- 66 -
Tác giả: Friedrich Nietzsche
1
Nhưng khi vòng quanh một tảng đá, Zarathustra lại nhìn thấy cách đó không xa ở bên trên hắn, trên cùng đường đi, có một người đang múa máy tay chân như một tên điên giận dữ rồi cuối cùng y quăng mình nằm sấp xuống mặt đất. Lúc bấy giờ, Zarathustra tự nhủ: “Ta hãy dừng bước! Kẻ đó hẳn là con người thượng đẳng, chính tiếng kêu thống khổ đầy khủng khiếp đã xuất phát từ miệng y, - ta muốn thử xem ta có thể tiếp cứu gì được không”. Nhưng khi Zarathustra chạy vội đến bên người đàn ông đang nằm sấp trên mặt đất, thì hắn nhìn thấy một lão già run rẩy, đôi măt trừng trừng; tất cả những cố gắng của Zarathustra để dựng lão ta dậy và làm lão ta đứng lên đều vô ích. Kẻ khốn khổ dường như chẳng nhận thấy rằng có người ở bên cạnh; trái lại, y không ngớt ngó nhìn dớn dác láo liên và làm những cử chỉ rất não lòng, như một kẻ bị hắt hủi bỏ rơi, bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới. Tuy nhiên, rốt cuộc, sau nhiều cơn rùng mình nhảy nhổm, co quắp cả thân người, y bắt đầu than vãn bằng những lời lẽ sau đây:
Ai sẽ sưởi ấm ta, ai còn yêu thương ta nữa?
Hãy đưa về ta những bàn tay nồng ấm!
Hãy cho ta than hồng để sưởi nóng con tim.
Nằm sóng sượt, run rẩy,
Như một kẻ đang hấp hối được sưởi ấm đôi chân
Run lẩy bẩy vì những cơn sốt xa lạ,
Run rẩy trước những mũi tên giá buốt bén nhọn
của mùa Đông
Một kẻ bị ngươi săn đuổi, hỡi tư tưởng!
Bất khả danh, ẩn khuất, kinh hoàng,
Kẻ săn đuổi những đám mây trời!
Bị ngươi giáng sấm sét xuống đầu,
Con mắt chế giễu đăm đăm nhìn ta từ đáy sâu bóng tối
Ta nằm dài như thế đó,
Ta uốn cong người, lăn tròn, vặn vẹo đớn đau
Hứng chịu tất cả những khổ hình ngàn kiếp
Bị bắn hạ
Bởi bàn tay ngươi, kẻ thợ săn tàn bạo nhất trần đời,
Ngươi, vị Thượng đế bí ẩn lạ lùng!
Hãy xuyên thấu mạnh thêm!
Hãy xuyên thấu thêm một lần nữa,
Hãy xuyên thủng vỡ tan quả tim nồng ấm!
Tại sao vẫn diễn mãi những khổ hình đau đớn
Với những mũi tên cùn nhụt này?
Tại sao ngươi còn ngắm nhìn
Mà không bao giờ chán ngán nỗi thống khổ đớn đau
của nhân loại,
Với ánh sáng chớp lòa ngạo nghễ trong đôi mắt thần
linh của ngươi?
Ngươi không muốn giết người,
Mà chỉ muốn hành hạ đớn đau, hành hạ đớn đau?
Tại sao ngươi lại hành hạ ta thống khổ?
Hỡi Thượng đế giảo quyệt, bí ẩn lạ lùng?
Ồ! Ồ!
Ngươi đã trườn lết đến gần
Trong đêm khuya tịch mịch.
Ngươi muốn gì? Cứ lên tiếng đi!
Ngươi xô đẩy ép chạm sát vào ta.
Ồ, ngươi đã tiến đến quá gần!
Hãy cút đi! Cút cho thật gấp!
Ngươi đang nghe làn hơi ta thở,
Ngươi đang nghe quả tim ta máy động
Hỡi kẻ ganh tị là ngươi!
Ngươi ganh tị vì điều chi thế?
Hãy cút đi! Cút đi! Tại sao lại có chiếc thang này?
Ngươi muốn thâm nhập vào
Tận tim ta nồng ấm?
Tận những tư tưởng
Bí ẩn nhất của ta chăng?
Hỡi kẻ mặt dày mày dạn! Kẻ bí ẩn! - Tên trộm đạo!
Ngươi muốn ăn trộm những gì?
Ngươi muốn rình dò nghe lén những gì?
Ngươi muốn được gì từ sự giày vò hành hạ?
Hỡi ngươi, kẻ giày vò hành hạ!
Hỡi ngươi, đấng Thượng đế vừa là Đao thủ!
Hoặc giả ta phải như con chó,
Lăn tròn trước mặt ngươi?
Tận tụy, loạn cuồng, ly tán khỏi bản thân mình,
Ve vẩy đuôi bày tỏ lòng yêu thương ngươi?
Hoài công vô ích thôi! Hãy xuyên sâu thêm nữa!
Hỡi chiếc gai nhọn tàn bạo nhất! Không,
Ta không phải là con chó ngoan ngoãn của ngươi, -
ta chỉ là con thịt của ngươi thôi,
Hỡi tay thợ săn hung tợn,
Kẻ tù nhân kiêu hãnh nhất của ngươi
Hỡi kẻ trộm đạo bên kia những đám mây lờ lững!
Sau cùng, ngươi hãy nói đi,
Ngươi muốn gì nơi ta, hỡi kẻ trộm đạo trên đường,
Ngươi, kẻ ẩn thân dưới những lằn chớp! Kẻ bí ẩn,
hãy nói đi!
Ngươi muốn gì nơi ta, - hỡi Thượng đế bí ẩn xa lạ!
Sao? Tiền chuộc của ta à?
Tại sao ngươi lại muốn một món tiền chuộc?
Nhưng mà ngươi đòi hỏi quá nhiều đấy nhé!
Lòng kiêu hãnh của ta khuyên ngươi như thế!
Và ngươi hãy nói cho thật ít lời - lòng kiêu hãnh khác
của ta khuyên ngươi như thế!
Ha ha!
Chính ta là điều ngươi muốn? Ta!
Ta à? Toàn thể con người ta?
Ha ha!
Và ngươi lại giày vò hành hạ ta, hỡi kẻ điên dại là ngươi!
Ngươi đã giày vò hành hạ lòng kiêu hãnh của ta!
Hãy ban cho ta tình yêu - ai là người sẽ sưởi ấm ta?
Ai là kẻ vẫn còn thương yêu ta?
Hãy chìa về ta những bàn tay nồng ấm!
Hãy cho ta than hồng để sưởi nóng con tim!
Hãy ban cho ta, kẻ tối ư cô độc,
Kẻ mà băng giá, ồ, băng giá bảy tầng
Đã dạy cho khao khát kẻ thù
Khao khát, ngay cả những thù địch,
Hãy ban cho ta, - ờ, ban cho trọn vẹn
Hỡi kẻ thù hung tợn nhất,
Hãy ban cho ta trọn vẹn hồn ngươi!
Ồ, hắn đã biến mất rồi,
Ngay cả hắn cũng đã cao chạy xa bay,
Kẻ đồng hành độc nhất, cuối cùng,
Kẻ đại thù,
Người xa lạ bí ẩn của ta,
Tên đao thủ thần linh!
Không! Ngươi hãy quay trở lại
Cùng với tất cả những giày vò thống khổ,
Ngươi hãy quay trở lại với con người cô đơn cuối
cùng trong số những kẻ cô đơn!
Ồ, ngươi hãy quay trở lại!
Tất cả những suối lệ của ta
Đều ào chảy đến ngươi,
Và ngọn lửa nồng lay lắt sau cùng của tim ta
Lại bừng sáng vì ngươi!
