- 56 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
1
Ngôn ngữ ta là ngôn ngữ của dân chúng; ta nói năng quá thô tháo, quá thân ái đối với những kẻ khờ khạo tầm thường. Nhưng lời nói của ta có vẻ lạ lùng hơn đối với những văn sĩ quèn và những văn sĩ chỉ tổ bôi cho bẩn giấy.
Tay ta là bàn tay của một thằng điên: khốn thay cho tất cả những tấm bảng và những tường thành; khốn thay cho tất cả những gì có chỗ cho những trang sức và những bức tranh quèn của một gã điên!
Chân ta là một móng ngựa; ta dùng nó phi nước kiệu phóng nước đại trèo non vượt suối cùng nơi, và ta mang theo con quỷ cùng tấm thân khoái lạc trong cuộc phóng chạy của ta.
Dạ dày ta có lẽ là dạ dày một con ó. Vì nó thích thịt cừu hơn cả mọi thứ khác. Nhưng chắc chắn nó là dạ dày của loài chim.
Được nuôi dưỡng bằng những sự vật hồn nhiên đạm bạc, sẵn sàng đánh căp và nôn nóng bay cao - ta là thế đó; làm sao ta không tự xem mình thuộc loài chim cho được!
Nhất là, vì ta là kẻ thù của tinh thần trì độn nặng nề nên ta mới kể mình thuộc loài chim: thực vậy, ta là kẻ tử thù, kẻ thù bất cộng đái thiên, kẻ thù muôn kiếp. Nơi nào mà sự thân thiết của ta lại đã không bay lên và lạc lối?
Ta có thể cất lên một giọng hát ở trên kia - và ta muốn hát lên giọng đó: dẫu rằng ta cô tịch một mình trong một căn nhà trống và ta chỉ có thể hát riêng cho những lỗ tai chúng ta mà thôi.
Cố nhiên, cũng có những ca sĩ khác chỉ có được chiếc họng nhu nhuyễn, bàn tay hùng biện, con mắt chứa chan biểu lộ và quả tim thức tỉnh khi nào căn nhà lố nhố những người: - còn ta, ta không giống với họ.
2
Kẻ nào một ngày kia dạy cho con người biết bay thì sẽ phải thay đổi tất cả những biên thùy giới hạn; đối với hắn, ngay cả những biên thùy cũng bay bổng lên cao; hắn đặt tên thánh lại cho trái đất, hắn sẽ gọi trái đất là “đứa con nhẹ nhàng”.
Con đà điểu phóng nhanh hơn con tuấn mã nhanh nhất, nhưng cả con đà điểu cũng hãy còn nặng nhọc giấu đầu vào đất cát nặng nề: người nào chưa biết bay cũng thế.
Hắn thấy cả trái đất lẫn đời sống là nặng nề, và đấy chính là điều mà tinh thần trì độn ước muốn! Thế nhưng, kẻ nào muốn trở thành nhẹ bỗng như chim thì phải yêu thương chính mình: - ta, Zarathustra, ta dạy như thế.
Không phải thương yêu chính mình bằng tình yêu của những con bệnh và những kẻ cuồng loạn: bởi vì nơi những người đó, ngay cả lòng tự ái cũng bốc lên mùi hôi thối.
Phải học yêu thương chính mình, ta dạy các ngươi như thế, yêu thương chính mình bằng một tình yêu trong sạch, lành mạnh: để mình có thể chịu đựng nổi mình và đừng lang thang lêu lổng.
Sự lang thang lêu lổng này có tên là “tình yêu kẻ láng giềng đồng loại”: chính bằng chữ “tình yêu” này người ta đã nói dối tài tình, đã giấu giếm cho đến tận bây giờ, nhất là bởi những kẻ đè nặng lên mọi người hơn là ai khác.
Thực vậy, học yêu thương chính mình, đấy không phải là một mệnh lệnh cho hôm nay hoặc cho ngày mai. Trái lại, đấy là nghệ thuật vi tế nhất trong các nghệ thuật, nghệ thuật quỷ quyệt nhất, nghệ thuật sau cùng và kiên nhẫn nhất.
