PHẦN THỨ BA - 46 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
“Các ngươi nhìn lên cao khi các ngươi khát vọng sự thăng tiến. Còn ta, ta cúi nhìn xuống thấp bởi vì ta đã lên đến chốn cao vời mù tuyệt.
Ai trong các ngươi có thể cười ngất khi được nâng lên trên những đỉnh cao?
Kẻ nào đã leo lên những ngọn núi cao nhất đều bật cười vì tất cả những bi kịch giả tạo hay có thực”.
Zarathustra, Về Đọc và Viết
KẺ LANG THANG PHIÊU BẠT
Đêm đã nửa khuya khi Zarathustra bắt đầu lên đường ở trên đỉnh núi cao của hải đảo để sáng sớm hôm sau có thể sang đến bờ bên kia, đấy chính là nơi hắn muốn cập bến. Ở đấy có một hải cảng thuận lợi mà những tàu bè ngoại quốc thích buông neo; các tàu bè này chở những dân cư ở vùng đảo Vĩnh Phúc muốn vượt biển. Thế nhưng, trong khi leo qua ngọn núi, dọc đường tâm trí Zarathustra cứ nghĩ đến vô vàn những chuyến lữ hành cô đơn mà hắn đã thực hiện trong thời thanh xuân. Và biết bao là quả núi, biết bao là chỏm ngọn cùng chóp đỉnh hắn đã vượt qua.
Ta là một khách lữ hành phiêu bạt, một tay trèo núi, Zarathustra tự nhủ lòng, ta không thích những đồng bằng và ta thấy rằng ta không thể bất động một thời gian lâu được.
Bất kể số mệnh ta là gì, bất luận những cuộc phiêu lưu nào đang chờ đợi ta, ta vẫn luôn luôn thấy đó là một cuộc lữ hành, một chuyến đăng sơn: rốt cuộc thì mỗi người chỉ sống điều mà họ cưu mang sẵn trong tự thân.
Đã qua rồi những thời ta có thể phó mặc sự việc cho may rủi, và còn có gì có thể xảy đến với ta mà lại đã không sẵn thuộc về ta?
Nó chỉ việc quay trở về thôi, và sau cùng nó trở về với ta, cái bản ngã riêng tư của ta cùng những thành phần của chính nó mà từ lâu đã ở ngoại quốc, phân tán giữa tất cả những sự việc và những tình cờ, ngẫu nhĩ.
Ta còn biết một điều này nữa: giờ đây ta đang đứng trước đỉnh cao cuối cùng của đời ta, ta đang đứng trước điều đã bị tách xa khỏi ta trong một khoảng thời gian dài lâu vời vợi. Than ôi! Ta phải leo qua con đường nhiêu khê hiểm trở nhất của ta! Hỡi ơi! Ta đã bắt đầu cuộc lữ hành cô độc nhất của ta!
Nhưng bất luận kẻ nào thuộc dòng giống của ta cũng đều không tránh khỏi giờ phút đó, giờ phút lên tiếng bảo: “Chỉ giờ đây mi mới theo con đường cao nhã của mi! đỉnh cao và hố thẳm đã hòa lẫn vào nhau!
Mi đang bước đi trên con đường cao đại của mi: giờ đây những gì từ trước đến nay là mối nguy hiểm tối hậu của mi thì bây giờ lại trở thành nơi ẩn náu tối thượng cho mi.
Mi đang bước đi trên con đường cao đại của mi: giờ đây lòng can đảm vô song của mi là cảm nhận rằng đằng sau mi chẳng còn con đường nào nữa!
Mi đang bước đi trên con đường cao đại của mi: ở đây chẳng ai còn lén lút theo đuổi mi! Chính những bước chân mi đã xóa sạch con đường đằng sau, bên trên con đường đó đã viết nên dòng chữ: Bất khả.
Và nếu từ đây trở đi mi không có được chiếc thang nào thì mi phải biết leo vượt lên khỏi đầu mình: mi còn muốn làm thế nào khác hơn nữa, để leo lên cao hơn?
Leo lên đầu mi, vượt qua bên kia, bên trên cõi lòng riêng tư của mi! Lúc ấy điều êm dịu nhất đối với mi sẽ trở thành cay đắng nhất.
Kẻ nào cứ mãi sợ sệt e dè thì rốt lại sự sợ sệt e dè thái quá sẽ làm hắn mang bệnh. Phúc thay cho những gì làm thành cứng rắn! Ta không ca tụng những xứ miền tràn lan bơ nồng mật ngọt.
Muốn thấy nhiều thứ thì phải tập đưa mắt nhìn ra ngoài mình - sự cứng rắn tàn bạo ấy cần thiết cho tất cả những kẻ nào leo núi.
Song kẻ nào đi tìm tri thức với đôi mắt lộ liễu hớ hênh thì làm thế nào hắn có thể nhìn được gì khác hơn là những lý lẽ cạn cợt?
Nhưng còn mi, hỡi Zarathustra! Mi muốn nhìn thấu tất cả những lý lẽ cùng căn để vạn sự:[1] vậy thì mi phải tự vượt lên chính mình, - vượt lên cao hơn, cao tít đến tận chỗ mà ngay cả những vì sao cũng còn nằm la đà bên dưới mi!
Vâng! Từ trên cao nhìn xuống chính mình và cả những vì sao của mình nữa: chỉ điều đó với ta mới là đỉnh cao , điều đó với ta vẫn là đỉnh cao tối hậu phải vượt qua!”
Zarathustra tự nhủ như thế trong khi vượt núi và an ủi lòng mình bằng những châm ngôn cứng rắn, bởi vì tim hắn bị tổn thương tan nát hơn bao giờ hết. Khi hắn đã lên đến đỉnh cao của hải đảo, hắn nhìn thấy mặt biển phía bên kia trải dài trước mắt: lúc bấy giờ, hắn đứng lặng yên và câm nín không lời trong một lúc lâu. Nhưng trên đỉnh cao này, đêm thì lạnh lẽo và trong sáng và đầy những vì sao nhấp nhánh.
Sau cùng, Zarathustra buồn bã nhủ lòng: “Ta đã nhận ra số phận của ta rồi. Nào! Ta đã sẵn sàng. Nỗi cô đơn tối hậu của ta vừa mới khởi đầu.
Hỡi ơi! Hỡi biển cả buồn thảm đen ngòm bên dưới ta. Ồ, hỡi nỗi bất mãn tối đen khuya khoắt! Ồ, số mệnh; ồ, biển cả! Chính mi là nơi chốn ta phải hướng về.
Ta đang đứng trước đỉnh núi cao nhất và cuộc lữ hành biền biệt nhất đời ta: chính vì thế ta phải đi xuống, đi xuống thật sâu như ta chưa bao giờ lên cao như thế.
Lặn xuống thật sâu trong đau khổ như ta chưa từng bao giờ lặn xuống, đến tận làn sóng tối đen sầu khổ nhất! Số mệnh của ta muốn như thế! Được rồi! Ta đã sẵn sàng.
Những ngọn núi cao nhất phát sinh từ đâu? Xưa kia ta đã hỏi như thế. Lúc bấy giờ, ta đã học biết được rằng những ngọn núi cao nhất xuất sinh từ biển cả.
Ấn tích đó được ghi hằn trên những tảng đá và những chỏm cao đứng dựng. Chính từ chốn thấp nhất là nơi mà chỗ cao nhất đạt đến đỉnh cao của mình”.
Zarathustra đã nói như thế trên đỉnh núi cao nơi khí trời buốt lạnh; nhưng khi hắn tiến đến gần biển và sau cùng chỉ còn mình hắn chơ vơ đơn chiếc giữa những tảng đá ngầm lố nhố, hắn lại cảm thấy mệt mỏi vì con đường của mình và lòng hắn tràn đầy khát vọng hơn bao giờ hết.
“Vạn sự đều hãy còn ngủ yên, - hắn bảo. Ngay cả biển cả cũng yên ngủ. Con mắt kỳ lạ mơ màng mê ngủ của biển cả nhìn về ta.
Nhưng hơi thở của biển cả thì nồng ấm, ta cảm nhận được điều đó. Và ta cũng cảm biết được rằng biển cả đang nằm mộng. Trong khi nằm mộng, biển cả trở mình lăn lộn trên những gối tảng chai cứng.
Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Những hoài niệm xấu xa làm biển thốt ra những lời rên xiết! Hoặc giả đó là những điềm triệu bất tường?
Hỡi ôi! Ta sầu thảm cùng mi, hỡi con quái vật u tối, và ta lại thù ghét chính mình vì mi.
Hỡi ôi! Sao tay ta lại không có đủ sức mạnh? Quả thực, ta muốn giải thoát mi ra khỏi những giấc mộng xấu gở!”
Trong khi nói như thế, Zarathustra bật cười về chính mình với tấc lòng u hoài cay đắng.
Hắn bảo: “Sao! Zarathustra! Mi lại còn muốn ca hát những lời vỗ về biển cả?
Hỡi ôi! Hỡi Zarathustra, hỡi thằng điên mà đầy lòng từ ái, say mê tín cẩn? Nhưng mà bao giờ thì mi cũng vẫn như thế đó: mi luôn luôn thân ái tiến đến gần những sự vật khủng khiếp.
Mi muốn vuốt ve tất cả những con quái vật. Một thoáng hơi thở nồng ấm, một tí lông mềm chung quanh những vuốt sắc: chỉ cần như thế là mi lập tức thương yêu và lôi cuốn về với mình!
Tình yêu là mối nguy hiểm của con người cô đơn một bóng; tình yêu đối với vạn sự miễn là chúng sống động ! Thật vậy, cơn điên cuồng và lòng khiêm tốn nhún nhường của ta trong tình yêu có một vẻ gì đáng buồn cười!”
Zarathustra đã nói như thế và hắn lại bật cười một lần nữa; nhưng vừa khi ấy hắn vụt nghĩ đến những bạn bè bị bỏ rơi, và như thể đã phạm tội với họ trong tư tưởng, hắn lại vụt nổi giận với chính mình vì những tư tưởng của mình. Và liền đó, trong khi vẫn còn cười, Zarathustra lại bật khóc: - hắn khóc u hoài cay đắng vì giận dữ và hối tiếc triền miên.
[1] “Mi muốn nhìn thấu tất cả những lý lẽ cùng căn để vạn sự”, Grund và Hintergrund. Grund vừa có nghĩa là nền tảng, vừa có nghĩa là lý tính, lý lẽ, đáy sâu, nên chúng tôi dùng chữ lý lẽ và căn để.