Ồ, ngươi hãy quay trở lại,
Ngươi, Thượng đế bí ẩn xa lạ! Ngươi, nỗi thống khổ!
Ngươi, nỗi niềm hạnh phúc cuối cùng của ta!
2
Nhưng đến đây thì Zarathustra không thể dằn lòng lâu hơn được nữa, hắn cầm lấy cây gậy, giáng hết sức bình sinh vào kẻ đang than vãn. Vừa quất đập hắn vừa thét lớn trong tiếng cười phẫn nộ:
“Dừng lại, dừng lại ngay, đồ đóng trò hề! Đồ làm bạc giả! Quân dối trá thành tinh! Ta đã nhận rõ ra mi rồi!
Ta muốn châm lửa vào hai chân mi, hỡi đồ phù thủy vô liêm sỉ, ta biết nướng chín những kẻ mang dòng máu của mi”.
- “Thôi, thôi! Lão già vừa năn nỉ vừa nhảy phắt dậy, đừng đánh tôi nữa, hỡi Zarathustra! Tôi làm tất cả mọi trò đó chỉ để đùa bỡn thôi mà!
Những trò ấy nằm trong nghệ thuật của tôi; tôi chỉ muốn thử nghiệm chính ngài khi đưa ra sự thử thách nhỏ mọn đó![1] Nhưng thật ra, ngài đã thấu suốt ý định của tôi.
Song, cả ngài nữa - sự thử thách ngài đã ban cho tôi không phải là nhỏ! Ngài cứng rắn phũ phàng , hỡi Zarathustra hiền triết! Ngài đánh đập tàn nhẫn với những “chân lý” của ngài, cây tích trượng có đốt của ngài bắt tôi phải thú nhận chân lý ấy!”
Zarathustra trả lời, giọng hãy còn tức giận và gương mặt sa sầm:
“Chớ nịnh hót ta, hỡi tên kép hát tận linh hồn. Mi là giả mạo. Mi nói gì về chân lý?
Mi, con công của những con công, đại dương của hư vinh phù phiếm, mi đã diễn trò gì trước mặt ta đó hở, đồ phù thủy xấu xa? Ta sẽ phải tin vào ai khi mi cất lời than vãn như thế?”
Lão già đáp:
“Tôi chính là Kẻ khổ hạnh của tinh thần . Ngày xưa, chính ngài đã bày đặt ra chữ này,
- nhà thi sĩ pháp sư sau cùng dùng tinh thần mình chống lại chính mình, kẻ đã bị chuyển hóa từ nội tâm và bị tri thức khoa học xấu xa cùng ý thức bất ổn của y làm thành băng giá cứng đơ.
Và ngài nên thú thật điều này đi, hỡi Zarathustra. Ấy là, muốn khám phá ra những trò tiểu xảo cùng những dối trá của tôi, ngài đã phải cần đến thời gian! Khi nâng đầu tôi lên giữa hai bàn tay, ngài đã tin rằng tôi đang thực sự bị khốn khổ giày vò.
Tôi đã nghe ngài rên rỉ: “Người đời chẳng thương yêu y, họ chẳng thương yêu y tí nào!”
Đánh lừa được ngài về điểm này là điều làm cho sự hung tợn của tôi thầm kín cất tiếng reo vui”.
Zarathustra trả lời, giọng tàn nhẫn:
“Mi hẳn đã đánh lừa được nhiều kẻ tinh tế hơn ta về chuyện đó. Ta không cẩn trọng đề phòng đối với những kẻ cố ý đánh lừa. Ta phải coi thường sự cẩn trọng, số phận ta muốn thế.
Nhưng còn mi - mi phải lầm lẫn: ta hiểu mi khá đủ để biết rõ điều ấy! Những lời nói của mi bao giờ cũng phải có hai, ba hay bốn nghĩa. Ngay cả những gì mi vừa thú nhận bây giờ cũng chẳng đủ thật, cũng chẳng đủ hư đối với ta!