Bởi vì đối với kẻ đã sở đắc nghệ thuật đó, mọi sự sở đắc đều được che giấu cẩn mật; và trong tất cả những kho tàng, kho tàng nào gần ngươi nhất sẽ được khám phá sau cùng, - đấy là công trình của tinh thần trì độn nặng nề.
Ngay khi còn nằm trong nôi, người ta đã mớm cho chúng ta những lời lẽ, những giá trị nặng nề; “Thiện” và “Ác”: đó là tên của món di sản ấy. Vì cớ những giá trị này, người ta tha thứ cho chúng ta để cho chúng ta được sống.
Chính để cấm đoán đúng lúc không cho họ yêu thương chính mình, người ta mới để cho những đứa con đến với mình: đấy là công trình của tinh thần trì độn nặng nề.
Còn chúng ta - chúng ta trung thành kéo lê theo những gì người ta chất lên mình, trên đôi vai mạnh mẽ, bên trên những ngọn núi khô cằn! Và khi chúng ta đổ mồ hôi ra thì người ta bảo: “Ờ, cuộc đời quả thật nặng nề để ta mang vác!”
Nhưng thật ra, chỉ có con người mới nặng nề để ta mang vác! Bởi vì hắn kéo lê trên đôi vai mình quá nhiều sự việc dị kỳ xa lạ. Tựa con lạc đà, hắn quỳ gối xuống để người ta chất đầy lưng mình.
Nhất là con người khỏe mạnh, kiên nhẫn, kẻ có tinh thần đáng kính: hắn mang chất trên đôi vai quá nhiều lời lẽ và giá trị xa lạ nặng nề, - cho đến khi đời sống biến thành một sa mạc đối với hắn!
Thật vậy, nhiều sự việc riêng tư của các ngươi cũng quá nặng nề để mang vác! Và ở bên trong thì con người giống với con sò, con người cũng đáng tởm, mềm nhão, trơn tuột khó nắm bắt,
- đến độ phải cần đến một thứ vỏ quý phái cùng với những đồ trang sức cao nhã. Nhưng ngay cả nghệ thuật này cũng cần phải được học hỏi cẩn trọng: nghệ thuật làm cho có được một lớp vỏ ngoài, một bộ dạng đẹp đẽ và một sự hôn mê mù quáng khôn ngoan!
Nơi con người, ta còn bị đánh lừa về nhiều chuyện, và sự buồn bã, nghèo nàn của những lớp vỏ chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Nhiều sức mạnh và lòng tốt bị che kín đã chẳng bao giờ được đoán nhận ra; những món ăn khoái khẩu nhất không gặp được người thưởng thức.
Những người đàn bà biết rõ điều đó, những người đàn bà tao nhã nhất. Béo một chút, ốm một chút. - Ồ! Biết bao là vận số gắn liền với một chuyện ngó chẳng ra gì!
Rất khó mà khám phá ra con người, và còn khó khăn vạn bội là việc tự khám phá ra chính mình; tinh thần vẫn thường nói dối về linh hồn. Đấy là công trình của tinh thần trì độn nặng nề.
Những kẻ nào đã tự mình khám phá ra chính mình, sẽ bảo: “Đây là điều thiện của ta và điều ác của ta”. Bằng những lời lẽ đó, hắn làm câm miệng loài chuột chũi và tên lùn bảo rằng: “Thiện chung cho tất cả mọi người, ác chung cho tất cả mọi người”.
Thực vậy, ta cũng chẳng yêu mến những kẻ nào cho rằng mọi sự đều tốt lành đối với họ và thế giới này là thế giới tốt đẹp nhất trong các thế giới. Ta gọi họ là những kẻ tự mãn.
Sự tự mãn nếm qua mọi sự: đấy không phải là mùi vị tuyệt vời nhất! Ta xưng tụng những cái lưỡi cùng những dạ dày ương ngạnh, khó khăn, đã học nói lên những tiếng: “Tôi”, “Vâng” và “Không”.
Nhưng gặm nhai tiêu hóa tất cả, thì đấy là điều tuyệt trần cho những con lợn! Luôn luôn kêu lên I-A,[1] thì chỉ có những con lừa cùng những kẻ thuộc giống lừa mới học như thế!
