnh lùng đốt sáng, sự hận thù quyến rũ, sự chạy trốn gắn bó, kẻ bị những sự chế nhạo cười cợt làm động lòng!
Ai mà không thù ghét mi, hỡi kẻ trói buộc, bao bọc, dụ hoặc, hỡi kẻ kiếm tìm đang tìm gặp kia ơi! Ai mà lại không yêu mến mi, trong vẻ ngây thơ, nôn nóng, hỡi kẻ phạm tội hối hả với đôi mắt thơ dại kia ơi!
Giờ đây, mi lôi kéo ta về đâu, hỡi đứa trẻ hoang đàng, đỏm dáng? Và kìa, mi lại chạy trốn ta lần nữa, phũ phàng, bội bạc.
Ta đuổi theo mi bằng bước chân khiêu vũ, ngay cả trên một sàn nhảy mấp mô. Mi ở đâu? Hãy đưa tay cho ta nắm! Hay chỉ cần đưa ra một ngón tay thôi!
Nơi đây có nhiều hang động và bụi rậm: chúng ta sẽ lạc đường biền biệt! - Hãy dừng lại! Dừng bước lại đi thôi! Mi không nhìn thấy những con cú, những con dơi cất cánh bay lên?
Đồ cú vọ là mi! Đồ dơi đêm! Mi muốn miệt thị ta? Chúng ta đang ở đâu đây? Mi đã học tru rống từ loài chó?
Mi khả ái chìa về phía ta những chiếc răng trắng nhọn, đôi mắt dữ tợn của mi nhảy xổ về phía ta.
Ồ! Cuộc khiêu vũ gian nguy! Ta là kẻ săn đuổi: - mi muốn làm con chó săn hay con mồi của ta?
Giờ đây hãy lại gần ta! Nhanh hơn thế nữa, hỡi kẻ nhảy nhót xấu xa dị hợm! Giờ đây hãy nhảy lên cao! Và nhảy bên kia! - Khổ thân cho ta, khi nhảy lên, ta đã rơi phịch xuống đất!
A, hãy nhìn ta nằm sóng sượt? Hãy nhìn xem ta van nài ơn huệ nơi mi! Ta rất thích bước theo mi trên những con đường khả ái hơn;
- những con đường của tình yêu, xuyên qua những bụi rậm muôn màu tịch mịch! Hoặc là bên dưới kia, dọc theo cái hồ có những con cá vàng bơi lội nhảy múa tung tăng.
Giờ đây mi đã thấm mệt? ở dưới kia có những đàn cừu và những buổi hoàng hôn óng chuốt: nằm yên say ngủ khi những mục tử thổi sáo vi vu há chẳng phải là điều tuyệt diệu?
Mi đã quá mệt mỏi? Ta sẽ mang mi đến đó. Ta chỉ xin mi buông xuôi tay xuống! Có lẽ mi cũng khát? - Ta có thức uống sẵn đây, nhưng miệng lưỡi mi lại không thích uống!
Ồ! Con rắn nhanh nhẹn giảo quyệt này, mụ phù thủy luồn lọt trườn uốn này! Mi đã bỏ đi đâu? Trên mặt ta, ta còn thấy hai dấu tích của bàn tay mi, hai vết đỏ!
Thực ra, ta chán ngán vì cứ mãi làm kẻ chăn chiên ngoan ngoãn của mi! Hỡi mụ phù thủy, từ trước đến nay ta đã ca hát cho mi, giờ đây mi hãy vì ta mà la hét!
Mi phải nhảy múa và la hét theo nhịp roi của ta! Nhưng mà, ta đã bỏ quên cái roi ở nơi nào đó? - Ồ, không đâu!

2

Lúc bấy giờ, Cuộc đời trả lời ta như thế này, sau khi đã bịt chặt đôi tai thanh mảnh:
“Ồ, Zarathustra! Đừng nhấp nhấp cái roi của mi! Mi biết rõ mà: tiếng động ồn ào ám sát tư tưởng, - và kìa, óc ta đang dậy lên những tư tưởng rất đỗi dịu dàng.
Cả hai chúng ta đều là những kẻ phá đám thực sự. Bên kia bờ cõi thiện ác mới là xứ miền chúng ta tìm thấy hải đảo cùng đồng cỏ xanh rờn của chúng ta - của riêng hai chúng ta mà thôi! Chính vì thế chúng ta phải yêu thương nhau!
Và nếu ngay cả khi chúng ta không thành tâm yêu thương nhau tận đáy lòng, thì có phải vì thế mà chúng ta ghét bỏ nhau chăng?
Và mi há không biết rằng ta yêu thương mi? Thường khi ta lại yêu thương mi quá độ: lý do là vì ta ghen tức với Trí huệ Hiền minh của mi. Ồ! Trí huệ Hiền minh ngàn đời đó!
Nếu Trí huệ Hiền minh có lần vuột thoát khỏi mi thì, hỡi ôi, cả đến tình yêu của ta nữa cũng nhanh chân chạy trốn”.
Lúc bấy giờ, Cuộc đời đưa mắt đăm đăm nhìn lại đằng sau và chung quanh mình rồi hạ thấp giọng:
“Hỡi Zarathustra, mi không đủ trung thành với ta!
Mi không yêu ta thiết tha như lời mi nói; ta biết rằng mi muốn lìa bỏ ta liền ngay sau đấy.
Có một quả chuông cổ kính, nặng nề, rất đỗi nặng nề: quả chuông gióng lên báo hiệu nửa đêm ở trên kia, âm thanh vẳng đến tận hang động của mi;
- khi nghe chuông ấy báo nửa đêm, mi liền nghĩ đến chuyện rời bỏ ta sau đó.
Hỡi Zarathustra, mi nghĩ đến chuyện ấy mà, ta biết rằng mi muốn rời bỏ ta liền đó!”
Ta ngập ngừng đáp lại: “Ờ, phải rồi, nhưng mà mi, mi cũng biết thế mà”. Và ta thì thầm đôi lời vào tai Cuộc đời, giữa đám tóc rối màu cỏ khô xõa tung điên loạn.
“Mi biết thế à, hỡi Zarathustra? Chẳng ai biết điều đó cả đâu”.
Và cả hai chúng ta nhìn nhau và chúng ta đưa mắt nhìn đồng cỏ bao la, nơi cơn gió mát buổi chiều nhẹ thổi, rồi chúng ta cùng bật khóc. - Nhưng lúc bấy giờ, Cuộc đời đối với ta còn thân thiết hơn là tất cả Trí huệ Hiền minh của ta.

Zarathustra đã nói như thế.

3

Một!
Ới con người, hãy cẩn trọng!
Hai!
Nửa đêm sâu thẳm nói gì?
Ba!
“Ta đã ngủ, ta đã ngủ,
Bốn!
“Ta đã thức dậy từ một giấc ngủ say:
Năm!
“Trần gian thì sâu thẳm.
Sáu!
“Sâu thẳm hơn là ánh ngày từng nghĩ đến.
Bảy!
“Nỗi khổ đau của trần gian thì sâu thẳm.
Tám!
Hoan lạc sâu thẳm hơn đau khổ.
Chín!
Đau khổ lên tiếng: hãy trôi qua và tàn tạ!
Mười!
“Nhưng mọi hoan lạc đều khao khát thiên thu!
Mười một!
“Khao khát thiên thu thăm thẳm!”
Mười hai!
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch