watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 29 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 29 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

Cuộc đời là một suối nguồn hoan lạc, nhưng bất cứ nơi nào có đám tiện dân đến uống thì mọi suối nguồn đều bị nhiễm độc.
Ta yêu tất cả những gì sạch sẽ; song ta không thể nhìn những chiếc mõm nhăn nhó và cơn khát của những kẻ nhơ bẩn.
Bọn chúng đã đưa mắt nhìn xuống đáy nguồn, giờ đây nụ cười kinh tởm của bọn chúng phản chiếu từ đáy sâu.
Bọn chúng đã làm nhiễm độc nước thánh bởi lòng tà dục, và khi gọi những giấc mộng nhơ nhớp của mình là niềm vui, thì bọn chúng cũng làm nhiễm độc luôn cả những danh từ.
Ngọn lửa phẫn nộ bừng bừng khi bọn tiện dân đem trái tim ẩm ướt của chúng đến gần; cả tinh thần cũng sôi sục bốc khói khi bọn tiện dân tiến đến gần ngọn lửa.
Trong bàn tay của đám tiện dân, mọi trái cây đều trở thành ngọt ngào chín nẫu; cái nhìn chùng lén của bọn chúng đủ làm cho cái cây ăn quả khô héo lụi tàn.
Đã có hơn một người quay mặt khỏi đời sống, chỉ vì muốn quay lưng lại với đám tiện dân: họ không muốn chia sẻ nước, lửa cùng hoa trái với bọn tiện dân.
Đã có hơn một người bỏ đi vào sa mạc chịu cơn khát cháy phổi cùng những con dã thú chỉ vì họ không muốn ngồi chung quanh bể nước cùng với bọn chăn lạc đà nhơ bẩn.
Đã có hơn một người, đến như những kẻ hủy diệt và như cơn giông mưa đá tàn phá những vườn cây ăn trái, - chỉ muốn đạp một đạp vào mõm bọn tiện dân để chặn họng chúng lại.
Và điều ta thấy khó nhai nuốt nhất không phải là niềm thâm tín rằng cuộc đời tự nó cần đến lòng thù hận, cái chết và thập giá của những kẻ tử đạo:
Song một ngày kia ta đã lên tiếng hỏi, - và câu hỏi hầu như làm ta nghẹt thở: Sao? Đời sống còn cần đến đám tiện dân ư?
Những suối nguồn bị nhiễm độc, những ngọn lửa bốc mùi hôi thối, những giấc mộng bị ô uế và những con sâu trong thực phẩm hằng ngày, là những điều cần thiết sao?
Không phải lòng thù hận, nhưng chính sự kinh tởm của ta đã gặm nhấm đời ta. Hỡi ôi, thường ta cũng chán ngán luôn cả tinh thần khi ta khám phá ra rằng cả đám tiện dân cũng có tinh thần!
Ta đã quay lưng lại với những kẻ thống trị khi ta nhìn thấy điều mà ngày hôm nay họ gọi là thống trị: cò kè mặc cả quyền hành, - và lại cò kè mặc cả với đám tiện dân!
Ta đã nhắm mắt bịt tai sống nơi những dân tộc có ngôn ngữ xa lạ, để cho ngôn ngữ họ dùng cò kè mặc cả về quyền hành cũng xa lạ với ta.
Và, bịt kín mũi, ta đã băng qua quá khứ cùng hiện tại với tấm lòng đầy bất mãn kinh tởm: thực vậy, tất cả quá khứ và hiện tại này đều bốc lên mùi hôi thối của đám tiện dân biết sử dụng chữ viết.
Tựa một kẻ tàn tật đã trở thành đui mù câm điếc: ta đã sống như thế để khỏi sống với bọn tiện dân của quyền lực, của ngòi bút và của những dục vọng.
Tinh thần ta đã leo lên nhiều bậc thang trong sự gian khổ và cẩn trọng, những của bố thí khoái lạc là sự khích lệ cho tinh thần ta; đời sống cứ chảy trôi nương theo cái gậy mù lòa của nó.
Chuyện gì đã xảy đến cho ta? Ta đã tự giải thoát khỏi sự kinh tởm ra sao? Ai đã làm tươi trẻ đôi mắt nhìn của ta? Làm thế nào ta đã cất cánh bay vút lên đến những miền non cao lồng lộng, nơi không còn có bọn tiện dân ngồi bên suối nước nữa?
Có phải chính sự kinh tởm buồn nôn của ta đã ban cho ta đôi cánh cùng những sức mạnh tiên kiến được các suối nguồn tươi mát? Thực vậy, hẳn ta đã phải bay lên cao tít mới tìm lại được suối nguồn hoan lạc!
Ồ, ta đã tìm thấy rồi, hỡi các anh em! Ở đây, nơi thâm cao diệu vợi, nguồn suối mê vui đã trào vọt lại cho ta! Vẫn còn có một dòng sống ta vục uống ngất ngây mà bọn tiện dân chưa bao giờ đặt môi tới được.
Hỡi nguồn suối hoan say, mi tuôn trào hầu như quá cuồng bạo! Và thường khi mi làm đổ ngược hết ly cốc khi muốn rót đầy!
Ta phải học cách tiến đến gần mi một cách khiêm tốn e dè hơn: tim ta đã tuôn chảy về với mi quá mãnh liệt:
Tim ta, nơi bừng cháy lửa hạ, mùa Hạ nồng say ngắn ngủi đầy u sầu say đắm hoan lạc của ta, ồ, quả tim mùa Hạ của ta khao khát vẻ tươi mát của mi ngần nào.
Nỗi buồn rầu do dự của mùa Xuân ta đã tan bay! Tan bay rồi sự dữ tợn của những bông tuyết tháng Sáu của ta! Ta đã hoàn toàn biến thành mùa hạ, hoàn toàn biến thành buổi xế trưa mùa Hạ.
Một mùa Hạ trên những đỉnh cao lồng lộng, với những suối nguồn mát lạnh và một sự im lặng tràn đầy lạc phúc. Ô! Hỡi các bạn ta, hãy đến, hãy đến đây, sao cho sự im lặng này có thể trở thành tràn đầy lạc phúc hơn nữa!
Bởi vì đây là đỉnh cao và quê hương của chúng ta : nơi cư trú của chúng ta quá cao sang, quá hiểm dốc[1] đối với tất cả những kẻ ô uế và cơn khát của họ.
Vậy thì, hỡi các bạn, hãy ném cái nhìn vào nguồn suối của nỗi hoan lạc ta! Làm thế nào nguồn suối ấy bị vẩn đục vì tia nhìn các bạn được? Nguồn suối cười vang trong vẻ tinh khiết.
Chúng ta xây tổ ấm trên cành cây của Tương lai; và trong chiếc mỏ cứng, những con ó sẽ mang lương thực đến cho chúng ta, những kẻ cô đơn!
Đấy là những lương thực mà bọn người ô uế sẽ không thể nào chia sẻ được! Vì bọn chúng sẽ tưởng rằng mình nuốt phải lửa hồng cháy bỏng cả họng.
Thực vậy, ở đây chúng ta sẽ chẳng sửa soạn nơi cư trú cho bọn người ô uế. Hạnh phúc của chúng ta tựa như một hang động băng giá làm cóng lạnh thân thể cùng tinh thần bọn chúng.
Và tựa những cơn gió mạnh, chúng ta muốn sống bên trên đầu chúng, gần gũi những con ó, gần gũi với tuyết lạnh, gần gũi với mặt trời: những cơn gió mạnh đều sống như thế.
Và như cơn gió, một ngày kia ta sẽ thổi về giữa bọn chúng, ta sẽ cắt đứt hơi thở của thần trí chúng bằng tinh thần ta: tương lai của ta muốn như thế!
Thực ra, Zarathustra là một cơn gió dữ đối với tất cả những miền thấp; và đây là lời khuyên hắn gửi đến những kẻ thù cùng tất cả những kẻ nào ho và khạc nhổ: “Hãy coi chừng, đừng khạc nhổ ngược chiều gió!”

Zarathustra đã nói như thế.









[1] “nơi cư trú của chúng ta quá cao sang, quá hiểm dốc” là cố gắng dịch câu hoch und steil leben , vừa có nghĩa đen là “sống ở một nơi cao vút và dốc đứng” vừa có nghĩa bóng là “sống một cách cao nhã quý phái và dũng cảm gan liều”.
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch