watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 50 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 50 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

Khi Zarathustra trở lại đất liền, hắn không tiến thẳng về ngọn núi và hang đá của mình, nhưng cứ đi vòng vo quanh quẩn và nêu ra nhiều câu hỏi, đầu óc hắn biết được điều này việc nọ, đến đỗi hắn cười cợt nói về chính mình: “Ta là một con sông, qua nhiều khúc quanh co, đang chảy ngược về nguồn!” Bởi vì Zarathustra muốn biết loài người đã ra sao trong thời gian hắn vắng mặt: loài người đã trở thành cao cả hay nhỏ bé ti tiện hơn. Một ngày kia, Zarathustra nhìn thấy một dãy nhà mới; lúc ấy hắn kinh ngạc tự hỏi:
“Mấy ngôi nhà này có nghĩa gì đây? Thực thế, chẳng tâm hồn vĩ đại nào đã xây dựng nên chúng để biểu tượng cho chính linh hồn mình!
Một đứa trẻ ngu ngốc nào chắc hẳn đã kéo chúng ra từ chiếc hộp đồ chơi? Vậy, một đứa trẻ khác phải xếp chúng vào lại trong hộp!
Và những căn buồng cùng những căn gác nọ: con người có thể bước ra từ đó và trở về lại đó được chăng? Ta thấy hình như chúng được tạo ra cho những hình nhân bằng lụa, hoặc những con mèo tham lam sẵn sàng để người ta ve vuốt”.
Rồi Zarathustra dừng lại, suy nghĩ miên man. Sau cùng hắn buồn bã nhủ lòng: “Mọi sự đã trở thành nhỏ bé ti tiện hơn!
Khắp nơi, ta đều nhìn thấy những chiếc cửa thấp hơn: những người mang dòng máu của ta hãy còn có thể bước ngang qua cửa đó, nhưng họ phải khòm lưng xuống!
Hỡi ơi! Khi nào ta mới trở về quê hương yêu dấu, nơi ta sẽ không bị cưỡng bách phải cúi thấp, phải nghiêng mình trước những kẻ ti tiện nhỏ bé !”
Zarathustra thở dài đưa mắt nhìn vào chốn xa xôi diệu vợi.
Cùng ngày đó, Zarathustra đọc bài thuyết giáo nói về đức hạnh làm cho nhỏ bé ti tiện.



2



“Ta bước qua giữa đám dân chúng này và ta đã giữ cho mắt ta mở rộng: bọn chúng không tha thứ nếu ta không chịu ganh tị với những đức hạnh của chúng.
Bọn chúng cắn xé ta vì ta bảo với bọn chúng rằng: với đám người nhỏ bé, phải có những đức hạnh ti tiện, - thế bởi vì ta không hiểu nổi rằng sự hiện hữu của những đám người nhỏ bé là cần thiết !
Ta luôn luôn giống một con gà trống lạc lõng trong một sân nuôi gà vịt xa lạ, một con gà trống mà ngay cả những con gà mái ranh cũng xúm vào mổ cắn; nhưng ta không thù ghét những con gà mái ấy.
Ta lễ phép đối với chúng như đối với tất cả những điều bực bội nhỏ bé; chìa gai góc bén nhọn của mình ra đối với những tên nhỏ bé, theo ý ta đấy chỉ là sự khôn ngoan của loài nhím.
Buổi tối, khi quây quần chung quanh lò sưởi, tất cả bọn họ đều ồn ào bàn luận đến ta; bọn họ nói về ta, nhưng thử hỏi mấy ai chịu vì ta mà tư tưởng!
Đấy chính là sự im lặng mới mà ta đã học được: tiếng ồn ào chúng rây rắc chung quanh ta trải nặng một chiếc áo choàng lên những tư tưởng của ta.
Bọn chúng bàn tán với nhau: “Đám mây u ám ấy muốn gì nơi chúng ta? Hãy coi chừng, không khéo nó lại mang đến một cơn dịch hạch!”
Vừa mới đây một mụ đàn bà đã giữ chặt đứa con lại không cho tiến đến gần ta. Mụ hét tướng lên: “Hãy dắt trẻ con lánh xa! Những đôi mắt như vậy sẽ đốt cháy linh hồn những đứa trẻ”.
Bọn chúng ho khúc khắc khi ta nói: bọn chúng tưởng rằng ho là một vấn nạn đập vào những cơn gió lớn, - bọn chúng chẳng hề đoán ra nổi hơi gió của hạnh phúc ta!
“Chúng ta hãy còn chưa có thời giờ cho Zarathustra”, đấy là điều bọn chúng vấn nạn; nhưng một thời đại “không có thời giờ” cho Zarathustra thì nào có đáng gì?
Bọn chúng vẫn xưng tụng vinh danh ta: nhưng làm sao ta có thể ngủ yên trên vinh quang của chúng được? Lời ca tụng của bọn chúng đối với ta là một vòng gai nhọn, lời ca tụng ấy vẫn còn chích đâm đau nhói mỗi khi ta nâng nhắc nó lên.
Ngay cả điều này nữa, ta cũng đã học được giữa đám bọn chúng: kẻ nào ca tụng thì làm bộ như trả lại cái gì người ta đã ban cho hắn song thực ra, hắn chỉ muốn người ta ban phát cho hắn càng nhiều hơn nữa!
Hãy hỏi bàn chân ta xem! Thực ra, chân ta chẳng muốn nhảy múa cũng chẳng muốn đứng yên bất động trên một nhịp điệu và trên những tiếng tích tắc như thế.
Bọn chúng muốn lôi cuốn ta về với đức hạnh nhỏ bé của chúng, bọn chúng muốn lôi chân ta nhảy múa theo nhịp điệu của hạnh phúc nhỏ bé.
Ta bước qua giữa đám dân chúng này và ta giữ cho mắt ta mở rộng trừng trừng: bọn chúng đã trở thành nhỏ bé và bọn chúng tiếp tục càng lúc càng trở thành nhỏ bé hơn: - điều ấy bắt nguồn từ học thuyết về hạnh phúc và đức hạnh của bọn chúng .
Bởi vì bọn chúng khiêm tốn ngay cả trong đức hạnh; bọn chúng muốn được thoải mái, dễ chịu. Thế mà, chỉ có đức hạnh nhỏ bé khiêm tốn mới hòa hợp được với sự thoải mái, dễ chịu.
Cố nhiên, bọn chúng cũng học biết theo lối riêng để đi thẳng tới trước: nhưng ta gọi đó là đi quàng xiên - vì thế bọn chúng trở thành một chướng ngại cho tất cả những ai vội vã.
Và nhiều kẻ trong bọn chúng bước tới trước mà mắt vẫn nhìn lui lại sau, chiếc cổ thẳng đơ: ta sẵn lòng va mạnh vào bọn người đó!
Chân và mắt phải không được dối trá, cũng không được chối bỏ. Nhưng có nhiều sự dối trá giữa những con người nhỏ bé.
Một vài kẻ trong bọn chúng “ước muốn”, nhưng phần lớn chỉ là “bị ước muốn”. Một vài kẻ trong bọn chúng là chân thật, nhưng phần lớn chỉ là những tên đóng kịch hạng tồi.
Trong đám bọn chúng có những tên đóng kịch mà không tự biết và những tên đóng kịch bất đắc dĩ, - những kẻ thành thật thì luôn luôn hiếm hoi, nhất là những kẻ đóng kịch thành thật.
Ở đây rất hiếm những đức tính của đàn ông: chính vì thế, đàn bà mới biến thành đàn ông. Bởi vì chỉ kẻ nào đủ lẫm liệt trượng phu mới có thể giải thoát người đàn bà trong con người đàn bà.
Và đây là điều giả đạo đức tệ hại nhất ta đã gặp trong đám bọn chúng: cả kẻ ban lệnh chỉ huy cũng giả vờ có những đức hạnh của kẻ vâng phục.
“Tôi phục vụ, anh phục vụ, chúng ta phục vụ”, - sự giả đạo đức của những kẻ thống trị đọc tụng như thế, và khốn thay cho những kẻ mà vị thầy tối tôn của họ chỉ là kẻ tôi tớ hàng đầu.
Hỡi ôi! Sự tò mò của đôi mắt ta cũng đã lang thang lạc lõng đi đến với những sự giả đạo đức của bọn chúng: và ta đã đoán rõ đúng thứ hạnh phúc ruồi nhặng cùng tiếng vù vù trước những cửa kính nhuộm nắng của chúng.
Ta thấy hễ còn có lòng thiện hảo tốt lành, thì còn có sự yếu đuối. Hễ còn có sự công chính, lòng lân mẫn xót thương, thì còn có sự yếu đuối.
Bọn chúng tròn trịa, chính trực và thiện ích đối với nhau, như những hạt cát tròn trịa, chính thực và thiện ích đối với những hạt cát.
Choàng ôm khiêm tốn một hạnh phúc nhỏ bé, đấy là điều bọn chúng gọi là sự “khiêm nhẫn” và trong lúc đó, chúng đã vội vàng khiêm tốn mắt la mày lét liếc nhìn một hạnh phúc bé nhỏ khác!
Trong sự ngây ngô khờ khạo của bọn chúng, thật ra chúng chỉ muốn một điều duy nhất: muốn đừng ai xử ác với mình. Chính vì thế chúng mới sốt sắng với mỗi người và làm điều thiện cho mỗi người.
Nhưng đấy là sự hèn nhát : dẫu chúng gọi đó là “đức hạnh”.
Và khi những con người nhỏ bé ấy nói đến sự khô rắn, tàn bạo, thì ta chỉ nghe trong giọng nói họ sự khàn hơi khàn tiếng, bởi vì mỗi một cơn gió đều làm họ khan tiếng khản hơi!
Bọn chúng tinh tế, những đức hạnh của bọn chúng có những ngón tay tinh tế. Nhưng chúng thiếu những nắm tay: những ngón tay của chúng không biết giấu mình sau những nắm tay cứng rắn.
Đối với bọn chúng, đức hạnh chính là cái làm thành khiêm tốn và thuần tính: nhờ đức hạnh, chúng đã biến một con chó sói thành một con chó nhà và biến con người thành loài gia súc tuyệt hảo nhất cho con người.
Nụ cười thỏa thích bé nhỏ của chúng như nói với ta: “Chúng tôi đã đặt ghế ngồi của mình vào chỗ giữa, cách đều những tay giác đấu đang giãy chết và những con heo cái thỏa thuê”.
Nhưng đấy, đấy chính là sự tầm thường : dẫu rằng nó có được gọi là sự điều độ.



3



Ta bước qua giữa đám đông này và đã để rơi rớt xuống nhiều lời, nhiều tiếng: nhưng bọn chúng không biết chộp lấy, cũng chẳng biết giữ lại.
Bọn chúng ngạc nhiên sao ta đã không đến để sỉ mạ sự phóng đãng cùng những tật xấu; và thật vậy, ta cũng chẳng đến để khuyên bảo mọi người đề phòng những tên bợm móc túi.
Bọn chúng ngạc nhiên sao ta không sẵn sàng làm cho chúng hết khờ khạo ngớ ngẩn và mài giũa sự khôn ngoan hiền triết của bọn chúng: làm như thể hãy còn chưa có đủ những kẻ tinh ma mà giọng nói nghiến rít như một cây viết chì than đá!
Khi ta thét lên: “Hãy nguyền rủa tất cả những con quỷ hèn nhát đang ở trong các ngươi, những con quỷ muốn kêu rên than vãn, muốn chắp tay nguyện cầu và kính ngưỡng” thì lúc bấy giờ bọn chúng ồn ào la ó: “Zarathustra là kẻ bất kính”.
Và đám giáo sư dạy sự khiêm nhẫn cho bọn chúng lại la ó to hơn ai hết, nhưng chính bọn đó là những kẻ mà ta thích rống vào tai chúng lời này: “Ờ! Ta là Zarathustra, kẻ bất kính!”
Đám giáo sư dạy sự khiêm nhẫn đó! Ở khắp mọi nơi, chỗ nào có sự nhỏ bé ti tiện, sự bệnh hoạn và giống bướm vải, thì nơi đó bọn chúng bò lê lui tới như những con rận; và chỉ sự kinh tởm của ta mới ngăn không cho ta nghiến nát bọn chúng.
Thế nhưng, đây là bài thuyết giáo của ta dành cho tai bọn đó : ta là Zarathustra, kẻ bất kính đã nói rằng: “Ai là kẻ bất kính hơn ta, để ta sung sướng được thọ huấn cùng hắn?”
Ta là Zarathustra, kẻ bất kính: ta sẽ tìm thấy người đồng đẳng với ta ở nơi đâu? Đồng loại của ta là tất cả những người nào tự phó mình cho ý chí họ và giải thoát khỏi mọi hình thức khiêm nhẫn.
Ta là Zarathustra, kẻ bất kính: ta nấu sôi trong chiếc nồi của ta tất cả những gì ngẫu nhiên. Và chỉ khi nào sự ngẫu nhiên được nấu chín đúng độ rồi ta mới đón chào nó để làm dưỡng chất nuôi sống đời ta .