Hỡi đồ làm bạc giả dữ tợn, làm sao mi có thể hành động khác đi! Mi sẽ che đậy tô điểm cả đến chứng bệnh của mi nếu mi xuất hiện trần truồng trước viên y sĩ chữa trị cho mi.
Cũng thế, mi vừa mới tô điểm che đậy sự dối trá của mi trước mặt ta, khi mi bảo rằng: “chỉ để đùa bỡn thôi mà!” Cả trong câu nói đó cũng có vẻ nghiêm trang đứng đắn . Mi đúng là một cái gì giống như một kẻ khổ hạnh của tinh thần!
Ta đoán nhận ra mi rồi: mi đã trở thành viên Pháp sư cho tất cả mọi người thiên hạ, thế nhưng đối với chính bản thân mi, mi chẳng còn dối trá lẫn giảo quyệt nữa, - đối với chính bản thân mi, mi đã vỡ mộng và tỉnh ngộ!
Mi đã gặt hái sự kinh tởm như là chân lý độc nhất của mi. Nơi con người mi, chẳng còn lời nào là thật nữa, nhưng cái miệng của mi hãy còn là thật: nghĩa là, sự kinh tởm đang dán chặt vào miệng mi”.
Khi Zarathustra nói đến đây thì viên Pháp sư già lớn tiếng trả lời bằng giọng cao ngạo:
“Ngài là ai chứ! Ai lại dám nói với ta như thế, nói với ta, kẻ vĩ đại nhất trong những người còn sống ngày hôm nay?” - và y ném một cái nhìn xanh lục phủ chụp lấy Zarathustra. Nhưng liền sau đó, y thay đổi thái độ và buồn rầu bảo:
“Hỡi Zarathustra, tôi đã mỏi mệt với tất cả những thứ đó, các nghệ thuật của tôi làm tôi kinh tởm, tôi không là người vĩ đại. Nào có ích gì mà giả vờ như thế! Nhưng ngài biết rõ điều này: tôi đã tìm kiếm sự cao đại!
Tôi muốn biểu trưng cho một vĩ nhân và có rất nhiều người đã bị tôi thuyết phục tin theo như vậy: nhưng sự dối trá này đã vượt quá sức tôi. Chính sự dối trá này làm tôi vỡ tan thây.
Hỡi Zarathustra! Nơi con người tôi tất cả đều là dối trá; nhưng tôi vỡ tan thây - đó lại là điều có thật nơi tôi”.
Zarathustra đáp, dáng vẻ u sầu và đôi mắt lặng lẽ cúi nhìn xuống đất:
“Đi tìm sự cao đại như thế là một điều vinh dự về phần mi, nhưng sự tìm kiếm đó cũng phản bội mi nữa. Mi không vĩ đại.
Hỡi lão già pháp sư vô liêm sỉ, điều tốt đẹp nhất và chân thật nhất nơi mi, điều mà ta xưng tụng nơi mi, là mi đã mỏi mệt chán ngán chính bản thân mình và mi đã thốt lên câu: “Tôi không là người cao đại”.
Chính đó là chỗ làm ta xưng tụng mi như một kẻ khổ hạnh của tinh thần: dẫu cho đấy là điều chỉ xảy ra trong một chớp mắt, thì trong chớp mắt ấy mi cũng đã chân thực.
Nhưng, hãy nói cho ta biết mi tìm gì ở đây trong những khu rừng, giữa những tảng đá của ta ? Và nếu mi đã nằm dài trên con đường ta đi chỉ vì ta, thì thử hỏi, mi muốn chứng cứ gì từ nơi ta?
Mi muốn cám dỗ hoặc thử thách ta về chuyện gì?”
Zarathustra nói như thế và đôi mắt hắn tóe lửa. Lão già pháp sư im lặng một lúc, rồi trả lời:
“Tôi đã cám dỗ hoặc thử thách chăng? Tôi chỉ tìm kiếm mà thôi.
Hỡi Zarathustra, tôi đi tìm một kẻ nào chân thực, thẳng thắn, đơn sơ, một kẻ không giả vờ, một kẻ tuyệt đối liêm khiết, một chiếc bình đựng trí huệ hiền minh, một bậc thánh của tri thức, một vĩ nhân!
Ngài há không biết thế sao, hỡi Zarathustra? Tôi đi tìm Zarathustra ”.
Lúc bấy giờ, một sự im lặng trải dài ra giữa hai người; trong khi ấy, Zarathustra đắm chìm vào một trầm tư thăm thẳm, đến nỗi hắn nhắm mắt lại. Nhưng sau đó, quay trở về với kẻ đối thoại, Zarathustra cầm lấy bàn tay của lão già pháp sư và bảo, giọng đầy lễ độ pha giảo hoạt:
“Được rồi! Trên kia là con đường dẫn đến hang đá của Zarathustra. Hang đá của ta chính là chỗ ngươi có thể tìm kiếm kẻ mà ngươi khát khao tìm kiếm.
Và ngươi hãy hỏi ý kiến hai con thú của ta, con ó và con rắn: chúng sẽ giúp ngươi tìm kiếm. Nhưng hang đá ta rất rộng lớn.
Quả thật, chính bản thân ta, ta cũng chưa nhìn thấy bậc vĩ nhân nào. Đối với cái gì cao đại, thì con mắt của kẻ tinh tế nhất ngày hôm nay cũng hãy còn quá thô vụng. Thời này là thời ngự trị của đám tiện dân.
Ta đã gặp quá nhiều người vươn tay duỗi chân và phình lớn bụng ra, trong khi đám dân chúng la gào: “Kìa, kìa! Một vĩ nhân!” Nhưng mà tất cả những chiếc bễ thợ rèn ấy dùng được vào việc gì cơ chứ? Rốt lại, gió luôn luôn chui lò ra từ chúng.
Rốt lại, con ếch luôn luôn phải vỡ tan thây, con ếch đã phình bụng quá to: lúc bấy giờ, gió trốn thoát khỏi bụng ếch. Đâm mũi nhọn vào bụng một kẻ vênh váo, ta gọi đấy là một cuộc giải trí hấp dẫn. Các con yêu dấu của ta ơi, hãy lắng nghe điều đó!
Hiện tại của chúng ta đang thuộc về đám tiện dân: ai còn biết được kẻ nào là lớn hay nhỏ nữa? Ai còn đi tìm sự cao đại mà thành công được chứ! Cao tay nhất là một kẻ điên: những người điên đang thành công trong việc đó.
Ngươi lại đi tìm những vĩ nhân, hỡi kẻ điên cuồng kỳ lạ; vậy, ai đã dạy ngươi đi tìm họ? Hôm nay có phải là lúc thuận tiện cho chuyện tìm kiếm đó không? Hỡi kẻ kiếm tìm ranh mãnh kia ơi! Tại sao ngươi lại cám dỗ và thử thách ta chứ?”[2]
Zarathustra đã nói như thế, tâm hồn hắn được khích lệ vui tươi, và vừa cất tiếng cười, Zarathustra vừa tiếp tục bước đi.
[1] “tôi chỉ muốn thử nghiệm chính ngài khi đưa ra sự thử thách nhỏ mọn đó”, chơi chữ với chữ Probe , vốn có hai nghĩa thử nghiệm, thử thách và trình diễn, trưng bày. Bản Việt ngữ chỉ diễn được một nghĩa.
[2] “Tại sao ngươi lại cám dỗ và thử thách ta chứ?” do động từ versuchen vừa có nghĩa là thử thách vừa có nghĩa là cám dỗ.