Màu vàng sẫm và đỏ nồng: sở thích của ta đòi hỏi như thế, - sở thích của ta pha trộn máu vào tất cả mọi màu. Nhưng kẻ nào quét vôi trắng căn nhà mình thì kẻ đó biểu lộ một tâm hồn bị quét vôi trắng.
Có kẻ mê say những xác chết khô, kẻ khác lại say mê những bóng ma; tất cả bọn chúng đều là thù địch của thịt da xương máu. Tất cả bọn chúng đều không hợp với ta. Bởi vì ta thích máu.
Ta không thích ở nơi mà mỗi người đều khạc nhổ, sùi bọt mồm bọt miệng: đấy là sở thích của ta , - ta rất thích được sống giữa những tên trộm cùng những lời thề thốt giả dối. Chẳng ai có vàng trong miệng cả.
Nhưng mà kẻ liếm nước bọt lại làm ta kinh tởm hơn nữa; và con thú đáng tởm nhất ta đã gặp giữa loài người, ta gọi nó là con vật ăn bám: nó không muốn yêu thương, nhưng nó lại muốn sống nhờ tình yêu.
Ta gọi là khốn khổ kẻ nào chỉ có một sự chọn lựa giữa hai đàng: trở thành những con thú hay những tay trị thú dã man hung tợn. Ta không muốn xây nhà ta bên cạnh họ.
Ta cũng gọi kẻ phải luôn luôn chờ đợi là khốn khổ, - tất cả những tên thu thuế thông hành và những tên chủ hiệu buôn, tất cả những ông vua và những kẻ bị thanh toán ấy đều không hợp với ta.
Thật vậy, cả ta nữa, ta cũng đã học đợi chờ, nhưng ta chỉ chờ đợi chính mình. Nhất là ta đã học đứng thẳng, bước đi, chạy nhảy, leo trèo và khiêu vũ.
Đây là đạo lý của ta: bất luận kẻ nào muốn học bay thì trước hết phải học đứng thẳng, bước đi, chạy nhảy, leo trèo và khiêu vũ. Người ta không thể nhất đán bay bổng ngay liền được.
Với những chiếc thang dây, ta đã học leo lên hơn một chiếc cửa sổ, với đôi chân dẻo dai khéo léo ta đã leo lên những cột buồm: ngồi trên những cột buồm vút cao của tri thức bao giờ cũng là một hạnh phúc vĩ đại đối với ta!
- bốc lửa trên những cột buồm cao như những ngọn lửa con: chỉ là một chút ánh sáng lắt lay, nhưng lại là một nỗi khích lệ lớn lao cho những chiếc tàu chìm và những kẻ đắm tàu.
Ta đã đến được chân lý của ta theo nhiều con đường và bằng nhiều cách; ta đã không dùng một chiếc thang duy nhất để leo lên đến đỉnh cao nơi đó mắt ta đắm chìm trong cõi xa xăm.
Lòng ta bao giờ cũng vẫn miễn cưỡng khi phải mở miệng hỏi đường, - chuyện đó luôn trái ngược với lòng ta! Ta luôn luôn thích tra vấn và thử thách chính những con đường.
Thử thách và tra vấn, đấy là lộ trình của ta: - thật vậy, người ta cũng phải học trả lời cho những câu hỏi như thế! Vì đấy là sở thích của ta:
- đấy không phải là một sở thích tốt hay xấu, nhưng đấy là sở thích của ta , sở thích mà ta không xấu hổ cũng chẳng cần giấu giếm.
“Từ trước đến giờ đấy là con đường của ta , - còn đâu là con đường của nhà ngươi?” ta đã trả lời như thế cho những kẻ hỏi ta về “con đường”. Bởi vì không có con đường .
Zarathustra đã nói như thế.
[1] Trang 322 : I-A: tiếng kêu của con lừa, trong Đức ngữ là Ia , đọc giống với Ja là vâng, dạ, ừ. Kéo dài giọng đọc tiếng I-A, thì ta sẽ có chữ Dạ của Việt ngữ, một chữ Dạ chỉ rõ tính cách giả mạo của con lừa trong sự chấp nhận. Ở đây, Việt ngữ gần Đức ngữ hơn là các bản Pháp và Anh.