Thật vậy, nhiều sự ngẫu nhiên đã tiến đến gần ta như một ông chủ: nhưng ý chí của ta đã lên tiếng nói với nó còn lẫm liệt uy vũ hơn nữa, và nó đã quỳ gối trước mặt ta để van xin -
- van xin ta ban cho chỗ trú ngụ cùng sự đón tiếp thân ái, và nó bảo với ta bằng giọng nịnh nọt tâng bốc: “Này Zarathustra, nhìn xem, chỉ có một người bạn mới đến nhà một người bạn như thế!”
Nhưng tại sao ta lại lên tiếng nói, khi chẳng còn ai nghe! Ta muốn thét lớn lên khắp ngàn phương gió lộng:
Hỡi các người nhỏ bé, các ngươi càng lúc càng nhỏ bé thêm lên, các ngươi bị chia cắt phân xé thành từng mảnh vụn, các ngươi, những kẻ ưa thích sự an nhàn thoải mái! Rốt cuộc lại, các ngươi sẽ chết -
- sẽ chết vì những đức hạnh nhỏ bé, vì sự sơ hốt nhỏ bé, vì sự khiêm nhẫn nhỏ bé của các ngươi.
Các ngươi quá xoay xở, các ngươi quá kiêng dè: đấy là miền đất đang nuôi dưỡng các ngươi! Nhưng muốn một cây trở thành lớn mạnh, thì những gốc rễ của cây ấy phải đâm thẳng vào đá cứng!
Ngay những gì các ngươi loại bỏ cũng kết dệt thành bức màn tương lai của nhân loại, ngay cả hư vô của các ngươi cũng là một mạng nhện sống nhờ máu của tương lai.
Và khi các ngươi lấy đi, thì như thể các ngươi đánh cắp, hỡi những người đức hạnh nhỏ bé; tuy nhiên, ngay trong đám trộm cắp lừa đảo, danh dự cũng bảo rằng: “Chỉ nên đánh cắp nơi nào ta không thể cướp lấy”.
“Điều đó được ban cho” - đấy cũng là một học thuyết của sự khiêm nhẫn. Nhưng ta, ta bảo cùng các ngươi, những kẻ ưa sự an nhàn thoải mái: điều đó được lấy đi và điều đó sẽ luôn luôn lấy đi từ các ngươi nhiều hơn nữa!
Hỡi ôi! Ước gì các ngươi thoát khỏi những ước muốn nửa vời như thế, ước gì các ngươi tự mình quyết định cho sự lười biếng cũng như cho hành động.
Hỡi ôi! Ước gì các ngươi hiểu thấu lời ta: “Hãy luôn luôn làm điều các ngươi muốn, - nhưng trước hết hãy là những kẻ có thể ước muốn !”
“Hãy yêu thương kẻ lân cận như chính mình, nhưng trước hết hãy là kẻ yêu thương chính mình -
- Yêu thương chính mình với tình yêu bao la, với sự khinh bỉ ngất trời!” Zarathustra, kẻ bất kính, đã nói như thế.
Nhưng tại sao lại nói khi chẳng ai nghe! Thời gian hãy còn quá sớm cho ta.
Giữa đám đông dân chúng này ta là kẻ tiên phong cho chính mình, ta là tiếng gà gáy cất lên trên những con đường tối ám báo hiệu cho chính ta.
Nhưng giờ của chúng đã đến! Và cả giờ của ta nữa cũng đến rồi! Từng giờ, từng phút bọn chúng càng trở nên nhỏ bé, nghèo nàn, vô bổ hơn, - loài cỏ khốn khổ! đất đai khốn nạn!
Và chẳng bao lâu bọn chúng sẽ ở trước mặt ta như cỏ khô, như một hoang nguyên, và thật vậy, bọn chúng chán ngán mỏi mệt vì chính mình, - và bọn chúng khát lửa còn hơn là khát nước!
Ôi, giờ phút hạnh phúc của sấm sét! Ôi, bí nhiệm trước buổi Ngọ Thiên! Một ngày kia ta sẽ biến bọn chúng thành những đám lửa chạy và những kẻ tiên báo với những cái lưỡi bằng lửa: -
- Chúng sẽ tiên tri bằng những cái lưỡi lửa: ồ, nó đang đến, nó đang cận kề, buổi Đại Ngọ Thiên kia!”



Zarathustra đã nói như thế.
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch