watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 42 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 42 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

“...Ta nhìn thấy một nỗi sầu muộn mênh mông lan phủ khắp loài người. Những người thiện hảo nhất cũng chán ngán công việc mình.
Một học thuyết được truyền bá, lôi kéo theo một niềm tin: “Mọi sự đều trống rỗng, mọi sự đều bình đẳng như nhau, mọi sự đều đã hoàn tất cả rồi!”
Và từ mọi ngọn đồi âm vọng lại hồi thanh: “Mọi sự đều trống rỗng, mọi sự đều bình đẳng như nhau, mọi sự đều đã hoàn tất cả rồi!”
Chúng ta quả đã có gặt hái: nhưng tại sao những hoa trái của chúng ta đều bị thối nhũn và hóa nâu? Đêm vừa qua, cái gì đã rơi từ mặt trăng xấu xa kia xuống?
Mọi công việc đều là vô bổ, rượu chúng ta trở thành thuốc độc, con mắt hung ác đã làm khô cháy những cánh đồng cùng trái tim chúng ta.
Tất cả chúng ta đều bị khô cháy; và nếu lửa đỏ rơi xuống, chúng ta sẽ biến thành tro than, chúng ta đã chán ngán cả lửa đỏ nữa.
Tất cả mọi suối nguồn đều khô cạn đối với chúng ta và biển khơi đã rút xuống. Toàn thể mặt đất đều lùi trượt dưới chân nhưng hố thẳm không chịu nuốt chửng chúng ta vào.
“Hỡi ôi! Còn tìm đâu ra một đại dương nơi ta có thể trầm mình?” Lời than vãn của chúng ta vang dội như thế, bên trên những đầm lầy cạn cợt.
Thực ra, chúng ta đã quá chán ngán mỏi mệt ngay cả đối với cái chết. Giờ đây chúng ta tiếp tục tỉnh thức và sống sót - trong những ngôi nhà mồ!”
Một lần nọ, Zarathustra đã nghe một viên bốc sư nói thế;[1] lời tiên tri của ông ta đi thẳng vào tim và chuyển hóa tim hắn. Hắn bước đi lang thang buồn bã, chán ngán; và hắn trở nên giống hệt như những kẻ mà viên bốc sư tiên tri đã nói đến.
Hắn bảo với các môn đệ: “Thật vậy, chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ bước vào một buổi hoàng hôn dằng dặc. Hỡi ôi! Làm thế nào cứu vớt ánh sáng của ta?
Làm thế nào để ánh sáng ta đừng bị ngạt thở trong nỗi buồn sầu rộng lớn đó? Ánh sáng ấy phải là ánh sáng soi chiếu những thế giới diệu vợi, những đêm tối xa vời nhất trong tương lai!”
Với lòng phiền não âu sầu như thế, Zarathustra cứ lang thang đây đó; suốt ba ngày, hắn chẳng ăn uống cũng chẳng ngủ nghỉ và mất hẳn tiếng nói. Sau cùng, Zarathustra rơi vào một giấc ngủ miệt mài. Các môn đệ ngồi vây quanh để canh giấc thật lâu; họ lo lắng chờ đợi Zarathustra tỉnh giấc, bắt đầu mở miệng nói lại và được chữa khỏi nỗi buồn.
Và đây là bài thuyết pháp của Zarathustra khi hắn thức tỉnh; tuy nhiên, giọng nói của hắn đến với đám môn đệ như đến từ một nơi xa xôi vời vợi:

“Hỡi các bạn, hãy lắng nghe giấc mộng mà ta đã thấy và giúp ta đoán ra ý nghĩa.
Giấc mộng vẫn còn là một ẩn ngữ đối với ta; ý nghĩa nó được giấu kín trong bản thân; bị giam cầm như thế, ý nghĩa ấy hãy còn chưa tung cánh bay lượn thỏa thuê bên trên giấc mộng.
Ta đã khước từ toàn thể sự sống, đó là điều ta đã mộng thấy. Ta đã trở thành một kẻ canh thức và gác dan cho các ngôi mộ, ở trên ngọn núi cô liêu của lâu đài Tử diệt.
Trên núi ấy chính là nơi ta canh giữ những quan tài của Tử diệt: những khung vòm ẩm mốc ngột ngạt đầy rẫy những của chiến thắng như thế. Xuyên qua những quan tài bằng thủy tinh, đời sống chiến bại đưa mắt ngắm nhìn ta.
Ta hít thở mùi vị những vĩnh cửu bụi bặm, linh hồn ta nằm đó, ngộp thở, phủ đầy bụi. Nơi đấy, ai là kẻ có thể thông hơi thoáng khí cho tâm hồn mình?
Đêm tối luôn luôn trong sáng chung quanh ta, nỗi cô đơn ngồi co rúm thu hình cạnh đêm tối; và một người bạn đồng hành thứ ba là sự im lặng chết chóc, ngắt quãng bởi những tiếng khò khè, người bạn tệ mạt nhất trong số các bạn của ta.
Ta có mang theo những chiếc chìa khóa, những chiếc chìa khóa hoen rỉ nhất; và ta biết dùng chúng để mở những cánh cửa cọt kẹt ồn ào nhất.
Giống tiếng kêu khàn khàn và hung dữ của một con quạ, những âm thanh lùa chạy khắp hành lang, khi những cánh cửa được mở ra: con chim ấy buông ra những tiếng kêu kinh tởm, nó không muốn bị đánh thức dậy.
Nhưng điều còn kinh hoàng hơn nữa, làm tim ta co thắt lại nhiều hơn, là khi mọi sự im tiếng, sự im lặng trở về ngự trị và ta ngồi một mình trong sự im lặng hung hiểm xảo quyệt đó.
Thời gian cứ trôi qua, cứ bò lướt qua như thế, nếu còn có thể nói đến thời gian - làm sao ta biết được! Nhưng rồi sau cùng xảy ra điều làm ta giật mình tỉnh dậy.
Ba lần, có những tiếng đập cửa như tiếng sấm sét, những khung vòm vang dội la rống lên ba lần liên tiếp: lúc bấy giờ ta tiến về phía cửa.
Ta kêu lên: “Alpa![2] Ai mang tro tàn hắn về núi cao? Alpa! Alpa! Ai mang tro tàn của hắn về núi cao?”
Ta tỳ cả người ấn trên chìa khóa, ta cố gắng nhấc cánh cửa lên, thân xác ta bị kiệt lực. Nhưng cánh cửa chẳng xê xích được lấy một phân.
Rồi một trận cuồng phong gầm thét bật tung hai cánh cửa ra: trận cuồng phong rít lên lồng lộn, kêu la, xuyên thấu, ném cho ta một cỗ quan tài đen:
Và giữa những tiếng gầm gừ, rít gió, những tiếng kêu thét lanh lảnh, cỗ quan tài vỡ nát, phun mửa ra hàng vạn chuỗi cười giòn giã.
Ta nhìn thấy hàng vạn khuôn mặt trẻ con, thiên thần, cú mèo, người điên cùng những con bướm lớn bằng những đứa bé nhăn mặt cười cợt, chế giễu, nguyền rủa ta.
Ta vô cùng hãi sợ; ta ngã bổ ra sau và kêu la kinh hoàng như chưa từng bao giờ kêu la như thế.
Nhưng tiếng kêu của ta đã làm ta vụt thức giấc. Và ta hồi tỉnh lại”.

Zarathustra thuật lại giấc mộng như thế, rồi im lặng: vì hắn hãy còn chưa thấu rõ ý nghĩa giấc mộng của mình. Nhưng người môn đệ được hắn thương yêu nhất đã đứng ngay dậy, năm lấy bàn tay Zarathustra, và bảo:

“Hỡi Zarathustra! Chính đời sống của thầy giải thích giấc mộng thầy đã thấy.
Chính bản thân thầy chẳng là ngọn gió rít lên lanh lảnh bật tung những cánh cửa của lâu đài Tử diệt đó sao?
Chính bản thân thầy chẳng là cỗ quan tài chứa đầy những hung bạo trăm màu nghìn sắc, những nét nhăn nhó thiên thần của đời sống?
Thực ra, tựa hồ trăm ngàn tiếng cười trẻ thơ, Zarathustra xông thẳng vào trong tất cả những căn phòng có người chết, cười cợt tất cả những kẻ canh đêm, tất cả những kẻ gác dan cho những ngôi mộ, tất cả những kẻ làm ồn ào náo động với những chiếc chìa khóa buồn rầu ảm đạm đó.
Thầy làm bọn họ sợ hãi đến ngã nhào bằng tiếng cười của thầy; và sự thức dậy chứng tỏ quyền lực của thầy đối với họ.
Ngay cả khi buổi hoàng hôn dằng dặc lê thê và nỗi chán ngán mỏi mệt chết người xảy đến, thầy, kẻ biện minh cho đời sống, thầy cũng sẽ không biến mất khỏi bầu trời của mình.
Thầy đã làm cho chúng con nhìn thấy được những ngôi sao mới, những vẻ lộng lẫy tinh khôi của đêm tối. Thực ra, thầy đã dàn trải tiếng cười bên trên chúng con như một mái lều muôn sắc.
Kể từ nay, những tiếng cười trẻ thơ sẽ luôn luôn tuôn trào từ những cỗ quan tài; một cơn gió mạnh sẽ mãi nổi lên lay động những nỗi chán ngán mỏi mệt chết người. Đối với chúng con, thầy chính là kẻ bảo đảm và kẻ tiên tri cho hiện tượng đó.
Thực ra, thầy đã mơ đến điều này: thầy đã mơ đến các thù địch của thầy: đấy là giấc mộng nặng nề nhất của thầy.
Nhưng cũng y như thầy đã thức giấc khỏi họ và hồi tỉnh trở về lại với mình, họ cũng sẽ thức tỉnh khỏi họ - và sẽ đến cùng thầy!”
Người môn đệ nói như thế, và các bạn đồng môn của anh ta chen chúc chung quanh Zarathustra, đưa tay nắm lấy tay hắn, họ muốn thuyết phục hắn rời khỏi giường, rời khỏi nỗi buồn để trở về lại với họ. Song Zarathustra vẫn ngồi thẳng trên giường, đôi mắt lạc loài xa lạ. Như một kẻ vừa trở về nhà sau một chuyến đi xa lâu ngày, hắn nhìn các môn đệ và chăm chú quan sát gương mặt họ, hắn vẫn chưa nhận ra được khuôn mặt của đám môn đồ. Nhưng khi các môn đệ nâng hắn đứng lên, đứng thẳng trên hai chân, thì đột nhiên mục quang của Zarathustra thay đổi hẳn, hắn hiểu rõ tất cả những gì đã xảy ra, hắn đưa tay vuốt râu và bảo bằng một giọng rổn rảng đầy khí lực:
“Thôi! Chuyện đó có lúc riêng của nó, hỡi các môn đệ, bây giờ hãy làm sao cho thầy trò chúng ta có được một bữa ăn ngon lành, và gấp gáp! Ta muốn đền chuộc lại những giấc mộng gở của mình bằng cách ấy!
Và hãy để viên bốc sư tiên tri ăn uống cạnh ta: thực vậy, ta sẽ chỉ cho lão một biển cả mà lão có thể đến trầm mình vào đó!”


Zarathustra đã nói như thế. Nhưng sau đó, hắn đăm đăm nhìn thật sâu vào mặt người môn đệ đã giải thích cho hắn nghe về giấc mộng, rồi hắn chậm rãi lắc đầu.


Chú thích:

[1] “viên bốc sư tiên tri” ở đây là hình ảnh của triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860), y sẽ xuất hiện trở lại ở Phần thứ tư.
[2] Alpa - từ cổ của chữ “Alp” (giống “elfe” trong tiếng Pháp) chỉ một cảnh tượng đáng sợ trong các giấc mơ.
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch